Monthly Archives: Tháng Tư 2015

Nguyễn Trương Quý: Nhạc phản chiến của Trịnh Công Sơn gần với nhạc rock

Bài phỏng vấn nhà văn Nguyễn Trương Quý dưới đây do hai bạn sinh viên Nghiêm Tố Minh và Nguyễn Hà My thực hiện. Bài phỏng vấn ban đầu chỉ nằm trong khuôn khổ của một bài tập ở trường đại học nhưng tôi đã xin phép hai bạn sinh viên và anh Trương Quý để chia sẻ trên blog này. Bởi lẽ qua câu chuyện của anh Trương Quý – một người mà tôi xem như cùng thế hệ với mình, thì âm nhạc Trịnh Công Sơn chính là một trong những nguồn đầu tiên nói với chúng tôi – những đứa trẻ lớn lên ở miền Bắc sau 1975 – về những gì sách giáo khoa đã không nói về lịch sử.

Xin cảm ơn hai bạn sinh viên và anh Trương Quý đã chia sẻ cuộc trò chuyện này:

*

Trước tiên, xin cảm ơn anh đã đồng ý đến với buổi phỏng vấn ngày hôm nay. Thưa anh, được biết anh là một người vô cùng yêu mến và am hiểu về nhạc Trịnh. Vậy điều gì khiến anh yêu thích dòng nhạc này đến vậy?

Trương Quý: Mình nghe nhạc Trịnh Công Sơn ở thời điểm là một cậu thanh niên – không khí miền Bắc nghèo khổ, bao cấp, ám ảnh. Những bài hát ấy nó có yếu tố như chất gây nghiện, ta nhìn thấy ở đấy một chất liệu đời sống khác lạ, chưa kể đến việc Trịnh Công Sơn may mắn có một giọng ca rất ấn tượng là Khánh Ly, làm cho người nghe cảm nhận được trọn vẹn những gì ông muốn truyền đạt.

Vậy anh có ấn tượng gì với dòng nhạc phản chiến của Trịnh Công Sơn?

Trương Quý: Nhạc phản chiến mãi sau này mình mới biết. Đầu tiên, mình chỉ biết đến nhạc tình ca như là khúc dạo đầu để đến với âm nhạc Trịnh Công Sơn, về sau biết được nhạc phản chiến là nhờ một cuốn băng, nhưng lúc ấy mình chưa thấy thích lắm vì bản phối. Thế rồi cho đến một lần, mình ra chợ Giời và tìm được một cuốn băng có tất cả những bài phản chiến ấy, bảo họ bật thử, nghe đúng cái giọng ngày xưa hát, ấn tượng kinh khủng. Về nhà, mình nghe đi nghe lại cuốn băng ấy vì giọng ca có sự truyền cảm. Sau đấy, mình mới thấy các cái bài nhạc phản chiến thực sự là một gia tài rất quý báu của Trịnh Công Sơn, thậm chí có những chất liệu vượt ra khỏi mô tip đơn điệu của nhạc tình. Trịnh Công Sơn đôi khi có những bài hát bị lặp lại cái nốt nhạc: giọng la thứ, quanh đi quẩn lại mấy cái đăng đối ấy, A, B, A#, nó dễ đoán, nó không phải là cái hay độc đáo về mặt âm nhạc. Cái hay của nhạc phản chiến là câu chuyện của cả một thời đại, nó đem đến cho mình những bỡ ngỡ, lạ lẫm, băn khoăn về một không gian, một thời gian mà mình chưa có nhiều ý niệm. Những năm tháng ấy, tuổi trẻ miền Nam đã ra sao, họ cảm thấy gì, xã hội miền Nam như thế nào. Nhạc phản chiếu của Trịnh Công Sơn, với mình, trước hết đem đến những khám phá sinh động về quá khứ mà vẫn rất tình cảm, rất lôi cuốn bởi ca từ, bởi các cấu trúc biểu đạt gây ấn tượng mạnh. Cũng có các nhạc sĩ khác viết nhạc phản chiến nhưng không thành công bằng, nghe vẫn có gì đấy sống sượng, thiên truyền đạt ý tưởng để tuyên truyền. Với mình, những ca khúc phản chiến ấy không có được sự gần gũi, thuyết phục nếu so với những ca khúc da vàng của Trịnh Công Sơn.

Được biết anh là người biên tập cho cuốn sách Trịnh Công Sơn – Bob Dylan, Như Trăng và Nguyệt” của John C. Schafer, vậy có những câu chuyện nào xoay quanh cuốn sách này không?

Trương Quý: Đây là cuốn sách của một giáo sư đại học, nó có những phẩm chất về mặt văn bản; nền tảng về văn hóa học và ngôn ngữ học của tác giả rất tốt… Cuốn sách cho thấy một đề tài có vẻ như đã nói nhiều rồi và dễ nói hay, nói hoa mĩ nhưng tác giả vẫn rút ra được những cách thức truyền đạt khoa học, không sa vào diễn cảm vì rất nhiều người viết về Trịnh Công Sơn bị bí từ, bị cái mĩ lệ trong nhạc Trịnh Công Sơn ảnh hưởng mạnh. Có thể vì tác giả là người nước ngoài, nên cái nhìn của họ không bị phiến diện

Tuy nhiên, phải nói John C. Schafer là người mà mình rất có thiện cảm, một phần vì hoàn cảnh tác giả là người có vợ người Việt Nam, xứ Huế, vậy nên có lúc tác giả còn đề cao Trịnh Công Sơn hơn là Bob Dylan, đó cũng là một cái hay.

Là người quan tâm đến âm nhạc Trịnh Công Sơn, anh có nhận xét gì về các tạo hình lạ thường trong nhạc phản chiến của ông?

Trương Quý: Mình luôn có một thắc mắc, tò mò: Trịnh Công Sơn hồi trẻ học ở một trường tiếng Pháp, hệ thống tác phẩm văn học Việt Nam trong nhà trường trước đây như nào để mà một người học sinh (lúc Trịnh Công Sơn mới viết ca khúc là lúc vừa ra khỏi thời học sinh), lại có được kho từ vừng rất tốt,trau chuốt, diễn tả các ý thức tâm lí rất tinh vi. Mình cũng rất nể khả năng diễn đạt các khái niệm triết học, tôn giáo già đời như một triết nhân thực sự ở Trịnh Công Sơn.

Có thể trong thời gian về sau càng ngày càng trưởng thành, ông càng ngày càng tích lũy được nhiều kiến thức hơn. Về cái nghịch dị trong nhạc phản chiến, mình nghĩ rằng một phần Trịnh Công Sơn chịu ảnh hưởng của những kiến thức về triết học phương Tây, họ đi tìm cách giải thích những sự mâu thuẫn trong đời sống xã hội. Ca khúc phản chiến của Trịnh Công Sơn cũng ra đời khi bối cảnh xã hội Việt Nam chìm trong những mâu thuẫn, xung đột gay gắt.

Cuộc đời Trịnh Công Sơn trải qua những năm tháng bình yên, trước khi đất nước chia cắt hai miền cho đến khi chiến tranh leo thang ở miền Nam, con người luôn phải sống trong căng thẳng, giữa hòa bình và chiến tranh. Ông nhìn thấy ở đấy một cái gì đó như là sự hư vô, bất toàn của cuộc đời này. Trịnh Công Sơn luôn nhìn thấy tình trạng dễ thương tổn của đời sống lúc đó, như là ““mẹ vỗ tay reo mừng xác con”, “mẹ vỗ tay reo mừng chiến tranh”, nhưng ở góc độ nào đấy, mình còn cảm thấy đó là sự lộn nhào của thế giới, giống như đạn bom đã cày xới lên tất cả. Ca từ của ông khiến người ta có cảm giác như khi xem tranh của Picasso: những bức tranh với những hình hài méo mó, cảnh tượng hoang tàn, một không khí hủy hoại bao trùm.

Nói về mặt ý nghĩa lớp lang, những hình ảnh nghịch dị này không phải là lạ vì văn nghệ sĩ châu Âu giữa 2 thập niên đại chiến thứ nhất và thứ hai đã rất ám ảnh bởi cái chết, sự đổ vỡ, sự vỡ mộng trước cuộc sống. Họ nhìn hiện thực ở khía cạnh bóp méo, những hình ảnh như zombie, như ma như quỷ tràn ngập ở các trường phái Dada hay các trường phái nghệ thuật tiên phong của châu Âu. Có lẽ Trịnh Công Sơn cũng phần nào thâu nhận hưởng từ cảm thức và mỹ học của giai đoạn như thế. Nhưng có một hệ biểu tượng nổi bật hơn ở âm nhạc của ông, đó là quê hương. Ông không phân ca khúc của mình thành tình ca và nhạc phản chiến mà thành tình yêu, quê hương và thân phận.

Nhạc phản chiến của Trịnh Công Sơn nhìn quê hương với một giá trị nhân bản đối lập nó với chiến tranh, cái đó trở đi trở lại. Mối liên hệ giữa nhạc phản chiến với nhạc tình ca của Trịnh Công Sơn chính là độ nhân hậu. Nhạc của ông khác với nhạc tuyên truyền lên gân lên cốt, Trịnh Công Sơn có một cách diễn đạt thuyết phục hơn, có những điều mình thấy độc đáo: “người con gái Việt Nam da vàng, yêu quê hương nên yêu người yêu kém”. Tức là ông Sơn có một cái giỏi, lời đó nói bình thường nghe vụng, nhưng đưa vào âm nhạc thì nghe vẫn hấp dẫn: “đại bác qua đây đánh thức mẹ dậy, đại bác qua đây con thơ giật mình”. Trịnh Công Sơn rất tài tình trong việc chế biến các nguyên liệu sần sùi thô ráp, những cái mà nghe có vẻ như không có chất thơ, tạo thành ca từ có sức mạnh biểu đạt.

Theo anh, dư âm của nhạc phản chiến đối với ngày hôm nay như thế nào?

Trương Quý: Mình nghĩ nhạc phản chiến của Trịnh Công Sơn vẫn là một kho tang chưa được khai thác hết trong hệ thống âm nhạc đại chúng Việt Nam hiện đại. Trong mấy chục ca khúc da vàng của Trịnh Công Sơn vẫn có nhiều thông điệp vĩnh cửu về đời sống của con người, về tự do, về hạnh phúc, về những giá trị rất cốt lõi của đời sống. Điểm đáng trân trọng nhất là Trịnh Công Sơn vẫn giữ được một tâm thế an nhiên, một sự vô nhiễm, kể cả khi có sự ảnh hưởng của kinh tế hay chính trị. Nó như những cái mộng ước về thế giới, nơi chúng ta có thể sống cùng nhau. Mộng ước ấy ta có thể tìm thấy trong bất kì bài hát nào của Trịnh Công Sơn liên quan đến chủ đề phản chiến. Những hệ thống, mạng lưới, trường liên tưởng trong ca từ của ông rất phong phú. Những hình ảnh, thủ pháp văn học trong lời ca Trịnh Công Sơn vẫn có ý nghĩa quy chiếu nhất định đối với ngày hôm nay. Với mình, nhạc khúc da vàng có một phẩm chất gần với nhạc rock, nó có một tâm thế gì đó muốn bứt phá, nổi loạn, một chút gì đấy muốn thể hiện mình của giới trẻ, nó rất khác với tâm thế “một đời về không, hai tay quy hàng”. Đó là những ca khúc có giá trị nhân văn nhân bản mạnh mẽ.

– Xin cảm ơn anh Trương Quý về bài phỏng vấn này!

Tố Minh – Hà My (thực hiện)

“Nhìn qua cửa sổ”: Hội họa như là sự tư duy về ý nghĩa của hỗn độn

Tôi vô cùng thích những buổi sáng, khi lũ trẻ đã đến trường, chỉ còn lại một mình, tách cafe nóng trong tay, lắng nghe một giai điệu buồn bã ky diệu của Rachmaninov, và nhìn ra bên ngoài cửa sổ. Đó là một khung cửa sổ thật lớn, từ đó nhìn ra xanh mướt, ngập nắng của mùa hè, ào ào lá trút giữa mùa thu, u ám, não nề những ngày đông và mong manh, lạnh lẽo khi xuân đến.

Tôi thích ngồi như thế và…nghĩ, và suy nghĩ. Chẳng có gì ghê gớm cả, những suy nghĩ của một con người bình thường, một người phụ nữ bình thường, một người mẹ bình thường.

Cafe đã nguội, nhạc đã tắt, bốn mùa cứ thế trôi qua, và …tôi vẽ…

  1. Tôi có một sở thích, đó là suy nghĩ. Tôi có thể ngồi hàng tiếng đồng hồ chỉ để nghĩ. Tôi nghĩ về mọi thứ, từ những vật tưởng chừng như vô nghĩa như cái vỏ quít con trai ăn xong vừa vứt ra cho đến những cái mênh mông như thiên hà, vũ trụ. Từ những chuyện tầm phào của Hồ Ngọc Hà, hay của Mathew Mc Fadeyn đến những suy nghĩ vĩ đại của Sartre, Osho… Và bởi vì cứ nghĩ ngợi lan man như thế, nên đến lúc buộc lòng phải đứng dậy, đi làm việc khác, tôi chẳng biết mình đã nghĩ cụ thể về những gì, nghĩ như thế nào. Đọng lại chỉ còn là những vệt loằng ngoằng, không đầu, không cuối, to nhỏ, dày mỏng khác nhau, đan quyện vào nhau. Đôi khi những đường loằng ngoằng, xoắn xuýt ấy lại tạo nên những hình thù vô nghĩa mà cũng đa nghĩa nào đấy, như sự vận hành của cuộc sống vậy…
  2. Có một việc tôi thích làm trong lúc ngồi suy nghĩ, đó là nhìn ra cửa sổ. Nhìn ra cửa sổ, với tôi, như nhìn ra cuộc sống. Tôi thích vị trí ấy, đằng sau một khung cửa sổ, như là tôi đang ở bên lề cuộc sống. Cuộc sống được nhìn qua khung cửa sổ là cuộc sống đã được đóng khung, mặc dù nó chuyển động. Mọi sự vật, mọi sinh vật đều nằm trong một cái khung dành riêng cho nó.
  3. Ghép hai sở thích với nhau, tôi có được những bức tranh “Nhìn qua cửa sổ”. Nói một cách tối giản là tôi vẽ những suy nghĩ của tôi trong lúc tôi nhìn ra cửa sổ. Vậy thôi, không có gì to tát cả.
  4. Số phận đã dành cho tôi một vài biến cố nhất định. Và để tự thưởng cho việc mình đã vượt qua một số thử thách đó, tôi quyết định dành những bức tranh này cho mình. Lúc này, chính tại lúc này, tôi từ bỏ lý tưởng của mình; rằng nghệ thuật nói chung phải, hay ít nhất là phải góp phần làm thế giới trở nên tươi đẹp hơn. Lúc này tôi biết, nghệ thuật, với tôi chỉ là chỗ cư trú cho những suy nghĩ không đầu không cuối của tôi mà thôi.”

Dương Thùy Dương

Processed with VSCOcam

Bạn đang muốn sở hữu đôi dép gắn cánh của Perseus để bay lên một không gian khác, để tránh đi sự thống trị hay kết án đầy ngu dốt của loài người? Bạn khao khát thân hình mình bỗng nhiên nhẹ bẫng để có thể thực hiện cú nhảy khéo léo và không thể đoán trước của Cavalcanti? Hay bạn muốn cưỡi một chiếc xô rỗng đi tìm than như người kỵ sĩ của Kafka? Hãy nghe lời khuyên của Italo Calvino, dừng lại món ốc sên trên bàn ăn và theo Cosimo trèo lên một cái cây để ngắm nhìn thế giới. Những tưởng tượng nhẹ nhõm, phi lý và khinh khoái ấy cũng thể được nhận ra qua 19 bức tranh sơn dầu tại triển lãm “Par la fenêtre” (Nhìn qua cửa sổ) của nữ họa sĩ Dương Thùy Dương.

Sinh năm 1979 tại Hà Nội, Dương Thùy Dương theo học khoa Hội họa trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam, tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội chuyên ngành Thiết kế thời trang và lên đường sang Đại học Mỹ thuật và Thiết kế Burg Giebichensteion, Halle, CHLB Đức. Với niềm đam mê và sự tìm tòi quyết liệt những cách thức biểu hiện trong hội họa, từ khi còn là sinh viên năm hai của Đại học Mỹ thuật Việt Nam, cô đã thuyết phục hoàn toàn GS Rolf Muelle về những ý tưởng thể hiện “tiếng nói thấm đẫm hình ảnh” của riêng mình.

Processed with VSCOcam

“Nhìn qua cửa sổ” là một cách phóng chiếu về thế giới của Dương Thùy Dương. Với những nét vẽ rối như tơ, cô đã biểu đạt thế giới này, thế giới như cô nhìn thấy, trong một sự tự tin chơi đùa với ngôn ngữ hội họa. Dương Thùy Dương từng bảo “Dù một sự vật phức tạp như thế nào, thì cuối cùng con người cũng có nhu cầu phải định danh cho nó một cái tên gọi, hoặc một ý nhận định xác đáng. Như cầm được đầu mút sợi chỉ, là có thể rút ra hết búi chỉ rối. Ngôn ngữ hiện ra trên bề mặt cuộc sống, và những thứ đằng sau ngôn ngữ cũng y như vậy. Nhận mặt những gì chính danh thì dễ dàng đã đành, nhưng có những thứ “trông vậy mà không phải vậy”, lửng lơ, nước đôi, pha trộn, tạp chủng, xanh vỏ đỏ lòng thì làm thế nào? Để gọi ra những trạng thái ấy không gì tốt hơn là ngôn ngữ của nghệ thuật. Hội họa cũng làm nhiệm vụ định danh những trạng thái lững lờ mù mờ như vậy. Nhưng nó phát xuất từ trạng thái của cá nhân chứ không phải câu chuyện của số đông. Nó nhìn ngược vào trong từng bản thể hơn là phóng chiếu ra ngoài. Và địa chỉ của nó là: Càng đào bới sâu con người cá thể bao nhiêu, càng đo được nhân loại bấy nhiêu”. Hành trình tìm kiếm sự định danh những trạng thái lững lờ mù mờ, với Dương Thùy Dương, có lẽ chưa bao giờ là sự mỏi mệt. 19 bức tranh sơn dầu được trưng bày trong triển lãm đều chứa đựng một nội lực phi thường và khiến người xem như bị “hóa đá”, chẳng khác gì nhìn vào đôi mắt của nàng Medusa, khi những nét vẽ xoắt xuýt lôi cuốn tựa chiếc đầu rắn.

Italo Calvino từng bảo, một câu thơ sẽ không vì sự hiện diện của chữ “đá” mà trở nên nặng nề. Và như thế, Dương Thùy Dương không vì những đường nét rối rắm mà khiến cho bức tranh của mình trở nên huyền bí, như thể đang gắng gượng biểu đạt một thế giới đầy rẫy những thông điệp sâu sắc. Họa sĩ Thùy Dương đã nhìn qua cửa sổ, một mảnh vườn nhỏ, một con hẻm, một cái ngõ, một hình ảnh đại diện, và biểu đạt chúng bằng ngôn ngữ hội họa của riêng cô: những vòng xoáy ma mị. Hội họa, một lần nữa, cùng với các loại hình nghệ thuật khác, tự giải trừ khỏi những gánh nặng về ý nghĩa thông điệp mà chúng không tài nào hiểu được, để vươn đến một sự tự trị. Hội họa, cùng với những loại hình nghệ thuật khác, đã và hãy nhìn thế giới này, trước những sức nặng tưởng như không thể chịu đựng nổi, một sự nhẹ nhõm, một cú nhảy khéo léo và chuẩn xác, một chuyến dạo chơi. Xem tranh của Dương Thùy Dương, bên ngoài L’Espace vẫn là sự chảy trôi của cuộc sống thường nhật, chúng ta có dịp đối diện bản thân mình với một thế giới khác và tự vấn, mình ở đâu giữa những đường nét giao nhau không rõ điểm bắt đầu và kết thúc. Nhưng cũng chính những vệt màu ngẫu nhiên và hỗn độn ấy, nói như nhà vật lí thiên văn Trịnh Xuân Thuận, khiến chúng ta hiểu ra rằng, hỗn độn đã không được đếm xỉa đến và bị ngăn chặn cho đến cuối thể kỉ XIX, cuối cùng đã xuất hiện và đòi phải được thừa nhận bên cạnh tính trật tự1. Sự hỗn độn hiện diện quanh ta, từ những chuyển động phức tạp, không đều đặn và hỗn loạn của các khối không khí, của mọi chất lưu, của dòng dung nham phun trào từ miệng núi lửa, cho đến hiện tượng chảy rối mà ta dễ dàng nhìn thấy qua các hình ảnh về vòng xoáy thiên hà. Từ những chuyển động hỗn độn tồn tại như một lẽ đương nhiên của cuộc sống đang vận hành, Dương Thùy Dương nhận ra nhu cầu tìm kiếm sự hỗn độn nằm ngay trong bản thể của cô. 19 bức tranh sơn dầu với một cách thức thể hiện duy nhất đã phác thảo lộ trình mà cô đi, với mục đích giải phóng ý nghĩ chứ không nhằm định danh trạng thái hỗn độn.

Nếu bản chất của bức họa là việc tổ chức bố cục của nó, như Robert Laughlin nói trong “Luật biên giới”2, thì tranh sơn dầu của Dương Thùy Dương thể hiện sự hài hòa về sức mạnh ở những nét vẽ kìm nén nhưng cũng đầy phóng túng trong sự mê hoặc của ngôn ngữ sắc màu. Những vệt màu như không thể giới hạn nếu không có sự xuất hiện của khung tranh, như Dương Thùy Dương chủ động đóng khung cuộc sống dịch chuyển bên ngoài cô bằng đôi mắt, bằng vệt sơn, bằng toan vẽ, bằng triển lãm “Nhìn qua cửa sổ”.

Triển lãm Nhìn qua cửa sổ kéo dài từ ngày 27/2 đến ngày 21/3 tại Sảnh triển lãm Trung tâm Văn hóa Pháp, 24 Tràng Tiền, Hà Nội.

Đặng Hương Giang

Chú thích:

  1. Trịnh Xuân Thuận, Hỗn độn và hài hòa, Phạm Văn Thiều – Nguyễn Thanh Dương dịch, NXB Tri thức, 2013, trang 205.
  2. Robert B. Laughlin, Một vũ trụ lạ thường, phát minh lại môn vật lý theo chiều ngược, Chu Lan Đình – Nguyễn Văn Đức – Nguyễn Tất Đạt dịch, NXB Trẻ, 2014, trang 32.