Susan Bassnett – Lý thuyết dịch

babel1-hiHình ảnh từ phim Babel (2006) của đạo diễn Alejandro Gonzalez Inarritu – một bộ phim mà theo tôi cũng xem dịch như một chủ đề.

*

Dịch thuật như là hành vi chuyển giao một văn bản ở một ngôn ngữ này sang một ngôn ngữ khác, từ hơn một thiên niên kỷ qua, đã luôn là một nguồn chính của thông tin xuyên văn hóa. Các dịch giả đã để lại phát ngôn về công việc của mình trong các lời tựa, ghi chú, tiểu luận, khảo luận, song chỉ đến gần đây mới thực sự có những nỗ lực lý thuyết hóa và nghiên cứu dịch thuật một cách hệ thống.

Một vài nhận định sớm nhất về dịch thuật đã đưa ra sự phân biệt giữa cách dịch từ-đối-từ (word-by-word) với cách dịch nghĩa-đối-nghĩa (sense-by-sense), một sự phân biệt được Thánh Jerome, một trong những người dịch Kinh Thánh sớm nhất, xác định, xuất phát từ kiểu tư duy lưỡng phân mà trước đó Cicero đã thiết lập. Những người La Mã đã nhận thấy vấn đề cơ bản mà dịch giả nào cũng phải đối mặt – nguy cơ ở quá gần ngôn ngữ gốc/ ngôn ngữ nguồn, văn bản gốc/văn bản nguồn, do đó, dẫn đến khả năng làm biến dạng cái mới, hay ngôn ngữ, văn bản đích hay nguy cơ ngược lại khi tạo ra một văn bản đích rất đẹp nhưng thoát nguồn đến mức dường như dịch giả cùng lúc đó đang tạo ra một cái gì đó mới. Các dịch giả và những người muốn xây dựng một lý thuyết về dịch đều, bằng cách này hay cách khác, đều phải đối mặt với vấn đề nan giải tương tự: nhiệm vụ của dịch giả nên là đưa văn bản đến một thế hệ độc giả mới bằng việc tái tạo văn bản nguồn thật khéo léo để độc giả cảm thấy hấp dẫn và quen thuộc, hay anh ta, thay vào đó, nêm tìm cách đưa độc giả về với văn bản, ngôn ngữ nguồn, có thể bằng việc chủ ý lạ hóa ngôn ngữ để tạo ra cảm giác về sự xa lạ (foreigness) trong văn bản? Phương thức “quen thuộc hóa” (familiarization) hay tiếp biến văn hóa (acculturation) được các dịch giả người Pháp thời Khai sáng ủng hộ trong khi đó, những dịch giả người Đức cùng thời với họ lại ưa chuộng phương thức “xa lạ hóa” (foreignization) hơn – phương thức vốn được Friedrich Schleiermacher trình bày rất sáng rõ trong khảo luận của ông về những phương pháp dịch thuật khác nhau công bố năm 1813.

Vấn đề liệu dịch giả, về nguyên tắc, nên chịu trách nhiệm về bản thân ngôn từ hay về nghĩa mà những từ ngữ này thụ nhận trong ngữ cảnh dẫn đến những tranh cãi mở rộng xung quanh ý nghĩa của khái niệm “tín” (faithfulness) trong dịch thuật. Trong những nỗ lực định nghĩa chữ “tín”, các dịch giả đã phải dựa vào nhiều hình ảnh khác nhau. Ở một thời điểm nhất định, một dịch giả trung thành có thể được mô tả như một người lần theo bước chân của người đi trước, hay như một kẻ phục tòng nguyên tác, hay như một kẻ sao chép thiện nghệ. Tương phản với những hình ảnh mang ý nghĩa phục tòng như thế, những người khác lại hình dung về dịch giả như kẻ mặc cho nguyên tác một trang phục hợp thời hơn (ở nước Anh thời Phục hưng, hình ảnh về ngôn ngữ như một thứ vải sợi chất phác đặc trưng của nước Anh phục vụ cho mục đích dịch giả tốt hơn thứ vải lụa hay satin có nguồn gốc Latin kiểu cách là một hình ảnh phổ biến) hay như một kẻ làm cho nguyên tác hoàn thiện hơn nữa bằng cách giải phóng ngôn ngữ trong một ngữ cảnh mới. Những tranh cãi xung quanh chữ “tín” trong dịch thuật rất gay gắt và chúng móc nối mật thiết với những vấn đề về tính khả dịch (translatability). Những định nghĩa về sự tương đương và độ “tín” hết sức đa dạng, cũng như là những chiến lược mà các dịch giả sử dụng tương ứng với hai khái niệm rất khác nhau nhau này.

Lĩnh vực được gọi là nghiên cứu dịch thuật (translation studies) hình thành từ thập niên 1970 và đã mở rộng trên phạm vi toàn thế giới, đó là một tiến trình được chứng thực bởi số lượng dồi dào các cuốn sách, tạp chí chuyên ngành, hội thảo, chương trình đào tạo và luận án tiến sĩ trong ba thập niên qua. Mối quan tâm về dịch thuật dường như ngày càng gia tăng trong thế kỷ XXI, khi hàng triệu người có nhu cầu phải học tiếng Anh-thứ tiếng đã trở thành ngôn ngữ chủ đạo trong thương mại quốc tế và giao tiếp toàn cầu, và hàng triệu người phải di trú do chiến tranh, nạn đói và các thảm họa sinh thái. Không phải là ngẫu nhiên khi sự gia tăng mối quan tâm về dịch thuật lại song hành với sự gia tăng di động trên phạm vi quốc tế ở một mức độ chưa từng thấy.

Nghiên cứu dịch thuật, như một lĩnh vực chuyên biệt, đi vào sự chín muồi bắt đầu từ một chuỗi các seminar quốc tế được tổ chức ở Đức, Bỉ và Hà Lan đầu thập niên 1970. Đến năm 1983, lần đầu tiên, chủ đề dịch thuật được ghi vào thư mục tham khảo quốc tế của Hội Ngôn ngữ Hiện đại (Modern Language Association). Vào năm 1976, trong một cuộc hội thảo ở Đại học Leuven, Bỉ, các học giả đã cố gắng xác lập những giới hạn của lĩnh vực được coi là mới mẻ này. Andre Lefevere đã viết một tuyên ngôn ngắn trong đó nói rõ: mục tiêu của lĩnh vực là xây dựng một lý thuyết tổng quát có thể sử dụng như là nguyên tắc chỉ đạo cho hoạt động dịch thuật. Thứ lý thuyết này sẽ phát triển song hành với những luận điểm không theo chủ nghĩa thực chứng mới, cũng không theo hướng thông diễn học, nó sẽ liên tục bị kiểm chứng lại để kháng cự những trường hợp cụ thể. Theo cách này, ngay từ đầu, mối quan hệ giữa lý thuyết dịch và hoạt động dịch trên thực tiễn đã bị bỏ ra. Cũng có ý nghĩa cấp thiết đối với sự phát triển của lĩnh vực mới này là phác lại phả hệ của nó; lịch sử dịch thuật, vì thế, trở thành một nội dung quan trọng của ngành nghiên cứu này.

Những thành viên ban đầu của nhóm nghiên cứu dịch thuật, gồm có các nhà nghiên cứu người Israel về thuyết đa hệ thống Itamar Even-Zohar và Gideon Toury, dịch giả người Mỹ – James Holmes, dịch giả người Slovak- Anton Popovic, dịch giả Jose Lambert từ nước Bỉ và một số người khác nữa, tuy xuất phát từ những nền tảng khác nhau song đều chia sẻ niềm tin rằng đã đến lúc dịch thuật cần phải được nghiên cứu một cách hệ thống hơn. Họ nhận thấy nếu như ngôn ngữ học có xu hướng không để ý đến những vấn đề văn hóa rộng lớn hơn của hoạt động dịch thuật thì nghiên cứu văn học lại có xu hướng chỉ đánh giá dịch thuật từ cách tiếp cận hình thức luận và không chú ý đến vai trò của văn học dịch trong việc hình thành các điển phạm văn chương. Cái cần có phải là một điểm tựa lý thuyết vững chắc cho nghiên cứu dịch thuật và một nhận thức sâu rộng hơn về tác động của dịch thuật như một lực tạo hình (shaping force) trong lịch sử văn học, một tác động cần phải đo trên trục thời gian, và do đó, lịch sử của dịch thuật được nhấn mạnh.

Nền tảng tri thức của ngành nghiên cứu dịch thuật đã chuẩn bị kịp thời, trên thực tế, nó đã được dọn đường từ công trình của các học giả như nhà ngôn ngữ học người Anh J.C.Catford và Eugene Nida, một dịch giả Kinh Thánh người Mỹ. Từ những năm 1960, Nida đã phát triển cái mà ông gọi là “khoa học dịch thuật” và đã vận dụng nó một cách thiết thực để xử lý vấn đề được xem là then chốt khi đó: cái gì cấu thành sự tương đương trong dịch thuật? Cùng lúc đó, Catford phân biệt giữa cái mà ông gọi là dịch “ngôn ngữ” và dịch “văn hóa”. Cả hai học giả xuất sắc này đều nhận ra dịch bao hàm sự thương thỏa và bất cứ quan điểm nào về sự tương đương tuyệt đối đều phi lý. Nida xây dựng lý thuyết về sự tương đương “hình thức” và tương đương “động”: trong khi sự tương đương hình thức chú ý vào thông điệp thực sự trong hình thức và nội dung, trong khi sự tương đương “động” lại nhằm vào hiệu ứng tương đương, nghĩa là mối quan hệ tương tự giữa người nhận và thông điệp trong cả hai ngôn ngữ. Tác động từ lý thuyết của Nida có thể nhận thấy rất rõ trong công trình của các lý thuyết gia về dịch thuật người Đức như Wolfram Wilss, Katharina Reiss và Hans Vermeer, những người đã xây dựng thuyết skopos về dịch thuật, theo đó, chức năng và mục đích của dịch thuật sẽ quyết định các chiến lược dịch của dịch giả.

Điều phân biệt nghiên cứu dịch thuật và các nhận định, phát ngôn trước đó về dịch thuật là cố gắng hệ thống hóa cách tư duy về dịch thuật và nhấn mạnh những vấn đề ý thức hệ mà trước đó được xem là thứ yếu. Dịch thuật, như các học giả của thuyết đa hệ thống lập luận, là một hoạt động văn chương có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, có thể tạo được tác động lớn đối với một nền văn hóa. Even-Zohar đã cố gắng xác lập một bản đồ về hoạt động dịch, chỉ ra ở những thời điểm khác nhau, các nền văn hóa có xu hướng dịch một số lượng văn bản nhiều hơn hoặc ít hơn tùy theo nhu cầu của mình. Hơn hai thập niên kế tiếp, nghiên cứu lịch sử dịch thuật đã bắt đầu cho chúng ta thấy theo những cách khác nhau, các dịch giả làm việc trong những bối cảnh khác nhau, tại những thời điểm khác nhau trong lịch sử đã ý thức được vai trò của mình và tác động của vai trò luôn thay đổi này đối với thực tiễn dịch thuật.

Vấn đề lớn nhất mà các dịch giả phải bận tâm là vấn đề ý nghĩa (meaning). Một giả thiết phổ biến được nhà ngôn ngữ học người Mỹ Edward Sapir (1884-1939) và Benjamin Lee Whorf (1897-1941) đề xuất cho rằng không có hai ngôn ngữ nào có thể cùng biểu đạt một thực tại xã hội giống nhau. Thuyết quyết định luận về ngôn ngữ này đã dẫn Sapir và Whorf đi đến lập luận: mọi sự dịch đều hàm chứa một quá trình thương thỏa giữa hai thế giới quan hoàn toàn khác nhau vốn bị quy định bởi thứ ngôn ngữ được sử dụng. Giả thuyết Sapir-Whorf được các lý thuyết gia về dịch thuật sử dụng rộng rãi chính vì những hàm ý của nó liên quan mật thiết với thực tiễn dịch thuật. Thậm chí, ngay một đơn vị từ vụng đơn giản như “bánh mì” hay “bơ” cũng gợi ra những trường nghĩa hoàn toàn khác nhau ở những nền văn hóa khác nhau. Hình ảnh thị giác mà từ “bánh mì” gợi ra trong bối cảnh Mỹ (được cắt lát sẵn, được bọc, trắng và vuông, được sử dụng để làm sandwich) sẽ khác với hình ảnh mà từ “bánh mì” gợi ra trong bối cảnh Uzebekistan (dẹt, được dọn ra trong bữa ăn bởi thành viên nam nhiều tuổi hơn, và phải dùng tay phải để cầm ăn kèm với thịt và cơm, chẳng hạn). Thế nhưng cả hai từ đều quy chiếu đến một loại món ăn chính trong đồ ăn thường ngày ở mỗi nước và cả hai từ đều tồn tại như là những từ tương đương trong từ điển. Nếu chúng ta chỉ chú ý về sự tương đương về nghĩa từ điển mà không quan tâm đến những khác biệt vốn mang tính văn hóa hơn là chỉ trên bình diện ngôn ngữ, sự thất thoát về ý nghĩa sẽ khiến cho việc dịch trở thành vô giá trị. Thế nhưng có bao nhiều lớp nghĩa có thể được dịch mà không cần phải ghi chú hay giải thích thêm? Tính chất khó khăn của nhiệm vụ này chính là điều khiến cho hàng bao thế kỷ qua, người ta không ngừng xoáy mãi vào sự mất mát trong dịch thuật, vì việc chuyển giao một văn bản từ ngôn ngữ này sang ngôn ngữ khác thường được nhìn như là một quá trình đi liền với sự mất mát các lớp nghĩa hay phẩm chất thẩm mỹ.

Có lẽ đóng góp đặc biệt quan trọng của các lý thuyết gia về dịch thuật đương đại trong cuộc tranh cãi kéo dài này về chữ tín trong dịch và những định nghĩa về sự tương đương là họ đưa ra khẳng định: hoàn toàn không thể quan niệm sự tương đương nghĩa là sự giống nhau. Khi điều này được chấp nhận, một khái niệm dịch linh hoạt hơn sẽ được xác lập, giải phóng dịch ra khỏi những phán xét mang tính chất trừng phạt và mở ra khả năng cho thấy nếu như có sự thất thoát trong dịch thuật thì đồng thời cũng có quá trình thu lợi diễn ra song song. Quan trọng hơn, một quan điểm như thế có sự kết nối với các lý thuyết của chủ nghĩa hậu hiện đại vốn bác bỏ những mô hình tuyệt đối của việc đọc và diễn giải. Nhận thức về sự khác biệt giữa các hệ thống ngôn ngữ và văn hóa cũng biến đổi bản thân hoạt động dịch, vì vai trò của dịch giả trở thành vai trò của kẻ diễn giải hoặc là kẻ hòa giải giữa nguồn và đích. Do đó, dịch giả có thể được nhìn nhận như là người hoạt động trong một không gian giữa hai cực rõ rệt, mang trách nhiệm đối với cả văn bản nguồn và công chúng được dự kiến nhắm đến.

Trong những năm 1990, nghiên cứu dịch thuật đã đi vào khám phá nhiều bình diện của quá trình hòa giải này, đặc biệt là ở các văn bản hậu thực dân và khía cạnh giới trong lối viết. Ngay từ khởi đầu, ngành nghiên cứu dịch thuật đã quan tâm đến vấn đề ý thức hệ và cách tiếp cận hệ thống đã dẫn đến hiện tượng được mô tả như là “khúc ngoặt văn hóa” cuối thập niên 1980. Sự chuyển hướng này hàm ý còn có nhiều vấn đề khác có thể được đặt ra về dịch thuật, và dễ hiểu là những vấn đề quan trọng được khơi lên từ các cộng đồng mà trước đó vốn được hình dung như là ngoại biên đối với các điển phạm văn chương Âu-Mỹ, đáng kể nhất là Ấn Độ, Brazil, và Canada. Khúc ngoặt văn hóa cho thấy những loại vấn đề được đặt ra như thế mang tính chất mô tả hơn là định giá, chúng quan tâm đến quá trình lưu truyền của bản dịch trên thế giới diễn ra như thế nào, các bản dịch có thể đóng góp như thế nào đối với sự xác lập các điển phạm văn chương và độc giả của các bản dịch có thể có những vai trò gì.

Các lý thuyết gia về giới tính và dịch thuật, tiêu biểu nhất là các học giả người Canada như Sherry Simon, Barbara Godard, Suzanne de Lotbiniere-Harwood và Anni Brisset, đã cho thấy giữa dịch thuật và chủ nghĩa nữ quyền có chung một nền tảng tri thức, thể hiện ở chỗ cả hai đều quan niệm ngôn ngữ như một địa điểm của những ý nghĩa bị nghi ngờ. Dịch thuật bao hàm sự thao túng: dịch giả là người tái tạo chủ động một văn bản trong một ngữ cảnh hoàn toàn khác. Không hề giống như một tấm gương được một người hầu đưa lên cho nguyên tác ngắm nghía chính mình, một bản dịch là sản phẩm của một quá trình viết lại trải qua nhiều công đoạn phức tạp: giải mã ngôn ngữ nguồn, mã hóa ngôn ngữ thứ hai cho một lứa độc giả mới. Suzanne Jill Levine, một dịch giả chuyên dịch các tác giả Mỹ latin, đã mô tả vai trò dịch giả của mình như một kẻ chép thuê nhưng luôn mang tham vọng phá vỡ nguyên tác (subversive scribe), một người viết mà một mặt bị ràng buộc vào văn bản nguồn nhưng mặt khác, đồng thời lại thực hiện nhiều chiến lược khác nhau để đưa văn bản vào môi trường mới của nó. Lý thuyết dịch thuật nữ quyền nhấn mạnh đến quyền năng sáng tạo mang tính chất phá vỡ của dịch giả và định nghĩa lại mối quan hệ với nguyên tác.

Các lý thuyết gia nữ quyền luận cũng nhấn mạnh đến vai trò của phụ nữ trong lịch sử dịch thuật: khi dịch thuật đánh mất địa vị mà nó giữ ở thời kỳ trung cổ và bị xem như một hoạt động thứ cấp, kém danh giá hơn sáng tác thì một số lượng rất lớn phụ nữ trở thành các dịch giả. Trong một tiểu luận quan trọng về giới tính và những ẩn dụ về dịch thuật, Lori Chamberlain đã phát hiện những hàm ý về giới trong ẩn dụ về dịch – người đẹp không thủychung (belle infidele). Cơ sở của ẩn dụ này chính là sự trung thành của bản dịch/đàn bà: nếu nàng đẹp, nhất định nàng sẽ không thủy chung. Chamberlain đã chỉ ra định kiến về giới tinh trong hình ảnh này; nó hàm ý chỉ có bản dịch/phụ nữ mới bị kết tội không thủy chung. Sự bất tín (unfaithfulness), vì thế, là ý niệm được đặt ra để giam người phụ nữ vào trong những định kiến văn hóa.

Một văn bản then chốt thường được đọc lại và diễn giải lại bởi các lý thuyết gia đương đại về dịch thuật là tiểu luận năm 1923 của Walter Benjamin – “Nhiệm vụ của dịch giả”, trong đó, ông nêu lên luận điểm dịch giả thực sự là người đem một văn bản trở lại đời sống, phục sinh nó trong một ngữ cảnh mới. Tiểu luận của Jacques Derrida về Benjamin, “Từ Tháp Babel” (1985) là một tiểu luận quan trọng khác, tư tưởng của hai tiểu luận này đều ảnh hưởng sâu sắc đến những lý thuyết về dịch thuật được xem là thú vị nhất những năm gần đây. Chẳng hạn, tại Brazil, anh em Haroldo và Augusto de Campos đã khai thác cả tiểu luận của Benjamin và Derrida, cùng với một số lý thuyết gia khác như Else Viera và Rosemary Arrojo để hình thành quan điểm của mình. Từ quan điểm của người Brazil, ý niệm về dịch như là hậu kiếp được kết nối với cách dùng tập tục ăn thịt người như một ẩn dụ về nỗ lực văn hóa hậu thực dân – một ẩn dụ được các nghệ sĩ trong phong trào “Thực nhân chủ nghĩa” ở Brazil dùng để thể hiện ứng xử của mình trước ảnh hưởng văn hóa thực dân. Dịch giả – như những kẻ theo tập tục ăn thịt người – sẽ ăn thịt nguyên tác để đem đến dưỡng chất cho công chúng mới; hành động “tiêu hóa” nguyên tác này là một hình thức hiến sinh mà thông qua đó quyền lực của nguyên tác được chuyển giao vào một ngữ cảnh mới bằng sự hóa thân (metamorphosis). Tên gọi của Chủ nghĩa thực nhân, như những nghệ sĩ tham gia phong trào này cho biết, có mối liên hệ trực tiếp với các bộ lạc ở Brazil thời kỳ tiền Columbus mà ở những cộng đồng này, ăn thịt người chính là một phương thức bày tỏ lòng biết đơn đối với người bị ăn, rất khác với nhãn quan châu Âu, xem đó là một hình thức man dã. Do đó, lý thuyết về dịch từ nhãn quan “thực nhân” thể hiện sự tôn trọng đối với văn bản nguồn ngay cả khi nó khẳng định quyền được ăn nguyên tác. Lý thuyết thực nhân có thể xem như là biến thể của lý thuyết dịch mà Octavio Paz đã phác thảo, theo đó, dịch giả hành động để giải phóng văn bản khỏi hình thức ban đầu của nó, tháo dỡ các ký hiệu ngôn ngữ của nguyên tác, mở đường cho chúng vào một chu trình vận hành trong ngữ cảnh mới. Ý niệm về “sự bất khả” của dịch mà Benjamin và Derrida từng thảo luận, trong ngữ cảnh hậu thực dân, được trao cho một nét nghĩa ẩn dụ mới.

Những hình ảnh về dịch thuật từ nhãn quan hậu thực dân được mở rộng ra ngoài phạm vi văn bản. Nếu như theo truyền thống, thuộc địa thường được hình dung như là bản sao của thực dân – nhân tố “nguồn” thì bản dịch cũng thường bị xem là có địa vị thấp hơn so với nguyên tác. Từ quan điểm hậu thực dân, thuộc địa muốn khẳng định địa vị ngang bằng của nó, và như thế, bản dịch cũng hoàn toàn có thể đủ tư cách để trở thành một tác phẩm nghệ thuật đúng nghĩa trong ngữ cảnh mới. Dịch thuật, vì thế, có thể được xem như ẩn dụ cho toàn bộ những nỗ lực văn hóa trong ngữ cảnh giải thực dân.

Những lý thuyết gia hậu thực dân khác, như Anuradah Dingwaney, Gayatri Chakravorty Spivak và Tejaswini Niranjana, có một quan điểm khác về dịch thuật, nhấn mạnh đến việc dịch thuật được sử dụng như một công cụ trong lịch sử của chủ nghĩa thực dân. Dịch thuật, như họ gợi ý, có thể là một hình thức bạo lực hoặc chiếm dụng văn hóa và họ hướng sự chú ý đến lịch sử một chiều của dịch thuật giữa phương Đông và phương Tây, với các văn bản được dịch cho châu Âu dùng, hoặc khi dịch thuật xuất hiện theo hướng ngược lại, như là một phần trong công cuộc khai hóa của thực dân.

Tất cả những quan điểm khác biệt về dịch thuật này cùng chia sẻ là dịch thuật không diễn ra theo trục ngang mà diễn ra giữa các tác giả, văn bản và nền văn hóa không bình đẳng về địa vị. Gần đây lý thuyết về các lược tuyến văn hóa (cultural grids) của Pierre Bourdieu đã được các lý thuyết gia như Lefevere vận dụng nhằm mở rộng nội dung thảo luận, đưa vào đó những suy nghĩ về các quy luật văn học nói chung. Điều này có thể giúp lý giải câu hỏi: tại sao một văn bản hay tác giả quan trọng lại thất bại khi được dịch trong khi một số tác phẩm khiêm tốn hơn đôi khi lại đạt được địa vị một tác phẩm điển phạm trong một nền văn hóa khác qua dịch thuật. Mô thức dịch qua các nền văn hóa cũng rất đa dạng và vấn đề này cũng khơi dậy những câu hỏi quan trọng song chưa được trả lời về ý nghĩa văn hóa của việc dịch thể loại.

Khúc ngoặt văn hóa trong nghiên cứu dịch thuật đã gặp gỡ với các tư tưởng nữ quyền luận, hậu hiện đại, hậu thực dân và điều này đã làm thay đổi quan niệm về dịch giả và dịch thuật. Bên cạnh những vấn đề phức tạp liên quan đến những bó buộc của ngôn ngữ, những chuẩn khác nhau về khả năng tiếp nhận văn chương, những chân trời chờ đợi khác nhau, những nghiên cứu đương đại về dịch thuật đã đặt ra thêm nhiều vấn đề phức tạp khác nữa liên quan đến những mối quan hệ bất bình đẳng về quyền lực giữa các nền văn hóa. Cách dễ dàng nhất để nắm được những gì đã diễn ra ở lý thuyết dịch là nghĩ về nó như một quá trình vận động đi từ thông diễn sang phân tích bá quyền. Dịch, dù ta có thực hành nó hay không, vẫn là một ẩn dụ then chốt về thời đại mà chúng ta đang sống.

THƯ MỤC THAM KHẢO:

Tài liệu tham khảo chính:

Susan Bassnett, Translation Studies (1980, 3d ed., 2002).

Susan Bassnett and André Lefevere, Constructing Cultures (1998).

Susan Bassnett and Haris Trivedi Postcolonial Translation: Theory and Practice (1999).

Walter Benjamin, Die Aufgabe des Übersetzers (1923, The Task of the Translator, trans. Harry Zohn, in Schulte and Biguenet,).

Annie Brisset, A Sociocritique of Translation: Theatre and Alterity in Quebec, 1968–1988 (1996).

  1. C. Catford, A Linguistic Theory of Translation (1965).

Lori Chamberlain, Gender and the Metaphorics of Translation ( Venuti,).

Jacques Derrida1985 (Des Tours de BabelDifference in Translation, Joseph F. Graham trans.).

Anuradha Dingwaney and Carol Maier Between Languages and Cultures: Translation and Cross-Cultural Texts (1995).

Itamar Even-Zohar1990 (Polysystems StudiesPoetics Today, vol. 11).

Itamar Even-Zohar, The Position of Translated Literature within the Literary Polysystem ( Holmes, Lambert, and van den Broeck,).

Itamar Even-Zohar and Gideon Toury 1981 (Translation Theory and Intercultural Relations special issue, Poetics Today, vol. 2, 4).

James S. Holmes, Translated! Papers on Literary Translation and Translation Studies (1988).

James S. Holmes , José Lambert and Raymond van den Broeck Literature and Translation (1978).

José Lambert1995 (Translation, Systems, and Research: The Contribution of Polysystems Studies to Translation StudiesTTR: Traduction, Terminologie, Rédaction, vol. 8, 1).

André Lefevere, Translation, Rewriting, and the Manipulation of Literary Fame (1992).

André Lefevere, Translation Studies: The Goal of the Discipline ( Holmes, Lambert, and van den Broeck,).

Suzanne Jill Levine, The Subversive Scribe: Translating Latin American Fiction (1991).

Eugene Nida, Towards a Science of Translating (1964).

Eugene Nida and Charles Taber, The Theory and Practice of Translation (1969).

Tejaswini Niranjana, Siting Translation: History, Post-structuralism, and the Colonial Context (1992).

Octavio Paz, Traducción: Literatura y Literalidad (1971, Translation: Literature and Letters, trans. Irene del Corral, in Schulte and Biguenet,).

Anton Popovic, Dictionary for the Analysis of Literary Translation (1976).

Katharina Reiss and Hans J. Vermeer, Grundlegung einer allgemeinen Translationstheorie (1984).

Edward Sapir, Culture, Language, and Personality (1956).

Friedrich Schleiermacher, Methoden des Übersetzens (1813, On the Different Methods of Translating, trans. Waltraud Bartscht, in Schulte and Biguenet,).

Rainer Schulte and John Biguenet Theories of Translation: An Anthology of Essays from Dryden to Derrida (1992).

Sherry Simon, Gender in Translation: Cultural Identity and the Politics of Transmission (1996).

Gayatri Chakravorty Spivak, Outside in the Teaching Machine (1993).

Gideon Toury, Descriptive Translation Studies and Beyond (1995).

Gideon Toury, In Search of a Theory of Translation (1980).

Lawrence Venuti The Translation Studies Reader (2000).

Wolfram Wilss, The Science of Translation: Problems and Methods (1982).

, Translation and Interpreting in the Twentieth Century: Focus on Germany (1999).

Tài liệu tham khảo mở rộng:

Mona Baker Routledge Encyclopaedia of Translation Studies (1998).

Susan Bassnett and André Lefevere Translation, History, and Culture (1991).

Andrew Benjamin, Translation and the Nature of Philosophy (1989).

Olive Classe Encyclopedia of Literary Translation (2000).

Michael Cronin, Translation and Globalization (2003).

Michael Cronin, Travel, Language, Translation (2000).

Edwin Gentzler, Contemporary Translation Theories (1993, 2d ed., 2001).

Theo Hermans, The Manipulation of Literature (1985).

André Lefevere Translation, History, Culture: A Sourcebook (1992).

Kitty M. van Leuven-Zvart and Ton Naaijkens Translation Studies: The State of the Art (1991).

Douglas Robinson, What Is Translation? Centrifugal Theories, Critical Intervention (1997).

Douglas Robinson Western Translation Theory from Herodotus to Nietzsche (1998).

Mary Snell-Hornby, Translation Studies: An Integrated Approach (1988, 2d ed., 1995).

George Steiner, After Babel: Aspects of Language and Translation (rev. ed. 2001).

Lawrence Venuti, The Scandals of Translation: Towards an Ethics of Difference (1998).

Lawrence Venuti, The Translators’ Invisibility: A History of Translation (1995).

Lawrence Venuti Rethinking Translation: Discourse, Subjectivity, Ideology (1992).

H.N dịch (bản nháp)

Nguồn: Susan Bassnett, “Translation Theory”, The Johns Hopkins Guide to Literary Theory & Criticism, Second Edition, 2005 (bản điện tử)

1 thought on “Susan Bassnett – Lý thuyết dịch

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s