Monthly Archives: Tháng Năm 2016

Văn học nói gì với chúng ta về hiện thực?

Bài viết dưới đây là của bạn Nguyễn Thị Quỳnh Hương, sinh viên K65 (năm thứ nhất), khoa Ngữ văn, trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Trên thực tế, bài viết là bài điều kiện mà tôi ra cho sinh viên lớp mình dạy, với chủ đề “Văn học giúp chúng ta nhìn thấy hiện thực nào?” qua việc phân tích truyện ngắn “Câu bé chưa bao giờ thấy biển” của nhà văn Pháp J.M.G. Le Clézio (Giải Nobel Văn học 2008). Truyện ngắn này được in trong tập truyện ngắn của Le Clézio – Lũ mục đồng mà NXB Trẻ vừa ấn hành.

Được đọc bài viết này, với tôi, là một niềm vui nho nhỏ trong một kỳ học cả thầy cả trò đều chật vật do cấu tạo chương trình học bị xáo trộn. Tôi vui vì đọc được những suy nghĩ đẹp và chân thành của sinh viên. Vui vì thấy các em bắt đầu quan tâm đến cách diễn đạt hơn . Giới thiệu bài viết này trên blog cá nhân, tôi cũng mong có thể nhận được những chia sẻ hữu ích khác cho bạn Quỳnh Hương và cho tôi.

The sea

*

Càng ngày người ta càng nói nhiều về một xã hội hiện đại, một xã hội công nghiệp với những-điều-sẵn-có, một xã hội tưởng tiến bộ mà trong đó con người tưởng như được bảo bọc hơn bao giờ hết bởi luật pháp, những dịch vụ tiện nghi, những thiết bị vô cùng tối tân hiện đại. Không phủ nhận tất cả những điểm tích cực mà sự hiện đại ấy mang lại nhưng cái được gọi là bảo bọc trên có thật sự che chở được con người khi mà lúc này, chưa bao giờ con người lại trở nên bất an và dễ tổn thương đến thế. Phải chăng vì vậy mà hiện tại ta rất dễ để bắt gặp những cuộc “bỏ-trốn-thế-giới”? Mỗi người lại tìm đến một “hiện thực thứ hai” hay nhiều những hiện thực khác song song với hiện thực mà mình đang cư ngụ. Ở đó bạn sẽ học được nhiều thứ hay ho mà không có bất kì áp chế nào, giống như Gaspar học được từ mặt trời, gió, và những con vật ,“không phải những thứ ta đọc thấy trong sách vở, những thứ mà con người hay nhắc đến, mà là những thứ êm đềm và mạnh mẽ, những thứ chứa đầy vẻ đẹp và sự huyền bí”, những thứ mà ta phải “mất cả đời để học”. Và còn nhiều hơn nữa những điều cần con người khám phá mà bạn có thể trải nghiệm với sự dẫn dắt của J.M.G Le Clézio – “tác giả của những hành trình mới”.“Cậu bé chưa bao giờ thấy biển”-một truyện ngắn của ông nằm trong tập Lũ mục đồng (Mondo et autres histoires) cũng là một gợi mở về giá trị của văn chương đối với con người trong việc đào sâu những lớp hiện thực khác hay nói đúng hơn là một tầng hiện thực khác cao hơn, sâu hơn nhưng không hoàn toàn tách li lớp hiện thực bề mặt ta mà ta nhìn thấy thường ngày.

Đó là một hiện thực dân chủ và nhân bản mà ở đó cá nhân có luôn có quyền được là mình, có những mơ ước, những sự lựa chọn dị biệt không theo số đông. Trong câu chuyện “Cậu bé chưa bao giờ thấy biển”, Daniel không giống như những người bạn cùng học, “Daniel, làm như nó thuộc về một giống nòi khác” – điểm này gặp gỡ với nhân vật June trong Bão. Cậu bé ấy rất ít nói, những gì cậu bé quan tâm chỉ là biển cả và vì vậy khi nghe ai nói về vấn đề đó đôi mắt cậu bé sẽ sáng lên và gương mặt hình lười cày trở nên sinh động hẳn. Nhưng những gì cậu bé nghĩ về biển cũng không giống như đại đa số đám đông bàn luận. Đó không phải là những bãi tắm, những mẻ cá hay những cơn cảm nắng – những gì vẫn mang tính chất thuộc về lợi ích người – mà là một thứ khác hoang dại hơn nhưng cũng hết mực mơ hồ, một thứ biển chắc chắn khác dù không thể định nghĩa. Cậu sống như tình trạng của một kẻ mộng du và cuộc sống hiện thời chẳng khác nào sống tạm. Dường như chính điều ấy đã thôi thúc cậu bé đi tới quyết định ra đi. Trong chính một bài phát biểu của mình, Le Clézio từng nói: “Con người – “kẻ mơ mộng cuối cùng”, nói như Breton, hay “kẻ mộng mơ ở độ tuổi dậy thì” như chữ của Lautréamont, trở thành nạn nhân bởi chính kẻ sáng tạo nên mình – buộc phải chọn lựa cho mình con đường để bộc lộ mình, phải chọn lựa phương tiện để đạt đến tự do của mình.”.[1] Bởi vậy nên sự lựa chọn ra đi của Daniel tuy có khác với chúng bạn, song lại là điều tất yếu. “Daniel của Clézio bỏ lại chiếc giường sắt (một ẩn dụ cứng lạnh và ẩn chứa khả năng gây sát thương không kém) dưới bóng tối tù mù trong kí túc xá, ta còn biết mơ về những chân trời giải thoát, còn biết tin vào sự quyết liệt của chính mình sau những lần vỡ mộng với cuộc đời.” [2]  Trên hành trình này, Daniel đơn độc nhưng có lẽ chính sự lẻ loi ấy mới là điều cần thiết cho chuyến đi ấy. Những khám phá, những trải nghiệm sâu lắng luôn cần tới một không gian độc lập và tự do.

Chính không gian ấy mở ra trước mắt Daniel thật nhiều điều mới mẻ. Và theo tôi, không chỉ có long lanh trong đôi mắt cậu bé mà trong cả những con mắt của bạn đọc. Có thể họ không giống như Daniel, có thể họ đã tiếp xúc với biển số lần không kể xiết nhưng sẽ luôn có những điều lạ lẫm và mới mẻ như vậy. Le Clézio là một nhà văn mà tài nghệ miêu tả của ông luôn có một lực hấp không thể cưỡng lại. Văn ông rất giàu chất thơ và chất thơ đó đậm đặc hơn cả trong những đoạn miêu tả thiên nhiên. Nếu như trong Lũ mục đồng người đọc bị hớp hồn bởi những mộng mơ khi lũ trẻ nằm ngắm sao, những dịu dàng và trong trẻo khi Gaspar và Khaf nắm tay rồi tưởng như hai đứa bay lên cùng với mặt trăng, rong ruổi nơi bầu trời hay vẻ kiêu hãnh mà không kém phần hung tợn của con rắn Nach thì ở truyện này, vẻ đẹp của biển cũng hiện lên có khi hiền hòa khi lại dữ dội nhưng chưa bao giờ là không huyền hoặc, mĩ lệ. Le Clézio hay những nhà văn, nhà thơ nói chung đều đặt chúng ta trong một chiều kích hiện thực mà ở đó những sự vật dù được đào khơi triệt để thì vẫn để lại những khoảng trống cho sự tưởng tượng. Đó là những gì trong cuộc sống dường như khuất lấp, ít người nhìn ra hoặc là sự soi chiếu và phát hiện tính người trong từng sự vật. Daniel chơi thân với chàng bạch tuộc, kiếm thức ăn cho nó, thậm chí còn đặt tên cho nó là Wiatt. Họ tìm thấy nhau và bầu bạn cùng người kia giữa chốn hoang vu này, một người – một loài thủy sinh nhưng dường như giữa họ luôn có sự giao tiếp và thấu hiểu lẫn nhau: “Có lẽ nó cũng giống như Daniel, có lẽ nó đã đi rất xa để tìm được tổ ấm của mình, trong vũng nước này, và ngày ngày ngắm bầu trời xanh qua mặt nước trong vắt”.Con bạch tuộc thường “vuốt ve một cách dè dặt, thỉnh thoảng luồn các xúc tu của mình giữa các ngón chân hoặc cạ vào lòng bàn chân cậu bé” và khi đó cậu bé bật cười. Daniel còn nhìn thấy cả những nỗi cô đơn và lạnh lẽo của những mỏm đá sắc nhọn hay ánh sáng phản xạ liên hồi qua hai mặt gương – bầu trời và những phiến đá. Nhưng thiên nhiên mà Le Clézio luôn không tách biệt mà con người luôn tắm mình trong thiên nhiên. Vậy nên ánh sáng ấy kích động và phóng thích cậu bé, cậu bé không ngồi yên ngắm nhìn chúng mà theo đà chạy nhảy băng qua những phiến đá. Hay khi lúc nước biển dâng lên Daniel cũng cảm nhận được niềm vui của các hạt muối được giải phóng. Những miêu tả của nhà văn kích thích cùng lúc rất nhiều những giác quan và cảm xúc của con người. Nó luôn tìm ra mối đầu mối nào đó gắn kết giữa các sự vật hiện tượng và cả con người, luôn có một cái gọi là “trật tự ẩn” phía dưới những mảng nổi của hiện thực thứ nhất tưởng chừng như chứa những sự vật rời rạc. Phải chăng vì thế nên tác phẩm dù là hư cấu nhưng người đọc đôi khi lại thấy nó thực hơn cả hiện thực?

Không những thế, hiện thực mà văn chương gợi ra luôn là một hiện thực mở, chứa đựng trong mình những cái khả nhiên. Đó là những cái có thể ở thực tại chưa có nhưng chính những kẻ dám mơ ước sẽ biến nó thành cái có thể có ở tương lai. Ở đây, tôi nhận thấy có hai lớp hiện thực mở, một là hiện thực mở của câu chuyện phiêu lưu của Sindbad ảnh hưởng đến Daniel, hai là hiện thực mở của “Cậu bé chưa bao giờ thấy biển” tác động đến người đọc.

Ngay từ câu đầu tiên của truyện, Daniel đã được giới thiệu với cái tên của nhân vật trong cuốn truyện cổ Nghìn lẻ một đêm – chàng thủy thủ, người đi biển Sindbad: “ Tên nó là Daniel, nhưng nó thích được gọi là Sindbad hơn, vì rằng nó đã đọc tất cả những chuyện phiêu lưu của chàng ta  trong một quyển sách dày cộm đóng bìa màu đỏ mà lúc nào nó cũng mang theo bên mình trong lớp học và trong kí túc xá”. Thậm chí, tất cả những gì được gọi là hành lí được Daniel quyết định mang đi trong chuyến ra đi này cũng chỉ vỏn vẹn quyển sách ấy. Bảy cuộc phiêu lưu của Sindbad, dù là đối diện với bão, nước xoáy hay chiến đấu với cá voi, đại bàng, những người lùn, những gã khổng lồ hay những thổ dân ăn thịt người,… Sindbad đều chiến đấu và chiến thắng bằng trí thông minh và lòng quả cảm của mình. Những câu chuyện ấy đầy mê lực ấy đã thôi thúc bước chân của Daniel. Đương nhiên những chuyện kì quái như của Sindbad chắc sẽ không thể xảy ra với chú bé nhưng niềm đam mê phiêu lưu, khám phá đã truyền cho Daniel để cậu viết một câu chuyện về chuyến hành trình của riêng mình. Quan trọng hơn cả là động lực để cậu dứt bỏ cuộc sống của kẻ mộng du, một sự tồn tại lờ đờ mà cậu sống khi ở trong trường học. Hẳn sẽ có nhiều rủi ro, khi tiếp xúc với biển lần đầu chẳng phải Daniel đã sợ hãi bỏ chạy hay sao? Rồi cả khi cậu bị sóng tràn dâng nhấn chìm, miệng sặc nước và tay cố bấu nơi cát, chẳng lẽ đứa trẻ ấy không chút nào sợ hãi? Nhưng mê lực từ trong lòng biển cả lại cuốn cậu trở lại tiếp tục sống gần biển, để được nhìn thấy nó mỗi ngày. Tôi lại nhớ đến Sindbad khi đọc những câu chuyện về chàng, Gần như từ câu chuyện thứ ba trở đi mỗi khi gặp phải đối diện với cái chết chàng đều không thôi sỉ vả mình sao không sống yên phận ở nhà nhưng cuối cùng lại vẫn tiếp tục những chuyến hành trình kế tiếp để thỏa mãn cái thú mạo hiểm trong mình. Ngay chính trong truyện, Daniel cũng đã có lần bắt gặp cảnh biển khiến cậu liên tưởng đến hành trình Sindbad gặp vua Mihrage.

Bản thân cuộc hành trình của Daniel cũng phần nào tác động tới tâm lí người đọc, những người “đồng cảnh” với cậu bé. Chính cậu bé cũng dấy lên khao khát nào đó trong lòng người đọc, nó có thể không giống như vậy, họ sẽ không làm cuộc hành trình ra biển như cậu bé nhưng chắc chắn một cuộc vượt thoát khác sẽ được tiến hành.

Với những hiện thực mà văn học đã vẽ ra ấy, chúng thống nhất nhưng không đồng nhất với hiện thực đời sống, vậy bản thân chúng mang ý nghĩa gì? Ở góc nhìn hẹp, chỉ nhìn bên trong câu chuyện, như vừa phân tích, câu chuyện về cuộc phiêu lưu của Sindbad đã làm thôi thúc Daniel bắt đầu cuộc hành trình trải nghiệm và tìm kiếm ý nghĩa sống của bản thân. Nhưng có thể thấy chính cuộc hành trình của cậu bé lại khơi ra một-điều-gì-đó đối với lũ trẻ cùng trường, cũng giống như câu chuyện cái hang của Plato. Chúng không ra đi như Daniel nhưng lại luôn có quy tắc ngầm để “bảo vệ” cho Daniel, tức là đánh lạc hướng những cuộc điều tra và khi nghe xong câu chuyện về việc hàng năm luôn có vài chục ngàn người biến mất như thế thì chuyện đó bắt đầu là chúng mơ mộng “nó làm dấy lên từ sâu thẳm tâm hồn mỗi đứa trẻ một ước mơ thầm kín và mê hoặc còn đang dang dở”. Rõ ràng những đứa trẻ ấy cũng nhận thấy một cái gì đó đang nảy nở bên trong, tuy còn mơ hồ nhưng chẳng phải Daniel cũng bắt đầu chuyến hành trình của mình từ những cảm giác mơ hồ hay sao?

Ngay cả đối với chính người đọc, văn học – cùng với hiện thực mà nó phản ánh đã gieo vào hoặc làm củng cố niểm tin vào những ước mơ. Văn học, khác với những bài học đạo đức hay những chương trình kiểu “Quà tặng cuộc sống”, nó không giáo điều trực tiếp khuyên nhủ hay hô hào bạn với những khẩu hiệu. Nhưng bằng câu chuyện của “kẻ khác”, ở đây là câu chuyện của Daniel, nó sẽ vạch ra những mối bất an trong lòng bạn và gián tiếp truyền vào đó một ngọn lửa, tiếp cho bạn một nội lực ngầm rũ bỏ những điều cũ kĩ, để viết nên cuộc hành trình của bản thân. Những ước mơ đẹp và trong trẻo vẫn còn tồn tại chứ cuộc sống không chỉ có những ước mơ thực dụng và vẫn sẽ có những người chọn lựa theo đuổi những ước mơ ấy. Và chừng nào còn niềm tin, chừng ấy chúng vẫn còn hiện hữu. Khi những ước mơ ấy nảy mầm và đủ vững chắc, nó sẽ chuyển thành khao khát được thể nghiệm và sẽ dấn thân trải nghiệm.

Trong bài thuyết trình của mình tại buổi seminar về nhà thơ Pháp Lautréamont, J.M.G Le Clézio dẫn lời của Andre Breton: “Bắt trí tưởng tượng trở thành nô lệ – cho dù điều này đồng thời có nghĩa là loại bỏ đi cái thường được gọi là hạnh phúc – có nghĩa là phản bội tất cả cảm quan về sự công bằng tuyệt đối bên trong con người. Chỉ mình trí tưởng tượng mới có thể đem lại cho tôi một gợi ý nào đó về cái có thể là, và điều này đủ để vứt bỏ được, ở một mức độ nhẹ nhàng, những huấn thị khủng khiếp; cũng đủ để cho phép tôi dâng mình cho nó mà không sợ hãi phạm sai lầm (cứ như thế làm vậy thì sẽ phạm phải sai lầm còn lớn hơn nữa). Từ đâu mà tình trạng này lại trở nên tồi tệ; từ đâu mà tinh thần mất đi sự kiên định của nó? Đối với tinh thần, chẳng lẽ cái khả năng phạm lỗi lại còn không ý nghĩa bằng sự tùy tiện của những cái đúng?”.Khi đọc những dòng này và ngẫm lại, thiết thấy những sáng tác của  Le Clézio đều hướng tới điều này – giải phóng con người khỏi những “nhà tù cơi nới”, những nhà ngục tinh thần dựng nên bởi những ám ảnh, những tổn thương, những khuôn mẫu và định kiến. Đến với những sáng tác của ông, người đọc buộc phải từ giã lối đọc theo sự kiện mà trí tưởng tượng cùng các giác quan sẽ được kích nhọn hơn bao giờ hết. Vì thế mà có thể nói khi việc trải nghiệm hiện thực của văn học sẽ cho chúng ta sống theo một cảm nhận hoàn toàn riêng biệt, mới mẻ. Chúng ta không thể chạm vào thứ hiện thực ấy hay trực tiếp nhìn thấy nó nhưng lại cảm nhận nó với rất nhiều chiều kích và suy ngẫm thêm những điều của thực tế cuộc sống. Đọc “Cậu bé chưa bao giờ thấy biển”, với tôi nó không đơn thuần là hành trình tìm đến biển của một cậu bé, mà rộng hơn, theo tôi đó còn là hành trình nên có của con người tìm về với tự nhiên, tìm ra những mối dây liên hệ với tự nhiên và đừng lãng quên hay hủy hoại nó.

Bên cạnh đó, nhận đinh của Andre Breton cũng nhấn mạnh hiện thực mà văn học phản ánh cho phép chúng ta nhìn thấy và phần nào hiểu những “kẻ khác”, nhất là những kẻ dị biệt, những kẻ mà chúng ta cũng bắt gặp đâu đấy quanh mình nhưng khó có thể chấp nhận bởi những định kiến đã áp chế chúng ta khi đưa họ – những kẻ khác người, khác đám đông vào khung nhìn chung của xã hội, của những kẻ mang quyền lực. Và với điều này, nghệ thuật khiến con người ta cởi mở và bao dung hơn.

Với tất cả những lẽ trên, hiện thực mà văn học đem lại mang những giá trị, ý nghĩa nhất định mà không gì có thể thay thế được. Tuy vậy, luôn cần có những người như Daniel, những người dứt khoát phải đi tìm cái hiện thực ấy cho dù đến cuối cùng họ có thể thất bại hay chúng ta thậm chí cũng chẳng biết rồi số phận họ sẽ đi tới đâu. Ở ngay đầu bài viết này đề cập đến những cuộc bỏ trốn, những cuộc vượt thoát tìm đến một, hay nhiều hiện thực khác thế nhưng suy cho cùng chúng chỉ là tạm thời. Văn chương có thể giúp chúng ta làm một “cuộc vượt ngục về tinh thần” nhưng đích mà ta hướng về vẫn luôn là thực tại, để có thể cải tạo thực tại. Thực tại ở đây có thể không rộng lớn. Một đôi câu thơ hay một vài cuốn sách không thể giúp cá nhân có khả năng thanh lọc cả xã hội nhưng những cuốn sách hay đến được tay ta vào thời điểm phù hợp nó rất có thể cứu rỗi được một cá nhân. Vẫn rất cần phải đi tìm hiện thực ấy trong đời sống vì chính trong những cuộc tìm kiếm ấy, con người ta sẽ khám phá ra những điều mới mẻ hay đào sâu thêm một tầng nào đó của hiện thực. Ngoài những cái nghe chừng lớn lao ấy, tôi thiết nghĩ hành trình sống trước hết là hành trình hướng nội tức là tìm vào những cái bản thể. Nếu không tiến hành đi tìm hiện thực như Daniel thì hiện thực mà văn chương nói đến dù hay đến mấy cũng chỉ là cái nằm ở ngoại biên, chỉ khi đi tìm nó mới chuyển vào, tích tụ làm nên chất ở bên trong.

Chú thích

[1] J.M.G. Le Clézio, “Freedom to Dream”, bản dịch tiếng Anh của Ralph Schoolcraft III, World Literature Today, Hải Ngọc dịch

[2] Le Clézio và những gì đang biến tan… (về những ngày đọc Bão, và Lũ mục đồng, và Những câu chuyện khác), Hà Đặng

Nguyễn Thị Quỳnh Hương

Đọc lại Xóm Rá của Ngọc Giao

Thỉnh thoảng mình cũng nhận được lời mời viết giới thiệu sách. Hoặc là những tác phẩm mới, hoặc là một tác phẩm ra đời từ lâu, trước đó chính mình cũng chưa thực sự chú ý đến nó. Vì vậy, việc viết lời giới thiệu sách, với mình, luôn có tính chất như những sự khám phá.

Bài viết dưới đây được sử dụng làm lời bạt cho cuốn tiểu thuyết thực ra không chỉ bản thân mình mà có lẽ nhiều người cũng không biết đến nó – tiểu thuyết Xóm Rá (được hoàn thành tại miền Bắc vào năm 1957) của nhà văn Ngọc Giao. Phải hơn 50 năm sau, cuốn tiểu thuyết này mới được xuất bản chính thức. Năm 2015,  Nhã Nam đã tái bản Xóm Rá. Việc đọc Xóm Rá, với cá nhân mình, là một bất ngờ khi nhìn thấy một Ngọc Giao rất khác so với những gì mình đã đọc trước đó về ông. Một cuốn tiểu thuyết khốc liệt, dữ dội và nghiệt ngã.

 

*

Xom Ra

Đọc lại Xóm Rá của Ngọc Giao

“Cho nên, muốn làm văn nghệ, phải có một nghệ thuật phi thường, xúc cảm mãnh liệt, để diễn tả tinh vi sự thực. Sự thực nằm trong muôn vàn cái mà người ta cho là tầm thường, nhỏ bé, li ti như cát bụi… Bao nhiêu nhà văn say sưa tả thực, nhưng họ có thói quen khêu gợi cái ghê tởm, cái rùng rợn quái đản cho người đọc bằng những danh từ khủng khiếp…Nhưng kỹ thuật đó chỉ mới đánh trúng đầu, chứ chưa chạm được mảy may gì tới trái tim người đọc hết.”

Những lời trên của Vũ Linh, một nhân vật trong cuốn sách này, phần nào đó thể hiện chính quan niệm nghệ thuật của Ngọc Giao khi viết Xóm Rá. Vũ Linh, “một nhà báo, một nhà thơ, một họa sĩ, một cây bút phóng sự vào bậc đàn anh của giới văn nghệ miền Nam”, đã ở trọ sáu tháng tại Xóm Rá, một khu nhà thổ nơi ngoại ô Sài Gòn cuối những năm 1940, với tham vọng viết được một phóng sự lột tả toàn diện và sâu sắc sự thật về cái “xã hội mãi dâm”, “cái xã hội kỳ quái, tối đen mà mà hiện nay ta còn ù tai, mờ mắt, chưa nhận xét được gì chân xác”. Ngọc Giao cũng đã có hai tháng thâm nhập vào Xóm Rá, chung sống giữa “một cõi địa ngục” với ý thức chỉ bằng cách tiếp cận thực tế như thế, mạnh dạt gạt bỏ những định kiến, nghi ngại về đạo lý, chối từ việc đứng ở ngoài ngưỡng cửa nhòm vào, mới có thể mô tả được một thực trạng xã hội phức tạp, gai góc và đặc biệt hơn, theo nhà văn, chứa đựng những “vấn đề nhân loại”.

Giá trị của Xóm Rá, trước hết, nằm ở tính chất phóng sự của tác phẩm, ở góc nhìn cận cảnh vào một không gian trụy lạc, với những mảnh đời bên lề, ở việc phơi bày những khoảng tối của đời sống đô thị và của những dục vọng, ở thái độ phê phán của tác giả trước sự suy đồi của đạo đức, tình trạng con người bị bóc lột, những bất công xã hội và cả ở một thứ ngôn ngữ rất đời, rất “bụi”, cho đến giờ phần nào vẫn còn giữ nguyên được nét sống động. Trên phương diện này, Xóm Rá là sự tiếp nối đáng chú ý dòng văn chương phóng sự từ trước 1945, một thể loại mà sau Cách mạng tháng Tám, vì nhiều lý do, đã trở nên thưa thớt.

Nhưng Xóm Rá không đơn thuần chỉ là một phóng sự, dù Ngọc Giao đã gọi tác phẩm của mình như thế. Vũ Linh thừa nhận cái thế giới mãi dâm ở Xóm Rá, nơi người ta có thể sẵn sàng miệt thị, khinh rẻ, kết án nó từ những thành kiến của kẻ đứng ngoài, hóa ra bề bộn và phức tạp đến mức ngôn ngữ bất lực để nói về nó, không dễ ngày một ngày hai đã có thể tái hiện, phân tích, lý giải được. Xóm Rá, thực chất, là mảnh đất dành cho tiểu thuyết, nơi người ta nghe thấy nhiều ý nghĩ được vang lên, nhìn thấy những con người thuộc nhiều loại va chạm, những lằn ranh giá trị luôn ở trong trạng thái xê dịch. Những nhân vật sống trong Xóm Rá hay ghé qua nơi này đều được cá tính hóa khá sắc nét và phần lớn đều là những nhân vật lưỡng hóa: một bà chủ chứa đối xử với các cô gái điếm như nô lệ những lại là một người mẹ mẫu mực, tìm mọi cách để khiến con mình không tiếp xúc với thế giới đầy mầm bệnh nhân cách mà bà ta đang nhúng vào; một gã bồi săn côn đồ, dâm tà, tàn nhẫn nhưng đồng thời lại là kẻ có lòng tin vững chắc vào đạo Phật; một gã sinh viên bốc đồng ra tay cứu vớt một cô gái điếm nhưng rồi lại không thắng nổi sĩ diện của chính mình…Đặc biệt hơn cả là những cô gái điếm, những Nhạn, Tân, Liên…trong tác phẩm đều là những nhân vật không dễ khuôn lại để đánh giá. Họ đều là nạn nhân của xã hội mà ở đó, họ chỉ được xem như là nguồn thỏa mãn dục tình của đàn ông, là đối tượng để nhận về sự miệt thị, nguyền rủa. Nhưng từ chỗ là nạn nhân, là những kẻ phải chịu đựng sự khinh bỉ của cuộc đời, họ có những cách thức riêng – bất cần, ngạo nghễ và phần nào có cả sự kiêu hãnh trong đó – để phản kháng cái xã hội đạo đức giả ấy: họ coi thường những gã đàn ông không vượt qua cám dỗ nhục dục nhưng vẫn ra điều răn dạy họ; họ không ngại ngần ném trả lại sự mai mỉa đối với những quý bà, quý cô trưởng giả, hãnh tiến, muốn nhìn họ như những con thú lạ. Tất cả những phản kháng ấy được tập trung lại ở đoạn kết của tác phẩm, xoay quanh cái chết của Nhạn, nhân vật nữ chính. Nhạn tự tử không phải chỉ vì căn bệnh tim la mà cô nhiễm phải rốt cục cũng sẽ dẫn cô đến cái chết, không phải chỉ vì không còn khả năng trả thù thế giới đàn ông đã đọa đày thân xác cô, đẩy cô vào đường cùng. Trước lúc đi đến tự tử, cô đã dừng lại ý định đó khi nạn nhân trong tầm tay của cô là một gã thanh niên cường tráng, chỉ muốn tìm đến Nhạn để khám phá bí mật của những quyến rũ dục tình. Chỉ là Nhạn không muốn, đúng hơn, Nhạn không đủ tàn nhẫn đến tận cùng để trả thù đời. Nhưng chính sự yếu đuối ấy lại là một khoảnh khắc của đạo đức. Hành động của Tân khi tìm mọi cách xoay sở để lo tang lễ cho người bạn của mình và đặc biệt là việc các cô gái điếm tự động cởi bỏ trang phục của mình để mặc lại cho Nhạn – người lúc này đã bị tay làm nghề liệm xác tham lam trong nhà quàn lột bỏ hết áo quần – mang tính khiêu khích mạnh mẽ. Trước một xã hội phi nhân, nhân tính phải sẵn sàng đối chọi với nó trong tính khiêu khích cao nhất, sỗ sàng nhất, thách thức nhất, như một lựa chọn không thể khác: “Tao nhường quần cho con Nhạn. Tao cởi truồng đi đưa đám nó. Chứ sao! Tao cởi truồng đi giữa cái châu thành xa hoa lộng lẫy. Tao dí vào tận mặt, tận mắt cả bàn dân thiên hạ. Một con đĩ điếm cởi truồng đi tiễn một con đĩ điếm bị lột trần ra nghĩa địa tha ma! Mắc cỡ chính thiên hạ nó xấu mặt, chứ cái mặt tao không xấu!”

Xóm Rá là sự tiếp nối những tự sự về thế giới và thân phận của những cô gái điếm trong văn chương Việt Nam. Truyện Kiều, kiệt tác của văn học cổ điển Việt Nam, chẳng phải cũng đã xoay quanh cái không gian mà người ta thường mặc định là nhớp nháp, đọa lạc, đã nhìn thật sâu vào cuộc đời kỹ nữ bị chà đạp, rẻ rúng hay sao? Cả văn chương lãng mạn và văn chương hiện thực Việt Nam trước 1945 cũng có nhiều tác phẩm theo đuổi đề tài này: kẻ muốn bước vào không gian ấy để cận cảnh dục vọng của con người, kẻ muốn qua đó vạch trần mặt trái xã hội. Viết về thế giới ấy, như nhân vật Vũ Linh đã thú nhận, là điều khó khăn. Nó cần những kinh nghiệm nhận thức và kinh nghiệm đạo đức mới. Nó phải đem đến những kinh nghiệm nhận thức và kinh nghiệm đạo đức mới. Đọc lại Xóm Rá sau hơn nửa thế kỷ, ta vẫn có thể ghi nhận ý nghĩa của những kinh nghiệm ấy. Thế giới nơi Xóm Rá là thế giới chực chờ bùng vỡ, phá đổ. Và trên thực tế, hình ảnh cô gái điếm nổi loạn không mặc quần để đi đưa ma bạn mình giữa phố phường hoa lệ, là một thông điệp về sự đổi thay tất yếu cần phải có, ở mức độ nào đó, còn trọng lượng hơn cả lời an ủi của Vũ Linh kết lại tác phẩm: “Cố sống! Cố sống! Nghiến chặt răng mà sống.”

Hiện thực của Xóm Rá, với Ngọc Giao, là thứ không thể không viết, cho dù dưới nhiều áp lực, tác giả đã bắt buộc phải kết thúc tác phẩm trong khi “lẽ ra nó còn sống trên một trăm trang nữa!”[1]. Tuy “yểu mệnh” (chữ của chính Ngọc Giao), Xóm Rá vẫn đáng được coi là tác phẩm khốc liệt nhất, gai góc nhất trong di sản văn chương của Ngọc Giao. Sau hơn nửa thế kỷ, có thể người đọc sẽ không chỉ nhìn nhận về nó như là một tác phẩm vốn nằm im trong ngăn kéo từ lâu của một nhà văn cũng từng bị quên lãng khá lâu, viết về một thời kỳ và một không gian ít được ghi chép, tái hiện trong văn học sử. Như nhiều tác phẩm giá trị khác, Xóm Rá là một tác phẩm tiềm tàng chất liệu cho những cách đọc mới. Một lối đọc tân duy sử (new historicism) hẳn sẽ chú ý đến mối quan hệ giữa những cô gái điếm với các tác phẩm viết về đời kỹ nữ mà các cô được đọc như một gợi dẫn để tìm kiếm một “vi lịch sử” nào đó về hình ảnh những cô gái điếm trong văn học đầu thế kỷ. Người thích đọc tác phẩm từ góc độ nữ quyền luận hẳn sẽ phải dừng lại ngẫm nghĩ nhiều trước lời động viên của Vũ Linh dành cho Nhạn, khi anh vẽ ra cho vô viễn cảnh một thế giới mà đàn bà đang làm nó ngả nghiêng, chao đảo: “Đàn bà làm cho nhà băng nổ, làm cho vũ đài chính trị lung lay, làm cho hăm-bốn tiếng đồng hồ lập hai nội các, làm cho thằng đầu cơ chính sự chỉ chờ bạn đồng nghiệp vô ý nhấc đít lên là ôm ghế chạy rao bán kín ở chợ đen…Nhạn đập vào mõm chúng, ngồi lên cổ chúng, bắt chúng bò bằng bốn cẳng. Tôi sẽ đứng xa mà chiêm ngưỡng Nhạn, một nhân vật lạ nhất của pho tiểu thuyết vĩ đại nhất của nữa trái địa cầu đang loạn xạ.”… Một cuốn sách có thể kích thích sự phiêu lưu của nhiều cách đọc như thế, chắc chắn, không chỉ có giá trị của một tư liệu.

Trần Ngọc Hiếu

[1] Ngọc Giao, Xóm Rá, Nhã Nam & NXB Hội nhà văn, 2015, trang 6.

 

Salman Rushdie – Cervantes và Shakespeare – những người mở cuộc chơi của văn chương hiện đại

Ngày 23-4-2016, thế giới sẽ kỷ niệm 400 năm ngày mất của William Shakespeare và Miguel de Cervantes Saavedra, hai tượng đài văn chương kỳ vĩ của thời Phục hưng và đồng thời là những điển phạm bất tử của văn chương nhân loại. Trong dịp này, Nhà xuất bản And Other Stories tại Anh đã ra mắt tuyển tập Lunatics, Lovers and Poets: Twelve Stories After Cervantes and Shakespeare (Những kẻ điên, những tình nhân và những thi sĩ: 12 câu chuyện sau Cervantes và Shakespeare). Tuyển tập giới thiệu 12 tác phẩm chưa từng công bố của 12 tác giả lấy cảm hứng từ di sản văn chương của Cervantes và Shakespeare. Cuốn sách có lời giới thiệu của Salman Rushdie – tác giả có thể được xem là người kế thừa sáng tạo bậc nhất ảnh hưởng của hai văn hào này. Bài viết dưới đây chính là lời giới thiệu cho cuốn sách nói trên.

*

Don Quixote

Khi chúng ta đang tiến tới kỷ niệm 400 năm ngày mất của William Shakespeare và Miguel de Cervantes Saavedra thì một chi tiết có lẽ đáng chú ý là: mặc dù người ta thường cho rằng hai tác gia “khổng lồ” này qua đời cùng một ngày, 23-4-16-16 nhưng trên thực tế lại không phải như thế. Đến năm 1616, Tây Ban Nha đã chuyển sang dùng lịch Gregorian trong khi nước Anh vẫn dùng lịch Julian, vốn chậm hơn 11 ngày. (Nước Anh còn sử dụng hệ thống ngày tháng theo lịch Julian đến tận năm 1752, và khi thay đổi này cuối cùng cũng phải xảy ra, người ta kể rằng trên đường phố đã có những cuộc bạo động và đám đông la ó, “Hãy trả lại cho chúng tôi 11 ngày!”) Người ta có thể nghĩ cả sự trùng hợp về ngày tháng lẫn sự khác biệt của hai hệ thống lịch đều sẽ kích thích những hứng thú khôi hài và suy tư sâu xa của hai vị “cha đẻ” của nền văn học hiện đại này.

Chúng ta không biết liệu họ có biết nhau hay không, nhưng họ có nhiều điểm chung, bắt đầu ngay ở cái vùng “không biết” này, vì họ đều là những con người bí ẩn, có những quãng thời gian trong cuộc đời họ không được ghi lại, và thậm chí ấn tượng hơn nữa, có những tư liệu về họ bị mất. Cả hai đều không để lại những tư liệu cá nhân. Hầu như không có thư từ, nhật ký, bản thảo bị quên lãng, mà chỉ có tác phẩm đồ sộ, đã hoàn chỉnh. “Phần còn lại là im lặng.” Hệ quả là, cả hai ông đều trở thành con mồi cho những lý thuyết ngu xuẩn muốn tìm cách lật lại quyền tác giả của họ.

Chẳng hạn, một tìm kiếm nhanh trên internet sẽ “tiết lộ” rằng không chỉ Francis Bacon đã viết những tác phẩm của Shakespeare mà ông còn là người sáng tác cả Don Quixote nữa. (Giả thuyết điên rồ nhất của tôi về Shakespeare là những vở kịch của ông không phải do ông viết mà là do một ai đó có cùng tên sáng tác.) Và cố nhiên, Cervantes cũng đối mặt với thử thách về tác quyền trong suốt cả đời mình, khi một kẻ có bút danh là Alonso Fernández de Avellaneda, căn cước cũng rất mơ hồ, đã xuất bản phần nối tiếp  Don Quixote và buộc Cervantes phải viết tập II thật sự của cuốn tiểu thuyết này, với những nhân vật biết rõ về kẻ đạo văn Avelllaneda và hết sức khinh rẻ hắn.

Cervantes và Shakespeare gần như chắc chắn chưa bao giờ gặp nhau, nhưng càng nhìn vào những trang văn mà họ để lại, ta càng nghe thấy nhiều sự đồng vọng giữa hai tác giả. Trước hết, và đối với tôi, ý niệm được chia sẻ giá trị nhất là niềm tin rằng một tác phẩm văn chương không phải chỉ đơn thuần là hài hước, bi kịch, lãng mạn, chính trị/lịch sử; rằng, nếu hình dung một cách đúng đắn, nó có thể là nhiều thứ cùng lúc.

Ta hãy nhớ lại những cảnh mở đầu của Hamlet. Hồi I, cảnh I là một câu chuyện ma. “ Chẳng phải điều này còn hơn cả huyễn tưởng?” Barnardo đã hỏi Horatio, và dĩ nhiên, vở kịch còn hơn cả thế. Hồi I, cảnh II, hé mở một mối dan díu ngầm: một hoàng tử học thức không thể kiềm chế cơn giận dữ khi mẹ của chàng – bà hoàng hậu vừa mới mất chồng – đã vội cưới ngay người chú của cháng (“Ôi! Sao quá nhẫn tâm vội vàng đắm mình vào đống gối chăn loạn luân khéo léo đến thế!”). Hồi I, cảnh III, Ophelia xuất hiện, tâm sự với người cha luôn đa nghi của mình, Polonius, về mối tình mà sau này sẽ trở thành một kết cục đau buồn: “Ôi Cha ơi, chàng đã luôn tỏ vẻ yêu thương con một cách đàng hoàng, đứng đắn.” Hồi I, cảnh IV, lại là một chuyện ma và một cái gì đó đang thối rữa trong lòng xã hội Đan Mạch.

hamlet.jpg

Và khi vở kịch tiến triển, nó tiếp tục có những sự biến dạng, lần lượt trở thành một câu chuyện về một vụ tự sát, một âm mưu chính trị, một bi kịch báo thù. Nó có những khoảnh khắc hài hước, có một vở kịch lồng trong kịch. Nó bao hàm cả những bài thơ tinh tế nhất từng được viết bằng tiếng Ahh và nó kết thúc bằng một cảnh tượng đẫm máu mang tính chất melodrama.

Đó là những gì chúng ta – những kẻ đi sau – kế thừa từ thiên tài xứ Bard này: ta hiểu rằng một tác phẩm có thể là mọi thứ cùng lúc. Truyền thống Pháp, vốn nghiêm ngặt hơn, phân chia bi kịch (mà mẫu mực là Racine) với hài kịch (mà mẫu mực là Molière). Shakespeare đã trộn lẫn chúng lại với nhau và nhờ ông, chúng ta cũng có thể làm việc ấy.

Trong một tiểu luận, Milan Kundera đã đề xuất một cách quan niệm, theo đó, thể loại tiểu thuyết có hai cột mốc khởi điểm là Clarrisa của Samuel Richardson và Tristram Shandy của Lawrence Sterne, thế như cả hai tác phẩm hư cấu đồ sộ, mang tính bách khoa thư này đều cho thấy ảnh hưởng từ Cervantes. Bác Toby và hạ sĩ Trim rõ ràng được xây dựng theo mẫu Quixote và Sancho Panza, trong khi chủ nghĩa hiện thực của Richardson rõ ràng đã ảnh hưởng rất nhiều từ cách mà Cervantes bóc trần truyền thống văn chương trung cổ ngu ngốc mà những ảo tưởng của nó đã khiến Don Quixote mê muội. Trong kiệt tác của Cervantes, cũng như trong tác phẩm Shakespeare, sự nhục nhã cùng tồn tại với sự cao quý, niềm bi thương và thống cảm cùng tồn tại với sự tục tĩu, thô bỉ, tất cả được đẩy lên cực điểm ở khoảnh khắc mãi mãi làm chúng ta xúc động khi thế giới thực khẳng định chính nó còn Chàng hiệp sĩ Mặt buồn phải thừa nhận mình là kẻ ngu dại, một lão già điên khùng, “cứ đi tìm những con chim năm nay trong tổ chim năm ngoái.”

Họ đều là những nhà văn tự ý thức về chính mình sâu sắc, họ đều hiện đại hiểu theo nghĩa mà hầu hết các bậc thầy văn chương hiện đại đều thừa nhận: một người viết những vở kịch ý thức rất rõ tính chất sân khấu, tính khả thi trong dàn dựng của chúng; người kia sáng tạo nên tác phẩm hư cấu ý thức rất sâu về bản chất hư cấu của mình, thậm chí còn phát kiến cả một người kể chuyện tưởng tượng, Cide Hamete Benengeli – một người kể chuyện, thú vị thay, có gốc gác Arab.

Và họ vừa là những người yêu mến, gắn bó với đời sống dưới đáy, lại vừa là những con người mang những ý tưởng cao sâu, tác phẩm của họ là phòng tranh mà ở đó ta thấy những kẻ bất lương, những ả gái điếm, những tên móc túi và những gã say khướt ở trong cùng quán rượu. Tính chất trần thế này là điều cho thấy cả hai đều là những nhà hiện thực chủ nghĩa trứ danh, kể cả khi tỏ ra mình là những ngòi bút huyễn tưởng, và bởi thế, một lần nữa, chúng ta – những kẻ đi sau -có thể học được từ họ, rằng cái kỳ ảo là vô nghĩa trừ khi nó phục tùng chủ nghĩa hiện thực – có có một “pháp sư” nào mang tinh thần hiện thực chủ nghĩa hơn Prospero, nhân vật chính trong vở Tempest [Cơn bão]? – và chủ nghĩa hiện thực phát huy sức mạnh của nó nhờ mũi tiêm lành mạnh của người kể chuyện hoang đường. Cuối cùng, dù cả hai đều khai thác những thủ phát bắt nguồn từ truyện kể dân gian, huyền thoại và ngụ ngôn song họ đều từ chối luân lý hóa và hơn tất cả, chính điều này khiến họ còn hiện đại hơn cả những người đi sau họ. Họ không nói với chúng phải nghĩ hay cảm thấy thế nào, nhưng họ chỉ cho chúng ta cách làm thế nào để khơi gợi sự cảm và nghĩ.

Trong hai người, Cervantes là con người hành động, tham gia vào những cuộc chinh chiến, bị thương nặng, mất khả năng sử dụng bàn tay trái, bị cướp biển bắt làm nô lệ ở Algiers trong suốt năm năm cho đến khi gia đình của ông có đủ tiền chuộc. Shakespeare không có những kinh nghiệm cá nhân kịch tính như thế; thế những trong hai người, ông lại là tác giả hứng thú hơn đối với những câu chuyện chinh chiến và đời lính. Othello, Macbeth, Lear đều là những câu chuyện về những người đàn ông trong chiến tranh (cuộc chiến bên trong chính họ, nhưng cố nhiên cũng là cuộc chiến nơi chiến trường). Cervantes đã sử dụng những kinh nghiệm đau thương của mình, chẳng hạn như Câu chuyện của người tù trong Don Quixote và ở một vài vở kịch, nhưng cuộc chiến mà Don Quixote lao vào – để dùng những từ ngữ hiện đại – lại mang tính chất phi lý và hiện sinh hơn là “thực”. Lạ lùng thay, người chiến binh Tây Ban Nha lại viết về sự vô ích hài hước của việc lao vào chinh chiến và tạo nên một hình tượng châm biếm vĩ đại về chàng hiệp sĩ như một gã khờ (người ta có thể nhớ đến Catch-22 của Joseph Heller và Slaughterhouse-Five của Kurt Vonnegut như là những trường hợp của thời hiện đại cùng khai thác đề tài này), trong khi đó kịch tác gia-thi sĩ người Anh lại để trí tưởng tượng của mình liều lĩnh nhúng sâu vào chiến tranh (tương tự như Leo Tolstoy hay Norman Mailer).

Trong tất cả sự khác biệt, cả hai tác giả này đều hiện thân cho những đối cực của đời sống đương đại mà chúng ta đang sống, cũng như trong tất cả những điểm tương đồng, những gì họ cùng chia sẻ với nhau đến hôm nay vẫn còn hữu ích với những người kế thừa họ – là chúng ta hôm nay.

Hải Ngọc dịch

Nguồn: Salman Rushdie, “How Cervantes and Shakespeare Wrote The Modern Literary Rule Book,” http://www.newstatesman.com/culture/books/2016/04/salman-rushdie-how-cervantes-and-shakespeare-wrote-modern-literary-rule-book