Monthly Archives: Tháng Bảy 2013

Julian Barnes – Văn chương như lời nói dối lớn lao và đẹp đẽ

Lời ngỏ: Bài dịch dưới đây của Đức Anh là kết quả đầu tiên của nhóm Đọc-Xem-Nghĩ…Và Viết (Facebook của nhóm: https://www.facebook.com/groups/353254584802103/). Nhóm chủ yếu là những bạn trẻ – có bạn mới chỉ là sinh viên năm 1 – cùng chia sẻ mối quan tâm đến sách vở, chữ nghĩa, cùng có hứng thú suy tư về nhiều vấn đề. Như một ốc đảo nhỏ nhưng không đóng kín, trong một tháng qua, làm việc với các bạn là niềm vui lớn nhất của tôi. Nhất là khi với cá nhân tôi, đây là giai đoạn khủng hoảng niềm tin.

Bài dịch này do Đức Anh thực hiện với rất nhiều cố gắng nhưng đồng thời cũng có đóng góp của nhiều bạn trong nhóm: các em góp ý với nhau từ cách dịch, cách viết lời dẫn, cách đặt tit…Rất ít khi tôi thấy sinh viên của mình có sự chân thành như thế trong việc chia sẻ suy nghĩ và mối bận tâm về tri thức.

Bản thân tôi không phải là người có nhiều kinh nghiệm gì trong việc dịch thuật và viết lách. Quá trình làm việc này khiến tôi cũng tự học thêm được một số kinh nghiệm từ chính các bạn trong nhóm. Và với việc giới thiệu bài dịch này trên blog của nhóm và của cá nhân tôi, hy vọng chúng tôi sẽ nhận được nhiều góp ý, giúp đỡ và chia sẻ hơn để tiếp tục hoàn thiện mình.

Và hy vọng mọi thứ đã bắt đầu với một đà tốt thì sẽ không nhanh chóng nhạt dần…

*

 

 julian barnes

Julian Patrick Barnes (sinh 19 tháng 1 năm 1946 tại Leicester) là một nhà văn Anh đương đại độc đáo. Những đóng góp của ông đã từng được ghi nhận qua nhiều giải thưởng văn học, trong đó có giải Somerset Maugham cho tác phẩm Metroland, Medicis Prix cho Flaubert’s Parrot và Femina Prix cho Talking It Over.

Man Booker không phải là giải thưởng xa lạ với Barnes, bởi ông đã từng được đề cử 3 lần với Flaubert’s Parrot (1984), England, England (1998), và Arthur & George (2005). Tuy nhiên, phải đến năm 2011, ông mới chính thức được vinh danh với cuốn The Sense of an Ending.

Nhân dịp The sense of Ending ra mắt độc giả Việt Nam với tên gọi Nghe mùi kết thúc (dịch giả Nghiêm Quỳnh Trang), chúng tôi xin trích dịch  cuộc trò chuyện giữa Barnes và Shusha Guppy để hiểu rõ hơn những quan niệm về nghề của nhà văn Anh này. Cuộc phỏng vấn được đăng trên tạp chí The Paris Review, số Mùa Đông năm 2000, No 165.

Shusha Guppy: Sartre từng viết một tiểu luận có tên Qu’est-ce que la littérature (Văn chương là gì)? Với ông, văn chương là gì?

Barnes: Có rất nhiều câu trả lời. Nói ngắn gọn nhất, văn chương là cách tốt nhất để kể sự thật; nó là một quá trình tạo ra những lời nói dối lớn lao, đẹp đẽ, chặt chẽ, nói lên nhiều sự thật hơn bất cứ mớ dữ kiện thực tế nào. Ngoài ra, văn chương có thể là rất nhiều thứ, chẳng hạn như niềm khoái cảm trong ngôn ngữ, sự chơi với ngôn ngữ; nó cũng là một cách thức gần gũi đến kỳ lạ để giao tiếp với những người mà anh sẽ chẳng bao giờ gặp mặt. Trở thành một nhà văn mang lại cho anh ý thức về cộng đồng lịch sử, điều mà tôi thấy đang tồn tại khá yếu ớt trong con người xã hội bình thường  ở nước Anh đầu thế kỷ XXI. Ví dụ, tôi chẳng hề cảm thấy bất kì mối ràng buộc đặc biệt nào với thế giới của Nữ hoàng Victoria hay với những người can dự vào Nội chiến Anh hoặc Cuộc chiến Hoa hồng, nhưng lại cảm thấy rất rõ một sự ràng buộc rất đặc biệt ở nhiều nhà văn và nghệ sĩ với những giai đoạn, những sự kiện đó.

Shusha Guppy: Ông có ngụ ý gì khi nói “văn chương kể lại sự thật”?

Barnes: Tôi nghĩ một cuốn sách vĩ đại – bỏ qua những phẩm chất khác như nghệ thuật kể chuyện, xây dựng nhân vật, phong cách v.v… – là một cuốn sách mô tả thế giới theo một cách thức chưa từng có; và người đọc nhận thấy nó đã nói lên những sự thật mới – về xã hội, hay về con đường mà đời sống tình cảm được dẫn dắt, hoặc là cả hai – những sự thật chưa từng có, chắc chắn không phải đến từ những hồ sơ pháp quy hay các văn bản chính phủ, hay từ báo chí hoặc ti vi. Ví dụ, ngay cả những người lên án Bà Bovary, cho rằng cuốn sách cần bị cấm, cũng phải công nhận sự chân thực của bức chân dung về kiểu phụ nữ ấy, trong kiểu xã hội ấy mà trước đó họ chưa từng gặp trong văn chương. Đó là lý do vì sao tiểu thuyết lại nguy hiểm. Tôi nghĩ rằng ở văn chương, có một sự thành thực tối cao, mang ý nghĩa tiên phong, điều làm nên sự lớn lao của nó. Hiển nhiên điều này ở mỗi xã hội là khác nhau. Trong một xã hội áp bức, sự thật mà văn học muốn nói lên thuộc về một trật tự khác, và đôi khi nó còn được đánh giá cao hơn những thành tố khác trong một tác phẩm nghệ thuật.

S.Guppy: Văn học có thể có rất nhiều hình thức: tiểu luận, thơ ca, hư cấu, báo chí, tất cả chúng đều nỗ lực để nói lên sự thật. Ông từng là một cây bút tiểu luận và là nhà báo có tài trước khi bắt đầu viết tiểu thuyết hư cấu. Tại sao ông lại chọn văn chương hư cấu?

Barnes: Nói thành thật thì tôi nghĩ khi viết báo, tôi nói ra ít sự thật hơn là khi viết tiểu thuyết. Tôi vừa viết văn vừa viết báo và thích thú với cả hai, nhưng nói trắng ra, khi anh viết báo, công việc của anh là đơn giản hóa thế giới, khiến nó trở nên dễ hiểu ngay trong một lần đọc; còn khi sáng tác văn chương hư cấu, công việc của anh lại là phản ánh trạng thái phức tạp của thế giới một cách trọn vẹn nhất, là nói ra những điều không thể hiểu thẳng tuột như khi anh đọc những bài báo tôi viết, là tạo nên thứ mà người ta hi vọng có thể bộc lộ những lớp sâu hơn của sự thật ở lần đọc thứ hai.

S.Guppy: Metroland có tính chất tự truyện khá rõ ràng, giống như hầu hết những sáng tác đầu tay. Có phải ngay từ đầu ông đã định viết theo cách đó không?

Barnes: Tôi không chắc lắm. Tất nhiên phần đầu tiên của cuốn sách có mối liên hệ gần gũi với thời thiếu niên của tôi, đặc biệt là không gian diễn ra sự kiện và tâm lý nhân vật. Sau đấy tôi bắt đầu hư cấu và nhận ra mình có thể làm được. Phần thứ hai và thứ ba chủ yếu là hư cấu. Có một chi tiết lý thú thế này- năm năm trước, khi cuốn sách của tôi được xuất bản tại Pháp, tôi được một đoàn làm chương trình truyền hình của Pháp đưa đến một địa điểm nào đó ở phía Bắc Paris để thực hiện phỏng vấn. Họ ngồi với tôi trong công viên – tôi nghĩ chỗ đó là công viên Parc de Montsouris, ít nhất là nó cũng chả quen thuộc gì với tôi cho lắm. Thế là tôi hỏi họ, “Tại sao các anh lại phỏng vấn tôi ở đây?” và họ nói, “Vì chỗ này, theo như sách của ông, chính là nơi ông mất tân”. Đúng là kiểu Pháp! “Nhưng tôi chế ra hết đấy”, tôi trả lời, và họ rất kinh ngạc. Thật là thú vị, bởi cuốn sách khởi đầu chủ yếu bằng phương thức tự thuật, đã chuyển sang hư cấu mà chẳng có bất kỳ ai để ý đến điều đó.

S.Guppy: Chuyển sang sự hư cấu như vậy, ông hi vọng đạt tới điều gì? Ông muốn truyền đạt điều gì trong cuốn tiểu thuyết ấy?

Barnes: Metroland là câu chuyện về sự thất bại. Tôi muốn viết câu chuyện về khát vọng tuổi trẻ cuối cùng đi đến một kết cục thỏa hiệp như thế nào. Tôi muốn viết một tiểu thuyết nằm ngoài truyền thống của Balzac, nghĩa là, thay vì kết thúc với người hùng đứng trên ngọn đồi nhìn xuống thành phố mà anh ta biết, hay ít nhất là tin rằng, mình sẽ chinh phục nó, cuốn sách lại kết thúc với nhân vật phi anh hùng chẳng hề chinh phục được thành phố mà chỉ có thể chấp nhận những luật lệ của thành phố đó.

Ẩn dụ trung tâm của tác phẩm là Metroland – một khu dân cư được hình thành vào thời kỳ hệ thống tàu điện ngầm phát triển vào cuối thế kỉ 19 ở London. Ý tưởng của tôi là có một đường hầm nối, và những chuyến tàu xuyên Châu Âu sẽ chay từ Manchester và Birmingham, đón khách tại London và tiếp tục đi qua những thành phố lớn của châu lục. Vậy nên vùng ngoại ô London này, nơi tôi lớn lên, đã được hình dung trong hy vọng, trong khao khát về những chân trời rộng mở, những hành trình vĩ đại. Nhưng thực tế thì hy vọng đó chưa bao giờ thành hiện thực. Đó chính là nền tảng của cuốn sách: ẩn dụ về sự tuyệt vọng của Chris, nhân vật chính trong tác phẩm, và của cả những nhân vật khác nữa về cuộc đời.

S.Guppy: Balzac không phải là hình mẫu tiểu thuyết gia mà ông hướng đến. Dường như ông phải lựa chọn giữa Balzac và Flaubert hơn là giữa Tolstoy và Dostoyevsky. Alain Robbe-Grillet không thích Balzac vì ông ấy nghĩ rằng thế giới của Balzac quá trật tự và gắn kết; trong khi thế giới của Flaubert phản ánh bản chất hỗn loạn, bất khả đoán của thế giới. Ông có cảm thấy như vậy không?

Barnes: Nếu thế giới này bị phân chia thành một bên là kiểu Balzac còn một bên là kiểu Flaubert, thì tôi thuộc về thế giới thứ hai. Một phần là bởi ở thế giới theo kiểu Flaubert, tính nghệ thuật nhiều hơn. Theo cách nào đó thì Balzac là một tiểu thuyết gia tiền hiện đại. Bà Bovary lại là tiểu thuyết đích thực đầu tiên của thời hiện đại, ý tôi là cuốn tiểu thuyết đầu tiên được viết liền mạch. Vào thế kỉ 19, rất nhiều tiểu thuyết, đặc biệt là ở Anh, được xuất bản dưới hình thức truyện dài kì trên tạp chí; tác giả viết tiểu thuyết tình trạng luôn bị người của xưởng in thúc đòi bản thảo. Một tiểu thuyết Anh có phẩm chất tương tự như Bà Bovary nhưng có cấu trúc và kết cấu thô sơ hơn là cuốn Middlemarch của George Eliot. Điều này, theo tôi, là vì tác phẩm của Eliot được cấu trúc theo hình thức truyện dài kỳ. Tôi chắc rằng về khả năng mô tả xã hội thì Balzac và Flaubert hoàn toàn ngang hàng nhau. Thế nhưng, về mặt xử lý nghệ thuật (artistic control) – bao gồm khả năng kiểm soát giọng trần thuật và sử dụng hình thức đối thoại gián tiếp tự do – Flaubert là người mở ra một lối viết mới. Ông như muốn nói : “Nào, giờ thì chúng ta bắt đầu lại từ đầu”.

S.Guppy: Một hình thức mới khá thời thượng là lấy một nhân vật hoặc sự kiện lịch sử và dựng lên một đài hư cấu xung quanh nó. Ví dụ như The Blue Flower  [Bông hoa xanh] của Penelope Fitzgerald, dựa trên cuộc đời của Novalis, hay cuốn sách đoạt giải Prix Goncourt năm ngoái, La Bataille [Trận đánh], dựa trên trận Evleu của Napoleon. Phải chăng ông là người khởi đầu cho kiểu viết này với cuốn Flaubert’s Parrot [Con vẹt của Flaubert]?

Barnes: Hay có lẽ Flaubert mới là người mở đầu khuynh hướng này với Salammbô? Hay Walter Scott?…Với câu hỏi của anh, tôi muốn nói thế này: tôi không hư cấu hóa Flaubert. Tôi cố gắng tái tạo chân thực hình ảnh của ông ở mức cao nhất.

Chắc chắn tiểu thuyết dựa trên sự kiện lịch sử đang là một khuynh hướng văn học tại thời điểm này. Tuy vậy nó không phải là quá mới. John Banville đã viết về Kepler nhiều năm trước. Gần đây hơn có Peter Ackroyd viết về Chatterton, Hawksmoor và Blake. Blake Morrison vừa mới xuất bản một tiểu thuyết về Gutenberg. Tôi nghĩ sự nổi lên của khuynh hướng này một phần nhằm thỏa mãn nhu cầu “lấp chỗ trống”. Đối với người đọc phổ thông, nhiều tác phẩm lịch sử nặng tính lý thuyết và quá mức hàn lâm. Các sử gia tin vào thứ đức hạnh tưởng tượng của tự sự, nhân vật, phong cách v.v… như Simon Schama là chỉ đếm trên đầu ngón tay. Các sách tiểu sử cũng rất phổ biến. Đấy có lẽ là chỗ mà phần độc độc giả của thể loại văn chương phi hư cấu muốn ghé vào, thế nên các tác giả của loại tiểu thuyết tiểu sử chỉ cần lang thang ở góc phố, hi vọng cám dỗ được vài độc giả đức hạnh phá giới .

S.Guppy: Nhưng tiểu thuyết lịch sử theo kiểu truyền thống –như  The King Must Die [Nhà vua phải chết] của Mary Renault, một trường hợp điển hình – vẫn bị xem là cuốn sách ba xu đấy thôi.

Barnes: Tôi nghĩ rằng đấy là bởi các tiểu thuyết lịch sử cũ, vốn luôn cố gắng để tái hiện theo kiểu mô phỏng cuộc đời và thời đại của một nhân vật, về cơ bản là bảo thủ, trong khi tiểu thuyết lịch sử kiểu mới quay về quá khứ, nhận thức một cách thận trọng những gì đã xảy ra và cố gắng tạo một liên hệ rõ ràng với độc giả của ngày hôm nay.

S.Guppy: Có phải ông định nói mình thuộc về truyền thống hiện thực chủ nghĩa?

Barnes: Tôi luôn thấy mấy cái nhãn hiệu thật vô nghĩa và khó chịu –dù thế nào đi nữa thì chúng ta cũng đã cạn kiệt những nhãn hiệu kể từ sau chủ nghĩa hậu hiện đại. Một nhà phê bình từng gọi tôi là “tiền-hậu hiện đại” – theo tôi thì nó không rõ ràng và chẳng có ích lợi gì. Tiểu thuyết, về cơ bản là một hình thức hiện thực chủ nghĩa ngay cả khi nó được diễn dịch theo phương thức kỳ ảo nhất. Tiểu thuyết không thể trừu tượng như âm nhạc được. Có lẽ nếu tiểu thuyết bị ám ảnh bởi lý thuyết (như Tiểu thuyết Mới ở Pháp) hay trò chơi ngữ nghĩa (xem Finnegans Wake), nó có thể thôi không còn hiện thực nữa, nhưng như thế đồng thời nó cũng không còn thú vị nữa.

S.Guppy: Điều này dẫn chúng ta đến câu hỏi về hình thức. Ông từng nói rằng sẽ cố gắng làm cho mỗi tác phẩm của mình trở nên khác biệt. Khi ông phá vỡ khuôn thước của tự sự truyền thống, tôi cảm giác ông phải thay đổi không ngừng – ông không thể cứ liên tục, nói thế nào nhỉ, tìm những nhân vật và sự kiện lịch sử mới và dựng những câu chuyện xung quanh chúng như thế được.

Barnes: Có thể chứ. Tôi nhớ hồi những năm 60, chúng tôi được một thầy giáo văn chương rất thông minh, khi đó còn trẻ tuổi, mới từ Cambridge chuyển về, dạy về Ted Hughes. Thầy tôi bảo “Tất nhiên ai cũng lo lắng chuyện gì sẽ xảy ra khi Ted Hughes chẳng còn con thú nào cả để đưa vào thơ”. Chúng tôi nghĩ đấy là một câu nói dí dỏm nhất mình từng được nghe. Nhưng tất nhiên là Ted Hughes chẳng bao giờ hết những con thú cả; ông ta có thể hết những thứ khác, nhưng các con thú thì không. Nếu người ta muốn tiếp tục viết về những hình tượng lịch sử, họ luôn luôn có thể tìm thấy đối tượng của mình.

S.Guppy: Nhưng chẳng phải là ai cũng muốn thử cái gì đó mới mẻ sao?

Barnes: Mọi thứ không diễn ra như vậy. Tôi không hề cảm thấy bị sức ép vì những thứ mình đã viết trong quá khứ. Nói một cách thô thiển, tôi không cảm thấy sức ép vì mình đã viết được Flaubert’s Parrot nên nhất định mình phải viết “Tolstoy’s Gerbil” [Con chuột nhảy của Tolstoy]. Tôi không tự nhốt mình trong chiếc hộp mà chính mình tạo ra. Khi viết The Porcupine, tôi cố ý sử dụng một phương thức tự sự truyền thống bởi tôi cảm thấy bất kì mánh lới nào cũng có thể làm mạch truyện tôi đang cố gắng kể lại trở nên xao lãng. Với một nhà văn, cuốn tiểu thuyết chỉ thực sự bắt đầu khi anh ta tìm ra một hình thức tương hợp với câu chuyện. Tất nhiên chị có thể vặn lại và bảo, “Tôi tự hỏi đâu là những hình thức mới tôi có thể tìm cho cuốn tiểu thuyết của mình”, nhưng đấy là một câu hỏi rỗng cho đến khi nào ý tưởng đích thực xuất hiện; những sợi dây điện hình thức và nội dung chập vào nhau và tóe lửa. Chẳng hạn, cuốn Talking It Over nương vào một câu chuyện mà tôi được nghe năm hay sáu năm trước. Thế nhưng nó chỉ là một giai thoại, một khả năng, một ý tưởng thuần túy không hơn cho đến khi tôi cảm thấy rõ một hình thức riêng biệt cần thiết cho câu chuyện riêng biệt ấy.

S.Guppy: Có lẽ vì mối bận tâm của ông với hình thức, nhiều nhà phê bình đã so sánh ông với Nabokov và Calvino, những nhà văn chơi với hình thức để sáng tạo ra không gian văn xuôi của riêng họ. Họ có phải là những người mà ông chịu ảnh hưởng?

Barnes: Ảnh hưởng là thứ khó định nghĩa. Tôi đã đọc hầu hết sáng tác của Nabokov và một số của Calvino. Tôi có thể nói hai điều: Thứ nhất, người ta thường có khuynh hướng phủ nhận sự ảnh hưởng. Để viết cuốn tiểu thuyết như một mệnh lệnh nhất quyết của nội tâm, tôi phải vờ như nó không chỉ biệt lập khỏi mọi thứ tôi viết trước đó, mà còn biệt lập khỏi bất kì thứ gì mà bất kỳ người nào trên thế giới này đã từng viết trong lịch sử. Đấy là một sự tự dối mình kỳ quặc, một sự tự tôn thô thiển, nhưng đồng thời đó cũng là điều cần thiết để sáng tạo. Thứ hai, khi được hỏi về sự ảnh hưởng, một nhà văn có xu hướng đưa ra một danh sách các tác phẩm/tác giả mà anh ta đọc và rồi đến lượt mình, độc giả hay nhà phê bình tự quyết định xem nhà văn kia chịu ảnh hưởng ai hay cuốn sách nào. Có thể hiểu được điều này. Nhưng theo tôi, anh dường như cũng có thể bị ảnh hưởng bởi một cuốn sách mà anh chưa từng đọc, bởi ý tưởng về thứ gì đấy mà anh mới chỉ nghe qua. Anh có thể bị ảnh hưởng từ nguồn thứ cấp, hay từ một nhà văn anh chẳng hề ngưỡng mộ nếu họ đang làm điều gì đó đủ táo bạo. Ví dụ, tôi có đọc vài tiểu thuyết và nghĩ, “Cuốn sách thực sự chưa tới, chưa đã” hay “Thực ra nó có phần nhạt nhẽo”; nhưng rất có thể sự thái quá hay sự táo bạo về hình thức ở đó lại gợi ý rằng một điều như thế  – hoặc một biến thể của nó – trong trường hợp khác lại có thể gây được hiệu quả

S.Guppy: Ông sáng tạo những nhân vật của mình như thế nào? Họ dựa phần nhiều vào những người ông biết hoặc từng gặp, hay là ông hư cấu những nhân vật ấy ngay từ đầu? Tính cách của họ phát triển như thế nào theo mạch tự sự?

Barnes: Rất ít các nhân vật của tôi dựa trên những người tôi biết. Làm vậy thì cứng nhắc quá. Một cặp nhân vật được xây dựng nương theo những người tôi chưa từng gặp. Petkanov trong The Porcupine [Con nhím]  rõ ràng có liên hệ với Todor Zhivkov, ông trùm trước đây của Bulgaria và ngài Jack Pitman trong England, England thì có dính dáng đến Robert Maxwell. Nhưng tôi chưa bao giờ nghĩ đến việc tìm hiểu con người Maxwell – nó sẽ chẳng giúp gì cho cuốn tiểu thuyết của tôi cả. Cùng lắm là ta lấy một nét ở đây và một nét ở kia, chỉ thế thôi. Có thể những nhân vật phụ – những nhân vật ngay từ đầu chỉ cần được xây dựng bằng đôi ba nét chấm phá – có thể được lấy toàn bộ từ đời thực; nhưng tôi không ý thức khi làm vậy. Sự sáng tạo nhân vật, như ta thấy ở hầu hết tác phẩm hư cấu, là một hỗn chất của cảm xúc chủ quan và sự kiểm soát khách quan. Nabokov khoe rằng ông quất vào các nhân vật của mình như lũ tù khổ sai; những tiểu thuyết gia bình dân đôi khi lại lên gân (cứ như kiểu làm vậy chứng tỏ họ là nghệ sĩ) rằng một nhân vật nào đó “chạy trốn cùng họ” hay “sống thay đời sống của chính anh ta/chị ta”. Tôi chẳng thuộc trường phái nào cả: tôi thả lỏng dây cương của mình với nhân vật, nhưng dù gì tôi vẫn giữ một dây cương.

S.Guppy: Trong tập truyện Cross Channel [Băng qua eo biển], ông già trong truyện ngắn Tunnel [Đường hầm] nói rằng để trở thành một nhà văn anh cần từ khước cuộc đời theo nghĩa nào đó. Ông có nghĩ rằng mình phải lựa chọn giữa văn chương và cuộc đời không?

Barnes: Không, tôi không nghĩ chúng ta có thể chọn lựa. “Hoặc cuộc đời hoàn hảo, hoặc là sáng tác hoàn hảo” – với tôi, đó là một tuyên ngôn làm dáng theo kiểu của William Butler Yeats. Tất nhiên nghệ sĩ có hi sinh –  các chính trị gia, thợ làm phó-mát hay các bậc phụ huynh cũng thế. Nhưng nghệ thuật bắt nguồn từ cuộc sống – làm cách nào mà nghệ sĩ có thể tồn tại nếu không ngừng đắm mình trong cái bình thường của đời sống? Vấn đề là anh có thể dấn sâu tới đâu. Flaubert từng nói nghệ sĩ nên lội vào đời sống như lội xuống biển cả vậy, nhưng chỉ là tới thắt lưng mà thôi. Một số bơi quá xa tới mức quên đi ý định ban đầu của mình là làm một nghệ sĩ. Hiển nhiên, làm một nhà văn bao gồm cả việc dành rất nhiều thời gian cho bản thân, và làm một tiểu thuyết gia đòi hỏi những thời kỳ cô độc dài hơn khi anh làm một nhà thơ hay một nhà soạn kịch. Với tiểu thuyết gia, sự dao động sáng tạo giữa cô độc và dấn thân phải diễn ra bên trong. Nhưng chẳng phải cùng lúc chúng ta vẫn, một cách thường xuyên và hàm ơn, quay trở về với hư cấu để thấy được bức tranh chân thực nhất về cuộc đời hay sao?

Đức Anh trích dịch

Nguồn: http://www.theparisreview.org/interviews/562/the-art-of-fiction-no-165-julian-barnes

Hướng đến cái ngoại vi văn hóa: khúc ngoặt của lý thuyết văn chương đương đại.

Auguste Rodin6

1. Mở mục lục những tuyển tập giới thiệu lịch sử lý thuyết phê bình văn học được xuất bản gần đây ở Anh- Mỹ, có thể nhận thấy một điểm nhỏ nhưng lại gợi suy nghĩ về động hướng của tư duy lý thuyết văn học đương đại: kể từ sau Giải cấu trúc luận (Deconstruction), tên của các lý thuyết phê bình thường có xu hướng gắn liền với các chủ thể văn hóa như thuyết hậu thực dân (Postcolonialism), thuyết nữ quyền (Feminism), thuyết đồng tính (Queer theory), phê bình chủng tộc và sắc tộc (Racial and Ethnic theory)…Những lý thuyết phê bình này cho đến nay vẫn diễn biến sôi nổi; chúng liên kết với nhau hoặc được cụ thể hóa hơn nữa, tập hợp thành những trào lưu học thuật gây ảnh hưởng. Ví dụ, phê bình nữ quyền liên kết phê bình hậu thực dân dẫn đến sự hình thành của khuynh hướng phê bình nữ quyền-hậu thực dân mà Gayatri Spivak là một đại diện quan trọng; các học giả da đen ở Hoa Kỳ trên nền tảng của phê bình sắc tộc, chủng tộc đã tạo nên cả một dòng lý thuyết Đen (Black Theory). Cũng không hề ngẫu nhiên khi những học giả có quyền năng trong đời sống học thuật đương đại đều là những trường hợp phức tạp về căn tính: đó hoặc có thể là những lý thuyết gia da màu (Gayatri Spivak, Homi Bhabha…) hoặc là phụ nữ (Luce Irigaray, Helène Cixous…) hoặc đồng tính (Judith Butler…)

Sự trỗi dậy của những khuynh hướng lý thuyết văn học này, thứ nhất, cho thấy nghiên cứu – phê bình văn học giờ đây có xu hướng hòa vào lĩnh vực nghiên cứu văn hóa (cultural studies). Nghiên cứu – phê bình văn học không dừng lại ở những cách tiếp cận nội tại, xem tác phẩm văn học như một cấu trúc tự đủ và “nghĩa” của nó được nảy sinh trong cấu trúc ấy. Thay vào đó, nhà nghiên cứu xem tác phẩm như một sinh mệnh vừa có thể bị thao túng bởi môi cảnh và chủ thể văn hóa, vừa có thể tác động trở lại những nhân tố đó. Từ đó, nghĩa của tác phẩm được đọc ra, được bổ sung hoặc bị mất đi. Phê bình cũng không còn thuần túy là hoạt động cảm thụ, đánh giá, nhận định xem tác phẩm văn học hay ở chỗ nào, đẹp như thế nào, thú vị, lôi cuốn ra làm sao. Nói như Maria Damon và Ira Livingston trong lời tựa tuyển tập phê bình Poetry and Cultural Studies (Thơ và nghiên cứu văn hóa): “Nếu ta trì hoãn lại câu hỏi ‘Bài thơ hay như thế nào?’, thì chúng ta phải bắt đầu xác định rõ cái hay đó có tác dụng cho điều gì, cái hay đó là hay đối với ai, bằng cách nào bài thơ phát huy được tác dụng ấy. Khi ấy, ta có thể ước định được ‘chức năng văn hóa’ mà bài thơ thực hiện”[1]. Rất có thể việc mỹ hóa một nội dung nào đó, một yếu tố của nào đó có tác phẩm lại hàm ẩn sâu xa một mưu toan trấn áp, duy trì sự thống trị của bộ phận nắm giữ đặc quyền trong xã hội. Chẳng hạn, những cách diễn giải sự cam chịu, sự hy sinh của người phụ nữ như là biểu hiện của vẻ đẹp thiên tính nữ chính là cách đọc thể hiện sự thống trị của nam giới.

Thứ hai, diễn ngôn của những lý thuyết này, như tên gọi của chúng phản ánh, là diễn ngôn từ phía ngoại vi, từ bộ phân phi chính thống của văn hóa. Có điều nên sòng phẳng ngay tại đây: sự tồn tại của cặp đối lập trung tâm-ngoại biên, chính thống – phi chính thống, chủ lưu –phụ lưu… trong cấu trúc của mọi nền văn hóa là một thực tế không thể phủ nhận. Văn hóa có thể ví như hình ảnh phóng đại của một sân chơi, nó có những giới hạn, những luật lệ, những điều kiện: sẽ có kẻ được vào sân chơi, có kẻ bị gạt ra bên lề, có kẻ tuân thủ luật chơi nhưng cũng có kẻ đang chơi thì phá đám, bất tuân luật chơi, chấp nhận bị gạt khỏi cuộc chơi. Bộ phận bên lề sân chơi chính thống ấy hợp thành khu vực ngoại vi của văn hóa. Họ hình thành nên một cộng đồng, thiết lập nên một sân chơi mới, dù ban đầu bao giờ cũng rất nhỏ hẹp, với những trò chơi khác, luật chơi khác của riêng mình. Những trò chơi ấy, đến lượt mình, có khả năng gây áp lực ngược trở lại đối với sân chơi chính thống, nơi trò chơi đang diễn ra có nguy cơ trở nên nhàm, nặng nề.

Như là diễn ngôn từ phía ngoại vi, các lý thuyết này trước hết là nỗ lực cất lời của những chủ thể mà lâu nay lịch sử của họ bị tước đoạt bởi những kẻ chiến thắng, căn tính của họ được khắc họa bởi thế lực thống trị, màu da, giới tính của họ bị in hằn những định kiến bởi bộ phận chiếm đa số…Đó là những diễn ngôn giải đại tự sự, giải bá quyền văn hóa, chống lại sự đơn nhất, độc đoán của lịch sử, của những chuyện kể mà trong đó, họ chỉ tồn tại như những nhân vật thụ động, không có ngôn ngữ của mình. Hướng đến cái ngoại vi của văn hóa như vậy, công việc nghiên cứu, phê bình văn học thực sự không còn là một hoạt động có tính chất salon, kinh viện. Lý thuyết văn học thể hiện rõ tham vọng can dự, tác động đến ý thức xã hội; nghiên cứu văn học trở thành một sự tự giác của tâm thức, một hành vi dấn thân, hướng đến sự công bằng văn hóa. Trọng lượng của trách nhiệm xã hội và ý thức dấn thân là điều có thể cảm nhận được rất rõ ở nhiều công trình lý thuyết văn học đương đại nhưng lại là điều, thành thực mà nói, đang còn yếu trong nghiên cứu ngữ văn hiện nay ở Việt Nam.

2. Có một sự phản biện đặt ra ở đây: Liệu ngoại vi hóa có phải là diễn ngôn phù hợp với xu thế khoan dung trong toàn cầu hóa văn hóa hiện nay?

Đó là một câu hỏi được đặt ra thích đáng nhưng cũng cần thiết có sự thưa lại. Nguy cơ lớn nhất của các diễn ngôn lý thuyết gắn với những chủ thể văn hóa bị ngoại vi hóa là sa vào bẫy của những đối lập nhị nguyên và do đó, trên thực tế, sẽ không thoát ra được logic của cái trung tâm. Điều này lại dẫn đến những xung đột căng thẳng, những định kiến được tích lũy dày thêm. Bản thân các thuyết nữ quyền, hậu thực dân, đồng tính…không phải không có lúc bị sa vào bẫy của logic nhị nguyên này, nhưng nó đã và đang tiếp tục tự điều chỉnh để tạo ra một quan hệ đối thoại cởi mở hơn giữa các chủ thể văn hóa. Nó muốn trở thành một diễn ngôn “khác” chứ không phải diễn ngôn đối lập. Khoan dung văn hóa là một bức tranh lý tưởng về thế giới trong thời đại toàn cầu hóa nhưng để đi đến trạng thái lý tưởng ấy, các chủ thể ngoại vi cần phải có một không gian để được hiện diện, được lên tiếng và được lắng nghe trong tâm thế cùng hiểu lẫn nhau. Không thể có một thứ khoan dung văn hóa theo kiểu đòi hỏi bộ phận ngoại vi tự xóa bỏ mặc cảm và bộ phận trung tâm lắng nghe tiếng nói của cái ngoại vi bằng tâm thế kẻ cả, ban ơn. bell hooks, một nhà lý thuyết nữ quyền luận và hậu thực dân uy tín, đã xem thứ chủ nghĩa khoan dung văn hóa kẻ cả, theo kiểu bề trên này cũng là đối tượng cần thiết phải được phản tư. Bà mô tả nó như thế này:

Không cần phải nghe giọng nói của chị khi tôi có thể nói về chị tốt hơn chính chị nói về bản thân mình. Không cần phải nghe giọng nói của chị. Chỉ cần kể cho tôi nỗi đau của chị. Tôi muốn biết câu chuyện của chị. Và rồi tôi sẽ kể lại nó cho chị theo một cách thức mới. Tôi sẽ kể lại nó cho chị theo một cách mà câu chuyện ấy sẽ là của tôi, của riêng tôi. Viết lại chị thì đồng thời tôi cũng viết lại bản thân tôi, theo kiểu để làm mới chính tôi. Tôi vẫn là tác giả, tôi có thẩm quyền. Tôi vẫn là kẻ thực dân, chủ thể nói và chị, bây giờ, là trọng tâm của lời nói của tôi.[2]

Một thứ “khoan dung văn hóa” kẻ cả như thế, đúng hơn, cần phải gọi là một mưu toan đồng hóa văn hóa, thay vì một viễn cảnh như con người muốn có – một không gian nơi các giá trị văn hóa đa dạng được tồn tại bình đẳng, cho dù đó có thể chỉ là những bộ phận nhỏ, phụ, thiểu số, nơi những sự khác biệt được nhận diện, được lắng nghe với mục đích hướng đến sự hiểu lẫn nhau, thẩm thấu lẫn nhau. Một viễn cảnh khoan dung văn hóa như thế nhân loại đến giờ vẫn chưa đạt được. Nhưng đó là đích mà các lý thuyết văn chương đương đại hiện giờ cũng đang hướng đến.

3. Hướng đến cái ngoại vi, thiết nghĩ, cũng nên là động hướng cần có của phê bình văn học. Nếu như nhiệm vụ của phê bình văn học là phát hiện, nâng đỡ những cái mới trong sáng tạo thì ta phải thừa nhận một thực tế cái mới nào khi xuất hiện chẳng là một hiện tượng ngoại vi? Rất nhiều những nghệ sĩ sáng tạo quyết liệt bậc nhất là những kẻ chủ động phá đám trò chơi, dạt ra vùng ngoại vi để tạo nên những trò chơi nghệ thuật mới. Không gian ngoại vi ấy cũng là không gian mà phê bình văn học cần bảo vệ bởi lẽ đó là nơi, nói như bell hooks, “đem đến khả năng của một góc nhìn cấp tiến mà từ đó người ta có thể thấy và sáng tạo, tưởng tượng nên những sự phá cách, những thế giới mới”[3]. Những sáng tạo, phá cách, những thế giới mới này tạo nên sự đa dạng, phong phú của cảnh quan văn hóa và viễn cảnh khoan dung văn hóa mà chúng ta muốn nhìn thấy hẳn phải được hình thành trên nền tảng của sự đa dạng, phong phú đó chứ không phải chỉ quanh quẩn vài ba giá trị đơn điệu.

Và cuối cùng, thiết tưởng, phê bình văn học cần hướng đến cái ngoại vi văn hóa bởi lẽ nhà phê bình cũng nên là “người đứng về phe nước mắt” (chữ dùng của nhà thơ Dương Tường)

Trần Ngọc Hiếu


[1] Maria Damon & Ira Livingston [chủ biên], Poetry and Cultural Studies: A Reader, University of Illinois Press, 2009. trang 2.

[2] bell hooks, “Marginality As a Site of Resistance” in Out There: Marginalization and Contemporary Cultures, ed. by Russell Ferguson, Martha Gever, Trinh T. Minh-ha, Cornel West,  The MIT Press 1992, p.341-3. (Tác giả chủ ý không viết hoa tên riêng của mình).

[3] Tlđd

Adonis – Sự mơ hồ trong thơ

Adonis1

Adonis tên thật là Ali Ahmad Said Esber, sinh năm 1930. Ông được xem là một trong những thi sĩ xuất sắc nhất của thế giới Ả- rập. Từ nhiều năm nay, ông là một cái tên thường được nhắc đến như ứng cử viên sáng giá nhất cho giải Nobel Văn học. Với độc giả Việt Nam, thơ Adonis cũng đã được giới thiệu qua các bản dịch qua các bản dịch của Hoàng Ngọc Biên, Phan Quỳnh Trâm, Hoàng Ngọc-Tuấn trên trang Tiền Vệ:

http://tienve.org/home/authors/viewAuthors.do?action=show&authorId=554

Tiểu luận “Sự mơ hồ trong thơ” dưới đây không chỉ thể hiện những suy tưởng sâu sắc của Adonis về đặc trưng thơ ca. Nó còn cho thấy một ý thức sáng tạo mạnh mẽ, vượt lên những áp chế của một xã hội mà tính truyền thống là áp lực lớn, đồng thời hướng đến tinh thần dung hòa văn hóa, phá vỡ sự khép kín của ý niệm bản sắc trong sáng tạo thơ ca.

*

the-infinite-recognition-1963(1)

1.

“Thơ hiện đại, nhất là thơ của ông, sao thật mông lung”! Một độc giả, người có thể đại diện cho nhiều người đọc khác, trong đó có cả một số người cũng viết thơ nữa, đã kêu ca như thế. Đấy là lời than phiền thường nghe thấy, thậm chí đã trở nên mòn sáo. Nhưng như thế hẳn phải là phải có cái gì đó cho phép sự mông lung, mờ tối này được quyền tồn tại. Làm thế nào chúng ta giải thích được nó? Nó biểu thị điều gì?

2.

Đầu tiên, nhận định trên hàm ẩn một sự kết án đối với cái mơ hồ. Nghĩa là nó đề cao sự sáng rõ. Song bất cứ ai xem thơ ca như một mối quan tâm lớn của mình đều biết điều này: trong thơ ca, cái mơ hồ tự thân nó không phải là một khiếm khuyết, cũng như bản thân sự sáng rõ cũng chưa phải là một đức hạnh. Ngược lại, mơ hồ là một cái biểu đạt phong phú và sâu sắc. Một nhà phê bình cổ đại người Ả-rập đã từng lưu ý về điều này khi nói: “Thứ thơ hay nhất bao giờ cũng mông lung”. Nếu mơ hồ, mông lung là một khiếm khuyết thì loài người quả thực đã mất mát đáng kể những bài thơ hay nhất mà họ từng sáng tạo nên.

Thứ hai, cách nói này đã kết gắn tác phẩm cụ thể của một nhà thơ với thơ hiện đại như một sự hiển nhiên. Nếu muốn đưa ra một nhận định hay phê phán chính xác, chúng ta không nên nói một cách cẩu thả, hời hợt như vậy về thơ hiện đại. Đúng hơn, ta nên nói về những hiện tượng cụ thể, những nhà thơ và tác phẩm cụ thể. Thuật ngữ “thơ hiện đại” bao hàm các cấp độ, các thể nghiệm, các phương thức sáng tạo rất khác nhau, thậm chí đôi khi còn tương phản, mâu thuẫn với nhau. Nói cách khác, sẽ là sai lầm nếu ta cố nhét tất cả nền thơ hiện đại vào chung một rọ.

Thứ ba, cách nói này nhắm đến một điều gì đó mà người nói hiếm khi ý thức được. Khi ta mô tả tác phẩm của một nhà thơ là hiện đại, điều ta muốn nói là có một sự phân cách giữa nó và những tác phẩm thơ ca ra đời trước đấy. Bất cứ sự đánh giá nào về cái hiện đại mà không đi từ việc thực hiện sự phân định này đều là nhầm lẫn. Điều lâm nguy ở đây, trước tất cả những điều khác, là hiểu được sự phân biệt này. Nó là gì?

3.

Nhà thơ cổ điển sống trong một thế giới sáng sủa, gọn ghẽ. Mọi thứ ở trong thế giới ấy đều tường minh, đều được giải thích rõ ràng – từ cách rửa tay, rửa chân như thế nào đến điều gì sẽ xảy ra ở hậu kiếp của một con người. Nó được đặt trên nền những chân lý tuyệt đối, xác định và niềm tin vào những chân lý này. Cốt tủy thi tính của thế giới đó mang tính chất của một phạm trù trí tuệ- tinh thần hơn là tâm lý – cảm xúc. Thế giới cảm xúc sâu kín, thay vào đó, lại bị dồn nén, trấn áp. Vì lý do này, nhà thơ, nói chung, xuất phát từ những tư tưởng và khái niệm đã có sẵn. Nói cách khác, ông ta làm công việc liên kết những khái niệm đã sẵn có ở đó trước mình, trau chuốt chúng, mài dũa chúng. Theo đó, độc giả sẽ nhìn thấy trong tác phẩm điều mà anh ta đã biết, điều đã trở nên quen thuộc. Nhà phê bình của nhà thơ sẽ bắt đầu bằng câu hỏi: “Cái khái niệm của nhà thơ tương ứng đến mức độ nào với những khái niệm và sự vật mà tôi biết?” Tùy theo mức độ tương ứng có mạnh, có hiệu lực hay không, bài thơ sẽ nhận được những nhận định tích cực và ngược lại.

Theo cách đó, các nhà phê bình cổ điển Ả-rập tìm thấy hứng thú ở việc soạn tác, lao động thơ ca. Những khái niệm và ý tưởng, nói như al-Jahiz[1], có sẵn ở chợ, đợi nhà thơ mang về. Công việc của nhà thơ, theo logic này, không phải là đánh vật với ý tưởng. Thay vào đó, nó bị ràng buộc bởi việc tạo hình cho ý tưởng, hay chính xác hơn, là tái tạo và nhào nặn lại các ý tưởng.

Do vậy, thế giới của thi sĩ cổ điển Ả-rập là một thế giới được thêu dệt từ trước và mang tính chắc chắn, xác định. Về cơ bản, tác phẩm của ông ta hướng đến sự trật tự và xác định, là hình ảnh của sự trật tự và xác định.

4.

Nhưng những bước phát triển kể từ đó đã làm lung lay hình ảnh về thế giới cũ trong ý thức của thi sĩ Ả-rập hiện đại. Chúng cũng làm lung lay những ý niệm và phương thức biểu hiện của anh ta. Không còn bất kỳ một sự thật tuyệt đối hay những hình thức cố định nào nữa. Theo đó, thi sĩ hiện đại không còn có thể xuất phát từ những ý tưởng đã được chấp nhận, những khái niệm đã có sẵn. Thay vào đó, anh ta phải bắt đầu tra vấn, kiếm tìm, cố gắng tạo nên một khái niệm mới cho thế giới mới của anh ta. Theo cách này, bài thơ mới không còn đem đến cho độc giả những ý tưởng và khái niệm – chất liệu của bài thơ cổ điển – mà đúng hơn, anh ta mở ra trước độc giả một tình thế hoặc một không gian của trí tưởng tượng và hình ảnh, của xúc cảm và những kết hợp của chúng. Thơ không còn khởi phát từ một quan điểm tri thức sáng rõ và được chuẩn bị sẵn nữa mà bắt đầu từ những đặc thù về cảm xúc mà chúng ta có thể gọi là trải nghiệm cá nhân hay nhãn quan.

Bởi tất cả những điều trên mà ta nói thi sĩ Ả-rập hiện đại đã bắt đầu từ một quan điểm thơ ca và những lối viết đoạn tuyệt dứt khoát với truyền thống cổ điển.

Từ đây, những thể nghiệm thơ ca hiện đại đã tạo nên một sự đột phá khỏi dòng mạch cổ điển. Nghĩa là, nó tạo nên những khả năng, tiềm năng cho việc xây dựng một hình ảnh mới, một lý thuyết mới để hiểu con người và thế giới, cũng như những lối viết mới để biểu đạt tất cả những điều ấy. Đối với xã hội Ả-rập, cú đột phá đó bắt đầu với Abu Tammam[2]. Thơ của ông đã gây nên một cuộc cách mạng làm biến đổi trật tự của ký hiệu và khái niệm, rồi từ điều này dẫn đến sự biến đổi của hệ thống các cách biểu đạt và lĩnh hội. Các nhà phê bình cổ điển gọi cuộc cách mạng tạo ra biến đổi mạnh mẽ này là “sự tàn phá thơ ca”. Hơn thế, họ còn nói về thơ của Abu Tammam: “Nếu đây là thơ thì lời nói của người Ả-rập đã đi đến chỗ vô nghĩa hoàn toàn.” Các nhà phê bình thậm chí còn đi đến chỗ mô tả thơ của ông như “một phản đề đối với cách nói của người Ả-rập”. Theo những lời phê bình này, thứ mà Abu Tammam viết không phải là thơ vì nó không rõ ràng như thơ truyền thống.

Abu Tammam không cố tình gây ra một cuộc cách mạng triệt để như các thí nghiệm thi pháp hiện đại tạo ra. Song nếu kết án ông như là kẻ đã tàn phá ngôn ngữ Ả-rập bởi những cách tân của mình thì những gì dùng để nói về ông cũng đồng thời có thể dùng để nói về thơ ca Ả-rập hiện đại của thế kỷ này: nó đã đi đến chỗ làm ngôn ngữ rối loạn. Nhưng những người giờ đây đang than phiền rằng sự mô hồ đã làm tha hóa thơ ca nên nhớ rằng Abu Tammam – kẻ hủy hoại, kẻ ngôn ngữ tối tăm ấy – là một trong số rất ít những tên tuổi làm nên tầm vóc của thơ ca Ả-rập, là người tạo nên hào quang của nền thi ca này.

Ở đây, chúng ta cần lưu ý đến thực tế rằng sự đột phá như thế này đã diễn ra, và sẽ diễn ra, ở mọi cộng đồng văn học, ở mọi thời đại hễ khi nào có một sự quá độ từ phương thức biểu đạt chủ âm này sang những phương thức khác, lệch hướng. Đối mặt với sự đột phá này, bao giờ độc giả cũng kết án nhà thơ và văn bản mơ hồ mà anh ta viết.

Mọi thiên tài sáng tạo dường như đều tối tăm, mơ hồ, mông lung đối với những người đương thời của mình. Điều đó đúng, không chỉ bây giờ, mà ở mọi thời, ở mọi cộng đồng. Và cũng không phải chỉ đúng trong lĩnh vực nghệ thuật mà còn trong cả triết học nữa. Theo đó, chúng ta có thể gọi sự tối tăm, mơ hồ đồng hiện ở mọi thời này như một tấm khăn choàng ngăn cách thiên tài và độc giả. Nhưng tấm khăn choàng này lại bị rách trước mắt những độc giả ở thời đại sau này. Chừng nào văn bản của nhà thơ vẫn bảo toàn, không thay đổi, những công kích đối với sự mơ hồ trong thơ ca sẽ là lời cao buộc vô căn cứ, tấm mặt nạ mà độc giả náu mình đằng sau nó cùng với nền văn hóa của mình – đúng hơn, những cung điện văn hóa của anh ta – trở nên mỏng mảnh hơn bao giờ. Đằng sau tấm mặt nạ ấy, anh ta che giấu sự thủ cựu của mình khi cứ khăng khăng tìm cách hiểu những thứ đã thay đổi bằng quán tính không đổi của mình.

5.

Mơ hồ – đấy là cách độc giả nói về một văn bản mà anh ta không nắm được, hay nói khác đi, anh ta không chiếm lĩnh được nó theo cách biến nó thành một phần của những gì anh ta biết. Tính hiện đại, ở đây, là không gian của sự mơ hồ. Tính hiện đại là sự đứt đoạn trong cả một chuỗi những giả định có sẵn, đòi hỏi phải bảo toàn hình thức và các bộ phận của chúng mà những kẻ thừa kế chúng luôn khăng khăng bấu víu vào. Sự đứt đoạn này làm độc giả vốn không có thứ vốn gì ngoài những gì mình đã ghi nhớ bằng cách bắt chước mù quáng và theo thói quen học vẹt trở thành kẻ thua cuộc.

Định kiến về sự mơ hồ là một thất bại, là sản phẩm từ sự thua cuộc của người đọc. Nó nảy sinh từ chỗ anh ta không có khả năng nắm được sự khác biệt giữa phương thức biểu đạt hiện đại và cổ điển. Nó bắt nguồn từ việc anh ta không hiểu được tính thời gian của thơ ca. Và nó cũng có căn nguyên từ chỗ anh ta phán xét cái hiện tại bằng một thời khắc khác trong quá khứ cách đó gần hai thế kỷ.  Nó cũng hình thành từ sự thay đổi góc nhìn, từ ý thức về sự chuyển hóa năng động của đời sống.

6.

Thí dụ, khi ta nói về những buổi hoàng hôn, sẽ luôn có những người phê bình ta là kẻ chống lại ban mai. Vì thế, tôi muốn nói rõ ở đây tôi không chủ định truyền bá ý niệm về sự mơ hồ. Về điều này, tôi chỉ muốn lưu ý: trong đời sống thơ ca của chúng ta, có những kẻ lòe bịp sử dụng sự mơ hồ như lớp vỏ bọc che đậy sự thật rằng họ không có khả năng sáng tạo nên điều gì cả. Vì lẽ ấy, tôi không phải là kẻ công kích sự sáng rõ trong văn chương. Và ở đây, sẽ là cần thiết khi lưu ý rằng cũng có những kẻ vụ lợi dùng sự sáng rõ để che đậy việc họ thật sự không có khả năng sáng tạo nên điều gì. Tôi không bận tâm đến bản thân sự mơ hồ hay sự sáng rõ. Đúng hơn, phẩm chất sáng tạo mới là điều tôi quan tâm nhất.

Đồng thời, tôi muốn nhắc lại ý này: thứ được gọi, mà không có lập luận mang tinh thần phê phán gì, là mỹ học về cái mơ hồ của thơ hiện đại, ngược lại, về mặt lịch sử, lại là một hiện tượng tự nhiên. Điều này cần ta phải truy nguyên từ sự tương phản giữa cấu trúc của xã hội Ả-rập và sự tiến bộ không ngừng của thơ ca: chính sự tương phản này đã sinh ra sự chia cắt giữa ký ức, thói quen và công chúng.

Ở đây, tôi ủng hộ quan điểm cho rằng vấn đề về sự mơ hồ hay sự sáng rõ không phải bắt nguồn chỗ đấy là một bài thơ khó, một tác phẩm nghệ thuật khó. Đúng hơn, nó bắt nguồn từ chỗ người ta tiếp cận tác phẩm đó bằng thái độ thi ca hay một lập trường tư tưởng hệ.

7.

Vấn đề này có cội rễ sâu xa trong xã hội Ả-rập, vì ở đó, sự sáng rõ là một nguyên tắc tư tưởng hệ quan trọng. Tôi sẽ tóm tắt nguyên tắc này thành mấy luận điểm sau đây:

Thứ nhất, ở thời cổ điển, không có một chân lý bản thể nào mà truyền thống tôn giáo chưa hề hé mở, phát lộ. Tương ứng với phương diện tôn giáo này, trong văn chương cũng tồn tại một nguyên lý: không có chân lý nghệ thuật nào mà truyền thống thơ ca lại chưa từng phát hiện.

Nếu như tôn giáo truyền thống tự xem có thể thấu hiểu mọi sự thì thơ ca truyền thống cũng tự xem nó đã bao hàm tất cả. Nhưng như thế làm sao để một người Ả-rập sinh sau có thể hiểu đúng được điều mà trước đó chưa được biết tới? Viết một bài thơ mơ hồ là đột phá khỏi những cách thức làm thơ đã trở thành thói thường. Khi nhà thơ thực hiện điều ấy, có nghĩa là từ quan điểm truyền thống, anh ta bị xem là một tên dị giáo. Anh ta sẽ bị chệch đường, lạc lối vì tham vọng muốn khám phá một cái gì đó chưa được biết đến. Đó sẽ là một thứ làm chấn động ý thức thống trị vì nó đối chọi với truyền thống. Làm sao một nhà thơ hậu sinh của Imru’al-Qays[3] dám khẳng định với thứ nghệ thuật của hắn, hắn có thể biết nhiều hơn tác phẩm của người được xem là khởi điểm của toàn bộ nền thơ ca. Hàm chứa trong sự khẳng định của hắn là niềm hoài nghi liệu thơ ca tiền Hồi giáo có thực sự như một cội nguồn nhất thiết phải mô phỏng? Nó cũng hồ nghi liệu thứ thơ ca ấy có phải là chuẩn mực cho tất cả?

Sự mơ hồ, bởi vậy, cho thấy có những thứ mà những nhà thơ đầu tiên đã không biết đến. Và cũng bởi vậy, nhất thiết phải chối bỏ sự mơ hồ ấy. Việc một nhà thơ Ả-rập hậu sinh thấy những điều, những thứ mà tiền bối của mình không nhận thức được là một vấn đề nguy hiểm; nó có thể dẫn đến việc dung nhập những cội nguồn khác vào thơ ca, những cội nguồn ngoài những gì đã được thừa nhận. Nói cách khác, nó có thể dẫn đến một nhận định chống lại thơ ca cổ điển, một phát quyết rằng thơ cổ điển đã đến ngày tàn.

Thứ hai, do theo đạo Hồi, xã hội Ả-rập sống trong một thế giới hoàn toàn xác định. Và tính xác định trên bình diện tư tưởng dẫn đến tính xác định được xem như một chuẩn mực trong đời sống thực tiễn. Do đó, cần thiết phải biến mọi thứ thành công cụ. Vì lý do này, sự sáng rõ trở thành nguyên tắc đầu tiên để công cụ hóa mọi diễn ngôn tư tưởng và lời nói.

Mục đích của một công cụ là để phục vụ hay đem lại lợi ích. Về mặt thực tiễn, công cụ là thứ gần gũi nhất với con người. Theo đó, thơ – vũ khí ngôn từ của người Bedouins, biến thành một công cụ phục vụ cho tư tưởng, không khác gì một chiếc thìa phục vụ cái miệng của con người. Giá trị của một công cụ phụ thuộc vào sự tin tưởng của chúng ta vào nó và tính tiện dụng của nó. Nó phụ thuộc vào niềm tin chúng ta đặt vào nó: chúng ta nhấc cái thìa đưa vào miệng mình mà chẳng cần phải nghĩ ngợi hay cố gắng gì. Chúng ta đánh giày mỗi ngày mà đâu cần nghĩ suy hay nỗ lực gì. Và vì thế chúng ta cũng mong đọc và hiểu một bài thơ mà không phải nghiền ngẫm hay cố gắng.

Thứ ba, việc nhấn mạnh tính công cụ biến nhà thơ trở thành một học giả, một người biên soạn các tư tưởng và một nhà hùng biện. Hùng biện là một hình thức diễn đạt đòi hỏi người nói phải nói có nhịp, trực tiếp, ngôn từ đơn giản, ý tưởng rõ ràng. Muốn người nghe chăm chú thì phải lưu ý đến những điều ấy. Để thuyết phục người nghe, thể loại hùng biện, về mặt phong cách ngôn ngữ và tư tưởng, được hình thành trên cơ sở sự sáng rõ. Hùng biện có thể mang tính tuyên truyền trong bản chất (các hình thức tán tụng, phô trương, đả kích, v.v…) hoặc mang tính lễ nghi (các hình thức khích lệ, tuyên dương, v.v…). Tuy nhiên, dù mang nội dung gì đi nữa, hùng biện phải rõ ràng. Bởi mục đích của hùng biện là tác động, lãnh đạo, thuyết phục, sự sáng rõ sẽ giúp hiện thực hóa ảo ảnh về khả năng chỉ huy hoặc làm say lòng khán giả.

Về tính chính xác khoa học của thơ ca, điều này liên quan đến việc nền thơ ca Ả-rập đã bắt đầu, như mọi khoa học, tìm cách miêu tả hiện thực một cách chi tiết, đầy đủ và giá trị quan trọng nhất của thơ ca, như thế, bị ràng buộc với tính công lợi, hữu dụng của nó. Theo cách này, thơ ca bắt đầu vận động bên trong khung tri thức-lý tính, nghĩa là, nó trở thành một kiểu nhắc lại, một khuôn đúc, một chủ đề để nghiên cứu và ứng dụng, một thứ gì đó liên quan đến “chân lý” hơn là liên quan đến sự cách tân, phát kiến. Thậm chí, thi học Ả-rập cũng mang màu sắc khoa học – làm thế nào để đạt đến kết quả tốt nhất bằng phương tiện ít ỏi nhất. Đấy là thứ mà văn xuôi -thể loại đối trọng với thơ – nâng lên thành phép tu từ: sự vắn tắt.

8.

Sự mơ hồ, do đó, là vấn đề tư tưởng hệ chứ không phải một đặc trưng của văn bản thơ ca. Một mặt, nó đặt vấn đề về khả năng nhận thức và cảm thụ các sáng tạo, mặt khác, nó thể hiện một lập trường đối diện với truyền thống được kế thừa. Nhà thơ hiện đại chỉ hiện đại với điều kiện cơ bản: anh ta phải vượt qua lập trường mỹ học-tư tưởng hệ cổ điển và tất cả những gì hàm chứa trong đó – lý thuyết về thơ ca, lý thuyết về sáng tạo, những tiêu chí phê bình nảy sinh từ đó.

Và thêm nữa, nhà thơ chỉ là nhà thơ với một điều kiện duy nhất: khi anh ta nhìn thấy cái mà những kẻ khác không thấy, anh ta phát hiện và biểu đạt những điều đó. Về nhạc tính bên trong bài thơ và cấu trúc diễn đạt, có một sự tương phản tự nhiên giữa nhà thơ và độc giả. Song khác biệt đó không có nghĩa rằng nhà thơ và độc giả mỗi bên tự cô lập chính mình, không có quan hệ gì với nhau. Điều đó cũng không có nghĩa việc họ có thể hiểu nhau là điều bất khả. Đúng hơn, mỗi người có một vai trò khác nhau. Sự khác biệt giữa họ là một hình thức khích lệ, động viên người đọc trở thành một kẻ sáng tạo khác, một thi sĩ khác.

Vì lẽ đó, chúng ta có thể hình dung người đọc, kẻ đi từ ký ức, thói quen và truyền thống đã được thừa nhận – tức từ những gì khác rất xa với sự tiến bộ và khám phá không ngừng nghỉ của đời sống – đã phải loay hoay như thế nào khi đối diện với một bài thơ, cũng giống như thân thể của anh ta phải loay hoay để biết cách sử dụng một vật gì đó khác lạ: anh ta sẽ không thể tự coi mình đã làm chủ được vật đó cho đến khi nào sử dụng được nó. Kiểu độc giả ấy tốt cho mọi thứ, trừ thơ ca.

Từ góc độ này, không có gì có thể biện hộ cho những than phiền, trách cứ, phê phán về sự mơ hồ của thơ ca – ở đây tôi muốn nói đến thơ ca đích thực. Kẻ tấn công thơ ca bằng cách kết tội nó vì sự mơ hồ là kẻ chống lại cái bề sâu chỉ để giữ lấy cái bề mặt. Đó là kẻ công kích biển cả để yên vị trên bánh xe nước. Là kẻ công kích rừng, sấm và mưa để đứng yên giữa sa mạc.

Hãy vẽ nhân loại này, thế giới này một cách thật rõ ràng. Và vào khoảnh khắc ấy, bạn sẽ chẳng thấy gì khác hơn ngoài một sự nông cạn đáng sợ. Ở đó, bạn sẽ chẳng tìm được nơi chốn nào cho thi ca.

Hải Ngọc dịch

Nguồn: Adonis, “Ambiguity”, Eliott Colla dịch từ tiếng Ả-rập, http://www.asymptotejournal.com/article.php?cat=Criticism&id=20&curr_index=4


[1]Al-Jahiz (781-869), tên đầy đủ là Abū ʿUthman ʿAmr ibn Baḥr al-Kinānī al-Baṣrī, tác giả văn xuôi, nổi tiếng với các cuốn sách Kitab al-Hayawan (Book of Animals –Sách về các con vật), Kitab al-Bukhala (Book of Misers – Sách bàn về lòng tham), Kitab al-Bayan wa al-Tabyin (The Book of eloquence and demonstration – Sách bàn về nghệ thuật tu từ và diễn thuyết).

[2] Abu Tammam (788-845), thi sĩ Ả-rập, người sống vào thời đại Abbasid. Adonis đã từng viết về Abu Tammam như sau: “Thơ của Abu Tamman được khởi nguồn từ một quan niệm về thi ca như một hình thức sáng tạo thế giới thông qua ngôn ngữ; ông đã so sánh quan hệ giữa thi sĩ và thế giới như là một quan hệ tình nhân và hành động sáng tạo thơ ca cũng tương tự như hành vi luyến ái”.

[3] Thi sĩ Ả-rập sống vào khoảng thế kỷ VI sau Công nguyên, người được xem là cha đẻ của nền thơ ca Ả-rập.

 

Octavio Paz – Joseph Brodsky – Ko Un – Nói về thơ

Octavio Paz (Nhà thơ Mexico – Giải Nobel Văn học 1990)

Giọng nói khác

octavio-paz-120812

… Giữa cách mạng và tôn giáo, thơ là giọng nói khác. Thơ là giọng nói khác bởi lẽ đó là giọng nói của đam mê và của tưởng tượng. Đó là giọng nói của một thế giới khác và cũng là của thế giới này, của những dĩ vãng xa xưa và đồng thời của chính ngày hôm nay, một thời cổ đại không ngày tháng. Dị giáo và sùng mộ, ngây thơ và đồi trụy, trong trẻo và âm u, lơ lửng trên không và chìm sâu dưới đất, thuộc về những tu viện và thuộc về những quán rượu bình dân, nằm trong tầm tay và luôn ở nơi xa. Mọi thi sĩ trong những khoảnh khắc của thơ ca, dù ngắn hay dài, đều nghe thấy giọng nói khác ấy, nếu họ là thi sĩ đích thực. Đó là giọng nói của họ, của ai đó khác, của không ai khác nữa, của không ai cả và của tất cả. Chẳng có gì phân biệt nhà thơ với những người đàn ông hay đàn bà khác ngoại trừ nhưng khoảnh khắc ấy – những khoảnh khắc đặc biệt nhưng cũng thường xuyên – lúc đó, khi là chính mình, họ là kẻ khác. Đó là sự sở hữu những sức mạnh và quyền năng lạ kỳ, sự xuất hiện bất ngờ của một khối tri thức về tâm linh vốn bị vùi chôn nơi sâu kín, riêng tư nhất của nhà thơ hay chỉ là một năng lực cá biệt kết hợp từ ngữ, hình ảnh, âm thanh, hình thức? Không dễ để trả lời những câu hỏi như vậy. Song tôi không tin thơ đơn thuần chỉ là một thứ năng lực. Mà ngay cả nếu có như thế thì năng lực đó đến từ đâu? Tóm lại, dù có là gì đi nữa, điều chắc chắn là sự lập dị phi thường nhất của hiện tượng thơ gợi ta liên tưởng đến một thứ bệnh ốm vẫn còn đợi sự chẩn đoán của bác sĩ. Y học cổ đại, và cả triết học cổ đại nữa, bắt đầu từ Plato, đã gắn năng lực sáng tạo thơ ca với trạng thái rối loạn tâm thần. Một trạng thái nghiện, nói khác đi, một cơn cuồng nộ linh thiêng, một thứ nhiệt hứng, một sự chuyên chở. Nhưng nghiện chỉ một cực của tình trạng rối loạn; cực kia là sự khuyết diện, sự trống rỗng bên trong, là “sự lãnh đạm sầu muộn” mà nhà thơ nói đến. Đầy và rỗng, thăng hoa và sa giáng, nhiệt hứng và sầu muộn: thơ là thế…

Sự cá biệt của thơ ca hiện đại không bắt nguồn từ những ý niệm hay khuynh hướng của nhà thơ mà từ giọng của anh ta. Nghĩa là, từ âm sắc của giọng nói đó. Chính sự chuyển giọng (modulation) không thể xác định nhưng không thể nhầm lẫn được này khiến giọng nói của nhà thơ trở thành giọng nói khác. Đó là dấu hiệu không phải của tội lỗi nguyên thủy mà của sự khác biệt nguyên thủy. Tính hiện đại phản hiện đại của thơ ca thời đại chúng ta, nền thơ ca bị giằng xé giữa cách mạng và tôn giáo, do dự giữa tiếng khóc của Heraclitus và tiếng cười của Democritus, là một sự vi phạm (transgression). Nhưng đó là sự vi phạm dường như luôn không chủ đích, không gắn với ý định của nhà thơ. Nó òa vỡ ra, như tôi đã nói, từ một sự khác biệt nguyên thủy; nó không phải là một sự bổ sung hay gắn thêm vào một cách giả tạo giống như một cái răng hay một mớ tóc giả. Sự vi phạm này là bản chất của thơ của thơ Hiện Đại. Lý do cho sự cá biệt này là tính lịch sử. Một bài thơ có thể mang phẩm chất hiện đại ở chủ đề, ngôn ngữ, hình thức của nó, nhưng bởi bản chất sâu sắc của nó, giọng nói của thơ là giọng nói phản hiện đại, biểu đạt những thực tại không những xa xưa hơn rất nhiều những biến động của lịch sử mà còn không thẩm thấu được những đổi thay này. Kể từ thời kỳ đồ đá cũ, thơ đã là một phần trong đời sống của toàn bộ các xã hội của loài người; không có một xã hội nào tồn tại mà không từng biết đến một hình thức nào đó của thơ ca. Nhưng dẫu bị ràng buộc với một mảnh đất đặc thù và một lịch sử đặc thù, thơ luôn luôn mở về phía xa hơn, xuyên lịch sử, trong mọi biểu hiện của nó. Tôi không có ý nói rằng cái khoảng xa hơn mà thơ mở ra ấy giống như một ý niệm tôn giáo: tôi đang nói đến sự hình dung về một phía khác của thực tại. Hình dung đó là điểm chung của con người ở mọi thời đại; nó là một thứ kinh nghiệm mà dường như đối với tôi, có trước mọi tôn giáo và triết học…

Như nhiều người đã nói, giờ đây, chúng ta đang chứng kiến một sự thay đổi lớn lao. Chúng ta băn khoăn không biết mình đang trải nghiệm sự cuối kết của tính hiện đại hay là sự đổi mới của nó. Chức năng của thơ ở thời điểm này sẽ là gì? Nếu, như tôi hy vọng và tin tưởng, một hình thái tư tưởng chính trị mới đang hiện hình, những người sáng tạo nên hình thái tư tưởng chính trị ấy sẽ phải biết ơn giọng nói khác. Giọng nói đó không phải được cất lên bởi những nhà tư tưởng cách mạng của thời đại chúng ta và điều này lý giải, ít nhất là một phần, sự thất bại thảm hại của những dự phóng mà họ theo đuổi. Sẽ là thảm họa nếu triết học chính trị mới không chú ý đến những hiện thực bị vùi chôn, che giấu bởi những người đàn ông và những người đàn bà của thời kỳ hiện đại. Chức năng của thơ, trong khoảng 200 năm qua, là nhắc ta nhớ đến sự tồn tại của những hiện thực ấy; thơ ca của ngày mai cũng không thể làm gì khác hơn. Nhiệm vụ của nó không phải là cung cấp những tư tưởng mới mà là nói lên những gì đã bị quên lãng một cách dai dẳng suốt nhiều thế kỷ. Thơ là ký ức trở thành hình ảnh, và hình ảnh trở thành giọng nói. Giọng nói khác không phải là giọng nói từ bên kia huyệt mộ: đó là giọng nói của con người ngủ vùi ngay ở trung tâm trái tim nhân loại. Giọng nói ấy đã có cả nghìn năm tuổi, nó bằng tuổi của tôi và của bạn và đồng thời, nó vẫn còn chưa được sinh ra. Nó là ông bà của ta, anh em của ta và là con cháu của ta…

Có thể nói không phóng đại rằng chủ đề chính trong những ngày cuối cùng của thế kỷ của chúng ta không phải là tổ chức chính trị hay tái cấu trúc các xã hội mà là một câu hỏi khẩn thiết hơn: Làm thế nào để chúng ta có thể đảm bảo cho sự tồn tại của nhân tính? Đối mặt với thực tại này, thơ ca có thể làm được gì? Cái giọng nói khác kia phải nói những gì? Như tôi đã nói trước đó, nếu một hình thái tư tưởng chính trị mới được hình thành, ảnh hưởng của thơ ca sẽ là gián tiếp: nó nhắc chúng ta nhớ đến những hiện thực nào đó bị vùi lấp, khôi phục chúng trở lại đời sống và thể hiện chúng. Và đối mặt với câu hỏi về khả năng tồn tại của loài người trên một hành tinh bị nhiễm độc và tàn phá, thơ ca không thể có cách phản ứng nào khác. Ảnh hưởng của thơ ca phải là thứ ảnh hưởng gián tiếp: nó nhắn nhủ, khơi mở, gợi hứng. Không phải là bằng cách chứng minh một cách logic mà chỉ là trình bày ra.

Hải Ngọc trích dịch

Nguồn: Octavio Paz, The Other Voice- Essays on Modern Poetry, Harcourt Brace Jovanovich, Publishers, 1991.

Joseph Brodsky (Nhà thơ Nga lưu vong – Giải Nobel Văn học 1987)

Thơ như là hình thức kháng cự thực tại

joseph-brodsky-2

Thế kỷ XX, nay đã sắp đi hết chặng đường của mình, dường như đã bắt tất cả các nghệ thuật khác phải khuất phục, trừ thơ. Được nhìn nhận như một thứ ít mang tính biên niên hơn và đồng thời được xưng tụng nhiều hơn, lịch sử đã áp đặt cái hiện thực của nó lên nghệ thuật. Cái chúng ta ngụ ý khi nói về mỹ học hiện đại không có gì khác hơn là những tiếng ồn của lịch sử giáng xuống, lấn át bài ca của nghệ thuật. Mọi thứ chủ nghĩa vừa là bằng chứng, trực tiếp hay gián tiếp, về sự thất bại của nghệ thuật, vừa là một vết sẹo phủ lên nỗi tủi hổ vì sự thất bại này. Mặc dù nói như thế có thể là thô thiển nhưng thực tế hiện sinh đã chứng minh có thể xác định được ý thức của người nghệ sĩ và bằng chứng của điều này có thể tìm thấy ở phương tiện mà người nghệ sĩ sử dụng. Bởi vậy, mọi đề cập về phương tiện, tự nó, đã là dấu hiệu của sự thích nghi…

Đối với văn học (và đặc biệt là thơ ca), bất cứ cố gắng nào muốn dùng hai cuộc thế chiến, vũ khí hạt nhân, những biến động xã hội hay sự thần thánh hóa các phương pháp trấn áp để biện hộ (hay giải thích) cho sự xói mòn, cạn kiệt của các hình thức và thể loại đơn giản là một sự lố bịch, nếu không muốn nói là một sự xúc phạm, trong sự không tương xứng của nó. Con người cá nhân không định kiến khúm núm trước ngọn núi của những thân xác đã khai sinh con chuột thơ tự do. Hắn còn khúm núm hơn nữa trước những đòi hỏi ở những thời đại ít kịch tính hơn, trong những thời kỳ bùng nổ dân số, muốn biến con chuột này trở thành con bò thiêng.

Không có gì hấp dẫn hơn đối với trí tưởng tượng nhạy cảm hơn là thứ bi kịch có sức lan tỏa; nó trao cho người nghệ sĩ cảm quan về “sự khủng hoảng của thế giới” mà không đe doạ trực tiếp sự giải phẫu của chính anh ta. Chẳng hạn, các trường phái, trào lưu trong hội họa thường nảy nở nhiều chính tại những thời kỳ thịnh vượng và yên bình. Sự trùng hợp ngẫu nhiên này, cố nhiên, có thể phản ánh nỗ lực hồi phục sau những thảm họa, hoặc để hiểu hơn về chúng. Tuy nhiên, dường như chính những người đã trải qua bi kịch không xem họ là nhân vật trung tâm và không thật sự để ý đến những phương tiện mà nhờ đó, bi kịch được biểu hiện, họ là hiện thân của chính họ mà thôi.

Thế giới quan bi kịch, sự nguyên tử hóa và phân mảnh ý thức hiện đại, vân vân, đang trở thành một xu hướng phổ biến hiện nay đến mức việc diễn đạt chúng hay sử dụng những phương tiện liên quan đến chúng chỉ hơn mức thỏa mãn những đòi hỏi của thị trường một chút mà thôi. Xác nhận những mệnh lệnh của thị trường về bản chất cũng là những mệnh lệnh của chính lịch sử, do đó, không đơn thuần là một sự phóng đại vô cảm. Đòi hỏi cách tân nghệ thuật, cũng như ý thức đấu tranh vì cái mới ở người nghệ sĩ, chứng minh cho sự phong phú của trí tưởng tượng hay tiềm năng của chất liệu ít hơn là chứng minh cho sự tổn thương của nghệ thuật trước thực tế của thị trường và mong muốn của người nghệ sĩ muốn hợp tác với nó.

Sự phi logic, sự biến dạng, tính trừu tượng, sự chói tai, phi mạch lạc, những kết hợp tùy tiện, trận lụt của vô thức – tất cả những yếu tố của mỹ học hiện đại, về mặt lý thuyết, đều được sử dụng, một cách riêng rẽ hay kết hợp với nhau, để biểu đạt những trạng thái tâm lý hiện đại, song trên thực tế, lại là những phạm trù của thị trường một cách nghiêm ngặt, đấy là cái thực tế mà bảng giá của thị trường đã xác nhận. Một gợi ý rằng hình dung về thế giới của người nghệ sĩ phải phức tạp hơn, rắc rối hơn hình dung của công chúng (ở đâu không đề cập đến những bậc thầy sáng tạo tiền bối của anh ta) thực chất là một gợi ý cực kỳ phản dân chủ và không thuyết phục, vì tất cả các hoạt động của nhân loại, trong hay sau những thảm họa, đều dựa trên tính cấp thiết của sự diễn giải, phụ thuộc vào sự diễn giải.

Nghệ thuật là một hình thức kháng cự lại sự bất toàn của hiện thực, cũng như là một cố gắng để sáng tạo nên một hiện thực khác mà con người hy vọng nó sẽ sở hữu những dấu hiệu của cái có thể nhận thức được, có thể hiểu được, nếu không phải là cái có thể đạt được, cái hoàn thiện. Khoảnh khắc nghệ thuật từ bỏ nguyên tắc của cái tất yếu và cái khả thụ cũng là khoảnh khắc mà nó từ bỏ vị trí của mình, cam chịu làm chức năng trang trí đơn thuần. Đó là số phận của một phần lớn trào lưu tiên phong của nghệ thuật châu Âu và Nga mà vòng nguyệt quế của chúng vẫn còn khiến cho nhiều người mất ngủ. Cả “vòng nguyệt quế” lẫn “tiền phong”, một lần nữa, về bản chất, đều là những khái niệm của thị trường.

Ý niệm về những “phương tiện mới” được sử dụng bởi người nghệ sĩ “đi nhanh hơn sự tiến bộ” chỉ phản ánh ý niệm lãng mạn về người nghệ sĩ như là “người được lựa chọn”, một dạng Demiurge (Đấng sáng tạo). Cho rằng cái mà người nghệ sĩ cảm thấy, hiểu được, biểu đạt luôn là cái gì đó mà người bình thường không thể đạt được không hề thuyết phục hơn mệnh đề nỗi đau thể xác của người nghệ sĩ, sự đói khát hay cảm giác thỏa mãn về tình dục ở anh ta mãnh liệt hơn so với người bình thường. Nghệ thuật đích thực luôn là một thứ nghệ thuật dân chủ chính là ở chỗ nó không có mẫu số nào chung, trong cả xã hội và lịch sử, ngoài cảm quan rằng thực tại là bất toàn và một khả thể khác, tốt đẹp hơn là cái có thể tìm kiếm được…

Hải Ngọc trích dịch

Nguồn:  Joseph Brodsky, “Poetry as a Form of Resistance to Reality”, PMLA, Vol.107, No.2, (Mar.1992), p.220-225.

Ko Un (Nhà thơ Hàn Quốc)

Bản chất con người tự nó đã mang thi tính

KoUn

Nỗi buồn là mẹ của thơ. Trên thực tế, đã mang thân phận người tức là đã mang theo nỗi buồn; kể cả tình yêu cũng là nỗi buồn. Ở phương Đông, hình tượng Đức Quan Âm là hình tượng của nỗi cảm thông nhưng cũng là một hình ảnh buồn; ở phương Tây, chúng ta có hình ảnh Đức Mẹ mang nỗi buồn của người nữ đồng trinh. Và nhà thơ là bạn của nỗi buồn, nhưng tôi không dám chắc liệu trong những thế kỷ tới, mỗi quan hệ giữa con người và nỗi buồn liệu có vẫn còn nguyên; văn hóa sẽ thay đổi, sẽ có nhiều khác biệt…

Tôi cho rằng nhà thơ không phải là thầy của người khác, mà là một người bạn. Khi người khác buồn phiền hay đau ốm, nếu không có nhà thơ để nói về điều đó, vậy sẽ là cái gì thay thế? Tuy nhiên, về cái Tôi của nhà thơ, tự bản thân tôi cảm thấy ngờ vực chữ Tôi ấy. Dường như đây là thời đại của cái Tôi cá nhân. Tôi hoài nghi cái Tôi hiện đại này, vì cái Tôi đó càng mạnh mẽ bao nhiêu thì nó càng làm cho kẻ/cái khác bị thu nhỏ đi và xa cách hơn bấy nhiêu…

Cái Tôi đích thực phải hàm chứa nhiều người khác; chỉ khi ấy thơ ca mới có thể khơi dậy những phản ứng tích cực. Ngày nay, nhìn vào thơ ca Hàn Quốc và thơ ca thế giới nói chung, dường như thơ không còn chứa đựng những lịch sử lớn nữa mà ngày càng tự dịch chuyển mình và trở thành một thung lũng nhỏ hẹp của bản ngã. Dĩ nhiên, nhà thơ phải là một cá nhân với đời sống bên trong sâu thẳm nhưng sẽ chẳng là gì nếu đó chỉ là thế giới bên trong của riêng anh và anh không thể thoát ra khỏi nó.

… Mọi người sinh ra đã là một thi sĩ hoặc đã được sinh ra trong chất thơ. Tôi đã viết như thế, từ những trải nghiệm của mình về đạo Phật. Phật giáo bảo rằng mọi giống hữu tình đều mang Phật tính; như theo cách suy nghĩ của tôi thì Phật tính tự bản thân nó đã là thi tính. Bản chất con người tự nó đã mang thi tính. Đó là quan niệm đã xuyên suốt sáng tác của tôi.

Hải Ngọc  trích dịch

Nguồn: Ko Un, “Human Nature Itself is Poetic”, an interview with Patricia Donegan, Manoa, Vol.18, No.1, 2006, p. 1-8.

Jed Lipinski – Sao ta không thể sống một cuộc đời như thế?

Đấy không phải là nhan đề mà Jed Lipinski đặt cho bài viết của mình. Nó là câu mà Maik L’Arlésienne – một người bạn của tôi trên facebook – thốt lên khi đọc được bài viết này: “Why can’t we just live a life like this?”. Đấy cũng là câu hỏi mà tôi tự đặt ra cho mình khi đọc xong câu chuyện phi thường mà cũng rất đỗi giản dị này. Cho dù, cái dở nhất của mình là cuối cùng hỏi cũng chỉ để hỏi.

Câu chuyện về vợ chồng Vogel mà tôi quyết định dịch sang tiếng Việt ở đây có lẽ là một câu chuyện về tình yêu lý tưởng: tình yêu dành cho nghệ thuật và tình yêu dành cho nhau. Đọc xong, ngẫm lại mình, ngẫm lại đời sống quanh mình để thêm buồn. Nghệ thuật ở VN vừa bị xem như một thứ phù phiếm, xa xỉ vừa là cái gì đó mang tính đặc tuyển. Một nhân viên bưu điện bình thường ở Việt Nam ta liệu có thể tự nhiên bước vào một gallery bao giờ cũng đóng cửa, cũng tỏ ra sang trọng đến độ gây mặc cảm cho người muốn bước vào? Bao giờ chúng ta, ngay cả những trí thức nghèo như tôi, có thể thôi lấy lý do cơm áo gạo tiền để biện hộ cho một đời sống tẻ nhạt, tầm thường, không đam mê, không hứng khởi với nghệ thuật, thi ca? Bao giờ tôi có thể chấp nhận một đời sống dù nghèo khốn đến đâu ta vẫn có thể dành thời gian, tâm huyết cho nghệ thuật. Đọc bài báo xong mà buồn… Buồn vì mình hèn, buồn vì đời sống quanh ta cái tầm thường lên ngôi ngạo nghễ. Nhưng đọc xong thì cũng tin, tin rằng tình yêu đẹp đến thế vẫn còn hiện hữu. Cặp vợ chồng chấp nhận một đời sống bề ngoài thì lặng lẽ, sống trong căn hộ chật chội, nhưng cùng chia sẻ đam mê nghệ thuật mãnh liệt với một tình yêu vô cầu dành cho nó gợi tôi nhớ đến một hình ảnh mà Charles Simic đã khái quát thành biểu tượng của hạnh phúc:

“Sự gần gụi của hai người cùng lắng nghe bản nhạc họ yêu thích. Không có một sự hòa hợp nào hoàn hảo hơn thế. Tôi nhớ một buổi tối mùa hè, bên một chai rượu vang trắng rất ngon, Helen và tôi cùng thưởng thức bản “Blue Lester” do Prez chơi. Chúng tôi chăm chú nghe, như thể những kẻ đã từng nghe bản nhạc đến trăm lần, đến nỗi vào khoảnh khắc ấy, bản nhạc như thể kéo dài mãi mãi.”

Ở đây, có thể thay thế việc nghe bản nhạc bằng việc cùng ngắm một tác phẩm mỹ thuật…

Khi mở lại blog cá nhân này, tôi có ý định chỉ dành nó để viết những trải nghiệm cá nhân, dịch các tư liệu học thuật hoặc sáng tác văn chương. Nhưng câu chuyện về tình yêu này đã thôi thúc tôi dịch nó – vì có những cuộc đời tự bản thân chúng đem đến cho ta nhiều trải nghiệm hơn cả những triết lý hay những hư cấu văn chương.

*

epkp_03_poster1_sm

Herbet Vogel chưa bao giờ kiếm được hơn 23.000 $ một năm. Sinh ra và lớn lên tại khu Harlem, Vogel làm việc cho bưu điện ở Manhattan. Ông đã sống gần 50 năm trong căn một chỉ có một phòng ngủ, rộng 450 foot vuông, với vợ mình, bà Dorothy, một thủ thư làm việc tại Thư viện công cộng Brooklyn. Họ sống một đời sống đạm bạc.  Không du lịch. Chỉ ăn những bữa tối với đồ làm sẵn. Ngoài việc nuôi mấy con vật cảnh, họ chỉ có một đam mê duy nhất: nghệ thuật. Nhưng đam mê sưu tầm nghệ thuật này đã đem lại cho họ một danh tiếng đặc biệt: họ là những người hùng thuộc tầng lớp lao động giữa một thế giới vốn bị thống trị bởi tầng lớp đặc tuyển ở Manhattan.

Mặc dù những người cùng làm với họ không biết về điều này nhưng báo chí thì đã chú ý đến họ. Tờ The New York Times gọi vợ chồng Vogel là “Đôi tình nhân – tri âm” của thành phố New York. Trong số bạn thân của họ, có cả những họa sĩ bậc thầy của trào lưu tối giản (minimalism) như Richard Tuttle và Donald Judd. Và chỉ trong bốn thập niên, họ đã tập hợp được một trong những bộ sưu tập tư nhân quan trọng nhất về nghệ thuật thế kỷ XX, họ chất chồng đến tận trần nhà căn hộ của họ những phác thảo của Chuck Close, tranh của Roy Lichtenstein và tác phẩm điêu khắc của Andy Goldsworthy. Hiện nay, hơn 1000 tác phẩm họ mua được đã được lưu trữ tại Bảo tàng Quốc gia, một bộ sưu tập mà một giám tuyển ở đó khẳng định là “thực sự vô giá”. J. Carter Brown, nguyên giám đốc của bảo tàng, đã gọi bộ sưu tập này “bản thân nó là một công trình nghệ thuật”.

Vợ chồng Vogel không hề được đào tạo chính quy về sưu tầm nghệ thuật. Họ cũng không có tham vọng mở gallery hay làm việc trong bảo tàng. Họ mua các tác phẩm nghệ thuật theo cách mà bất cứ kẻ sưu tập a-ma-tơ nào làm: mua vì tình yêu đối với những tác phẩm cụ thể và sự hấp dẫn về giá cả. Song không phải ngẫu nhiên mà họ có được bộ sưu tập vô giá như thế này. Herb và Dorothy có cả một chiến lược để tìm kiếm, định giá và mua các tác phẩm nghệ thuật. Khi công việc này trở thành sở thích lớn nhất của họ, vợ chồng Vogel đã trở thành những chuyên gia tự đào tạo. Đây là cách họ thực hiện.

Nghệ thuật mua tranh

Herbert Vogel sinh năm 1922, cha làm một thợ may và mẹ làm nội trợ. Là một chàng thiếu niên có khuynh hướng nổi loạn, mê nhạc jazz và áo zoot, ông bỏ trường trung học vì “Tôi ghét người ta bảo tôi phải làm,” ông nói. Thay vào đó, ông làm việc trong một nhà máy thuốc lá trước khi đảm nhiệm một công việc tại Cục Vệ binh quốc gia. Khi một bên vai của ông bị trật khớp, dẫn đến việc ông phải nghỉ việc vì không đảm bảo về sức khỏe, ông đã dành thời gian tham dự những buổi seminar về nghệ thuật tại Viện Mỹ thuật tại Đại học New York, nơi những sử gia nghệ thuật lừng lẫy như Erwin Panofsky và Walter Friedlaender điều khiển. Vào những buổi tối, Herb thường xuyên đến Cedar Tavern, nghe những nghệ sĩ như Willem de Kooning và Franz Kline tranh cãi gay gắt với nhau với ý nghĩa của chủ nghĩa biểu hiện trừu tượng. Ông đã quyết định trở thành họa sĩ. Để có thể theo đuổi đam mê mới này, ông đã nhận một công việc tại bưu điện, làm ca ba ở ban phụ trách thư không có người nhận.

Tháng 11 năm 1960, Herb, khi đó 38 tuổi, đến dự một buổi khiêu vũ tại khách sạn Statler Hiilton ở Manhattan. Giữa đám đông, ông bị thu hút bởi phụ nữ trẻ, xinh xắn, có dáng dấp của một trí thức học cùng trường cấp hai với ông nhưng cách ông 13 năm. Đó chính là Dorothy Faye Hoffman, con gái của một người buôn bán văn phòng phẩm ở Elmira, N.Y. Dorothy chuyển đến Brooklyn trước đó hai năm sai khi nhận bằng thạc sĩ về ngành thư viện tại Đại học Denver. Herb nghĩ cô ấy thật “thông minh” còn Dorothy thì thấy ông thật dịu dàng. Bà mê những bước khiêu vũ của ông. Đó là tình yêu ngay từ cái nhìn đầu tiên.

Herb và Dorothy làm lễ kết hôn vào năm 1962 và hưởng tuần trăng mật ở Washington D.C, nơi họ đã có chuyến đi không thể nào quên đến Bảo tàng Mỹ thuật Quốc gia. “Đó là nơi mà Herb đã dạy tôi bài học đầu tiên về mỹ thuật”, Dorothy nói. Khi đó, bà – vốn là người yêu âm nhạc và sân khấu hơn-hầu như chưa biết gì về mỹ thuật. Nhưng nhiệt tình của người chồng đã truyền cảm hứng mạnh mẽ đến bà. Bà đã cùng ông tham dự những lớp học vẽ và mỹ thuật ở NYU. Cũng trong năm này, họ đã mua một bức tượng nhỏ bằng vỏ kim loại ô tô nghiến của họa sĩ John Chamberlain. Họ không biết rằng bức tượng đó sẽ là hiện vật đầu tiên trong bộ sưu tập hàng ngàn tác phẩm của họ sau này.

Vợ chồng Vogel đã thuê một studio nhỏ tại khu vực Quảng trường Union, họ vẽ ở đó vào ban đêm và vào những ngày cuối tuần, họ sử dụng những tác phẩm nhiều màu sắc và rừu tượng để trang trí cho căn hộ mới của mình ở 86th Street. Song đến giữa những năm 1960, họ nhận thấy tham vọng nghệ thuật của họ vượt quá khả năng của họ. “Tôi vẽ không tệ”, Dorothy khẳng định và nói thêm, “Nhưng tôi không thích tranh của Herby.” Herb, lúc nào cũng khiêm tốn, cũng tự nhận: “Tôi là một họa sĩ tệ hại”. Và thay cho việc vẽ, họ quyết định tập trung vào sưu tầm.

Vào thời điểm ấy, Pop Art và Chủ nghĩa Biểu hiện trừu tượng đang là mốt và tác phẩm theo phong cách này quá đắt đối với vợ chồng Vogel. Ngược lại, phong cách tối giản và nghệ thuật ý niệm, lại chưa được giới nghệ thuật khẳng định. Vợ chồng Vogel quyết định: tiền lương của vợ sẽ dùng để chi tiêu sinh hoạt hàng ngày còn tiền lương của chồng sẽ để dành cho sưu tầm nghệ thuật. Theo đuổi những khuynh hướng nghệ thuật mới này, họ đã đến thăm studio SoHo của một nghệ sĩ mà tác phẩm rất khó hiểu – Sol LeWitt và họ đã mang về tác phẩm đầu tiên mà LeWitt bán được: một bức tượng không đề hình chữ T bằng vàng. “Ông ấy có nhiều tiềm năng hơn mức bình thường, và tôi cảm nhận được điều ấy”, Herb nói. LeWitt về sau đã trở thành một nhân vật khổng lồ của nghệ thuật đương đại Hoa Kỳ.

Song ám ảnh của Herb và Dorothy mới chỉ thực sự bắt đầu. Mỗi tuần, hai vợ chồng họ đều tham quan hàng chục gallery và studio, họ trở thành một cặp mà họa sĩ Chuck Close gọi là “những người ban phước (mascots) của thế giới nghệ thuật”. Để hình thành bộ sưu tập nghệ thuật, hai vợ chồng lập thành một đội. Herb, như một kẻ đam mê mang tinh thần Dionysian, miệt mài săn tìm những tác phẩm nghệ thuật “như một chú chó săn chuyên nấm cục”, họa sĩ Lucio Pozzi, người có hơn 400 tác phẩm trong bộ sưu tập của nhà Vogel đã nói như vậy. Dorothy, một thủ thư mang tinh thần Apollonian với trí nhớ bách khoa toàn thư thì thụ động hơn, thường do dự và tính toán những vấn đề liên quan đến thực tế tài chính. Họ chỉ có một vài tiêu chí: Tác phẩm đó nằm trong khả năng chi trả; nó phải vừa vặn với căn hộ của họ, nó có thể vận chuyển được bằng taxi hay xe điện ngầm. Còn gì nằm ngoài những tính toán này nữa? Uy tín của nghệ sĩ. “Chúng tôi mua tác phẩm mình thấy thích”, Dorothy nói, “Đơn giản thế thôi.” Và họ cứ tiếp tục đời sống kép như vậy – chạy hết studio này đến studio kia, trao đổi, giao lưu, thỏa thuận với các nghệ sĩ, hàng đêm thăm dò, tìm kiếm những hiện vật lớn kế tiếp mà mình sẽ mua trong khi vẫn giữ đam mê này một cách riêng tư, không chia sẻ với đồng nghiệp của mình. Tuy nhiên, để có được một bộ sưu tập nghệ thuật không thể tin nổi như vậy với một khoản tài chính phải nói là eo hẹp đòi hỏi họ phải có một vài mẹo mực.

Tác phẩm nghệ thuật

Nhiều người trong giới nghệ thuật gọi chiến lược của vợ chồng Vogel là trò lừa gạt. Đó là vì vợ chồng họ không bao giờ giao dịch với các gallery và các nhà môi giới nghệ thuật. Thay vào đó, Herb và Dorothy tiến hành thương thảo trực tiếp với những nghệ sĩ đang đói, họ đến các studio với tiền mặt trong tay. Nghệ sĩ Jeanne-Claude, người qua đời năm 2009, nhớ lại bà đã nhận cú điện thoại từ Herb vào năm 1971 khi cặp vợ chồng nghệ sĩ sáng tạo nên tác phẩm “The Gates” (Những cánh cổng) vẫn còn đang ngập ngụa nợ nần. “Nhà Vogel gọi đấy!” Jean-Claude đã phải kêu lên với ông chồng, cũng đồng thời là người đồng sáng tạo nghệ thuật với bà, khi đó đang vô cùng mệt mỏi, chán chường. “Chúng ta sẽ trả được tiền thuê nhà!” Song vợ chồng Vogel không chỉ đem tiền đến chỗ những nghệ sĩ tên tuổi lớn; họ cũng có sự quan tâm không kém  đối với những tài năng còn chưa được biết đến, và thường giúp đỡ họ phát triển sự nghiệp. David Reed, giờ đây là một trong những nghệ sĩ ý niệm nổi tiếng, nói rằng vợ chồng Vogel đã khuyến khích ông vẽ nhiều hơn – những tác phẩm hội họa này về sau đã trở thành một bộ phận quan trọng, trung tâm trong hoạt động nghệ thuật của ông. “Vợ chồng Vogel giúp bạn nhận thấy cái bạn đang làm chính là cái mà một nghệ sĩ đang làm,” ông nói. “Họ thực sự là người có cảm quan thẩm mỹ”. Khi họ chấm một tác phẩm nào đó vượt quá khả năng tài chính của mình, họ sẽ tìm cách nào đó để mua được. Họ sẽ tìm cách mua chịu, họ sẽ từ bỏ một kỳ nghỉ.; thậm chí họ có thể sẵn sàng nhận trông mèo giùm cho họa sĩ để việc thương lượng trở nên mềm hơn. Và các nghệ sĩ quý mến họ vì điều này. Như Chuck Close từng phát biểu trên tờ Newsday, “Bạn biết khi bạn bán cho họ tác phẩm đó, nó sẽ trở thành một phần của một bộ sưu tầm quan trọng”.

Cách đây không lâu, các tác phẩm nghệ thuật đã chiếm hết diện tích căn hộ của họ. Theo những thông tin thu thập được, căn hộ 450 foot vuông ở East 86th Street của họ giống một nhà kho hơn là một nơi để sống. Bộ sưu tập của vợ chồng Vogel đã dần dần chiếm chỗ tất cả những đồ đạc khác, ngoại trừ bàn ăn, vài cái ghề, một cái bàn làm việc, một chiếc gường giấu hàng chục bức tranh của Richard Tuttle và Lynda Benglis. Khách đến nhà có thể đụng đầu vào những bức tượng đất sét của Steve Keister treo trên trần và phát hiện ra những văn bản đồ hình của Lawrence Weiner trên tường nhà tắm. Và trong khi họ cất giấu các tác phẩm nghệ thuật ở bất cứ chỗ nào có thể, Dorothy không ngừng nhắc đi nhắc lại một tin đồn dai dẳng: Có lẽ trong nhà Vogel, chỉ có lò nướng mới là nơi không cất giấu tác phẩm nghệ thuật.

Nhưng không chỉ có những kiệt tác mới chiếm chỗ không gian căn hộ; nhà Vogel lại còn chia sẻ không gian này với 20 con rùa, 8 con mèo và một bể cá cảnh với nhiều loại cá lạ. Để bảo vệ tác phẩm nghệ thuật khỏi móng vuốt của mèo và rùa, hai vợ chồng đã đóng thùng và bao bọc những tác phẩm nghệ thuật không treo trên tường, điều này lại càng thu nhỏ không gian sống của họ. “Mỹ thuật là thứ duy nhất Herby quan tâm, ngoại trừ động vật”, có lần Dorothy đã nói. (Cũng rất phù hợp khi họ đặt tên những con mèo trong nhà mình theo tên các danh họa như Matisse, Renoir và Manet.) Khi giám tuyển của Bảo tàng Mỹ thuật quốc gia, Jack Cowatt lần đầu nhìn thấy căn hộ của họ, ông đã kinh ngạc. “Từ con mắt của một giám tuyển, tôi nhận thấy  căn phòng này bất chấp mọi hệ thống báo động. Tôi bắt đầu suy nghĩ: Chẳng may có một vụ hỏa hoạn thì thế nào? Nếu bể cá của Herb bỗng dưng rò rỉ, nước chảy ra lênh láng thì sao?”

Đến giữa thập niên 70, vợ chồng Vogue trở nên nổi tiếng – ít nhất là ở New York City. Gallery Clocktower, do Alanna Heiss, người sáng lập Trung tâm Nghệ thuật đương đại P.S.1, điều hành đã lần đầu tiên trưng bày triển lãm bộ sưu tập của vợ chồng Vogel vào tháng 4 năm 1975. Buổi khai mạc này tình cờ lại gợi liên hệ đến một cặp vợ chồng khác cũng sở hữu một bộ sưu tập mỹ thuật đương đại đáng giá. Tạp chí New York đã giật tít bài báo như sau: “Một huyền thoại của thế giới nghệ thuật đương đại: Tạm biệt Bob & Ethel; Xin chào, Dorothy và Herb!” Cái tít này nhắc đến Bob và Ethel Scull, một ông trùm doanh nghiệp taxi và cô vợ người mẫu trên tạp chi Vogue của ông ta. Sau vụ ly hôn gây ầm ĩ, toàn bộ bộ sưu tập các tác phẩm Pop Art và Biểu hiện trừu tượng của họ đã bị đưa ra bán đấu giá với số tiền kinh ngạc lên đến 10 triệu $. Vợ chồng Vogel, ngược lại, không bán đi một món nào. “Chúng tôi có thể dễ dàng trở thành triệu phú,” Herb đã nói với Hiệp hội báo chí. “Chúng tôi có thể bán đi các tranh, tượng… và sống ở Nice cùng với một số tác phẩm nghệ thuật còn giữ lại. Nhưng chúng tôi không quan tâm đến khía cạnh ấy.

Pozzi đưa ra một sự giải thích khác. “Đề nghị họ bán một tác phẩm trong bộ sưu tập cũng giống như việc đề nghị tôi cắt một góc từ những bức tranh của tôi ra vậy,” ông nói. “Họ là những nghệ sĩ và bộ sưu tập ấy là tác phẩm nghệ thuật của họ.”

Herb về hưu năm 1979 và cố nhiên, ông dùng tiền lương của mình để tiếp tục việc mua tranh. Nhưng quy mô ngày càng lớn của bộ sưu tập đã khiến vợ chồng họ phải lo lắng. Đến những năm 1980, họ buộc phải thừa nhận căn hộ của mình không còn đủ chỗ để chưa những tác phẩm họ yêu quý nữa. Vợ chồng Vogel bắt đầu gặp gỡ với các giám tuyển và cân nhắc những lựa chọn của họ. Họ muốn tặng lại bộ sưu tập của mình thay vì bán nó và họ muốn được làm việc này với Bảo tàng Mỹ thuật quốc gia vốn là nơi mở cửa tự do cho công chúng đến thưởng lãm và giữ chính sách không bán các tác phẩm trưng bày. Điều đó cũng có nghĩa bộ sưu tập của họ sẽ không bao giờ bị đem bán. Đến năm 1990, khi Dorothy về hưu, vợ chồng Vogel lại tiếp tục việc tặng bộ sưu tập của mình cho Bảo tàng Mỹ thuật quốc gia: Các nhân viên của Bảo tàng đã phải vận chuyển một số lượng đáng kinh ngạc – 2400 tác phẩm từ căn hộ nhỏ bé của vợ chồng Vogel, đợt vận chuyển này cần đến năm xe tải 40 foot. Thực tế, việc dỡ những tác phẩm chở trên xe tải xuống và sắp xếp chúng trong gallery đã khiến thang máy vận chuyển đồ của bảo tàng làm việc hết công suất trong suốt mấy tuần.

Nhận thấy vợ chồng Vogel đã không hề có khoản nào dự phòng cho tương lai, Jack Cowart, giám tuyển nghệ thuật thế kỷ XX của Bảo tàng Mỹ thuật quốc gia đã dành cho họ một khoản trợ cấp nhỏ để bù lại cho sự hào phóng của họ. Nhưng thay vì để dành tiền thuốc thang hay để sống một cuộc đời hưu trí thoải mái, vợ chồng Vogel lại chẳng nghĩ đến điều đó. Ngay lập tức, họ lại bắt đầu sưu tập nhiều tác phẩm hơn. Khoản trợ cấp của bảo tàng giúp vợ chồng họ mua được thêm khoảng 1500 tác phẩm khác. Như Dorothy tâm sự: “Nếu chúng tôi cần tiền, chúng tôi đã đem đầu tư vào chứng khoán rồi”. Từ đó, vợ chồng họ xây dựng một chương trình rất hào hiệp, dù cũng quá sức đối với họ – 50 tác phẩm cho 50 bảo tàng, theo đó 50 bảo tàng trên khắp nước Mỹ sẽ được nhận 50 tác phẩm từ bộ sưu tập của nhà Vogel.

Năm 2008, bộ phim tài liệu về cặp vợ chồng này, Herb and Dorothy [Herb và Dorothy], do đạo diễn Megumi Sasaki thực hiện được phát hành và nhận được những phản hồi sôi nổi. Sasaki, nguyên là nhà sản xuất truyền hình công cộng ở Nhật Bản, đã gặp vợ chồng Vogel nhiều năm trước đó trong khi đang quay loạt phim về Christo và Jeanne-Claude. “Tôi không thể tin đây là câu chuyện có thật, rằng lại có những người như thế trên đời”, bà nhớ lại.

Đến tận năm 2009, khi sức khỏe của Herb bắt đầu trở nên kém đi, vợ chồng Vogel mới ngừng công việc sưu tập. “Đó là việc mà chúng tôi làm cùng nhau và khi Herb không còn đủ sức lực để theo đuổi đam mê này thì chúng tôi ngừng.” Dorothy nói đơn giản thế thôi. Herb qua đời vào tháng 7 năm 2012 ở tuổi 89. Dorothy vẫn tiếp tục sống trong căn hộ mà hai người đã sống chung suốt 49 năm cùng với con mèo đốm lửa Himalaya của họ được đặt tên là Archie còn sống đến tận giờ.  Giờ, công việc của bà, như bà nói, là làm sao để mọi người không quên bộ sưu tập mà bà và chồng đã gây dựng. Đó không chỉ là bộ sưu tập ấn tượng nhất từng được lưu giữ bên trong một căn hộ nhỏ bé mà còn là một trong những bộ sưu tập mỹ thuật quan trọng nhất của thế kỷ XX. “Tôi không hề hối tiếc,”  Dorothy nói. “Tôi đã sống một cuộc đời tuyệt vời. Và tôi tin Herb và tôi sinh ra là để dành cho nhau.”

Hải Ngọc dịch

Nguồn: Jed Lipinski, “How a Working-Class Couple Amassed a Priceless Art Collection”, http://mentalfloss.com/article/48844/how-working-class-couple-amassed-priceless-art-collection#ixzz2YF8odgPl