Philip Guston sinh tại Canada trong một gia đình gốc Do Thái. Năm lên ba tuổi, ông theo gia đình sang sinh sống tại Mỹ. Ông đi học tại Los Angeles nhưng đều không hoàn tất chương trình trung học cũng như khóa học tại Viện Nghệ thuật Otis. Mặc dù vậy, ông được xem là một trong số những có kiến văn sâu sắc bậc nhất của Trường phái New York, thể hiện qua những công trình nghiên cứu của ông về lịch sử hội họa của Mexico và Italy. Trong những năm 1930, hội họa của Guston hướng đến những hình thức biểu hiện mang thông điệp xã hội và phong cách này còn được ông tiếp tục theo đuổi trong những năm 1940 theo hơi hướng trữ tình mềm mại hơn. Đến thập niên 1950, ông đi theo bút pháp trừu tượng có sự gần gũi tương ứng với lý tưởng của Chủ nghĩa Trừu tượng Biểu hiện. Cuối những năm 1960, ông làm công chúng ngạc nhiên khi quay về với những bức tranh khổ lớn, đậm tính tự sự và mang màu sắc châm biếm gợi lại những ký ức chấn thương về Ku Klux Klan (tổ chức chủ trương phân biệt chủng tộc cực đoan ở Mỹ) và thảm họa diệt chủng Holocaust. Trong những năm cuối đời, Guston vẽ những bức tranh mang phong cách ngụ ngôn thể hiện những suy nghĩ bi quan, mang tinh thần mạt thế luận về thân phận con người.
Theo kinh nghiệm của tôi, một bức tranh không hề được tạo nên bởi màu hay sơn. Tôi không biết thế nào là một bức tranh; ngay cả nỗi ham muốn vẽ – ai biết được cái gì đã kích thích nó? Đó có thể là các sự vật, ý nghĩ, ký ức, cảm giác – những thứ chẳng có điểm gì liên hệ trực tiếp với bản thân bức tranh cả. Chúng có thể bắt nguồn từ bất cứ thứ gì và bất cứ chỗ nào, một chuyện vặt vãnh, một chi tiết nào được quan sát, gây băn khoăn và thường rất tự nhiên, chúng bắt nguồn từ bức tranh đã có trước đó. Bức tranh không nằm trên bề mặt vật chất mà nằm trên một mặt phẳng được tưởng tượng. Nó vận động trong tinh thần. Nó không tồn tại ở đó như một thực thể vật chất. Nó là một ảo ảnh, một phép ma thuật, vì thế cái ta thấy vậy hóa ra lại không phải vậy. Tôi cho rằng điều tương tự cũng đúng ở thời Phục hưng.
Cái lạ và cái quen, cái hàng ngày có thể chung sống trong một bức tranh. Tôi thích có một đối tượng để vẽ. Song nó không dễ kiểm soát, trên thực tế, nó hoàn toàn không thể kiểm soát được, ý nghĩa của nó không ngừng thay đổi và cấu trúc của nó cũng vậy. Trong sự dao động tất yếu này, các hình ảnh xuất hiện rồi nhanh chóng biến mất. Những thất bại luôn ở xung quanh, đợi chờ. Điều đó, với tôi, luôn bí ẩn: tại sao, vào một ngày may mắn nào đó, những hình ảnh níu lấy ta, neo vào ta, không có gì thúc ép ta phải xóa bỏ chúng. Sự mãn nguyện trong chốc lát, chỉ trong chốc lát này, với tôi, luôn là niềm ngạc nhiên. Rồi sau đó, một nỗi xáo động nào đó trở thành ám ảnh, xâm chiếm xưởng vẽ của người họa sĩ và anh ta lại bắt đầu rơi vào hoang mang.
*
Isaac Babel – một trong hai nhà văn mà tôi ngưỡng mộ từ nhiều năm, bên cạnh Franz Kafka, đã từng có một diễn từ thú vị, mang giọng điệu châm biếm trước Hội nhà văn Liên Xô. Đó là vào năm 1934. Ông chấm dứt bài nói của mình bằng nhận xét sau: “Đảng và Chính phủ đã trao cho chúng ta mọi thứ, nhưng đã tước đi của chúng ta một đặc quyền. Một đặc quyền rất quan trọng của chúng ta, kính thưa các đồng chí, đã bị lấy đi. Đó là quyền viết dở.” Chẳng đẹp sao? Tôi đang ở đâu? Chẳng phải bất kỳ ai cũng muốn vẽ tệ?
*
Tôi nghĩ có lẽ ham muốn tiềm tàng nhất đối với một họa sĩ, một người làm hình ảnh là được nhìn thấy nó. Được nhìn những gì đầu óc của ta có thể nghĩ và tưởng tượng, được hiện thực hóa hình ảnh cho chính mình, thông qua bản thân mình, càng cụ thể càng tốt. Tôi nghĩ đó là sự thôi thúc mạnh mẽ nhất, đồng thời cũng cổ xưa nhất, có lẽ đã kéo dài suốt 25000 năm. Khoảng thời gian 1961-1962, sự thôi thúc về hình ảnh trở nên khẩn thiết đối với tôi và tôi đã bắt đầu loạt tranh với những hình ảnh tối, hầu như chỉ có màu đen-trắng. Chúng được hình dung như là những cái đầu và những vật thể.
*
Khi suy ngẫm, nghiên cứu về nghệ thuật của quá khứ, tôi nhận thấy hội họa Trung Hoa đời Tống chính là hình mẫu lý tưởng nhất đối với mình. Hội họa Tống bắt đầu vào khoảng thế kỷ X- XI. Ở thời Tống, quá trình khổ luyện là làm một việc gì đó cả hàng ngàn, hàng ngàn lần – cho đến khi có cảm giác không phải mình, mà là ai đó khác, đang làm việc đó và nhịp điệu vận hành qua bạn. Trạng thái ấy, tôi nghĩ, chính là cái mà Thiền học Phật giáo gọi là “satori” (“đốn ngộ”) và sự đốn ngộ này đã xảy đến với tôi. Nó là một hoạt động kép, người ta vừa biết và vừa không biết nó, mà thực sự cũng không cần nói về nó. Vì thế tôi cố gắng làm việc để đạt đến khoảnh khắc ấy và nếu một hai năm sau, khi nhìn lại những tác phẩm mình đã thực hiện và bắt đầu thử đánh giá chúng, tôi thấy đó là việc bất khả. Làm sao có thể phán xét về chúng nữa vì tác phẩm là cái mà ta đã cảm thấy.
Tiêu chí đánh giá, không gì khác hơn, chính là thứ xúc cảm nảy sinh tại một thời điểm nhất định trong đời người và bạn tin vào nó. Bạn phải tin vào xúc cảm ấy và rồi tiếp tục, tin vào chính mình. Và rồi tác phẩm có hiệu lực theo cách ngược lại. Tôi biết tôi đã bắt đầu những thứ tương tự trong quá khứ, cách đây 20-25 năm, sau đó xóa hết đi. Tôi nhớ rất rõ những bức tranh mình đã xóa bỏ, hóa ra trên thực tế, chúng còn hiện hữu sắc nét hơn những gì còn lại. Ngay sau đó, tôi đã tự hỏi: “Tại sao mình lại xóa bỏ chúng?”. Ừ, thì khi đó tôi chưa sẵn sàng để chấp nhận chúng, đó là câu trả lời duy nhất. Điều này dẫn tôi đến một điểm khác; không nhiều người xem tranh hiểu rằng bản thân họa sĩ nhiều khi cũng không dễ chấp nhận được những bức tranh do chính mình vẽ. Người ta cứ nghĩ tôi sẽ hãnh diện, sẽ hân hoan khi nhìn lại những tác phẩm của mình. Không phải vậy. Tôi là họa sĩ làm việc vào ban đêm, vì thế buổi sáng hôm sau, khi bước vào xưởng vẽ, trạng thái cuồng nhiệt đã tiêu tan. Tôi biết rằng chi tiết cụ thể thì mình không còn nhớ, nhưng tôi còn nhớ rất rõ cảm xúc về tổng thể. Tôi bước vào xưởng vẽ với cảm giác sợ hãi, tôi rụt rè nhìn lại những gì đã xảy ra ở đêm trước đó. Và một cảm xúc thường dấy lên trong tôi khi đó là: “Chúa ơi, tôi đã làm việc này sao?”. Đó là tiêu chí đánh giá duy nhất của tôi. Cảm giác về một cái gì lay động, run rẩy… “Là tôi đó ư? Tôi đã làm việc ấy?” Nhưng phần lớn thời gian, chúng ta chỉ làm việc như những người thợ, chúng ta xây và xây, thêm thắt, chuẩn bị, để rồi khi lê chân vào xưởng vẽ, bạn phải ngỡ ngàng: “Trời ạ, đó là những gì tôi đã làm ư? Trông thật khủng khiếp. Tất cả chỉ đáng vứt đi.” Đó là một trong những cảm xúc rung lên ở phút chót.
Thường vào khoảnh khắc ấy, bạn như là kẻ đang chơi quân bài cuối cùng và đã sẵn sàng thua cuộc – một trạng thái nhận thức nào đó xuất hiện ở bạn và bạn phải làm việc với khoảnh khác ấy. Nhưng bạn cũng không thể thúc ép khoảnh khắc ấy phải xuất hiện. Nó chỉ đến khi bạn thực sự thấy rằng mình phải từ bỏ. Rồi một điều gì đó sẽ nảy sinh.
Hải Ngọc dịch
Nguồn: Twentieth – Century Artists on Arts, Dore Ashton biên tập, NY:Pantheon Books, 1985, trang 210-213.