Bài viết dưới đây là diễn từ của Đa Đa (Duo Duo, nhà thơ Trung Quốc -1951) tại lễ trao giải thưởng Văn chương Neustadt 2010. Bài này dịch đã lâu, nay mới lục lại được trong thư mục cũ, post lại trên blog này, bởi nhan đề của bài diễn từ cũng là điều mà mình tự nhủ trong những ngày này…
Đa Đa (Duo Duo) là một nhà thơ nổi bật của trào lưu thơ Mông lung, hình thành ở Trung Quốc từ cuối thập niên 1970 thế kỷ trước và đến năm 1980 thì bị cấm. Mặc dù vậy, các nhà thơ trong phong trào này như Đa Đa, Bắc Đảo, Mang Khắc, Cố Thành…vẫn luôn được ghi nhận như những người tạo ra khúc ngoặt lớn của thơ ca đương đại Trung Hoa. Một điều may mắn là trừ Đa Đa, các nhà thơ nổi bật của trường phái Mông lung đều đã được dịch sang tiếng Việt khá nhiều bài, đặc biệt là Bắc Đảo (có thể tìm đọc trên trang Tiền Vệ). Với cá nhân mình, việc đọc các nhà thơ Mông lung đã cho mình một cảm quan rất đặc biệt về văn học đương đại Trung Hoa, điều mà nếu chỉ đọc văn xuôi không thôi, rất có thể mình sẽ có những định kiến phần nào tiêu cực.
Vâng, sau tất cả, vẫn cần một sự bền lòng…
*
Kính thưa quý vị,
Tối hôm nay, trước tất cả mọi người, tôi muốn trầm giọng mình xuống, để từ “biết ơn” có thể được nghe thấy rõ hơn. Đó là từ tôi nhất định phải nói và đáng lẽ phải được nói ra từ lâu rồi.
Kể từ lần đầu tiên khi được nghe những vần thơ của Baudelaire, Lorca, Tsvetaeva và Ehrenburg, một thế hệ nhà thơ Trung Hoa đã mang một nỗi hàm ơn – bởi nhiệt hứng sáng tạo mà những thi sĩ ấy đã truyền đến chúng tôi trong những tháng năm vô cùng nghiệt ngã. Ngôn từ, trong tay của kẻ đón nhận, lập tức đã trở thành số phận.
Thơ ca đã tác động đến chúng tôi với sức mạnh trực tiếp của nó và tôi tin từ thời điểm tác động, sức mạnh ấy lại được truyền ngược trở ra từ mỗi chúng tôi.
Từ ấy, biên giới của tôi chỉ còn là hai hàng cây.
Ngay lúc này đây, những dư âm của những năm 1970 vẫn còn vang vọng, những âm thanh đã tái tạo tính cách của con người. Một đất nước, một giọng nói – nhà thơ tự trục xuất mình ra khỏi tất cả những điều đó. Từ đấy khởi sự sự viết, từ đấy khởi sự lưu đày. Một vị trí tự nó đã đến gần tôi. Tôi chỉ là một con người. Tôi kiến tạo chính mình trên nền tảng đó. Tôi chỉ là một con người.
Tôi không nói về lịch sử, mà là về con người; sự hiện diện của nó trong từ “lịch sử” từ lâu đã gây tranh cãi. Trong từ này, đời sống được thơ ca dẫn lối để tìm kiếm cái mà như Sylvia Plath nói, “một xứ sở xa xôi như sinh lực.”
Tôi đang nói về sự viết, bản étude đấy khó khăn ấy.
Trong quá trình này, cái phải được nói ra gặp gỡ với cái không thể nói được. Mỗi một từ là một chất xúc tác, đòi hỏi nhà văn phải đột phá mạnh mẽ khỏi những chuyện kể khác, khỏi trại tập trung nguyên thủy, nơi lịch sử, xã hội và chính trị hội tụ với nhau, để chạm đến “cái gì” và “ai”. Chạm được vào đó, nhà văn sẽ thấy những đường biên vô tận của con người được rào kín bằng ngôn từ.
Tại điểm đó, mỗi một từ đều có một nửa đã được viết ra, một nửa có thể hiểu được. Ngữ pháp vẫn đang cân nhắc về nửa còn lại. Mỗi một từ không chỉ là một ký hiệu. Bên trong mỗi từ là khối óc của một đứa bé mồ côi. Không một từ nào có thể trẻ trung hơn, song bên trong từ “chịu đựng” là tất cả những bí mật của việc là-con-người.
Có lẽ sự cân nhắc từ ngữ cũng là một hình thức của sự kiếm tìm lẽ công bằng. Nếu một lời độc thoại có thể mời gọi một dàn đồng ca thì có lẽ nó cũng có thể nói cho những kẻ khác nữa. Thi ca tự đủ trong chính tính chất vô dụng của mình, và bởi thế, nó là một sự khinh thị quyền lực.
Ít nhất, lý tưởng của thi ca yêu cầu điều đó: ngay khi nhà thơ vẫn còn đang tìm cách đuổi bắt thì nó đã phát lộ khía cạnh giá trị nhất của nó. Nó cho phép ánh sáng rọi lên những hoen rỉ, để ánh sáng tỏa rạng và lan ra. Ánh sáng do đó đến nơi con người có thể đến, để một lần nữa lại nhận ra tình yêu.
Thứ khải thị chúng ta là sự do dự, phân vân, vì thế, hành động luôn là thứ đáng kết án; sự tối tăm trở nên hoàn thiện hơn, đến mức nó che lấp tất cả những rạn nứt còn lại mà không biết rằng thực ra ánh sáng khởi nguồn chính từ bên trong bản thân nó. Và đó chính là điều mà ngôn từ phải xuyên thấu.
Cái hiện tại, do đó, thậm chí còn trở nên ẩn mật hơn, thiên thần cũng không thể nói được luật lệ này – một lời phù chú đã được viết xuống.
Khi con đường đã trở thành một từ không nhấn giọng, thậm chí kể cả khi ta truy nguyên phả hệ của nó, cái trở lại chỉ là những vang động của một nền văn minh đặc thù. Vì thế chúng ta dừng lại ở đây, dừng lại nơi ta nghĩ mình có thể trở về và trải nghiệm toàn bộ cuộc hành trình tìm kiếm thứ ngôn từ đã bị vùi sâu dưới lớp quặng cùng với một quá khứ xa xôi đã bất tỉnh – một câu đố bị phong kín thử thách người nghe nó.
Khi nhà thơ lắng nghe, ở những giới hạn của sự thành thật, nơi tận cùng của logic, một “cái gì đó” sẽ được mở ra, “cái gì đó” đó chính là thời khắc hiện tại. Từ cội rễ sâu xa nhất của nó, ngôn từ bật tung ra từ câu đố. Có lẽ chính thứ ngôn từ này là cái đã được phát lộ nhờ các dấu vết: một sự tiệm cận, gặp gỡ, đối thoại.
Con đường chỉ tồn tại trong hiện tại; và chúng ta sử dụng những vang âm như những cột cây số.
Tôi đang nói về việc kinh nghiệm của một nhà thơ được đem vào ngôn ngữ như thế nào.
Sau khi đã phải hứng chịu những tạp âm của cách mạng, sự lật đổ, sự thể nghiệm và giải cấu trúc, nhà thơ vẫn còn có thể nghe được những gì? Chính bên trong cái từ bật ra từ câu đố – sự im lặng – chính là hoàn cảnh chung của chúng ta: trên một thế giới hoàn toàn vật chất, trên bình diện mang tính thể chất của con người thuần túy, chúng ta cho phép một thứ trí tuệ bất bình thường mổ rỉa và gặm nhấm cảnh quan; đó là một sự tiếp tục của các khẩu hiệu; một thứ bạo lực có thể chịu đựng được đang sử dụng ký ức như một loại nhiên liệu và cái được nhân lên phong phú chính là âm vọng từ hoàn cảnh của chúng ta, bởi từ đây, ngôn từ bắt đầu bước vào cuộc lưu đày của mình.
Nhưng từ không gian diễn ngôn được tạo nên bởi điển phạm thơ ca, thứ không ngừng vang động chính là lời nói vốn chưa bao giờ tách lìa khỏi sự im lặng: chỉ có ký ức, không có lãng quên, bởi không có núi, chỉ có những chóp đỉnh…
Ngôi đền các thi sĩ cổ điển Trung Hoa hiện lên, họ đem những rặng núi, những dòng sông, những sức nặng và áp lực theo ngôn từ của mình và giữa những dòng thơ, tất cả, để đến với chúng ta, không phải chỉ ở nơi ngôn từ thoát ra mà còn chính tại những điểm đứt gãy địa hình, chờ đợi chúng ta xới cày nơi chúng dừng lại – một mùa màng bắt đầu trên thảo nguyên cuộc đời. Trong một chuyện khác, trong cùng một dụ ngôn, cách chúng ta trở về với âm thanh của những đứt đoạn ấy cũng là cách ánh sáng tạo nên chân trời của chúng ta.
Chính tại điểm ấy, chúng ta cần đến một giọng nói của một câu chuyện chứa đựng tất thảy cất lên.
Nói về phương Đông – phương Tây, nói đến cái sân khấu chung trên đó, chúng ta, tất cả cùng hiện diện – mặt đấy này, bầu trời đầy sao phía trước, những nơi cư ngụ – những đồng minh của chúng ta trong sự viết, những độc giả của chúng ta – những thảm cỏ dưới lòng biển.
Thiên nhiên không có một thứ nước hay mực nào khác, nỗi hiểm nguy đã được tìm thấy, thơ ca dạt vào vị trí ngoại biên, và vị trí ngoại biên này gần với quê nhà. Thơ ca coi vị trí ngoại biên này như một diễm phúc và nó tiếp tục mang đến những nghi lễ dành cho những dòng sông đau khổ, những phong cảnh mà trái tim ta có thể đọc ra ý nghĩa của chúng.
Đấy chính là lý do để chúng ta bền lòng.
Hải Ngọc dịch
Nguồn: Duo Duo, “This is the Reason We Peservere”, bản dịch từ tiếng Trung của Mai Mang, World Literature Today, March-April, 2011, p44-47.