Monthly Archives: Tháng Mười 2013

Dự án dịch thuật Từ điển lý thuyết tự sự: 1- TỰ SỰ

Marie – Laure Ryan

TỰ SỰ

Mặc dù mối quan tâm đến hiện tượng hình thành nên chủ đề của cuốn từ điển này đã có lịch sử khoảng hai thiên niên kỷ, ở cả phương Đông và phương Tây, nhưng chỉ trong khoảng 50 năm trở lại đây, khái niệm tự sự mới xuất hiện như một đối tượng nghiên cứu độc lập. Từ Aristotle đến Vladimir Propp, từ Percy Lubbock đến Wayne Booth, những nhà phê bình và triết gia được xem là tiên phong trong lĩnh vực lý thuyết tự sự đều không quan tâm đến những đặc trưng của tự sự mà thay vào đó, nghiên cứu của họ hướng đến các thể loại văn chương cụ thể như thơ sử thi, kịch, truyện kể dân gian, tiểu thuyết hay rộng hơn là các thể hư cấu mà có thể gọi chung là tự sự hư cấu văn học. Chính di sản của chủ nghĩa cấu trúc Pháp, đặc biệt của Roland Barthes và Claude Bremond, đã giải phóng tự sự khỏi văn học và hư cấu, xem nó như một hiện tượng ký hiệu xuyên ngành và xuyên phương tiện truyền thông.

Khái niệm “tự sự”: Những cách sử dụng đương thời

Ngay khi tự sự trở thành một khái niệm lý thuyết, nó bắt đầu xâm nhập sang nhiều lĩnh vực khác như sử học, y học, luật pháp, phân tâm học và dân tộc học. Sự mở rộng lãnh địa này gắn liền với sự mở rộng ngữ nghĩa khiến tự sự không những được giải phóng khỏi những hình thức văn chương mà còn bất cứ sự hỗ trợ mang tính văn bản (textual support) nào. Một ảnh hưởng quan trọng đến những cách sử dụng thuật ngữ “tự sự” hiện nay chính là từ khái niệm “Đại Tự Sự” (Grand Narrative) của Jean-Francois Lyotard như đã được phác ra trong cuốn Hoàn cảnh hậu hiện đại.  Lyotard đã đối lập kiểu tri thức dưới hình thức tự sự vốn điển hình cho các xã hội cổ đại, nơi chân lý được bảo đảm bởi địa vị đặc biệt của người kể chuyện trong một cộng đồng với kiểu tri thức dưới hình thức khoa học, trong đó, tác giả được xem là người phải cung cấp bằng chứng cho những khẳng định của mình. Song diễn ngôn khoa học lại không thể đảm bảo tính hiệu lực của chính nó vì nó từ chối quyền uy. Trong suốt thế kỷ XIX, khoa học đã tìm kiếm sự hợp pháp hóa trong cái mà Lyotard gọi là các “đại tự sự”: những kiến giải có ảnh hưởng sâu rộng thể hiện tri thức khoa học như là công cụ của sự tự hiện thực hóa mang tính lịch sử của một “anh hùng” dụ ngôn mang những cái tên khác nhau như Lý trí, Tự do, Nhà nước hay Tinh thần Con người. Ba đặc điểm phân biệt phân biệt đại tự sự với các tiểu tự sự mà chúng ta trao đổi trong đời sống hàng ngày là: chúng quan tâm đến những thực thể trừu tượng hơn là những cá nhân cụ thể; chúng có thể tồn tại như là những niềm tin tập thể hơn là thông điệp của những văn bản cụ thể; chúng kế thừa vai trò nền tảng của huyền thoại (myth) đối với xã hội hơn là những câu chuyện chỉ mang giá trị giai thoại hoặc tiêu khiển. Các tiểu tự sự và đại tự sự chia sẻ bình diện thời gian song nếu như tiểu tự sự chỉ đơn giản kể lại các sự kiện lịch sử thì khái niệm sau lại liên quan trực tiếp đến thứ Lịch sử được viết hoa. Sự tồn tại ngầm của Đại tự sự, cũng như sự kiến giải và bản chất trừu tượng của nó, đã dọn đường cho “các tự sự về chủng tộc, giai cấp, phái tính” hay “các tự sự về bản sắc” của lĩnh vực nghiên cứu văn hóa hiện nay.

Mức độ phổ biến ngày càng gia tăng của thuật ngữ “tự sự” đồng thời cũng phản ánh sự khủng hoảng tri thức luận của văn hóa đương đại. “Tự sự” là thứ còn lại khi niềm tin vào tính khả dĩ của khoa học bị mục ruỗng. Cụm từ thường được nghe thấy – “các tự sự của khoa học” – vốn phổ biến trong những lĩnh vực mới của nghiên cứu khoa học, mang theo hàm ý: diễn ngôn khoa học không phản ánh mà chỉ ngầm kiến tạo hiện thực; nó không khám phá các sự thật mà chỉ thêu dệt chúng theo những luật lệ của trò chơi của chính chúng trong một quá trình có thể đem so sánh với sự thêu dệt công khai của tự sự hư cấu, dù đó là một sự so sánh gây bối rối. Do đó, gọi một diễn ngôn như một “tự sự” hay “chuyện kể” để chất vấn sự khẳng định của nó về sự thật, xét đến cùng, là đánh đồng tự sự với hư cấu.

Trong lĩnh vực khoa học tri nhận và trí tuệ nhân tạo, tự sự có xu hướng kết hợp với các hoạt động tạo nghĩa và giải quyết vấn đề. Thí dụ, Kerstin Dautenhahn, một chuyên viên thiết kế trí tuệ nhân tạo, đã gọi một con robot là một “tác nhân kể chuyện” (story telling agent) khi trên cơ sở những ký ức của nó về những kinh nghiệm quá khứ được gọi là “tự truyện” của nó, con robot sẽ thực hiện một chuỗi hành động hướng đến một mục tiêu nào đó. Sự đồng hóa ký ức vào tự truyện – điều cũng phổ biến trong lĩnh vực tâm lý – thể hiện ý niệm rằng việc sống một cuộc đời, suy ngẫm về nó cũng giống như việc viết một tự thuật – đó là một hành động tiếp diễn của sự tự sáng tạo liên đới đến những chọn lựa, trách nhiệm, sự đánh giá lại, sự bổ sung những chương mới vào cuốn sách vẫn đang trong quá trình được viết ra ở mọi thời điểm.

Vậy lý thuyết tự sự phải làm gì với sự đồng hóa mang tính ẩn dụ hoặc hoán dụ của khái niệm tự sự với những ý niệm mà trước đó được gắn nhãn là “niềm tin”, “sự diễn giải”, “thái độ”, “sự duy lý”, “giá trị”, “tư tưởng hệ”, “hành vi”, “kế hoạch”, “ký ức” hay đơn giản là “nội dung”? Chúng ta có nên đưa ra một định nghĩa đóng vai trò như một cảnh sát ngữ nghĩa không những làm nhiệm vụ loại trừ tất cả các cách sử dụng bất hợp pháp thuật ngữ này, gây nguy hiểm đối với sinh mệnh của khái niệm; hay chúng ta chịu khuất phục xu hướng thời thượng, xây dựng một định nghĩa chấp nhận tất cả những cách diễn giải hiện thời, chấp nhận mất mát một số đặc trưng quan trọng phân biệt tự sự với những hình thức hay sản phẩm khác của hoạt động tinh thần? Một sự thỏa hiệp giữa hai khả năng này là xem tự sự như một tập mờ, được xác định ở trung tâm bằng những đặc trưng quan trọng được coi là hạt nhân, nhưng lại chấp nhận nhiều mức độ thành viên khác nhau, phụ thuộc vào những đặc trưng mà một ứng cử viên muốn gia nhập tập hợp này phô bày. Giả thuyết về tập mờ sẽ giải thích được cho một thực tế: trong khi có những văn bản sẽ được nhất trí thừa nhận như là các tự sự như truyện cổ tích thần tiên hay những trò chuyện về kinh nghiệm cá nhân thì lại có một số văn bản sẽ phải đối mặt với việc thừa nhận bị hạn chế như tiểu thuyết hậu hiện đại, trò chơi điện tử hay nghiên cứu lịch sử về các hiện tượng văn hóa, thí dụ công trình History of Sexuality (Lịch sử tình dục) của Michel Foucault.

Tự sự: mô tả khái niệm và định nghĩa khái niệm

Nghiên cứu bản chất của tự sự có thể có hai hình thức. Thứ nhất, nếu nhắm đến mục đích mô tả, người ta sẽ đặt câu hỏi: tự sự giúp gì cho con người; thứ hai, nếu nhắm đến một sự định nghĩa, người ta sẽ phải cố gắng nắm bắt một số đặc trưng khu biệt của tự sự.

Sau đây là một số ví dụ về những nhận định mà cách tiếp cận mô tả đưa ra: tự sự là một phương thức cơ bản để tổ chức kinh nghiệm của con người và là một công cụ để kiến tạo những mô hình của hiện thực (Herman 2002); tự sự cho phép con người chấp nhận và thích ứng được với tính thời gian (temporality) của sự hiện sinh của chính mình (Ricoeur 1984-1988); tự sự như một phương thức tư duy đặc biệt liên quan đến cái cụ thể, cái cá biệt đối lập với cái trừu tượng, cái chung chung (Bruner, người phân biệt tư duy “tự sự” với tư duy “khoa học”); tự sự sáng tạo và chuyển giao những truyền thống văn hóa, xây dựng những giá trị và niềm tin xác định những bản sắc văn hóa; tự sự là phương tiện của những hệ tư tưởng thống trị và là công cụ của quyền lực (Foucault 1978); tự sự là công cụ của sự tự sáng tạo (self-creation); tự sự là kho chứa tri thức có ích, đặc biệt ở những nền văn hóa truyền khẩu (quan điểm này nhắc chúng ta nhớ đến nghĩa từ nguyên của từ “tự sự” trong tiếng Latin là động từ gnare, tức “biết”); tự sự là khuôn trong đó chúng ta nhào nặn và bảo tồn ký ức; tự sự, trong hình thức hư cấu của nó, mở rộng thế giới tinh thần của chúng ta vượt ra ngoài khuôn khổ của cái có thực, cái quen thuộc, mở ra một sân chơi cho sự thể nghiệm tư tưởng (Schaeffer 1999); tự sự là một cội nguồn đa dạng, không thể cạn kiệt của giáo dục và giải trí; tự sự là tấm gương mà nhìn vào đó, chúng ta phát hiện ra ý nghĩa của việc là con người.

Trong khi những nhận định theo kiểu mô tả như vậy có thể không xung đột với nhau thì những cách tiếp cận theo kiểu định nghĩa lại có xu hướng đưa ra những quan điểm trái chiều nhau về bản chất của tự sự vì mỗi học giả sẽ chọn ra và làm nổi bật lên những đặc điểm khác nhau cấu thành nên tính tự tự (narrativity). Những luận đề tranh cãi với nhau dưới đây sẽ minh họa rõ hơn một số điểm bất đồng giữa các quan điểm:

(1) Khái niệm “tự sự” có khác nhau theo mỗi nền văn hóa và thời kỳ lịch sử, hay chính những điều kiện cơ bản, nền móng của tính tự sự cấu thành nên tính phổ quát của sự tri nhận (cognitive universals)? Việc “tự sự” rất lâu mới trở thành một khái niệm lý thuyết và chỉ được thừa nhận trong đời sống học thuật cho thấy có vẻ như biện hộ cho một cách tiếp cận tương đối luận song những đặc điểm đặc thù về văn hóa mới khiến người ta nhận thức về khái niệm chứ không phải là những dấu hiệu xác định khái niệm. Cách tiếp cận tương đối luận đặt ra vấn đề về khả năng so sánh: nếu ở mỗi nền văn hóa, tự sự lại có những hình thức rất khác nhau, đâu sẽ là mẫu số chung để biện hộ cho việc gắn nhãn những hình thức này là tự sự? Nếu ta chấp nhận một cách tiếp cận văn hóa phổ quát thì những khác biệt rõ ràng giữa tự sự ở các thời kỳ và các nền văn hóa khác nhau chỉ là vấn đề đề tài và chỉ được xem như là những biến thể trên một cấu trúc chung, mang tính cốt lõi. Tương tự, cốt truyện sử thi và cốt truyện kịch ở các nền văn hóa phương Tây có được nhìn nhận những phương thức hiện thực hóa khác nhau một lược đồ chung.

(2) Tự sự tiền giả định một hành động trần thuật được thực hiện bởi một tạo vật mang nhân dạng (anthropomorphic creature) được gọi là “người kể chuyện” (narrator) hay câu chuyện có thể được kể mà không cần phải nghĩ đến ý thức về người kể chuyện (narratorial consciousness)? Gerald Prince định nghĩa tự sự như là sự thể hiện các sự kiện có thật hay mang tính hư cấu bởi một hay nhiều người kể chuyện hướng đến một hay nhiều người nghe chuyện (narratee). Nhà nghiên cứu phim David Bordwell đưa ra một quan điểm đối lập, ông lại cho rằng trần thuật điện ảnh không đòi hỏi cần phải có một hình tượng người kể chuyện. Một số học giả khác tìm cách điều hòa định nghĩa tự sự trên nền khái niệm người kể chuyện với khả năng của hình thức trần thuật phi ngôn từ bằng cách phân tích cho thấy ngay trong phim hay kịch cũng có tiền giả định về phát ngôn của một hình tượng mang đặc tính của người kể chuyện, kể cả khi bộ phim hay vở kịch không sử dụng thủ pháp lồng giọng thuyết minh (voice-over).

(3) Đặc điểm của tính tự sự có thể được khu biệt như một lớp hoặc một bình diện nghĩa hay nó là một hiệu ứng bao trùm, khiến cho mọi yếu tố của văn bản đều có thể góp phần tạo nên? Quan điểm thứ nhất tạo cơ sở cho việc phân chia văn bản thành những bộ phận tự sự thúc đẩy cốt truyện tiến triển và những bộ phận phi tự sự nơi thời gian đứng yên vì dụ các trữ tình ngoại đề, suy tư triết lý hay phần bài học trong ngụ ngôn. Nhưng cách phân tích này gặp phải những khó khăn khi phải xử lý vấn đề miêu tả: trong khi các đoạn miêu tả có thể bị lướt qua mà không làm cho độc giả không theo dõi được cốt truyện thì nhân vật, bối cảnh sẽ không thể được nhận diện nếu không có các đoạn miêu tả. Nếu mục đích của tự sự không phải chỉ nhằm khơi dậy một chuỗi sự kiện mà cả những thế giới trong đó những kiện này xảy ra thì không thể loại trừ phần miêu tả khỏi lớp tự sự được, sự phân biệt giữa tự sự và phi tự sự bị mờ đi. Các nhà lý luận văn học, những người trung thành với quan điểm về sự không thể chia tách nội dung và hình thức, lại có xu hướng tán thành khả năng thứ hai: tính tự sự được hiểu như một hiệu ứng bao trùm. Trong số này phải kể đến Philip Sturgess. Ông đã viết: “Tính tự sự giống như một thế lực trao quyền (enabling force) của tự sự, một thế lực hiện diện ở mọi điểm trong tự sự”. Hệ quả tất yếu của quan điểm này là ta không thể phân biệt được tính tự sự với tính mục đích luận về thẩm mỹ (aesthetic teleology), hay nói như Sturgess, không thể phân biệt được nó với sự nhất quán mà văn bản phải huy động các thủ pháp để đảm bảo. Vì mỗi văn bản lại có một thứ mục đích luận thẩm mỹ riêng vì thế tính tự sự trở thành khái niệm không thể định nghĩa.

(4) Tính tự sự là vấn đề hình thức hay nội dung? Các yếu tố cấu thành tính tự sự như là hình thức đã cực đoan hóa những ý tưởng của Hayden White, người đã lập luận rằng một chuỗi của các sự kiện lịch sử có thể được trình bày ra như một danh sách phi cấu trúc, một niên biểu tuân theo những nguyên tắc thống nhất nào đó song lại thiếu đi một nguyên tắc lý giải bao trùm (comprehensive explanatory principle), hoặc như một cốt truyện đầy đủ (tức như một tự sự), trong đó, các sự kiện được tổ chức theo một thứ mục đích luận bao trùm. Nhưng nếu các sự kiện lịch sử có thể được biến thành các câu chuyện cũng như thành thứ gì đó khác (chẳng hạn, một cuốn giáo trình về ngoại giao dựa trên những ví dụ lịch sử) thì chẳng phải tự sự cũng cần đến những kiểu chất liệu thô đặc thù hay sao? Người ta có thể biến phương trình nổi tiếng của Einstein E=MC2 thành một câu chuyện mà không cần thêm bất cứ thứ gì vào nó hay không? Một cách để giải quyết rắc rối của vấn đề hình thức và nội dung là dựa vào sự phân biệt giữa hình thức và thực thể (substance) mà Hjelmslev đưa ra, có thể áp dụng cho cả bình diện nội dung (content plane) và bình diện biểu hiện (expression plane) của một văn bản, có nghĩa là bình diện cái biểu đạt lẫn cái được biểu đạt của nó. Tính tự sự, theo quan điểm này, sẽ thuộc về bình diện nội dung, chứ không phải bình diện biểu hiện nhưng nó lại là một cấu trúc gồm một hình thức nhất định (được biểu hiện bằng các khái niệm như cốt truyện, các tiểu phần [story arc][1], hay tam giác của Freytag[2]) và một thực thể nào đó (nhân vật, bối cảnh, sự kiện, nhưng không phải các luật lệ phổ biến và khái niệm trừu tượng).

(5) Một định nghĩa về tự sự có nên trao địa vị bình đẳng cho tất cả mọi tác phẩm hư cấu hay không, hay nó sẽ xem một số kiểu tiểu thuyết và phim hậu hiện đại như là thuộc về ngoại biên? Nói khác đi, một văn bản theo khuynh hướng tiền phong (avant garde) có nhân vật, có bối cảnh, sự kiện song lại từ chối tổ chức nội dung này thành một câu chuyện xác định sẽ mở rộng hàm nghĩa của khái niệm tự sự, khiến khái niệm này mang tính biến thiên về lịch sử; hay đơn thuần chỉ cho thấy khả năng tách biệt của những khái niệm “văn học”, “tự sự” và “hư cấu”?

(6) Tự sự đòi hỏi cả phần lời kể (discourse) và câu chuyện (story) hay nó có thể tồn tại được như một sự trình hiện tự do trôi nổi (floating representation), độc lập với bất kỳ sự hiện thực hóa mang tính văn bản nào (textual realisation)? Có phải cụm từ “câu chuyện không kể được” (untold story), rất gần với những tin vắn, là một nghịch ngữ (oxymoron) hay trí tuệ của chúng ta có thể nắm giữ được một tự sự mà không cần đến ngôn từ, như khi chúng ta ghi nhớ cốt truyện một tiểu thuyết hoặc khi chúng ta nói với bạn bè: Tôi có một câu chuyện cực kỳ hay muốn kể với các bạn?

Chuyện kể như một kiến tạo tri nhận

Câu trả lời cho câu hỏi cuối – câu hỏi quan trọng nhất đối với một định nghĩa về tự sự, vì nó đặt câu hỏi tự sự được cấu thành bởi những yếu tố nào – nằm ở sự phân biệt mang tính chất kỹ thuật giữa tự sự (narrative) và chuyện kể (story), mặc dù trong các từ điển tiếng Anh, hai thuật ngữ này đồng nghĩa với nhau. (Đó là lý do tại sao đến đây, mục từ này vẫn sử dụng hoán vị hai thuật ngữ này). Đưa ra một quan niệm phổ biến ở các nhà tự sự học, H.Porter Abbott đã dùng thuật ngữ “tự sự” để chỉ sự kết hợp giữa chuyện kể và lời kể đồng thời xác định hai thành tố của nó như sau: “chuyện kể là một sự kiện hay một chuỗi sự kiện [hành động] và lời kể [diễn ngôn trần thuật] là sự thể hiện những sự kiện ấy”. Tự sự, theo quan điểm này, là sự hiện thực hóa dưới hình thức văn bản của chuyện kể trong khi chuyện kể là tự sự ở hình thức tiềm năng. Nếu ta quan niệm sự thể hiện/trình hiện (representation) là hành vi tự do về phương tiện (medium-free) thì định nghĩa này không hạn chế tính tự sự chỉ trong các văn bản dùng lời hay các hành động nói gắn với người kể chuyện. Song hai thành tố này của tự sự đóng vai trò phi đối xứng vì lời kể ở đây được định nghĩa theo khả năng của nó trong việc thể hiện cái cấu thành nên chuyện kể. Điều này có nghĩa là chỉ có chuyện kể mới có thể được định nghĩa như một thuật ngữ tự trị. Kể từ khi các nhà hình thức luận Nga đưa ra sự phân biệt giữa “fabula” và “sjuzhet” (tức là chuyện kể và lời kể), các quan điểm tự sự học chuẩn mực đã coi chuyện kể như là “những chuỗi sự kiện”, nhưng cách định nghĩa này đã quên rằng các sự kiện tự thân chúng chưa phải là chuyện kể mà đúng hơn chỉ là chất liệu thô từ đó câu chuyện được hình thành. Vậy thì chuyện kể là gì, nếu, đúng như Hayden White lập luận rất thuyết phục, nó không giống như một thứ (thing) mà người ta tìm thấy trong thế giới (như là các hiện thể [existents] và sự kiện [events]) cũng không phải là sự thể hiện dưới hình thức văn bản của nó?

Chuyện kể, không giống như lời kể/diễn ngôn tự sự, là sự thể hiện/trình hiện, song không giống như diễn ngôn, nó không phải là sự thể hiện/trình hiện được mã hóa trong những ký hiệu vật chất. Chuyện kể là một hình ảnh tinh thần, một kiến tạo tri nhận liên quan đến một số kiểu thực thể nhất định và những quan hệ giữa các thực thể ấy. Tự sự có thể là sự kết nối câu chuyện và diễn ngôn, nhưng chính khả năng khơi gợi những câu chuyện trong đầu mới là thứ phân biệt diễn ngôn tự sự với các kiểu văn bản khác. Sau đây là những cách xác định mang tính chất thăm dò về kiến tạo tri nhận mà các nhà tự sự học gọi là “chuyện kể”:

1) Sự hình dung trong đầu một chuyện kể bao hàm việc kiến tạo hình ảnh tinh thần của một thế giới được xác định bằng những nhân tố và vật thể được đặc thù hóa (nhân vật). (Đây là các bình diện không gian của chuyện kể)

2) Thế giới đó nhất thiết phải trải qua những biến đổi không hoàn toàn khả đoán do các sự kiện vật chất không theo quán tính: hoặc do các ngẫu nhiên hoặc do những hành động chủ ý của những nhân tố có khả năng trí tuệ. (Đây là bình diện thời gian của chuyện kể).

3) Cùng với việc được kết nối với các tình trạng vật chất của những mối liên hệ nhân quả, các sự kiện vật chất phải gắn với các trạng thái và sự kiện tinh thần (mục tiêu, kế hoạch, cảm xúc). Mạng lưới những kết nối này trao cho các sự kiện sự mạch lạc, động cơ, độ đóng (closure), tính khả thụ (intelligibility) và biến chúng thành cốt truyện. (Đây là bình diện logic, tinh thần và hình thức của chuyện kể).

Định nghĩa này xem tự sự như một kiểu văn bản có khả năng khơi gợi một kiểu hình ảnh nào đó trong đầu óc của người tiếp nhận. Song, như đã đề cập đến ở trên, nó không cần đến một văn bản để khơi gợi ra một hình ảnh như thế: chúng ta có thể hình thành những chuyện kể trong đầu như một phản ứng đối với bản thân đời sống. Thí dụ, tôi chứng kiến một vụ ẩu đả ở bến xe điện ngầm, tôi sẽ hình thành trong đầu câu chuyện về vụ đánh nhau đó để kể lại cho mọi người trong nhà mình. Có thể lý giải tiềm năng tự sự của đời sống bằng cách phân biệt giữa việc “là một tự sự” với việc “sở hữu tính tự sự”. Đặc điểm “là một tự sự” có thể được xác nhận cho bất kỳ một khách thể ký hiệu nào, dù ở bất cứ phương tiện nào, có thể được tạo ra với chủ định khơi dậy một phản ứng bao hàm trong đó việc kiến tạo một câu chuyện. Chính xác hơn, chính sự tri nhận của người tiếp nhận chủ định này đã dẫn đến nhận định: một khách thể ký hiệu là một tự sự, mặc dù ta không bao giờ có thể chắc chắn liệu người gửi và  người nhận có cùng một câu chuyện trong đầu hay không. Ngược lại, “sở hữu tính tự sự” lại có nghĩa là khả năng khơi dậy, kích thích một phản ứng dưới hình thức tự sự, dù là văn bản hay không phải văn bản, bất kể tác giả có chủ định tạo ra tác nhân kích thích đó hay không.

Những nguyên tắc hình thành nên định nghĩa này là những luật lệ rắn chắc, xác định rõ những điều kiện tối thiểu. Tuy nhiên, có một điều kiện trong đó lại có vẻ gây nhiều tranh cãi hơn những điều kiện khác: chuyện kể có nhất thiết phải hàm chứa những sự kiện không theo thói quen hay không, hay nó có thể chỉ quan tâm đến những hành động thông thường? Liệu điều kiện này có nên được thay thế bằng một luật lệ thiên vị hơn? Điểm rắc rối này đưa đến một khu vực nơi tính tự sự (sản phẩm của những điều kiện tối tiểu) cực kỳ khó tách khỏi tính khả thuật (tellabilty) (một vấn đề được mô tả tốt hơn bằng những luật lệ thiên vị, song nếu biên giới giữa tính tự sự và tính khả thuật nhiều khi rất mơ hồ thì vẫn có những nguyên tắc rõ ràng thuộc về phạm trù này hơn là phạm trù kia.

Bằng việc nới lỏng những điều kiện của định nghĩa trên, chúng ta có thể giải thích những hình thức tự sự ít mạch lạc hơn những chuyện kể mang tính điển phạm như nhật ký, biên niên cũng như những hình thức mở rộng của thuật ngữ tự sự mà ta đã nhắc đến ở phần đầu mục từ này. Việc bất tuân điều kiện thứ ba giải thích cho trường hợp thiếu khuyết đặc tính tự sự của một số tiểu thuyết hậu hiện đại: trong khi chúng tạo ra một thế giới, lấp đầy nó bằng cách nhân vật, làm cho chuyện nào đó xảy ra (mặc dù chúng thường bất chấp điều kiện thứ hai), những tiểu thuyết này lại không cho phép độc giả khôi phục lại mạng lưới đã kích thích hành động của các nhân vật và ràng buộc các sự kiện vào một trình tự khả thụ và xác định. Song chúng lại bù đắp cho sự phá vỡ chuyện kể bằng sự sáng tạo độc đáo, phi thường trên bình diện lời kể. Việc nhấc điều kiện thứ nhất ra cho phép ta mô tả các đại tự sự cùng những quan hệ lân cận của nó. Những đại tự sự này không nói về những tồn tại mang tính cá nhân mà về những bản sắc tập thể; chúng thể hiện những luật lệ chung hơn là một thế giới cụ thể đối với trí tưởng tượng. Nhưng chúng vẫn giữ lại bình diện thời gian và đưa đến những kiến giải phổ quát về lịch sử. Điều kiện thứ hai là điều kiện khó phớt lờ nhất nhưng ta nhấc điều kiện này ra khi nói đến “tự sự về sự thượng đẳng da trắng” hay “tự sự về sự trường tồn của hệ thống Soviet”. Điều xảy ra ở đây là cái nhãn “tự sự” đã được chuyển nghĩa theo phương thức hoán dụ từ những chuyện kể được truyền bá bởi văn chương thực dân hay truyền thông do đảng phái chỉ đạo đến những định đề phi thời gia hình thành nên thông điệp tư tưởng hệ của chúng. Cái nhãn tự sự này thậm chí vẫn còn được gắn với những phát ngôn, nhận định tư tưởng hệ ngay cả khi chúng được giải phóng khỏi những câu chuyện cụ thể.

Hải Ngọc dịch

Nguồn: “Narrative”, in trong Routledge Encyclopedia of Narrative Theory, David Herman, Manfred Jahn & Marie-Laure Ryan ed., Routledge Ltd, 2010, p.544-8.

Ghi chú: Đây là bản dịch nháp, chưa hoàn toàn hoàn thiện, nhất là về cách dịch các thuật ngữ vốn chưa có cách dịch thống nhất ở VN, thậm chí còn chưa bao giờ đi vào bộ từ vựng của giới nghiên cứu VN. Tôi post bản thảo này lên mong nhận được những góp ý, chia sẻ và bản thân cũng sẽ tự nhìn đi nhìn lại để hiệu chỉnh.


[1] “Arc”, đầy đủ là “story arc”, là một thuật ngữ chỉ phần cốt truyện thống nhất xuyên suốt nhiều chương, nhiều tập, nhiều phần liên tục của một ấn phẩm truyền thông như sách, truyện tranh, trò chơi điện tử hay thậm chí phim điện ảnh. Dẫn theo: http://blog.zing.vn/jb/dt/khanhdeptraipl/16754352?from=my

[2] Thuật ngữ “tam giác của Freytag” ở đây chỉ phương pháp phân tích cốt truyện kịch mà nhà phê bình người Đức Gustave Freytag trình bày trong cuốn sách Technique of the Drama (Kỹ xảo của kịch) [1863] của mình. Theo đó, một cốt truyện kịch thống nhất về hành động bao giờ cũng phải hội tụ ba thành phần: mở đầu (thời điểm nảy sinh động cơ; động cơ phát triển thành hành động) – cao trào (đỉnh điểm của những xung đột, mâu thuẫn) – thoái trào (kết thúc).

Về Alice Munro

Alice-Munro-001

Alice Munro – Tôi trao cho câu chuyện tất cả không gian mà nó cần

Bà có thể nói về quá trình sáng tạo của mình?

Tôi làm việc chậm; viết lách là một công việc khó khăn – hầu như luôn là như thế. Thực sự, tôi đã viết đều đặn kể từ khi hai mươi tuổi, và giờ đây tôi đã 81 tuổi. Thói quen của tôi bây giờ là thức dậy vào buổi sáng, uống chút cà phê và bắt đầu viết. Rồi sau đó, tôi nghỉ một lát, ăn cái gì đó, rồi lại viết tiếp. Có lẽ tôi chỉ viết liên tục trong khoảng ba tiếng đồng hồ thôi. Tôi viết lại rất nhiều; tôi viết lại phần đã viết, đến khi thấy ổn thì gửi bản thảo đi. Rồi tôi lại muốn viết lại thêm chút nữa. Đôi khi, đối với tôi, một đôi từ quan trọng đến mức tôi phải xin rút bản thảo về để thêm chúng vào.

Tôi bắt đầu nghề văn với ý tưởng trở thành tác giả tiểu thuyết và rồi tôi lại viết các truyện ngắn vì đó là cách duy nhất để tôi còn có thời gian. Tôi có thể tạm gác việc nhà hay chăm sóc con cái trong một khoảng thời gian nhất định, nhưng khoảng thời gian đó không đủ để người ta viết một cuốn tiểu thuyết. Sau một thời gian, tôi nhận thấy hình thức truyện ngắn – mà đúng hơn, tôi chọn một hình thức truyện ngắn hơi bất thường, một truyện ngắn có dung lượng khá dài – là thứ tôi muốn thể nghiệm. Tôi có thể nói điều mình muốn nói trong không gian ấy. Và ban đầu đó là điều khó khăn vì truyện ngắn là thể loại mà người ta muốn xác định độ dài ở một giới hạn nhất định. Họ muốn nó là một truyện ngắn, trong khi đó truyện của tôi lại hơi bất thường theo kiểu nó là câu chuyện cứ triển khai mãi và nói với người ta những chuyện khác biệt, và cứ thế.

Tôi không bao giờ biết – hay chí ít, tôi thường không biết – một câu chuyện sẽ phải giới hạn ở độ dài bao nhiêu. Nhưng tôi không ngạc nhiên. Tôi trao cho câu chuyện rất cả không gian mà nó cần.

Nhưng dù sao thì tôi không bận tâm thứ tôi giờ đây đang viết được xếp là truyện hay là thể loại gì khác. Nó là một tác phẩm hư cấu, vậy là được.

Văn của bà rất trữ tình. Bà vẫn viết thơ đó chứ?

Ồ, có, thi thoảng vẫn viết. Tôi thích ý tưởng liên hệ giữa văn của tôi và thơ, nhưng chị biết đó, khi người ta viết văn xuôi, tôi nghĩ người ta phải rất cẩn thận để văn mình không mang tính trữ tình một cách cố ý. Văn xuôi cần phải có một sự sắc nhọn nhất định và đó chính là cách viết mà tôi thích. Tôi muốn viết như thế, theo cái cách như thế, có thể gây cho người đọc một chút sợ hãi chăng?

Tôi có cảm giác bà rất quan tâm đến folklore?

Đúng rồi. Nhưng bạn không bao giờ biết được mình định quan tâm đến cái gì. Bạn không thể quyết định điều đó từ trước. Rồi đột nhiên, bạn nhận ra đây những gì bạn muốn kể, bạn nắm bắt nhịp điệu của chúng và cố gắng viết ra. Tôi tự hỏi, tại sao kiểu chuyện kể này lại quan trọng đối với con người đến thế? Tôi nghĩ bạn vẫn nghe rất nhiều câu chuyện mà người đời kể, những câu chuyện có lẽ được xem như là minh họa cho một số điều lạ lùng về cuộc đời này. Và tôi thích tìm những câu chuyện ấy, xem chúng kể với tôi điều gì và tôi sẽ muốn giải quyết chúng như thế nào.

Tôi nhớ đã đọc ở đâu đó rằng folklore được xem là hình thức kể chuyện của phụ nữ?

Tôi nghĩ điều đó đúng, phụ nữ vốn không được coi trọng, thậm chí kể cả sau khi đã biết chữ, biết viết thì phụ nữ vẫn cứ kể chuyện. Chị biết đấy, phụ nữ hay ngồi tỉ tê với nhau, hay họ đã từng có thói quen như thế. Và tôi có thể nhớ những việc chị em phụ nữ chúng ta làm cùng nhau khi phải lo bữa ăn phụ cho cả đám đàn ông trong nhà. Đám đàn ông làm việc ngoài đồng và khi về nhà, bạn sẽ phục vụ họ một bữa ăn hoành tráng – đấy, tôi nhớ cảnh tượng ấy hồi mình còn nhỏ. Có một niềm hãnh diện lớn cho cánh phụ nữ khi nhìn thấy bữa ăn thịnh soạn, hoành tráng như thế nào, rồi sau đó, bạn có cả núi bát đĩa phải rửa. Suốt thời gian ấy, chị em phụ nữ chuyện trò với nhau. Hình thức trò chuyện này rất quan trọng.

Nhưng tất nhiên giờ chuyện đó không còn nữa. Đó là một lối sống cũ – lối sống của người nhà quê – và tôi không biết giờ phụ nữ có còn nói chuyện theo kiểu này hay không. Phụ nữ có còn nói chuyện với nhau không? Họ có được khuyến khích để làm việc đó hay không? Nhưng tôi nghĩ hễ ở đâu phụ nữ tụm lại với nhau là họ có sự hối thúc để kể những câu chuyện, để nói với nhau: “Tại sao chị nghĩ chuyện này lại xảy ra?”, “Đó chẳng phải là chuyện lạ lùng hay sao?” hay “Điều đó có nghĩa gì?”. Phụ nữ có thiên hướng diễn dịch đời sống bằng lời nói. Trong khi nhiều đàn ông mà tôi biết, hay đã từng biết, lại không có sự hối thúc này. Họ cảm thấy sẽ tốt hơn nếu cứ đi thẳng, giải quyết việc gì liên quan đến mình và có lẽ không băn khoăn quá nhiều về nó.

Tôi không rõ liệu đây có thể coi như một điểm tựa để giải thích vì sao bà chọn hình thức truyện ngắn – hay chính thể loại này chọn bà?

Có thể. Tôi thích làm việc với mọi người, nghe trò chuyện của mọi người và cộng hưởng với những niềm ngạc nhiên của họ. Đối với tôi, điều đó quan trọng lắm. Chuyện xảy ra lại là chuyện bạn không chờ đợi. Trong một truyện ngắn của tôi – “Trốn chạy”, một phụ nữ có một cuộc hôn nhân rất khổ sở, quyết định rời bỏ người chồng của mình, chị ta lại được một người phụ nữ lớn tuổi hơn động viên làm việc đó, và cuối cùng chị cũng đã thực hiện quyết định của đời mình. Thế rồi khi chị đang cố gắng trốn chạy, chị lại nhận ra mình không thể làm được việc đó. Đó là một việc nhạy cảm, chị có nhiều lý do để dứt bỏ, để chạy trốn nhưng chỉ là chị không thể làm được. Sao lại dùng dằng như thế? Nhưng đó chính là câu chuyện mà tôi muốn viết. Vì tôi cũng không biết “sao lại như thế”. Nhưng tôi phải chú ý đến nó. Ở câu chuyện đó, có có cái gì đó rất đáng để chú ý.

Trong truyện “Dear Life” (Cuộc đời thân mến), bà đã khám phá nghịch lý trong mối quan hệ của bà với cha mẹ mình.

Phải, đó là mối quan hệ gồm cả tình yêu, nỗi sợ hãi và sự khó chịu. Có tất cả những thứ đó.

Bà cứ trở đi trở lại trong những tác phẩm sau này câu chuyện về mối quan hệ giữa bà và người cha của mình, người cũng là một nhà văn có tài, đặc biệt nhạy cảm và cũng đọc sách cả đời.

Đúng là ông ấy.

Đó là một người, trong nhiều truyện của bà, giống như một bóng ma đang sống đối với bà, khi bà còn là một nhà văn trẻ đang định hình. Nhưng có một sự thật không thay đổi được là bà từ chối ngoảnh mặt quay đi, và chính vì thái độ đó, ông ấy đã lấy dây thắt lưng đánh bà khi bà còn là một cô bé mới lớn.

Có chuyện đó. Và tôi có thể nói rằng, “Ừ thì tất nhiên, đấy là chuyện rất phổ biến ở thời kỳ đó – hầu hết những người tôi biết đều thi thoảng bị đánh đòn.” Và việc đánh một đứa trẻ con không hề là việc cần phải lên án. Đó là một cách tự nhiên để uốn nắn đứa trẻ. Và cũng bởi nghèo đói, bởi cần trẻ em để làm việc nhà, bởi một đứa trẻ thiếu niên ngày đó không được xem như một đứa bé đáng yêu chỉ cần ngồi lì trong nhà như trẻ em bây giờ. Do đó, việc này rất thực tế, cần phải làm. Đồng thời nó cũng rất đáng sợ và có thể – như nhiều người sẽ nói – đó là việc hủy hoại con người. Tôi không thể nghĩ như vậy…Tôi vẫn là người từ chối đòn roi và thấy đó là thứ rất đáng sợ. Tôi có mặc cảm khi đó mình là kẻ vô giá trị và đó là điều gây cho chị những ý nghĩ về tôi như thế. Nhưng đồng thời tôi cũng nhận thấy đó là chuyện đã xảy ra vào thời điểm ấy và người ta không thể né tránh nó. Và người ta cũng không thể né tránh việc cần hiểu tại sao chuyện đó phải xảy ra. Thời đó, người ta không có thời gian, cũng chẳng có tiền để nuôi dạy trẻ con theo cách biết để ý, quan tâm đến những nhu cầu của chúng – lý do vì sao người lớn lại hành xử như thế với trẻ con. Mà trẻ con cũng không có thời gian để lắm lời hay nói lại, chị biết rồi đấy. Người ta không có điều kiện để quan tâm đến tất cả chuyện này. Vì cái người ta quan tâm chủ yếu là làm sao có cái ăn đủ để sống, gia đình là nơi ai cũng phải làm việc và phải tỏ ra hữu dụng. Vì tôi là một đứa trẻ rất nổi loạn, hay ít nhất tôi luôn nghĩ đến việc phải thoát khỏi không gian này, nên tôi sẵn sàng tỏ ra bất cần đáp lại bất cứ ai. Đó là tác dụng ngược của nếp sống gia đình này.

Trong truyện “Cuộc đời thân mến”, bà sử dụng ý niệm về sự tân trang một ngôi nhà trong mối liên hệ với lao động của ký ức. Bà có thể chia sẻ suy nghĩ của bà về bản chất của ký ức?

Những gì xảy ra khi chúng ta già hơn cũng lý thú đó chứ, vì ký ức khi đó trở nên sống động hơn, nhất là thứ ký ức xa xôi. Song tôi không hề phải vất vả với ký ức vì mọi thứ vẫn ở đó, luôn là thế và tôi không rõ mình có viết về nó nhiều hơn đã từng hay không. Rõ ràng những câu chuyện ở phần “Finale” (Đoạn kết) trong tập truyện này là kết quả của sự lao động đầy ý thức với ký ức và tôi không thường làm việc này nhiều lắm vì tôi nghĩ nếu người ta muốn viết nghiêm túc về cha mẹ mình, về tuổi thơ của mình thì người ta phải hết sức chân thành, trung thực, người ta phải nghĩ xem chuyện gì thật sự đã xảy ra thay vì nghĩ đến câu chuyện mà ký ức bày ra cho bạn. Nhưng cố nhiên bạn không bao giờ có thể làm được điều đó vì thế ít nhất bạn phải nói, “Đây là chỗ đứng của tôi trong câu chuyện –đó là những gì tôi nhớ.”

Bà từng nói với tôi rằng thỉnh thoảng chúng ta lại cứ lặp lại những việc vốn rất khó khăn cho đến khi chúng ta chịu đựng và vượt qua được chúng.

Tôi nghĩ đó là điều đúng, đặc biệt khi chúng liên quan đến những ký ức ấu thơ rất sớm ở con người. Và bao giờ cũng cần phải có những nỗ lực để vượt qua chúng. Nhưng “vượt qua” ở đây nghĩa là gì? Là chúng không còn trở nên đau đớn nữa? Là mình đã nghiền ngẫm về chúng và những gì mình nghĩ đưa ra được một ý niệm công bằng về những gì đã diễn ra? Nhưng bạn sẽ không bao giờ viết về điều đó. Bạn có con. Khi bạn viết câu chuyện về tuổi thơ của chúng, nó vẫn cứ chỉ là câu chuyện của chúng, cái tôi của bạn trong câu chuyện ấy sẽ là cái tôi mà bạn có thể không nhận ra. Và đó là lý do tại sao tôi lại nghĩ rằng: ta phải thừa nhận ngay đến cả câu chuyện có nỗ lực cao nhất vẫn không thể đạt đến sự thật của tất cả mọi người. Nhưng cố gắng đó là đáng ghi nhận.

Nếu là nhà văn, bạn sẽ là kẻ dành cả đời để cố gắng tưởng tượng ra các hình tượng, và bạn đặt những hình tượng của mình lên giấy, người khác sẽ đọc chúng. Đó là một việc rất kỳ quặc, thật đấy.

Bạn dành cả đời làm việc đó, thế nhưng bạn biết mình thất bại. Bạn không thất bại hoàn toàn, công việc đó không tuyệt đối vô nghĩa, nó là vẫn là việc đáng làm, dù sao đi nữa – tôi nghĩ thế. Nhưng nó giống như việc dần dần bạn nhận thấy mình chỉ có thể hiểu được những gì mình chỉ nắm được từng phần.

Nghe rất vô vọng. Nhưng tôi lại không cảm thấy vô vọng chút nào.

Hải Ngọc lược dịch

Nguồn: Lisa Dickler Awano, “An Interview with Alice Munro”, Virginia Quarterly Review, Spring 2013, p.180-184.

 Margaret Atwood: Alice Munro – Nhà văn của những thị trấn nhỏ

Thập niên 50 là thập niên của đàn ông trong văn chương Mỹ. Nước Mỹ không có truyền thống các tác giả nữ. Trong số các nhà văn nữ, ai được ngưỡng mộ? Eudora Welty, Katherin Anne Porter. Còn các nữ thi sĩ? Emily Dickinson. Còn có bao nhiêu những gương mặt khác nữa? Ở Canada, là phụ nữ, bạn sẽ không bị trừ điểm khi viết văn đâu. Không có nhiều thách thức đối với phụ nữ ở Canada. Thêu thùa, vẽ tranh sơn dầu, sáng tác – tất cả đều chỉ được xem như là thú vui. Viết lách chẳng phải là việc quan trọng. Hầu như không có thị trường cho các tiểu thuyết mới. Cộng đồng văn chương ở đây vào thời điểm đó rất nhỏ. Vì thói quen đọc và vì sáng tác văn chương chủ yếu chỉ được in trên các tạp chí nhỏ, các nhà thơ có thể biết về tác phẩm của đồng nghiệp chứ đối với các cây bút văn xuôi, đó lại là chuyện khác.

Khi chúng tôi trưởng thành, ý nghĩ trở thành nhà văn là một điều gì đó xa lạ. Chỉ riêng việc nghĩ rằng mình có thể làm được việc đó đã là một sự ngạo mạn rất khó chấp nhận. Tài năng là thứ không được khuyến khích. Thế nhưng từ khi còn nhỏ, Alice đã đọc Anne tóc đỏ dưới chái nhà xanh Emily ở trang trại Trăng non của L.M. Montgomery,  tác phẩm kể về một cô bé lớn lên trên Hòn đảo Hoàng tử Edward, mơ ước trở thành nhà văn. Trong đó, cuốn sách thứ hai còn là cuốn mà sau này Alice viết lời bạt cho nó.

Hai cuốn sách khác ảnh hưởng đến chặng đầu trên con đường văn chương của bà là Đồi gió hú Kiêu hãnh và định kiến. Ở Đồi gió hú, bạn sẽ không bao giờ nghe câu chuyện trực tiếp từ những nhân vật có quyền uy nhất trong đó. Mà bạn sẽ được nghe câu chuyện đó từ những người quan sát: một quý ông tên là Lockwood, người thuê trang trại Thrushcross, và Nelly, người quản gia. Đây chính là một cách rất thú vị để cấu trúc tác phẩm. Đồng thời, trong cuốn tiểu thuyết cũng có hai ngôi nhà. Có nhà Linton, những người thuộc tầng lớp thượng lưu song quyền uy cũng không mạnh và cũng không được miêu tả như những nhân vật gợi cảm. Rồi có Heathcliff. Kiêu hãnh và định kiến cũng là một cuốn sách có kết cấu tốt, khơi gợi những xúc cảm chúng ta thích ve vuốt, và rồi xuất hiện ngài Darcy, một người thô thiển nhưng lại lắm tiền. Kinh tế là một vấn đề lớn trong tác phẩm của Alice. Ai có tiền, ai không, ai cần, ai làm ra, ai trả?

Những nguồn ảnh hưởng khác đối với Alice là những nhà văn viết những câu chuyện lấy bối cảnh những thị trấn nhỏ. Alice đã đọc Sherwood Anderson- người đã khiến bà nghĩ mình cũng có khả năng viết được những câu chuyện như thế – rồi bà đọc cả Eudora Welty, Flannery O’Connor và Carson McCullers. Bản thân cũng lớn lên ở một thị trấn nhỏ, Alice rất hiểu về không gian ấy, nhất là những thị trấn nhỏ ở tây nam Ontario. Tại sao lại có nhiều người điên khùng, loạn trí ở một thị trấn nhỏ? Có vẻ đấy là một không gian mọi người đều biết về nhau, đều biết về lai lịch của người khác. Giống như một gia đình lớn, bất thường. Điều này cũng giống như ở các thành phố thôi, nhưng ở đó, bạn không nhất thiết phải biết tất cả về thành phố ấy, vì bạn có thể không biết gì về những người vừa qua phố, thậm chí vừa qua cửa nhà bạn. Còn ở thị trấn nhỏ, người ta rất quan tâm đến những lời đồn đại, bàn tán, họ rất ý thức đến việc phải giả vờ và sự thay đổi dần dần trong thang bậc xã hội của kẻ khác. Thị trấn là một không gian khép kín với nhiều sự giam hãm.

Đó là lý do tại sao những câu chuyện của Alice lại có bối cảnh không gian và thời gian rất đặc trưng. Người ta ăn gì, mặc gì, dùng dụng cụ gì, đối với bà, đều là điều quan trọng. Bà quan tâm đến những câu hỏi về sự chân thực; bà quan sát mặt của nhân vật và để ý sự đóng vai của họ, cố gắng phán đoán xem bằng sự giả vờ ấy, họ cố đạt đến điều gì, và rồi bà xem xét những gì nằm bên dưới. Cũng có thể các nhân vật của bà nhìn lẫn nhau, họ cũng nói dối, ngay cả trong những lời xã giao, thí dụ, “Bạn trông tuyệt quá!” Có khi câu nói đó là lời tử tế; nhưng cũng có khi không.

Bà viết về những khó khăn mà những nhân vật của bà phải đối mặt, những người luôn lớn hơn hoặc nhỏ hơn những gì họ được nghĩ về. Khi các nhân vật chính của bà nhìn lại, từ điểm nhìn ở giai đoạn sau này trong cuộc đời mình, khi họ già hơn, họ sẽ sở hữu bên trong mình tất cả những con người mà họ đã từng là. Bà rất giỏi khi miêu tả những gì mà con người kỳ vọng và cả nỗi thất vọng của họ.

Một trong nhiều điều mà Alice thể hiện rất tinh tế trong văn của mình là đối lập giữa cách người ta nghĩ một điều gì đó nên như thế nào với việc mọi chuyện lại hóa ra như thế nào. Chúng ta luôn bị phụ thuộc vào sự lấp đầy một số niềm kỳ vọng. Buổi sáng mặt trời sẽ mọc. Bà  Brown sẽ mở quầy hàng ở gốc phố vào lúc tám giờ sáng và bán sữa. Trong truyện của Alice Muron, người ta đi vào một ngôi nhà và phát hiện ra một người đã bị giết. Mọi kỳ vọng đều được thực hiện; và rồi, một sự kiện, một sự ngạc nhiên nảy sinh – và câu chuyện là thế.

Hải Ngọc dịch

Michael Cunningham: Alice Munro – Bậc thầy của những bí ẩn nơi trái tim con người

Alice Munro kể những câu chuyện lớn lao về những con người có đời sống bề ngoài nhỏ bé. Hiếm khi bà viết về một con người bên lề với phẩm chất đặc biệt. Bà là người bảo vệ lớn cho những kẻ bên lề bình thường, của những người không thể vừa vặn với cuộc đời ở những điểm tuy nhỏ nhưng lại rất quan trọng, những người cần một đời sống tốt đẹp hơn thứ được đem đến cho họ. Giống như Virginia Woolf, bà vẫn luôn nhấn mạnh vào tầm quan trọng đặc biệt của đời sống người phụ nữ, nhấn mạnh rằng câu chuyện về một người vợ bất hạnh ở tuổi trung niên cũng quan trọng chẳng kém câu chuyện về một thuyền trưởng dấn mình vào cuộc kiếm tìm con cá voi trắng. Làm như vậy, Munro, có lẽ hơn bất kỳ nhà văn đương đại nào, nhắc nhở chúng ta về phạm vi và tầm vóc mà một truyện ngắn có thể đạt đến. Bà khắc họa và phân tích tỉ mỉ những cuộc đời đầy biến cố lớn lao với một sự chu toàn mà ta cứ ngỡ chỉ có thể đạt được trong tiểu thuyết.

Câu văn của bà luôn giản dị và trong sáng nhưng không bao giờ bị rơi vào buồn tẻ. Văn xuôi của Munro rất có nhịp điệu. Bà biết một dòng nên dài đến đâu, hay khi nào một câu dài nên được tiếp nối bằng một câu ngắn hơn. Cảm quan nhạc tính của Munro thật hoàn hảo, vậy nhưng tác phẩm của bà không thuộc loại trưng trổ kỹ thuật với tham vọng làm lại văn chương. Munro không phải Joyce, cũng chẳng phải David Foster Wallace – tôi nhắc đến họ với niềm kính trọng. Tác phẩm của bà được viết bằng một lối viết khiêm nhường hơn và theo nghĩa nào đấy nó cũng là canh bạc lớn hơn. Bà không mong trở thành một trong số những chàng tuổi trẻ – dường như họ hầu hết chỉ là những chàng trai –  muốn tạo ra những sự thách đố và gây hấn trong văn chương vốn thường được người ta nghĩ đến như những khẩu thần công, và bởi tác phẩm của bà không hô hào, ngôn từ của bà chẳng quả quyết, bà chấp nhận mạo hiểm đứng khuất sau những phong cách ồn ã khác. Trên thực tế, sự quả quyết khi bà đào sâu vào đời sống nhân vật của mình khiến những thử nghiệm bề mặt bỗng trở thành hướng đi dễ dãi. Munro không bận tâm nhiều đến việc gây ấn tượng với độc giả. Bà bận tâm nhiều hơn đến sự thâm trầm, vẻ đẹp và chân lý trong những truyện của bà

Tôi không biết liệu có tác giả nào khác có thể làm tốt hơn Munro trong việc khắc họa những hỗn độn nơi bản thể con người, sự phức tạp và mờ tối khó ngờ của những cảm xúc. Chẳng hạn, Munro kiên quyết từ chối chấp nhận ý niệm rằng người mẹ hay đứa con hành xử theo những phương thức khả đoán. Bà để cho cha mẹ có những cảm giác nhập nhằng về những đứa con của họ và ngược lại. Và cách Munro xử lý vấn đề tình dục trong tác phẩm của mình có chút gì đó giống với điều Flannery O’Connor từng làm với sự can thiệp của thánh thần (divine intervention)[1]. Rất nhiều truyện của Munro xoay quanh sự hiện diện của những quan hệ dục tính cuốn phăng cuộc đời nhân vật chính hệt như Bàn tay của Chúa trong tác phẩm của O’Connor. Thật khó tin nhưng đó là sự thật. Còn thứ gì khác có thể đảo lộn những kế hoạch của chúng ta hơn tình dục và tình yêu? Bạn đang sống và mọi thứ có vẻ yên ổn, và rồi – kapow! một quan hệ dục tính xuất hiện và đời bạn chẳng còn như xưa nữa.

Munro thấu hiểu mối tương tác phức tạp giữa ý chí, khát vọng của chúng ta với những ngoại lực mà ta hầu như không thể kiểm soát. Một ngoại lực có thể đến, từ sự kiểm soát của chính quyền cho đến thứ gì đó đột ngột cho bạn thấy đời sống lãng mạn của bạn chỉ là một ảo tưởng, một sự giả tạo. Munro không e sợ cái hỗn loạn; bà biết rằng sự hỗn loạn sẽ bồi đắp bản lĩnh chúng ta. Như mọi tác gia tôi kính trọng, bà hiểu rằng công việc của nhà văn hư cấu chính là làm cho thế giới này càng thêm phức tạp. Bà buộc độc giả ý thức rằng dù mọi thứ trông có vẻ phức tạp đến đâu, thực chất chúng còn phức tạp hơn thế.

Nếu các nhà văn có xu hướng hoặc hết sức lãnh đạm hoặc quá mức ân cần, thì Munro lại thuộc về một đẳng cấp của riêng bà. Bà mang lòng trắc ẩn lớn lao nhưng không hề ủy mị. Munro nhắc nhở chúng ta rằng không có cách giải quyết đơn giản nào cả. Có hạnh phúc, bi kịch và những thứ ở giữa chúng; và bất kì thế giới quan nào khăng khăng thứ này và bỏ qua thứ khác thì đều bất toàn hoặc phiến diện. Bí ẩn và bất ngờ là thành phần cốt yếu của mọi câu chuyện, và Munro là bậc thầy về cái bí ẩn náu mình trong trái tim con người. Ít kinh nghiệm nào có thể khiến độc giả thỏa mãn hơn việc được nhìn nhân vật làm điều gì hoàn toàn bất ngờ và rồi chợt nhận ra đó là thứ duy nhất mà nhân vật có thể làm. Trong truyện của Munro, bạn không biết được điều gì sắp xảy đến với mọi người – tựa như trong chính cuộc đời này vậy.

Đức Anh dịch

Nguồn: “Appreciations of Alice Munro”, Lisa Dickler Awano biên soạn, The Virginia Quarterly Review, Summer 2006; 2, 3, trang 91-4.


[1] divine intervention: sự can thiệp của thần thánh vào diễn biến sự kiện, kiểu như trong thần thoại Hy Lạp