Joyce Carol Oates (1938) – nhà văn Mỹ, ứng cử viên thường trực của giải Nobel Văn học và Cao Hành Kiện, nhà văn Trung Hoa lưu vong, người nhận được giải thưởng danh giá này vào năm 2000 cùng đưa ra những định nghĩa về trách nhiệm của nghệ sĩ, nghệ thuật trong xã hội hiện đại qua những trích đoạn ngắn được dịch dưới đây. Với Oates, nghệ sĩ vừa phải là kẻ đối kháng vĩnh viễn, là có tự quyết định chính bản thân mình nhưng đồng thời cũngvừa là kẻ tự thiết lập những mối liên hệ bề sâu với kẻ khác. Với Cao Hành Kiện, nhà văn bao giờ cũng phải là kẻ can đảm nói lên tiếng nói của một cá nhân, dù tự ý thức sâu sắc, con người cá nhân ấy là một thực thể mong manh trong một môi trường xã hội và lịch sử sẵn sàng bắt nó phải thỏa hiệp hoặc tàn nhẫn hơn, nghiền nát cá nhân ấy.
Joyce Carol Oates
Nghệ thuật và đạo đức?
Vấn đề đối với nghệ sĩ, dĩ nhiên, là: đạo đức của ai? luân lý của ai? những tiêu chuẩn về sự đúng đắn, thích đáng do ai đặt ra? cộng đồng của ai? cơ quan kiểm duyệt của ai? quan tòa của ai? – những công tố viên? những viên quản ngục? những tay đao phủ? Nhà nước của ai? Những tập quán của một cộng đồng, đối với những kẻ đứng ngoài quan sát, dường như cũng có tính võ đoán như bản thân ngôn ngữ – hệ thống ngôn ngữ mà trong đó từ chỉ vật được hiểu như là thứ không phải vật – nhưng bên trong cộng đồng đó, chúng hiếm khi có thể thương thảo được với nhau. Càng ít hơn khả năng chúng bị vi phạm bởi các cá nhân nếu không chấp nhận một sự mạo hiểm lớn… Đạo đức thống trị của một xã hội là bức tường đá mà đối đầu với nó, cá nhân có thể như chiến đấu với cối xay gió, không có kết quả nào cả – hoặc bị hất tung, bị thương tật…
Trong kinh nghiệm của riêng người nghệ sĩ, dĩ nhiên, nghệ thuật về bản chất là thứ không định nghĩa được, không thể nói ra được; có một cái gì đó thiêng liêng trong những sự đòi hỏi mà nó đặt ra cho tâm hồn; một cái gì đó mang tính chất bí ẩn cố hữu trong những hình thức mà nó tạo nên cũng như trong nội dung của nó… Nếu ta được bảo rằng nghệ thuật chỉ dành cho nhà nước, chúng ta sẽ sẽ nổi loạn; nếu chúng ta được bảo rằng nghệ thuật là thứ vô dụng, vô tích sự, chúng ta sẽ nổi loạn; chúng ta là những tạo vật tự quyết định chính mình; thế nhưng chúng ta là những tạo vật của thời đại của mình, chúng ta được kết nối ở bề sâu với nhau, nuôi dưỡng lẫn nhau, xác định lẫn nhau bằng rất nhiều cách không thể đếm được.
Thí dụ, trường hợp của họa sĩ siêu thực người Bỉ, René Magritte. Ông là người sáng tạo nên những hình ảnh “phản nghệ thuật” trong khoảng thời gian 1920-1930; ông được xem như một họa sĩ miệt mài thể nghiệm, người xem nghệ thuật như một “phương tiện thảm hại” (lamentable expedient) mà nhờ đó, tư tưởng có thể được tạo sinh. Những tranh vẽ đặc trưng nhất cho phong cách của Magritte ở thời kỳ này là những ngụ ngôn tư tưởng, những nghịch lý không liên quan gì đến thế giới thị giác và chỉ có thể giải thích được về mặt ý niệm mà thôi (thí dụ, trong một bức tranh nổi tiếng… “The Treachery of Images” [Sự phản bội của hình ảnh], ông vẽ một cái tẩu ngay bên trên dòng chữ Đây không phải là cái tẩu). Magritte coi thứ nghệ thuật làm ra chỉ nhắm khêu gợi cảm xúc nơi người xem cũng như phô diễn những hiệu ứng hội họa là vô giá trị. Nhưng vào thời kỳ phát xít xâm chiếm nước Bỉ, họa sĩ bỗng bất ngờ chuyển sang một lối vẽ khác. Nếu giai đoạn trước, tranh của ông thường rất phẳng, hình ảnh mang đặc điểm của chủng loại chứ không có nét gì cá biệt, đơn điệu như giấy gián tường thì ở giai đoạn này – kéo dài từ 1943-1946 – tranh của ông màu sắc rất tưng bừng, tông màu sáng và vui tươi; nhát cọ của ông đi theo đúng phương pháp của hội họa ấn tượng. Ở “Thời kỳ Renoir” này, Magritte bị ám ảnh bởi những hình tượng ấm áp, giàu cảm giác, những hình ảnh rõ ràng nhắm khêu gợi cảm xúc, thậm chí cả nhục cảm. Magritte, họa sĩ trí tuệ bậc nhất, tin rằng tác phẩm ông là sự phản ứng đối với sự độc tài của chế độ Nazi và nỗi sợ hãi chiến tranh: “Tác phẩm của tôi là một sự phản công (counter-offensive)”.
Nghệ sĩ như một kẻ đối kháng vĩnh viễn; nghệ sĩ như một cá nhân – kẻ có thẩm quyền cao nhất tự xác định mình; nghệ sĩ như là kẻ bị ràng buộc rất sâu với thế giới của anh ta và trong mối quan hệ nhiều ý nghĩa với một cộng đồng – đó là đạo đức của nghệ sĩ, mỹ học của nghệ sĩ.
Hải Ngọc dịch
Nguồn: Joyce Carol Oates, “Art and Ethics?” in trong Ethics, Literature, and Theory: An Introductory Reader, Rowman & Littlefield Publishers, Inc., 1995.
Cao Hành Kiện
Vị trí của nhà văn
… Nhà văn không phải là nhà tiên tri, cũng không có nhiệm vụ thêu dệt những chuyện thần tiên đẹp đẽ hay đưa ra những hứa hẹn về tương lai cho con người hay nhóm người được lựa chọn; nhà văn dứt khoát cũng không có bổn phận phải tạo ra một ảo ảnh về một cõi không tưởng để kích động đám đông lao vào cuộc chiến chống lại thế giới. Hơn nữa, trong thế kỷ mà nhân loại chúng ta vừa trải qua, chuyện này đã xảy ra nhiều lần.
Nhà văn không phải là kẻ cứu rỗi thế giới và mặc dù hình ảnh những siêu nhân kiểu Nietzsche vốn rất phổ biến trong thế kỷ XX, nhà văn không thể gánh trên vai sứ mệnh của Christ. Vì Chúa đã chết, vô số kẻ với cái tôi được bơm phồng lên có thể tự phô diễn mình như những đấng cứu rỗi thế giới này. Sẽ thú vị hơn nếu xem thứ chủ nghĩa lãng mạn của Nietzsche như là văn chương thay vì triết học vì hình ảnh phóng đại của một siêu nhân thay thế đức Christ tử vì đạo trong truyền thống. Thế nhưng ý niệm này không lột tả con người một cách chân thực; nó đơn giản chỉ là ảo giác của một triết gia. Tình thế thực sự của con người trong xã hội hiện đại không phải như Nietzsche khẳng định mà nó được miêu tả bởi một nhà văn khác, cũng viết bằng tiếng Đức: Franz Kafka.
Kafka im lặng vì ông không thể xuất bản tác phẩm của mình khi còn sống, nhưng ông hiểu sâu sắc nan đề mà nhân loại thế kỷ XX phải đối mặt trong xã hội công nghiệp hiện đại. Những bộ lịch sử văn chương phổ biến hiện nay đều coi Nietzsche như là khởi điểm của chủ nghĩa hiện đại thế kỷ XX, cứ như thể văn học hiện đại bắt đầu từ Nietzsche. Thực ra sẽ đúng hơn nếu đặt Nietzsche vào dòng văn học lãng mạn cuối thế kỷ XIX; Kafka, thay vào đó, nên được xem như là cột mốc đánh dấu sự khai sinh của văn chương hiện đại. Kafka vẽ nên một bức chân dung chính xác về tình thế khó khăn thực sự của nhân tính trong xã hội hiện đại. Trong tất cả các quan hệ xã hội, thậm chí ngay cả quan hệ gia đình, con người không hơn một con sâu bọ, vô nghĩa và đáng thương. Các cá nhân không còn khả năng kiểm soát số phận của mình, càng bất khả trong tham vọng thống trị thế giới, thế nhưng thật khó giải thích khi người ta lại nghĩ rằng tình thế đó có thể khác. Kafka nhìn thấu sự lừa mị của những thuyết không tưởng: chúng giống như những lâu đài trong tiểu thuyết của ông, nơi mà tìm được lối vào là điều bất khả.
Chính từ đầu thế kỷ trước, Kafka đã tiên báo về tình thế khó khăn của nhân loại trong xã hội hiện đại; và ở thời điểm hiện tại, nhân loại cũng vẫn loay hoay trong cái nan đề bất hạnh tương tự. Con người cá nhân ngày càng trở nên mong manh, sự tự trị của họ bị làm cho xói mòn ngày càng mạnh, con người cá nhân bị biến mất vào trong những bản sắc nhóm khác nhau. Bên trong những cỗ máy xã hội khổng lồ, văn hóa trở thành một thứ hàng hóa đối mặt với thị trường luốn có khả năng nhấn chìm nó và truyền thông đã không còn giữ được sự độc lập đích thực của mình bởi những phân rẽ chính trị. Rất khó để bất cứ ai cất lên tiếng nói cá nhân, nói lên tiếng nói của chính mình thay vì sử dụng lời lẽ có mối liên hệ với một hình thức chính trị nào đó. Chỉ trong những sáng tạo văn chương nghiêm túc, vượt qua những toan tính lời lỗ, vượt qua chính trị, không chạy theo những hình thức thời thượng, tiếng nói như thế mới có thể được cất lên, con người cá nhân có thể bảo vệ được sự độc lập và tính toàn vẹn của mình. Cố nhiên, tiếng nói của cái cá nhân luôn rất yếu, nhưng nó từ chối sự cường điệu. Nó là giọng nói thật sự của con người.
Có thể tìm thấy giọng nói chân thực này ở đâu? Trong văn chương. Chỉ văn chương mới có thể nói lên sự thật về sự hiện sinh của con người mà chính trị không thể nào chạm đến hoặc bất đắc dĩ mới mới phải nói ra. Các nhà văn hiện thực thế kỷ XIX như Balzac và Dostoevsky không thể hiện mình như những người cứu rỗi thế giới, họ cũng không xem mình như là người phát ngôn cho nhân dân hay là hiện thân cho lẽ phải – vì rốt cục, cái gì là lẽ phải? Họ đơn giản chỉ kể lại hiện thực, không nêu lên một ý thức hệ để phê phán hay đánh giá xã hội; họ cũng chẳng thêu dệt một bản thiết kế về một xã hội lý tưởng. Nhưng chính những sáng tác như của những tác giả này, bằng sự vượt qua chính trị và ý thức hệ, đã đem đến những bức tranh khắc họa chân thực nhân tính và xã hội, phát lộ toàn bộ tình thế khó khăn, nan giải của sự hiện sinh của con người, sự phức tạp của bản chất con người. Xét từ phẩm chất trí tuệ và mỹ học, những sáng tác này đã đứng vững trước phép thử của thời gian…
Nhà văn không cần phải trở thành chiến binh hay xem mục đích của văn chương là phê phán và cải cách xã hội. Dĩ nhiên, nhà văn có chính kiến của mình về chính trị nhưng họ không phải viết điều đó vào trong văn chương của mình. Nếu nhà văn ý thức rõ vị trí thực sự của mình trong xã hội hiện thời, tốt nhất ý nên trở về với tiếng nói của con người cá nhân mong manh, vì giọng nói chân thực của cái cá nhân này loại trừ sự giả tạo. Nếu không băn khoăn liệu tiếng nói này có thể chạm đến những tiếng nói khác hay không thì ít nhất người ta cũng có thể tự nhủ rằng người ta có nhu cầu nghe chính tiếng nói của bản thân. Nhu cầu bên trong này là động lực nguyên thủy của hành động viết; nó nảy sinh từ những nhận thức khởi phát từ xúc cảm và kinh nghiệm thực của con người.
Việc xã hội áp đặt nhiều giới hạn lên con người cá nhân cố nhiên không phải điều mà ngày nay mới thấy. Cái cá nhân luôn luôn bị ràng buộc bởi những hoàn cảnh xã hội bên trong bất cứ một cộng đồng tập thể nào và để một cá nhân cất lên tiếng nói không bị nhấn chìm bởi dàn đồng ca của đám đông hay bởi những phát ngôn của những kẻ quyền lực hiển nhiên là một thách thức lớn, thế nhưng chính bởi sự thách thức cái thực tại này, sự hiện sinh của một cá nhân mới được xác nhận. Đây mới là điều mà văn học mới cần phải diễn tả, do đó, theo nghĩa này, văn chương không phải là vũ khí của sự phê phán mà chỉ là một chứng ước. Nhà văn là nhân chứng của thời đại mà anh ta sống. Thứ chứng ước trung thực mà văn chương để lại cho con người còn chân thực hơn những thứ lịch sử được viết bởi những thế lực chính trị. Đó là vì các thế lực chính trị nối tiếp nhau đều biên tập, xét duyệt lại lịch sử theo những nhu cầu chính trị của mình. Điều này khiến cho lịch sử chính thống, trong tay những thế lực nắm quyền, đều phải trải qua những biến đổi về diện mạo…
Văn chương là thứ chứng ước về tình huống hiện sinh của con người. Nhà văn không cần phải đưa ra những phán xét về đạo đức, luân lý, cũng không cần phải nhận lý vai trò của thẩm phán và quan tòa về đạo đức. Cả văn chương và lịch sử đều được xem là những hình thức chứng ước ghi lại kinh nghiệm và cảm xúc của con người. Song ngày nay chúng ta biết rất ít về lịch sử chính trị của Hy Lạp cổ đại và chỉ những chuyên gia lịch sử mới tiến hành nghiên cứu về đối tượng đó. Tuy nhiên lại có rất nhiều người có tri thức về văn học Hy Lạp.
Mỗi triều đại, mỗi thế lực cầm quyền sẽ viết lịch sử sao cho phù hợp với những mối quan tâm và lợi ích của riêng họ, nhờ đó họ sẽ khẳng định quyền uy của mình. Lịch sủ được viết bởi những thế lực cầm quyền sẽ luôn phải đi theo những thay đổi về chính trị và không ngừng được biên tập lai, duyệt lại. Song có những hình thức lịch sử không thể duyệt xét lại và đó là những sáng tạo của nhà văn. Thứ lịch sử này còn chân thực hơn thứ lịch sử được viết dưới sự chỉ đạo của thế lực cầm quyền. Mặc dù mang tính chất hư cấu nhưng chừng nào những tự sự văn chương còn liên đới với những tình huống thực sự của sự hiện sinh thì điều mà văn chương đem đến sẽ có khả năng tồn tại bền vững. Những tác phẩm văn chương xuất sắc từ thời cổ đại đến nay không tiêu biến theo sự trôi chảy của thời gian mà thay vào đó lại tỏa sáng như những mảnh pha lê của văn hóa nhân loại.
Văn chương khác lịch sử ở chỗ nó viết về lịch sử của cá nhân và lịch sử của tâm hồn con người, nó ghi lại hiểu biết về thế giới và về bản thân con người: sự hiểu biết về thế giới nhân sinh này có thể được gọi là ý thức. Bản ngã và bản chất con người không thể được tái tạo bởi các cá nhân nhưng nhà văn có thể ghi lại được các kinh nghiệm và đó là khởi điểm của văn chương. Trong địa hạt này, có thể nói, nhà văn được hưởng một thứ tự do không giới hạn…
Hải Ngọc dịch
Nguồn: Gao Xingjian, “The Position of the Writer”, in trong Aesthetic and Creation, Mabel Lee dịch sang tiếng Anh, Cambria Press, 2012.