Thỉnh thoảng mình cũng thấy cảm động vì chính bản thân mình. Như là lúc này, khi tôi ngồi đọc lại blog cũ, thưở tập tành chơi Yahoo 360, giờ được lưu lại trên một blog không nhiều người biết. Truyện được dịch vào khoảng thời gian mà đời sống của gia đình tôi xảy ra nhiều biến cố nhất, và những lúc để đỡ mệt mỏi nhất, tôi đã cặm cụi tìm kiếm các truyện ngắn trên mạng, lọ mọ dịch dù thừa biết, những truyện này sẽ chẳng thể cho mình được một đồng nhuận bút nào, dù đó cũng là lúc tôi rất cần tiền. Nhưng tôi đã giữ văn chương như một không gian ly cách khỏi những tính toán thực dụng của mình khi đó. Có lẽ thời đó tôi còn nhiều niềm tin vào bản thân, vào khả năng dịch thuật, vào việc mình có thể làm được điều gì đó có ý nghĩa, có dấu ấn trong văn chương.
Nói chung, đó là thưở mình còn rất nhiều mơ mộng về bản thân. Hôm nay khi phải biên soạn lại một số truyện đã dịch, tôi vẫn thấy những ngày đó, mình sống đẹp hơn bây giờ. Giờ, hình như tôi rất thiếu kiên nhẫn và tự tin để ngồi dịch một cái truyện dài dài thế này, chẳng có mấy người đọc và chẳng đăng được ở đâu. Giờ, tôi cũng ít mày mò các trang web tìm kiếm các tác giả là lạ, chả mấy ai biết để dịch, như thể dịch là sự tìm kiếm và phát hiện của cá nhân. Bao giờ trở lại được ngày ấy…
*
Nàng công chúa của Nebraska
Yiyun Li
Sasha ước sau chuyến đi này, cô sẽ không bao giờ phải gặp lại Boshen nữa. Cô chạy ào vào phòng vệ sinh ngay khi họ bước chân vào quán ăn nhanh McDonald, để mặc anh ta gọi món cho cả hai người. Anh ta định mời cô một bữa đàng hoàng ở Chinatown nhưng cô đã từ chối. Cô muốn đi chơi khu downtown Chicago trước khi đến phòng khám tại Trung tâm tư vấn sức khoẻ sinh sản vào buổi sáng hôm sau. Đó là lý do duy nhất khiến cô phải ngồi trên xe buýt đường dài chạy từ Nebraska ròng rã cả một ngày trời. Kansas City có lẽ là sự lựa chọn sáng suốt hơn, đến đó gần hơn và giá cả cũng rẻ hơn nhưng ở đấy chẳng có gì đáng xem hết – chuyến đi này không phải là tham quan nhưng Sasha vẫn hy vọng ít nhất thì mình cũng có thể thu nhận được một số điều gì đó. Cô không muốn phải tiêu hết số tiền mình có để rồi cuối cùng, tất cả những gì có thể nhớ lại được chỉ là một giấc ngủ li bì trong một nhà nghỉ tồi tàn ở một xó xỉnh nào không biết. Sasha lớn lên ở một thị trấn nhỏ thuộc vùng Nội Mông; những khung cảnh mênh mông và trống trải luôn làm cô mệt mỏi.
“Chắc cô thấy mệt”, Boshen vừa nói vừa đẩy khay thức ăn về phía Sasha, lúc này đã ngồi bên một cái bàn cạnh cửa sổ. Cô gái trông thật nhỏ nhắn trong chiếc áo len quá khổ. Mặt cô hơi sưng và cái cách cô nhìn thật chăm chú, dán mắt khá lâu vào những khách hàng trong quán khiến anh xúc động. Cô ta mới có hai mươi mốt tuổi. Vẫn còn là một cô bé.
“Tôi đã lấy cho cô một chiếc bánh kẹp cá”. Boshen lên tiếng khi thấy cô gái không nói năng gì.
“Kể từ khi đến đây, tôi chẳng nhìn thấy người nào có khuôn mặt vui vẻ cả”. Sasha nói. “Thế cái kia là loại gì?”
“Bánh kẹp thịt gà.”
Sasha đẩy chiếc bánh kẹp cá về phía Boshen và chộp lấy chiếc bánh kẹp thịt gà trên khay của anh. “Tôi ghét loại bánh kẹp cá”, cô bảo.
“ Bây giờ thì tốt cho cô rồi,” Boshen nói,
“ Cái ‘bây giờ’ ấy sẽ qua ngay thôi.” Sasha nói. Cô chỉ chực chờ đến khi nào có thể “move on”[1] . “Move on” là cụm từ mà cô vừa học được, một khái niệm Mỹ mà cô rất tâm đắc. Một cụm từ kỳ diệu đến nỗi Sasha như hình dung thấy chính cô đang đóng ghim quá khứ Trung Hoa của đời mình lại, trang này dập lên trang kia, ghim viền xung quanh, cho đến khi những trang quá khứ ấy trở thành một khối rắn chắc không ai có thể mở ra và đọc nó được. Khi đó, cô có thể lật sang một trang mới cho cuộc sống của mình – cuộc sống trên đất Mỹ. Cô đã để trễ việc này mất bốn tháng rồi.
Boshen không nói gì cả, lẳng lặng ngồi bóc chiếc bánh kẹp cá. Đối với anh, đây là một sự thay đổi – ngồi ở bàn và ăn đồ đã gọi – sau hàng tháng trời phải ngồi ăn trong bếp tại một nhà hàng Trung Hoa nơi anh làm thợ phụ cho một đầu bếp người Tứ Xuyên. Boshen đến Mỹ nhờ một cuộc hôn nhân giả với một người bạn năm tháng trước đây, sau khi anh bị nhà cầm quyền bắt giữ vì có trao đổi thư từ với một phóng viên phương Tây về nguy cơ tiềm ẩn của đại dịch AIDS ở một tỉnh trung tâm. Anh đã buộc phải công bố một bản thú tội viết tay về những việc làm sai trái của mình để được thả tự do. Một người bạn đồng tính nữ, một người vừa mới được nhập quốc tịch Mỹ, đã chấp nhận kết hôn với anh để có thể đưa anh rời khỏi Trung Hoa nhằm bảo đảm an toàn cho anh. Trước đó, anh đã sống một cuộc sống phóng túng của một người đồng tính ở Bắc Kinh, yêu say đắm một chàng trai mười tám tuổi tên Dương. Boshen đã tìm nhiều cách để liên lạc với Dương kể từ khi đến Mỹ nhưng chàng trai chưa bao giờ hồi âm. Những tấm séc mà Boshen gửi cho cậu cũng không có người lĩnh.
Hai người ngồi ăn mà chẳng ai nói điều gì. Sasha nuốt chiếc bánh một cách vội vã và đợi Boshen ăn xong phần của mình. Bên ngoài cửa sổ, ngày càng có nhiều người xuất hiện, tất cả đều đang đổ về khu trung tâm, những đứa trẻ đội trên đầu những chiếc gạc tuần lộc màu đỏ ngả trên vai các ông bố. Boshen nhận thấy câu hỏi trong mắt Sasha, anh nói cho cô biết tối nay sẽ có một cuộc diễu hành và tất cả các cây trên đại lộ Michigan sẽ được thắp đèn để chào mừng Lễ tạ ơn và ngày Giáng Sinh đang tới. “Cô có muốn ở đây để xem không?”, Boshen hỏi cho có chuyện, lòng thầm mong Sasha sẽ làm vậy thay vì về nghỉ sau một cuộc hành trình dài trên xe bus.
“Sao lại không cơ chứ?” Sasha vừa nói vừa mặc áo khoác.
Boshen gấp lại mảnh giấy bọc chiếc bánh kẹp như thể gấp một chiếc tạp dề vừa mới được là. “Chúng ta có thể nói chuyện với nhau một chút được không?”, Boshen đề nghị.
Sasha thở dài. Cô chẳng ưa gì Boshen cả, người mà cô mới chỉ gặp có một lần. Ấn tượng mà anh ta để lại trong cô là hình ảnh của một loại đàn ông kiểu cách như thể con gà mái già. Tuy nhiên, cô lại không hề do dự gọi cho Boshen để nhờ giúp đỡ khi tìm được số điện thoại của anh ta qua một người quen. Một cách khô khan, không biểu lộ cảm xúc, cô nói về cái thai mà cô đang mang, cái thai đã để quá lâu để có thể đi nạo ở Nebraska. Dương là cha của đứa bé, cô đã báo cho Boshen biết điều này ngay từ cuộc gọi đầu tiên. Cô không hề có ý định muốn giấu Boshen sự thật; theo một cách nào đó, cô còn cảm thấy chính Boshen cũng phải có trách nhiệm đối với sự bất hạnh này của cô.
“À, thế cô đã quyết định về việc phẫu thuật hay chưa?” Boshen hỏi
“Thế anh nghĩ tôi đến đây để làm gì?” Sasha hỏi lại. Cả tuần vừa rồi, Boshen đã gọi cho cô hai lần, lần nào cũng đặt vấn đề muốn cô giữ đứa trẻ lại. Cả hai lần cô đều dập máy ngay. Điều anh ta quan tâm ở đứa trẻ thật ngớ ngẩn và ích kỷ, cô nghĩ vậy.
Ở đời, giải pháp dễ nhất có thể không phải là giải pháp tốt nhất. Boshen đã tính nói như vậy với Sasha nhưng rồi lại nghĩ, anh có quyền gì để nói về những sự lựa chọn, khi mà những quyết định của anh đối với cuộc đời mình, tất cả, đều là chỉ là những sự thoả hiệp? Ở tuổi ba mươi tám, Boshen cảm thấy mình đã mất nhiều hơn là được. Anh đã từng là một bác sĩ bình thường trước khi anh bị người ta lịch sự đề nghị thôi việc tại bệnh viện vì chuyện lập ra đường dây nóng đầu tiên để tư vấn cho những người đồng tính tại một thành phố nhỏ của Trung Hoa, nơi anh sống. Anh chuyển đến Bắc Kinh và làm việc ngoài giờ cho một phòng mạch tư đồng thời là một nhà hoạt động đấu tranh cho quyền lợi của giới gay. Nhưng rồi sau một vài lần phải làm việc với cảnh sát mật, anh nhận ra ở thời kỳ hậu Thiên An Môn này, nói bất cứ điều gì liên quan đến nhân quyền đều nguy hiểm. Anh quyết định dấn thân vào một lĩnh vực ít quá khích hơn và cũng thiết thực hơn – tuyên truyền nhận thức về bệnh AIDS, nhưng ngay cả hoạt động này anh cũng đành phải từ bỏ sau những áp lực của công an và gia đình. Anh yêu một chàng trai kém mình đến hai mươi tuổi và nghĩ rằng mình có thể làm thay đổi cuộc đời của cậu ấy. Thế nhưng, cuối cùng anh lại đi kết hôn với một người phụ nữ và ra đi. Boshen đã nghĩ đến việc nhận nuôi đứa bé – đứa bé thực sự mang trong mình dòng máu của Dương – nhưng ánh mắt sắc sói, lạnh lùng của Sasha làm anh chùn lòng. Anh đành mỉm cười một cách yếu ớt: “Tôi chỉ muốn biết chắc mà thôi.”
Sasha trùm khăn lên đầu và đứng lên. Boshen không nhúc nhích, đến khi cô gái hỏi anh có định đi hay không, anh nói: “Tôi nghe bạn bè tôi bảo rằng Dương lại đi làm tiền rồi.”
Chẳng có gì ngạc nhiên, Sasha nghĩ vậy, nhưng người đàn ông đang ngồi ở bàn kia, một người đã quá tuổi, lại cũng quá nghiêm túc, để có thể vào vai một chàng tình nhân đau khổ, trông thật tội nghiệp. Dịu giọng hơn, cô nói: “Đành biết vậy thôi chứ sao?”
Boshen không phải là người đàn ông đầu tiên si mê Dương, nhưng, trong một khoảng thời gian khá dài, anh đã tin rằng mình là người duy nhất đã nhìn thấy và chạm được vào tâm hồn của chàng trai này. Từ năm bảy tuổi, Dương đã được đào tạo để trở thành một nam đán – một diễn viên nam chuyên đóng vai nữ trên sân khấu Kinh kịch – và sống trong trường kịch nghệ. Năm mười bảy tuổi, Dương bị đuổi khỏi nhà hát khi bị phát hiện có quan hệ luyến ái với một người đồng giới. Boshen đã viết mấy bài báo về sự việc này nhưng anh chưa hề gặp mặt Dương cho đến khi cậu ta trở thành trai làm tiền. Dương có thể dễ dàng tìm một người đàn ông sẵn lòng bao mình với giá cao nhưng người ta đồn rằng cậu ta chỉ thực sự đi khách nhiều khi bị người tình đầu tiên của mình ruồng bỏ.
Khi biết tin Dương đi làm mãi dâm, Boshen đã tìm đến công viên nơi những người đàn ông có thể tìm được đối tượng thoả mãn những nhu cầu của mình. Trời đã nhá nhem khi Boshen đến nơi và đàn ông, đủ mọi lứa tuổi, len lén vào trong công viên như những con cá lặng lẽ. Bóng tối trùm xuống; dưới những cột đèn, người ta thoả thuận với nhau một cách thì thào. Cảnh tượng ấy, với Boshen, không lạ nhưng đứng trong một bóng cây – trong vai của một khách hàng thay vì một người tìm kiếm – tự dưng anh cũng thấy run. Không khó để nhận ra Dương trong bộ đồ lụa màu trắng ngà mà người ta đồn rằng ngày nào cậu cũng diện để đến công viên. Boshen quan sát chàng trai và thầm nghĩ: cậu ấy quá đẹp, hoàn toàn không xứng với nơi tối tăm bụi bặm này, khác nào một bông sen chẳng lấm mùi bùn.
Sau mấy ngày để ý chàng trai, cuối cùng Boshen chấp nhận trả cho Dương cái giá mà cậu đòi hỏi. Cái đêm anh cùng Dương trở về nhà, Boshen đã dốc cạn lời mình. Suốt một hồi lâu, anh say sưa nói về công việc của anh, ước mơ của anh muốn xóa bỏ sự bất công và xây dựng một thế giới khoan dung hơn; Dương nằm cuộn mình trên giường và lắng nghe. Boshen định thôi không nói nữa; càng nói, anh lại càng cảm thấy tuyệt vọng trước khuôn mặt đẹp và thờ ơ của Dương – trong mắt của Dương, hẳn anh cũng chỉ như tất cả những người đàn ông khác, những kẻ đầy tự phụ mà thôi. Cuối cùng, Boshen nói: “Một ngày nào đó, anh sẽ đưa em trở lại sàn diễn.”
“Một lời hứa suông của đàn ông cũng lấp đầy trái tim người đàn bà” Dương khe khẽ ngâm câu hát.
“Nhưng,” Boshen vừa nói vừa trỏ tay về phía chồng giấy tờ trên bàn làm việc của anh. “Công việc này sẽ vạch trần sự bất hợp pháp của bọn họ khi buộc em phải rời sân khấu chỉ vì con người của em”.
Khuôn mặt của Dương mềm lại. Boshen đọc được niềm hy vọng hiện rõ trong mắt của chàng trai. Dương còn quá trẻ để có thể biết giấu nỗi đau của mình, mặc dù cậu đã có bao năm đứng trên sân khấu đeo mặt nạ nữ, diễn tả nỗi đau đớn của những người đàn bà khác, và Boshen muốn giúp Dương hoá giải nỗi khổ tâm của mình. Sau một vài tuần đeo đuổi, Boshen thuyết phục Dương thử bắt đầu một cuộc sống mới. Boshen trang trí lại căn hộ của mình với những tấm rèm cửa đắt tiền được vẽ tay mô tả những bộ trang phục Kinh kịch và những chiếc đèn lồng giấy rất lớn in hình những tấm mặt nạ sân khấu. Anh bán đi mấy món đồ đạc để tạo không gian và còn mượn cả một tấm thảm của một người bạn để cho Dương luyện tập. Dương an phận với cuộc sống bình lặng ấy như những người đàn bà đức hạnh mà cậu thủ diễn trên sân khấu. Sáng nào cậu cũng dậy sớm, tập uốn mình theo những tư thế khó có thể tin nổi và những động tác vũ đạo cực kỳ phức tạp. Cậu chui vào phòng tắm luyện giọng để tránh hàng xóm nghe thấy. Boshen luôn đứng ở bên ngoài và lắng nghe; giọng của Dương như đâm xuyên tiếng nước chảy, xé toạc tấm màn che phòng tắm, làm nứt vỡ cánh cửa và toàn bộ phần còn lại của cái thế giới nhàm tẻ này, tựa hồ một lưỡi dao bạc. Những lúc ấy, trong lòng Boshen như dâng trào một nỗi hàm ơn – anh không chỉ là người duy nhất nhìn thấu tâm hồn của chàng trai ấy mà còn là người che chở và chăm sóc cho nó. Điều đó, chỉ một mình điều đó thôi, đã nâng anh lên khỏi cái cuộc sống tầm thường và đáng thất vọng của mình.
Khi Boshen làm việc thì Dương luyện vẽ và thư pháp – những bộ môn mà cậu cũng được học ở trường kịch nghệ. Thỉnh thoảng, hai người cũng đi dự các buổi tiệc nhưng hầu hết các buổi tối, họ chỉ ngồi nhà, sống những giờ khắc yên tĩnh, bằng lặng. Dương chưa bao giờ biểu diễn cho Boshen thưởng thức và Boshen cũng không dám đòi hỏi điều đó ở cậu ấy. Dương là một thiên thần sa giáng từ thiên đường và ngày nào Boshen cũng sống với một nỗi sợ ám ảnh thường trực rằng có thể anh sẽ chẳng có cách gì để đưa Dương trở lại với cái thế giới mà cậu vốn thuộc về.
Nỗi sợ hãi ấy hoá ra chẳng phải không có lý. Sau hai tháng làm bạn cùng nhau, Dương bắt đầu có những biểu hiện cho thấy sự mệt mỏi. Ban ngày, cậu đi ra ngoài phố nhiều hơn trước đây và hoàn toàn bỏ bê việc luyện vẽ và thư pháp. Boshen băn khoăn không hiểu có phải là vì Dương thấy bức bối bởi cuộc sống lặng lẽ của hai người.
Rồi đến một ngày, không lâu trước khi Boshen bị trục xuất khỏi Bắc Kinh và bị bắt giữ tại quê nhà, Dương đột nhiên hỏi anh về công việc mà anh đang thực hiện. Ổn, Boshen trả lời, nhưng không thấy thoải mái. Dương chưa bao giờ hỏi anh bất cứ điều gì liên quan đến công việc; nó là một phần thuộc về cái thế giới xấu xa, cái thế giới mà Boshen đã muốn tránh cho Dương phải dính dáng đến nó.
“Anh đang làm việc gì đấy?” Dương hỏi.
“Sao cơ? Thì vẫn việc hàng ngày vậy thôi.” Boshen trả lời.
“Em nghe đồn rằng anh đang làm việc liên quan đến bệnh AIDS,” Dương nói. “Căn bệnh đó thì có quan hệ gì đến anh cơ chứ?”
Sững sờ trước câu hỏi của Dương, Boshen cố tìm cách giải thích. Cuối cùng anh chỉ biết nói: “Em không hiểu, Dương à!”
“Em không phải là một đứa trẻ con,” Dương đáp. “Tại sao anh lại phải bận tâm đến cái căn bệnh bẩn thỉu ấy? Anh càng làm những việc liên quan đến nó thì người ta lại càng gắn nó với những người đồng tính. Điều đó thì có gì tốt đẹp cho chúng ta?”
“Anh đang cố gắng để giúp đỡ được nhiều người hơn là chỉ hai chúng ta,” Boshen nói.
“Nhưng anh đã hứa sẽ giúp em trở lại sân khấu,” Dương nói. “Nếu anh vẫn cứ đeo đuổi những công việc không chính đáng, anh sẽ chẳng bao giờ thực hiện được lời hứa của mình.”
Boshen không trả lời được câu hỏi của Dương. Từ hôm đó, Dương càng thường xuyên ra bên ngoài, và không lâu sau, lần đầu tiên kể từ khi hai người sống chung với nhau, cậu không về nhà. Boshen hình dung ra tất cả những hiểm hoạ đang rình rập để giáng xuống Dương. Cả đêm đó, anh không tài nào chợp mắt được.
“Có gì mà anh phải lo lắng,” Dương trả lời với một nụ cười lạ lùng khi đối mặt với Boshen. “Em chẳng hề gặp nguy hiểm nào như anh tưởng tượng đâu.”
“Ít nhất thì em cũng phải cho anh biết em đã ở đâu chứ,” Boshen nói.
“Em ở cùng một cô gái,” Dương trả lời và nhắc đến một cái tên Boshen thấy quen quen – Sasha. Họ đã gặp cô gái này trong một buổi tiệc, Dương nhắc để Boshen nhớ lại nhưng anh không thể nào hình dung nổi cô ta là ai; anh không hiểu tại sao Dương lại đi chơi với cô ta.
“Tại sao ư? Thật là một câu hỏi buồn cười,” Dương nói. “Người ta được làm những gì mà mình muốn chứ. Đúng không?”
Lần đầu tiên gặp Dương tại buổi tiệc, Sasha có cảm giác như mình đang nhìn vào một tấm gương không phản chiếu khuôn mặt cô, mà là của một ai đó cô không bao giờ có thể trở thành được. Cô quan sát cậu ta đang ngồi làm động tác vũ đạo với những ngón tay dài của mình trên mặt bàn trong khi lơ đãng lắng nghe những người khác chuyện trò xung quanh. Cô chú ý đến những hình bán nguyệt thật ngây thơ sơn trên móng tay của cậu ta, rồi nhìn lại những ngón tay to và thô tháp của mình. Khuôn mặt thoa kem, chiếc mũi và cái miệng thanh tú của cậu ta khiến cô liên tưởng đến một con búp bê sứ xinh đẹp. Sau đó, khi có cơ hội ngồi gần nhau hơn, cô nhận ra trong ánh mắt của cậu ta có một nỗi u uẩn nào đó, điều ấy khiến cô nghĩ cậu ta giống một pho tượng Quan Âm, vị Phật nam giới nhưng lại mang hình hài của một người phụ nữ, nhiều hơn – vị Phật chuyên lắng nghe và đáp lại lời cầu khẩn của những người đàn bà và những đứa trẻ đau khổ. Trước mặt Dương, Sasha cảm thấy mình giống như một con búp bê cao su được sản xuất hàng loạt vậy.
Cảm giác khó chịu chỉ kéo dài trong giây lát. Sasha đã từng nghe nhiều câu chuyện về cậu ta; giờ đây được gặp trực tiếp con người này, cô thấy cũng hay. Cô ngả người về phía cậu ta và hỏi, cứ như thể đang tiếp tục một câu chuyện mà họ đã bỏ lửng ở đâu đó, “Này, anh nghĩ gì về các cô gái?”
Dương ngước nhìn Sasha; khi ấy, cô bắt gặp một đốm sáng lạ lùng trong đôi mắt của cậu. Đôi mắt ấy gợi cô nhớ đến một con chim sẻ bị thương mà cô đã từng nuôi trong suốt một mùa đông lạnh giá, hồi còn sống ở Mông Cổ. Sẻ là loài chim bướng bỉnh; nó không bao giờ chịu ăn uống một khi bị nhốt trong lồng – mẹ cô đã bảo thế. Sasha không tin. Cô nhốt con chim suốt bao ngày và con chim nhỏ cứ tự đâm sầm vào thành lồng cho đến khi đầu nó bắt đầu trụi lông. Thế nhưng, đến khi đó, cô vẫn không chịu thả nó ra. Cô dùng khuỷu tay để nhích bát kê ướt gần hơn về phía con sẻ nhưng nó hoàn toàn đui mù trước thiện ý của cô. Đó là giống chim rẻ tiền, một người hàng xóm nói với cô như vậy; chỉ những con chim rẻ tiền mới ngoan cố đến thế. Hãy nuôi một con chim yến, người hàng xóm khuyên, sáng nào nó cũng sẽ hót cho mình nghe.
Chàng trai cúi mặt trước cái nhìn soi mói của Sasha và cô gái cảm thấy có một sự hối thúc bên trong mình: cô muốn chiếm lĩnh được đôi mắt đẹp ấy, cô như thể là một thợ săn nữ đang đuổi bắt cái đốm sáng lạ lùng trong mắt chàng trai. “Chắc chắn anh phải biết một vài cô gái chứ, đúng không?” cô nói. “Ở trường kịch nghệ anh từng học có học viên nữ không?”
“Có,” Dương trả lời, giọng nói của cậu khiến cô liên tưởng đến một chiếc váy satin.
“Thế rồi sao?”
“Chúng tôi không nói chuyện với nhau. Họ chuyên đóng vai các a hoàn hay nhũ mẫu, những vai làm nền mà thôi.”
“ Thế chắc anh là công chúa, đúng không?” Sasha bật cười, cô nhìn thấy sự thẹn thùng, có lẽ kèm theo cả sự giận dữ nữa ở chàng trai, nhưng điều đó càng khiến cô tò mò và tiếp tục hỏi vặn cậu ta. “Tên anh là gì?”
“Tên nào cơ?”
“ Vậy anh có bao nhiêu tên?”
“ Hai. Một là tên khai sinh. Cái tên thứ hai là nghệ danh do trường kịch nghệ đặt.”
“ Những tên đó là gì?”
Chàng trai những ngón tay vào một ly nước cam rồi viết lên trên mặt bàn cẩm thạch sẫm màu. Sasha nhìn theo vệt nước từ ngón tay của cậu ta. Đó là Dương, một cái tên phổ biến của con trai, tượng trưng cho mặt trời, nguyên lý tự nhiên thuộc giống đực, đối lập với Âm.
“Một cái tên cũng bình thường. Thế nghệ danh của anh là gì?”
“Tố Mộng”, Dương đáp. Có nghĩa là một người mơ mộng trầm lặng và thanh khiết.
“Nghe còn tệ hơn. Giống như một cái tên ướt át trong một cuốn tiểu thuyết diễm tình vậy,” Sasha nói. “Anh cần một cái tên hay hơn. Tôi sẽ nghĩ một cái tên cho anh.”
Cuối cùng, cô không gọi Dương bằng cả hai tên đó, cũng chẳng nghĩ được một cái tên nào hay ho hơn cho cậu ta. Cô gọi cậu ta là “cậu bé nam đán của tôi” và đối với cô, Dương là thế, một chàng trai mà cuộc đời đã bị sắp đặt từ trước để chuyên môn diễn những vai nữ. Cô thường xuyên nhắn tin cho Dương, rủ cậu ta đi xem phim hay dạo công viên. Cô đưa ra những quyết định cho cả hai người và Dương không có ý kiến gì. Cô cố gắng khám phá con người Dương với những câu hỏi – cô hết sức tò mò về cậu ta – và dần dần Dương bắt đầu hé mở câu chuyện về người đàn ông mà cậu từng yêu và những người đàn ông yêu cậu. Chưa bao giờ cậu nói gì về trường kịch nghệ hay đời diễn viên của mình và Sasha biết không nên thúc ép Dương. Một kẻ điệu đàng, Sasha nghĩ về Dương như vậy khi thấy cậu ta phải mất cả tiếng đồng hồ để chải đầu hay biểu lộ một thái độ khinh khỉnh trước sự chú ý hết sức bình thường của một người xa lạ; cô chọc ghẹo cậu ta và rồi lại cảm thấy trắc ẩn và hối hận khi cậu ta không tự bảo vệ được mình. Cô còn châm biếm cả những người khác trong cuộc đời của Dương nữa: người tình của cậu, Boshen, người mà cô cho rằng chỉ là một tay mơ mộng viển vông, rồi cả những người đàn ông trâng tráo hỏi xin số điện thoại của cậu. Cô tin rằng mình là người đầu tiên mà Dương từng gặp trong đời không thèm ngưỡng mộ cậu ta và cậu ta phải bám lấy cô bởi chính điều đó. Ý nghĩ ấy khiến cô thấy vui vui.
Có phải cô đang hò hẹn chàng trai này? Bạn cùng lớp của Sasha hỏi khi bắt gặp cô ở bên Dương hơn một lần. Tất nhiên là không rồi, cô trả lời sự thắc mắc của bọn họ. Một tháng nữa, Sasha phải sang Mỹ để học bằng hai, và vì thế thật vô nghĩa khi bây giờ bắt đầu một mối quan hệ. Vả lại, có sáng suốt không khi cặp với một chàng trai chẳng yêu ai cả, ngoại trừ chính bản thân mình?
Ngay cả gió cũng không thể luồn vào những con người đang mặc thật ấm đứng xếp hàng ở cả hai bên đường đại lộ Michigan. Sasha lách qua đám đông. Trông những người Mỹ này thật trẻ trung, vô tư, và vui vẻ như thể một đoàn học sinh trong một chuyến tham quan điền dã. Cô thèm muốn được như những người đang đứng xếp thành hàng dài trước một cửa hiệu bán bỏng ngô để đợi mua một túi bỏng ngô mới, những tình nhân ngả người vào nhau, những đứa trẻ được được cõng trên vai ba mẹ chúng. Họ được sinh ra để là chính mình, hồn nhiên và mãn nguyện với sự hồn nhiên của mình.
“Tôi sẵn sàng bán cái mình đang có cho bất cứ ai trong số họ,” Sasha nói với Boshen nhưng khi anh hắng giọng bảo cô nói lại những gì vừa nói thì cô lắc đầu. Giá như ở nước Mỹ này có một đạo luật ràng buộc cô với nơi mà đứa trẻ cô đang mang trong bụng thuộc về, như thế đứa bé sẽ có lý do để được tồn tại. Chính Sasha cũng đã từng bị luật pháp sử dụng như một cái bẫy để chôn chân mẹ cô tại vùng thảo nguyên. Là một trong số hàng ngàn sinh viên bị đày từ Bắc Kinh đến vùng Nội Mông để lao động cải tạo, để được vào Đảng, mẹ cô đã kết hôn với một người Mông Cổ làm nghề chăn đàn gia súc, một trong những cuộc hôn nhân theo mẫu hình liên minh các dân tộc anh em được tuyên truyền khắp vùng thảo nguyên thời bấy giờ. Năm năm sau, vào cuối thời kỳ Cách mạng văn hoá, tất cả các sinh viên được phép trở lại Bắc Kinh. Nhưng mẹ của Sasha buộc phải ở lại, thậm chí sau khi bà đã ly hôn với người chồng Mông Cổ của mình. Hai đứa con gái của bà được sinh ra trên thảo nguyên, không được quyền đăng ký hộ khẩu hợp pháp tại Bắc Kinh và người mẹ buộc phải ở lại nơi mà những đứa trẻ thuộc về.
Sasha dấn bước về phía trước, cô nhìn ngắm tất cả các tủ trưng bày của các cửa hiệu. Những tấm khăn lụa ngoan ngoãn quấn quanh cổ những hình nộm ma nơ canh. Nhũng hạt kim cương lấp lánh trên lớp vải nhung sẫm. Ở một góc phố, trẻ con tụ tập xem những hình ảnh hoạt hoạ được chiếu trên cửa kính hiệu Marshall Field. Giá như đứa bé mà cô đang mang trong bụng là thị thực cho phép cô nhập vào cái thế giới phồn hoa này! Sasha nghĩ ngợi và rồi bỗng se lòng bởi những ký ức về Nebraska và vùng Nội Mông, về bầu trời ban đêm ở cả hai nơi, bao giờ cũng đen thẫm với những ngôi sao lẻ loi, vô hồn.
“Có chỗ trống kìa,” Boshen nói. “Cô có muốn ra chỗ ấy đứng xem không?”
Sasha gật đầu, và Boshen đi theo cô ta. Ngoài cuộc gặp gỡ ngắn ngủi tại buổi tiệc ở Bắc Kinh và một vài cuộc điện thoại, anh không biết gì về Sasha cả. Anh nghĩ về cô ta nhiều hơn kể từ khi cô gọi cho anh báo tin về cái thai của cô. Anh đã ngạc nhiên không hiểu cô ta là cô gái như thế nào mà có thể biến Dương trở thành một người cha? Anh hình dung cô ta hẳn phải là một cô gái chín chắn và hiểu biết. Tất nhiên, xinh đẹp nữa. Anh đã tưởng tượng ra một cô gái lý tưởng đối với Dương, và điều ấy cũng để cho lòng anh thanh thản, nhưng Sasha đã khiến anh thất vọng. Khi họ đang cùng đi dọc theo lề đường, anh hỏi cô: “Thế kế hoạch của cô sau cuộc phẫu thuật là gì?”
Sasha kiễng chân lên, nhìn thẳng về hướng mà cuộc diễu hành sẽ bắt đầu như một đứa trẻ. Ngay lập tức, Boshen thấy ân hận vì đã nói với cô ta với một giọng thù địch như thế. Không trông thấy gì hết, Sasha quay lại nhìn Dương và hỏi lại: “Thế còn kế hoạch của anh ở Mỹ thì sao? Mà này, cô vợ mới của anh ở đâu?”
Boshen tái mặt. Anh đã từng nói với Dương rằng cuộc hôn nhân ấy chỉ là một tấm màn che và sự ra đi của anh chỉ là tạm thời. Anh cũng đã hứa với Dương nhiều điều khác, anh sẽ gửi tiền, sẽ tìm sự trợ giúp của cộng đồng Hoa kiều ở hải ngoại để đưa Dương trở lại sân khấu. Không một ngày nào từ khi đặt chân đến đất Mỹ này, anh quên những lời hứa đó, nhưng những lời của Sasha đã làm anh đau nhói. Cuộc hôn nhân của anh dứt khoát là một sự phản bội không thể tha thứ trong mắt của cả Sasha và Dương. “Tôi không còn cách nào khác được,” cuối cùng Boshen phải bật ra thành lời.
“Tất nhiên là không rồi. Chính anh là người đã ném Dương trở lại đường phố,” Sasha nói.
“Đó là một thời kỳ có nhiều chuyện không hay,” Boshen khó khăn lắm mới có thể nói ra được. “Tất cả chúng ta đều gặp khó khăn. Nhưng chắc chắn chúng ta sẽ tìm cách để giúp cậu ấy.”
Sasha lại quay lại nhìn Boshen với một nụ cười châm chọc. “Anh nói hệt như một tay chính trị gia hạng bét vậy,” cô nói. “Hãy cho tôi biết giải pháp của anh”.
“Tôi đang nghĩ,” Boshen nói rồi ngừng lại. “Tôi đang tính liệu chúng ta có nên nói với Dương rằng cậu ấy có thể sẽ được biểu diễn ở Mỹ, như thế có lẽ cậu ấy sẽ muốn rời bỏ Bắc Kinh.”
“Rồi sau đó?”
“Chúng ta sẽ thử tìm cách ở đây. Có một nghệ sĩ nam đán ở New York. Có lẽ chúng ta sẽ liên hệ với ông ta và xin giúp đỡ. Nhưng trước hết, điều chúng ta phải làm là đưa Dương ra khỏi đất nước.”
“Trong chữ ‘chúng ta’ đó có bao hàm cả tôi không đấy?”
“Nếu như cô có thể kết hôn với Dương, cậu ấy sẽ sang đây sớm thôi. Tôi hiểu cậu ấy. Nếu như có một phần trăm cơ hội để trở lại sân khấu, cậu ấy sẽ cố gắng.”
“Một kế hoạch rất hay, Boshen à,” Sasha nói. “Nhưng tại sao tôi lại nên chấp thuận đề nghị đó nhỉ? Như thế thì tôi được gì?”
Boshen không muốn nhìn Sasha nữa, anh đứng ngắm một đôi tình nhân đang hôn nhau ở bên kia phố. “Ít nhất thì cô cũng phải có một lần thấy yêu Dương chứ Sasha,” anh nói với giọng run run.
Sasha không hề nghĩ đến một mối tình, thậm chí cả chuyện hẹn hò cũng không. Tình bạn của hai người nảy sinh một cách hơi bất thường, nó giống như một sự lấp đầy cho những tháng ngày trống trải trước khi tốt nghiệp của cô. Bộ phim mà họ xem vào cái đêm tháng bảy ấy cũng không nằm trong dự tính. Lúc đó đã mười giờ khi Sasha mua vé, đúng vào phút cuối cùng trước giờ chiếu. Dương nhìn đồng hồ treo ở quầy bán vé, thảng thốt kêu muộn. Sasha phải bật cười, hỏi Dương có còn là trẻ con và người tình của cậu có ra lệnh giới nghiêm hay không?
Bộ phim họ xem hôm ấy là Người đàn bà đẹp với phần phụ đề tiếng Trung Hoa không tài nào đọc nổi. Khi họ ra về thì đã nửa đêm. Sasha hỏi: “Anh có thích Julia Robert không?”
“Cô ta thì có gì hay?” Dương đáp.
Sasha liếc nhìn Dương. Suốt cả bộ phim, cậu ấy chỉ ngồi im – cậu ta không biết tiếng Anh nhưng chí ít thì cậu ta cũng có thể thích vẻ đẹp của cô diễn viên xinh tươi này chứ. “Cô ấy đẹp này, vui tính này, và rất Mỹ,” Sasha nói. “Nước Mỹ là một nơi tốt đẹp. Mọi thứ đều có thể xảy ra ở đấy. Một cô điếm có thể biến thành một nàng công chúa; một con quạ có thể biến thành thiên nga chỉ sau một đêm.”
“Gái điếm thì không bao giờ có thể trở thành công chúa được,” Dương nói.
“Làm sao anh biết được?” Sasha nói. “Giá như anh có thể đến Mỹ cùng tôi để nhìn lại chính mình.”
Sau một hồi lâu, Dương mới lên tiếng: “Nơi nào cũng là nơi tốt đẹp cả. Chỉ có thời thế là lầm lẫn.”
Sasha không nói gì cả. Cô không muốn mất cả đêm để thuyết lý. Khi đi qua một khách sạn nhỏ, cô hỏi Dương có muốn vào đấy cùng cô hay không. Chỉ là để hưởng cái thú một đêm không nằm nhà mà thôi, cô bảo thế. Dương ngần ngừ, cô bèn nắm tay cậu ta kéo vào tiền sảnh. Một người phụ nữ trung niên ở phòng tiếp tân mở cửa sổ và hỏi: “Cô cần gì?”
“Đồng chí, khách sạn có một phòng cho hai người không?” Sasha hỏi.
Người phụ nữ đưa cho cô một tờ giấy đăng ký rồi kéo cửa lại. Sasha điền vào giấy đăng ký. Người phụ nữ xem xét kỹ tờ giấy rồi hỏi: “Chứng minh thư của cô đâu?”
Sasha đưa cho bà ta chứng minh thư của mình. Người phụ nữ săm soi nó một hồi lâu rồi hếch cằm về phía Dương. “Còn của cậu kia?”
“ Cậu ấy là em họ tôi, từ vùng Nội Mông đến,” Sasha đáp với một giọng vui vẻ. “Cậu ấy quên không mang theo chứng minh thư.”
“ Thế thì đêm nay hết phòng rồi.” Bà ta vứt trả Sasha chứng minh thư và đóng cửa sổ lại.
“Thưa đồng chí…” Sasha gõ vào cửa kính.
Người đàn bà mở cửa ra và nói: “Đi ngay. Em họ của cô ư? Nói cho cô hay – hoặc là cô có giấy đăng ký kết hôn, tôi sẽ cho cô mượn phòng hoặc là biến đi, ra ngoài đường mà làm những chuyện trơ trẽn ấy và để cho công an tóm cổ. Cô nghĩ là chúng tôi không biết loại con gái như cô sao?”
Sasha kéo Dương ra khỏi cửa trong khi môi của cậu bật lên run rẩy. “Tôi không tin mình không thể tìm được một căn phòng cho cả hai chúng ta,” Sasha cuối cùng cũng lên tiếng.
Dương nhìn Sasha bối rối: “Tại sao chúng ta lại phải làm thế chứ?”
“ Hả. Bây giờ thì anh sợ rồi ư? Vậy thì cứ đi đi nếu anh không muốn đến cùng tôi,” Sasha nói rồi đi ngay. Dương lẽo đẽo theo Sasha đến một nhà nghỉ còn nhỏ hơn nơi trước đó ở cuối một hẻm phố. Một ông già đang ngồi ở bàn chơi bài một mình. “Bố à,” Sasha vừa nói vừa trình chứng minh thư cho ông già, “bố còn một phòng đơn nào cho con và em trai con không?”
Ông già ngước nhìn Sasha rồi lại nhìn Dương. “Cậu ấy chưa đến mười lăm tuổi nên chưa có chứng minh thư,” Sasha nói còn Dương thì chỉ biết cười ngượng nghịu trước ông già, hàm răng trắng của cậu lấp loá trong bóng tối.
Ông lão gật đầu rồi đưa cho Sasha một tờ phiếu đăng ký. Năm phút sau, họ được nhận chìa khoá. Đó là một phòng nhỏ trên tầng hai với hai giường đơn, một cái bệ đã han gỉ trên có đặt hai cái chậu, một cửa sổ không rèm che. Lũ gián nhớn nhác tìm chỗ nấp khi Sasha bật đèn lên. Hai người vẫn cứ đứng trong phòng và đột nhiên lúc ấy, Sasha mới ngỡ ngàng không hiểu việc ở cùng nhau qua đêm trong cái nhà nghỉ bẩn thỉu này sẽ đem đến nỗi hứng thú gì. “Sao chúng ta không về nhà đi?” Dương đứng ở sau cô lên tiếng.
“Anh gọi nơi nào là nhà cơ chứ?” Sasha gắt. Cô tắt đèn đi và nằm vật xuống giường mà chẳng buồn cởi đồ. “Về đi, về với cái người suốt ngày giữ rịt lấy anh đi, nếu đây không phải là nơi dành cho một công chúa như anh,” cô bảo Dương.
Dương đứng im một hồi lâu rồi đành ngả người xuống chiếc giường còn lại. Sasha chờ nghe Dương mở lời nhưng khi cậu ta cứ im lặng như vậy, cô bỗng cảm thấy nổi giận với anh ta, và cả với chính mình.
Sáng hôm sau, khi thành phố bắt đầu thức giấc, cả hai người vẫn nằm thao thức trên giường của mình, không ai nói năng gì. Những con bồ câu bay qua bầu trời, những chiếc còi đồng nhỏ nhắn gắn với đuôi chúng phát ra một giai điệu trầm trầm dễ chịu. Cách đó không xa, tiếng nhạc Đạo2 phát ra từ một chiếc máy hát gọi những người dậy sớm ra tập Thái cực quyền. Những cụ già – những người hâm mộ Kinh kịch, hát những đoạn họ yêu thích trong vở kịch, giọng của họ vỡ ra ở những nốt cao. Rồi những ngôi nhà trong đường hẻm mở cửa, nghe vọng ra từ đó tiếng í ới gọi nhau đi học của lũ trẻ và tiếng chuông xe đạp inh ỏi của người lớn lục tục kéo nhau đi làm.
Sau đó, có ai đó bật máy hát và tiếng nhạc vọng khắp con hẻm. Sasha ngồi dậy, nhìn ra bên ngoài cửa sổ. Một gã trai đứng ở cuối con hẻm đang cuộn một tờ báo trên tay, làm động tác trình diễn một bài hát như thể một ca sĩ nhạc rock đang rú gào: “Ôi, Thành Cát Tư Hãn, Thành Cát Tư Hãn, ông ấy là một ông già quyền lực. Ông ấy lắm tiền, ông ấy lại còn sung sức, em muốn cưới ông ấy.”
Sasha lắng nghe đoạn nhắc lại của bài hát và nói: “Tôi không hiểu vì sao những người này lại nghĩ rằng họ có quyền nhạo báng Thành Cát Tư Hãn.”
“Đó là đám người điếc nhạc,” Dương đáp.
“Hồi còn nhỏ, bố tôi từng dạy cho tôi một bài hát về Thành Cát Tư Hãn. Đó là bài hát Mông Cổ duy nhất mà đến giờ tôi còn nhớ,” Sasha nói rồi ngâm nga. Giai điệu của bài hát ấy cô vẫn thuộc nhưng không thể nào hát thành lời. Cô hầu như đã quên hết những từ Mông Cổ mình đã biết kể từ sau khi cha mẹ cô ly dị; đã mười lăm năm rồi, cô không gặp bố mình. “Ôi, tôi không còn nhớ gì về nó nữa.”
“Những hàng cột đổ, những mái nhà xiêu,” Dương ngâm câu hát khe khẽ, “họ đã từng chứng kiến bao buổi đại lễ; những cây úa chết, những hoa mẫu đơn héo tàn, họ đã từng múa khúc nghê thường. Những thiếu nữ mơ về tình lang của mình, những người bị điều ra sa trường chiến đấu với quân nhà Hán. Họ đâu biết người họ thương đã hoá thành nắm xương trắng nằm phơi dưới ánh trăng.” Dương nhìn chằm chằm lên trần nhà. “Những người thầy của tôi nói rằng nghệ thuật đích thực sẽ chẳng bao giờ chết. Nghệ thuật đích thực bao giờ cũng nói về những hồi ức.”
“Mà nhớ lại bài hát ấy để làm gì nhỉ?” Sasha hỏi. “Thậm chí tôi còn không nhớ nổi bố mình trông như thế nào.” Cô nghĩ đến người cha của mình, một trong những hậu duệ của Thành Cát Tư Hãn. Thành Cát Tư Hãn đã biến thành một anh hề trong một bài hát nhạc pop. Mông Cổ đã từng là đế chế lớn nhất thế giới nhưng bây giờ nó chỉ như một mẩu thịt bị kẹp giữa Trung Hoa và Nga mà thôi.
“Chúng ta đã sống nhầm thời,” Dương nói.
Sasha quay lại nhìn Dương. Cậu ta đang gối đầu lên tay trân trân nhìn lên tường nhà, khuôn mặt của cậu ta toát lên một vẻ nhẫn nhục của một ông già. Nó làm cô đau, và cả sợ hãi nữa, khi bất chợt nhận ra một thế giới ẩn bên dưới vẻ đẹp trống rỗng của Dương. “Chúng ta đã sinh nhầm nơi – đấy mới là vấn đề của chúng ta,” cô nói, cố gắng làm Dương, và cả chính cô nữa, vui vẻ lên. “Tại sao anh không sang Mỹ cùng tôi, Dương?”
Dương mỉm cười: “Tôi là ai mà đi theo cô?”
“Là chồng, là tình nhân, là em trai, là gì cũng được, tôi không quan tâm. Tại sao anh không thoát khỏi Bắc Kinh và bắt đầu một cuộc đời mới ở Mỹ?” Những lời vừa mới nói ra ấy như một lớp sương mù dày đặc lơ lửng trong phòng và Sasha không hiểu nó có làm Dương nghẹt thở hay không. Bên ngoài cửa sổ, một người bán dạo đang mài dao trên đá mài và âm thanh lạ đó khiến miệng của hai người ứa nước một cách khó chịu. Thế rồi người bán dạo bắt đầu dài giọng hát mời chào món thịt thủ ngon lành mà mình bán.
“Sasha,” Dương nói, sau một hồi im lặng. “Sasha có phải là một cái tên Mông Cổ hay không?”
“Không hoàn toàn. Đó là một cái tên Nga, tên của một nhân vật nữ trong một cuốn tiểu thuyết chiến tranh của Liên Xô mà mẹ tôi yêu thích.”
“Vì thế mà nghe nó không giống tên Trung Hoa. Tôi thích một cái tên Mông Cổ hơn,” Dương nói. “Sasha, nàng công chúa Mông Cổ.”
Sasha đi chân trần sang giường của Dương và quỳ xuống bên cậu ta. Dương không phản ứng gì cả, cậu để yên cho Sasha nâng khuôn mặt của mình bằng cả hai tay. “Đến Mỹ cùng tôi đi,” cô bảo. “Chúng mình sẽ trở thành hoàng tử và công chúa của Nebraska.”
“Tôi không được dạy để đóng vai hoàng tử,” Dương nói.
“Kịch bản đã thay đổi,” Sasha nói. “Kể từ ngày hôm nay.”
Dương quay lại nhìn Sasha. Cô cố hôn Dương nhưng Dương đã nhẹ nhàng đẩy cô ra. “Một cơ thể đẹp chỉ là một bộ xương thôi,” Dương lại hát lẩm nhẩm.
Sasha chưa bao giờ xem Dương biểu diễn và không thể hình dung nổi khi đứng trên sân khấu, cậu ấy sẽ thế nào; Dương luôn đóng những vai công chúa và kỹ nữ nhưng việc gì mà cậu ấy buộc phải sống với tấm mặt nạ và váy áo lụa là? “Kinh kịch chết rồi,” cô bảo Dương. “Tại sao anh không rũ bỏ nó?”
“Cô là ai mà dám nói về Kinh kịch như vậy?” Dương hỏi.
Sasha nhận ra một tia nhìn lạnh giá bất ngờ loé lên trong mắt Dương và đành phải bỏ dở câu chuyện. Kể từ đó, cả hai người, không ai nói đến chuyện ở lại nhà nghỉ nữa. Một tuần sau, khi Boshen buộc phải rời khỏi Bắc Kinh, Sasha vừa cảm thấy may mắn vì không bị dính dáng lại vừa lo lắng. Bỗng nhiên lại còn thời gian cho họ lấp đầy. Sasha nhẹ nhõm nhưng đồng thời cũng lại có phần thất vọng bởi dường như Dương đã quên khoảng thời gian họ đã thân thiết, đến độ tưởng chừng như họ đã yêu nhau.
Cuộc diễu hành bắt đầu rộn lên với tiếng nhạc và tiếng cười; trên những cỗ xe rước rực rỡ sắc màu, những con người với nét mặt hân hoan vẫy tay chào những khán giả đang hớn hở đứng xem. Boshen nhìn khuôn mặt của Sasha cũng đang ngời lên bởi sự tò mò thích thú rồi thở dài. Mặc dù cô ta thật sắt đá, lạnh lùng, nhưng chính đứa trẻ- đứa trẻ mang dòng máu của Dương – khiến anh có thể sẵn lòng độ lượng với Sasha. “Cô vẫn không muốn cho Dương biết về đứa trẻ ư?” Boshen hỏi.
“Anh hỏi câu này đến cả trăm lần rồi”. Sasha nói. “Tại sao tôi lại phải nói với Dương?”
“Có thể cậu ấy sẽ muốn đến Mỹ nếu như biết chuyện về đứa bé,” Boshen trả lời.
“Ngay sau ngày mai sẽ không còn có đứa bé nào hết,” Sasha nói. Cô đã thử gọi cho Dương khi biết mình mang thai; cô cũng thử cả cách gọi vào máy nhắn tin của cậu ta nữa. Ban đầu, cô chờ hồi âm của Dương từng giờ từng ngày, rồi hàng tuần trôi đi kể từ khi cô gửi lại tin nhắn. Có thể Dương đã chuyển đến một căn hộ mới và có một số điện thoại mới. Có thể cái máy nhắn tin đã không còn thuộc về Dương nữa. Cô biết Dương có thể có đủ mọi lý do để không nhận được tin nhắn của cô nhưng cô không thể tha thứ được cho sự im lặng của cậu ấy. Đúng lúc đó, cơ thể của cô thay đổi. Cô cảm nhận được một cái gì đó lớn dần bên trong mình và cô cảm thấy bực bội vì nó. Đôi lúc cô căm ghét nó không lúc nào nguôi và chỉ mong nó tiêu biến đi bằng cách nào đó trước sức mạnh của lòng oán hận trong cô. Lại có những lúc cô cố không nghĩ đến nó nữa, càng lâu càng tốt, những mong nó có thể biến mất như chưa hề từng tồn tại. Thế nhưng, cuối cùng, nó đòi hỏi hành động của cô. Cuối cùng nó cũng chỉ là một khối huyết nhục.
“Nhưng tại sao chuyện đứa bé lại là vấn đề đầu tiên chứ?” Boshen hỏi. Tại sao? Và chuyện đó đã xảy ra như thế nào? Những câu hỏi ấy cứ ám ảnh anh kể từ khi nghe chuyện của Sasha. Anh muốn hỏi Sasha xem có phải cả cô ta nữa cũng bị cuốn hút bởi vẻ đẹp của chàng trai, vẻ đẹp của một cơ thể mềm mại, uyển chuyển, cân đối hay không? Anh muốn biết liệu Sasha có yêu cậu ấy như anh không, và nếu có, tại sao cô ta lại nỡ vứt bỏ cái được để lại trong cơ thể của mình?
Sasha quay lại nhìn Boshen. Lần đầu tiên, cô nhìn người đàn ông này một cách chăm chú. Anh ta không đẹp cũng chẳng xấu, anh ta có một khuôn mặt thật thà, một người mà Sasha nghĩ rằng mình không thể yêu nhưng hoàn toàn có thể tin cậy. Một người đàn ông như Boshen đáng ra phải hưởng một cuộc sống bình thường, nhàm nhạt và phong lưu, tuy nhiên mối cuồng si đối với Dương đã khiến anh trở thành một con người thú vị hơn thực chất. Song đó lại chính là giá trị của Dương – cậu ấy khiến người ta si mê và tình yêu đó dẫn họ rẽ ngoặt khỏi những lối mòn buồn tẻ khác của đời mình một cách tự nguyện. Chính Dương là người đề xuất việc ở cùng nhau thêm một lần nữa và Sasha đã mượn phòng trọ của bạn cô để hai người qua đêm. Chuyện xảy ra vài ngày trước chuyến bay của Sasha. Đó là một trong những buổi tối mùa hè oi ả nhất. Sau cuộc ân ái ngọt ngào, ngắn ngủi và bình lặng, họ nằm dài trên sàn nhà, hai người nằm cách nhau cả một sải tay, đắp tấm chăn mà Sasha đã mua từ trước; cả hai đều tự thấy ấm áp, chẳng cần đụng vào nhau. Bên ngoài, gia đình bà chủ nhà cùng hai gia đình hàng xóm đang ngồi ngoài sân xem TV, giọng của họ lẫn với tiếng bộp tay đập muỗi. Sasha quay lại nhìn Dương, lúc này đang nằm xây lưng lại về phía cô. Gói bao cao su mà cô đã mua còn nhét ở dưới chăn, chưa bóc. Cô đã gợi ý Dương dùng nó nhưng cậu từ chối. Bao cao su chỉ dành cho những kẻ chung đụng với nhau mà không có tình yêu, Dương đã nói vậy. Những lời nói ấy khiến cô hy vọng. “ Bây giờ anh muốn sang Mỹ cùng tôi rồi chứ?” cô lấy ngón tay vuốt ve sống lưng Dương và hỏi.
“Tôi sẽ làm gì ở Mỹ? Làm một con chim yến mà cô nuôi chăng?” Dương hỏi lại, đồng thời nhích ra xa hơn khỏi ngón tay của cô.
“Anh có thể bỏ thời gian học tiếng Anh rồi kiếm lấy một cái bằng nào đó có ích ở Mỹ.”
“Có ích ư? Cô không biết tôi là kẻ vô dụng sao? Hơn nữa, không gì sỉ nhục đàn ông hơn là việc phải sống bám vào đàn bà,” Dương nói rồi với tay lấy tấm áo choàng lụa mà cậu mang theo. Cậu bước ra cửa trước khi Sasha kịp ngăn lại. Sasha nhổm dậy, quan sát từ sau rèm cửa; Dương bước đi với một dáng điệu õng ẹo cố ý, không nhìn thấy những người xung quanh đang rời mắt khỏi ti vi dõi theo mình. Khi đến bên chiếc bồn nước xây gạch, cậu ngồi xuống trên mép của nó, nhấc cặp đùi trần của mình lên chỗ vòi nước. Nước chảy một hồi lâu cho đến khi bà chủ nhà định thần lại được trước một cảnh tượng quá đỗi kinh ngạc, thảng thốt kêu lên: “Ê này! Tôi phải trả tiền nước đấy!”
Dương mỉm cười. “Trời nóng quá,” cậu đáp lại với một giọng dễ chịu.
“Ừ, đúng vậy,” bà chủ nhà đồng ý.
Dương khoá vòi nước, bước trở lại về phòng vẫn với điệu bộ lả lơi, yểu điệu ấy, cậu thừa biết những người trong sân đều đang nhìn mình, nhìn theo vóc dáng thướt tha của cậu trong tấm áo choàng màu trắng ngà. Sasha đứng bên cửa sổ, lạnh nhạt và ngao ngán. Cô đã biến thành khán giả của cậu ta, một trong những điều khó ép buộc nhất, nhưng có lẽ cuối cùng thì cậu ta đã thành công.
Một cỗ xe rước mô phỏng theo phim hoạt hình Walt Disney tiến gần đến chỗ mà Sasha và Boshen đang đứng xem. “Nhìn kìa,” Sasha chỉ vào chiếc găng tay khổng lồ của chú chuột Mickey, nhân vật đang đi dẫn lối cho đoàn xe rước. “Chiếc găng đó chỉ có bốn ngón.”
“Tôi không biết điều đó.”
“Dương chỉ cần chúng ta chiêm ngưỡng, thán phục, không hơn gì chiếc găng tay kia muốn khêu gợi sự trầm trồ của chúng ta.” Sasha nói.
“Nhưng tình yêu của chúng ta là điều duy nhất có thể bảo vệ cũng như cứu rỗi cậu ấy.”
Sasha nhìn thẳng vào mắt Boshen. “Chính những người như chúng ta đã huỷ hoại cậu ấy, đúng không? Trước hết, tại sao lại có cái gọi là nam đán trong Kinh kịch? Đàn ông yêu cậu ấy vì cậu ấy đóng vai đàn bà còn đàn bà yêu cậu ấy bởi vì cậu ấy là diễn viên nam thủ vai,” cô nói.
“ Điều đó hoàn toàn sai.”
“ Thế thì tại sao anh lại muốn đưa cậu ấy trở lại sàn diễn đến vậy? Anh tưởng tôi sung sướng lắm khi biết cậu ấy ra nông nỗi này hay sao? Tin tôi đi, tôi cũng muốn giúp đỡ cậu ấy nhiều như anh muốn vậy. Cậu ấy không việc gì phải làm một người đàn ông chuyên đóng vai đàn bà – Tôi nghĩ mình có thể làm cho cậu ấy hiểu điều đó. Thế nhưng kết cục của tôi là gì đây? Anh không phải là người mang đứa bé trong bụng; cậu ta không phải là người phải đi nạo thai,” Sasha bật khóc.
Boshen ngập ngừng đưa tay ra, chạm vào bờ vai Sasha. Giá như cô ấy có thể yêu Dương thêm một lần nữa, Boshen nghĩ thầm. Dương có thể lựa chọn sống cùng với một trong hai người; Dương không cần thiết phải lựa chọn yêu ai nhưng tình yêu của họ có thể làm cho cậu ấy được chở che, không bị thương tổn, họ – ba người bọn họ – sẽ cùng nuôi đứa bé ấy. Dương sẽ vẫn là công chúa, một nàng công chúa bị lưu đày, đúng vậy, nhưng đó là nàng công chúa đích thực, một nàng công chúa xinh đẹp ở giữa xứ người. Giá như anh biết cách làm thế nào để Sasha yêu Dương trở lại, Boshen nghĩ.
Sasha không vùng vằng khi Boshen quàng tay lên vai cô. Đối với những người xa lạ, họ cũng trông giống như hầu hết những cặp tình nhân thông thường, cô nghĩ thế. Anh ta giống một anh chồng lo lắng tìm cách an ủi vợ mình sau một trận cãi vã. Mà họ cũng có thể là một cặp được chứ sao, một cặp không tình yêu, anh ta chỉ quan tâm đến đứa trẻ còn cô, cô chẳng còn cảm xúc cho bất cứ điều gì nữa, kể cả đứa trẻ đang trong bụng.
Như để phản ứng, đứa trẻ đạp. Một tiếng đập, rồi lại tiếng tiếp theo, nhẹ nhàng và ngập ngừng như có ý thăm dò. Đó là lời chào đầu tiên mà Sasha đã từng ao ước mình không bao giờ phải đáp lại, nhưng khi nó đã xuất hiện, thì tự nhiên nó sẽ khiến người ta muốn nghe ngóng nó nhiều hơn, tâm lý đó không thể cưỡng lại được. Sasha nín thở chờ đợi. Sau một hồi lâu, người trên phố hò reo, bọn trẻ con thì gào lên sung sướng. Sasha ngước nhìn lên – những ngọn đèn trên những hàng cây đã được thắp sáng, hàng ngàn ngôi sao quy tụ lại thành cả một chòm. Sasha nhớ đến cái thị trấn nhỏ bé ở vùng Nội Mông, nơi mà giờ đây, mẹ cô đang sống trong cô đơn, nhớ tới dáng mẹ cô lủi thủi bước về nhà, bóng đổ dài sau lưng trong ánh sáng tù mù của ngõ hẻm. Mẹ của cô khi được sinh ra đã chẳng gặp thời. Đến khi trưởng thành thì lại sống nhầm nơi suốt cả một đời. Thế nhưng chưa bao giờ bà hối hận vì đã sinh hai đứa con gái cả. Sasha nín thở để chờ đợi thêm thông điệp của đứa bé. Nước Mỹ là một nơi tốt đẹp, cô tự nhủ, một nơi đáng để cho con người ta sinh ra. Mọi thứ đều có thể ở Mỹ, và cô mường tượng về một đứa bé gái mang vẻ đẹp của cha nó, nhưng sẽ hạnh phúc hơn, may mắn hơn cha mình. Sasha mỉm cười nhưng khi đứa bé đạp lần nữa thì cô bật khóc. Làm mẹ, cô thầm nghĩ, đó hẳn phải là một trong những điều buồn bã nhất nhưng cũng đáng hy vọng nhất trên thế gian này, khi con người ta vương vào một mối tình nếu đã bắt đầu thì sẽ chẳng bao giờ kết thúc.
Chú thích:
1. move on: có nghĩa là: 1 – “đi tiếp”, “tiến lên”; 2- “bắt đầu lại”, “lật sang trang mới”…
Ở đây có thể hiểu theo nghĩa thứ hai.
2. Tao music:một loại âm nhạc giúp thư giãn tinh thần và thể xác. Đó là loại nhạc có hoà âm trong sáng, sử dụng những motif lặp đi lặp lại, diễn tả những ý tưởng về tự nhiên (ví dụ: trăng, nước, suối, biển…) Khi nghe nhạc này, người ta thường thắp nến, đốt trầm và ngồi im lặng để cảm nhận.
Đôi nét về tác giả:
Yiyun Li là nhà văn trẻ gốc Hoa viết tiếng Anh hiện đang sống tại Mỹ. Cô được đánh giá là một trong những gương mặt trẻ sáng giá của văn học Mỹ đương đại. David Remmick, chủ bút tạp chí The New Yorker cho rằng cô là “người sinh ra để trở thành nhà văn hàng đầu trong số những người viết ở thế hệ cô”. Còn tiểu thuyết gia Elinor Lipman cho rằng: “… đọc văn cô, có thể liên tưởng đến F.Scott Fitzgerald hoặc Hemingway thời trẻ.” Truyện ngắn của cô đã được in trong các tạp chí uy tín như Ploughshares, The New Yorker, The Paris Review, The Glimmer Train…Năm 2005, tập truyện A Thousand Years Of Good Prayers đã được trao giải thưởng truyện ngắn quốc tế Frank O’Connor.
Hải Ngọc dịch
Nguyên tác: “The Princess Of Nebraska”, đăng trên tạp chí Ploughshares, Winter 2004 -2005.
Bản dịch được đăng lần đầu trên website: http://www.damau.org, tháng 10 năm 2006