Monthly Archives: Tháng Mười 2012

Viết trước ngày bảo vệ luận án

Rồi thì cuối cùng cũng đến ngày đánh dấu đích đến của một hành trình hơn mười năm. Cái đích ấy không hẳn là thứ tôi đã nhắm đến ngay từ đầu, khi mới tốt nghiệp trường đại học. Cái đích ấy, nhiều lúc trên hành trình của mình, tôi cũng thấy nó thật phù phiếm. Lại cũng có lúc thấy nó xa đến độ tưởng như mình chỉ muốn bỏ cuộc. Cái đích ấy khi gần đến, bỗng nhiên tôi lại ngập ngừng. Và giờ đây, cảm giác của tôi đúng hơn là sự lo lắng: tôi mơ hồ nhận ra bên kia cái đích ấy là một sự trống rỗng, làm sao có thể lấp đầy?

Trong hơn mười năm, khi tôi vẫn xác định học hành là công việc chính yếu của mình, thế giới của sách vở với những thử thách của tư duy mà tôi phải đối diện có ý nghĩa như một nơi trú ẩn. Nó giúp tôi cảm thấy không cô độc, đúng hơn, là bình tâm trong sự cô độc. Nó giúp tôi có thể chống đỡ lại trước những câu hỏi đời thường nhiều khi như là sự xoáy móc nghiệt ngã. Nó biện hộ cho tôi rằng tôi đang “hái hoa trên trời”, cho dù nhiều khi thảng thốt, khi “đâu biết rằng mẹ tôi đang khóc dưới xa kia”. Khoảnh khắc giật mình ấy chính là lúc tôi cảm giác hơn bao giờ hình như mình đang rất ích kỷ và hình như mình cũng đang làm một điều gì đó có phần vô nghĩa. Những lúc như thế, tôi đã nghĩ đến một sự buông xuôi… Nhưng cũng có lẽ phần ích kỷ trong tôi vẫn mạnh hơn, để khiến tôi tiếp tục đi.

Nhưng thế giới của sách vở cũng đem đến cho tôi những trải nghiệm rộng mở, nó khiến đời sống của tôi không khép kín như bản thân tôi vẫn nghĩ. Tôi hay có cái thú thử đứng lại tại một thời điểm để nhìn lại những gì mình thu nhận được sau một chặng đường. Như chính là lúc này. Có thể là một cách diễn đạt có phần màu mè, nhưng nó làm tôi thấy thích thú, rằng hơn mười năm ấy, tôi đã có trải nghiệm giống như nhân vật trong loại tiểu thuyết bildungsroman, dấn vào một cuộc phiêu lưu, đối mặt với những thử thách, khó khăn, gặp gỡ được những bạn đồng hành, và để rồi đến cuối cuộc hành trình, cái kết quả mà nó nhận được là một sự thay đổi trong nhận thức, sự trưởng thành trong cách nghĩ và tình cảm. Lời cảm ơn viết trước ngày bảo vệ luận án này tôi xin dành cho những người đồng hành ấy.

1. Trước hết là bạn bè, với những sự trợ giúp quý báu cả về tri thức lẫn tình cảm. Trong số những người đã giúp đỡ tôi với lòng tốt không điều kiện này, có những người tôi còn chưa từng được gặp mặt ngoài đời. Chính các bạn đã làm tôi có được sự tự tin trong quá trình làm luận án:

Lời cảm ơn đầu tiên tôi muốn gửi tới Diệu Linh, người bạn đã học cùng lớp với tôi từ những năm cấp 3 cho đến suốt bốn năm đại học. Bạn là người không chỉ giúp tôi có được những tài liệu rất khó kiếm, đặc biệt là chuyên luận của Robert R.Wilson để tôi triển khai luận án mà còn là người mà tôi đã tìm được sự chia sẻ nhiều nhất những khó khăn, những sự mỏi mệt, khủng hoảng dù chính bạn, đấy cũng là thời điểm mọi thứ đều không hề dễ dàng. Tôi có được niềm tin vào điều mình nghĩ, điều mình làm, không cần câu chấp những cách ứng xử kiểu bầy đàn, nhỏ nhen của môi trường xung quanh mình, một phần lớn, là từ những sự động viên của bạn.

Tôi muốn nói lời cảm ơn đến ba người bạn mà những chia sẻ về tài liệu, tri thức của họ cực kỳ có giá trị đối với tôi, không chỉ trong quá trình thực hiện luận án này. Đó là anh Nguyễn Nguyên Phước, người bạn đầu tiên mà tôi quen biết qua blog. Anh là người đầu tiên để lại comment trên blog của tôi từ thời còn Yahoo 360. Những tài liệu mà anh đã tìm kiếm và photo cho tôi đã giúp tôi tìm được những gợi dẫn cực kỳ cần thiết vào những lúc tôi loay hoay nhất trong việc giải quyết những giả thiết của luận án. Đó là Nguyễn An Khương, người mà tôi chưa từng tiếp xúc ở ngoài đời. Không biết Khương có còn nhớ điều này, rằng bạn chính là người đầu tiên giới thiệu cho tôi biết về trang gigapedia, mà nhờ có nó, gần như trong thời gian làm luận án, tôi đã được làm việc trong một môi trường tư liệu tham khảo còn phong phú và cập nhật hơn cả thư viện quốc gia. Tôi vẫn còn nhớ lần đầu tiên nhận được email của Khương cũng gần vào khoảng thời gian này trong ngày. Khương đã nhiệt tình download giùm tôi những bài báo tôi cần sau khi đọc được một comment của tôi trên blog của người khác. Sự hào hiệp của Khương, của những người như Khương, giờ nhớ lại, tôi vẫn thấy cảm động. Nếu tôi nhớ không nhầm thì hình như đã có dịp Khương ra HN và liên lạc với tôi nhưng không được. Tôi vẫn còn giữ cuốn sách “Miên man tùy bút” của Lý Lan, khi đó, muốn để tặng bạn nhưng rồi cũng lỡ dịp. Nhưng tôi tin rồi sẽ có ngày được gặp bạn. Đó là anh Phạm Quốc Lộc, một người bạn luôn hào hứng, nhiệt tình. Anh là người đầu tiên nói với tôi về giải cấu trúc, về translation studies, về nghiên cứu văn hóa. Những trò chuyện của anh là một dẫn nhập hữu ích để tôi tìm hiểu sâu hơn những vấn đề này. Cả ba người bạn, mà nhờ mạng, tôi có dịp được quen biết này, tôi đều xem là những cơ duyên may mắn trên con đường học hành của mình.

Tôi phải thừa nhận một điều: cái mà tôi được nhiều nhất trong quá trình làm luận án tiến sĩ này là được làm việc trong với lượng tài liệu tham khảo dồi dào, về cơ bản, thư mục mà tôi tham khảo có thể so được với các luận án trên thế giới đi cùng theo hướng nghiên cứu. Sự thuận lợi này một phần lớn là nhờ những người bạn của tôi: Đó là Nguyễn Phúc Anh, Lê Nguyên Long với những chia sẻ password để tiếp cận các cơ sở dữ liệu; là những tài liệu sách vở mà những bạn bè khác như Nguyễn Thanh Phượng, Ngô Vĩnh Long, Hồ Thị Hòa, Phạm Thị Hoài đã nhiệt tình tìm kiếm từ nước ngoài và gửi về. Bên cạnh đó, là những chia sẻ về ý tưởng, những góp ý, trao đổi của Ngô Thanh, Nhã Thuyên, Hà Thanh. Đôi khi từ những cuộc chát, từ những trao đổi nhiêu khi tưởng chừng vu vơ mà từ đó tôi lại lóe lên những suy nghĩ bất ngờ về vấn đề mình đang nghiên cứu. Xin cảm ơn các anh Hoàng Ngọc-Tuấn, Như Huy, Trần Nguyễn Anh, bạn Tôm Ngu… Và như thế để nói rằng, luận án của tôi in dấu ấn của rất nhiều bạn bè.

Những người bạn ấy còn giúp đỡ tôi rất nhiều, từ những việc nhỏ nhặt, với một sự hào hiệp, nhiệt tình như của người thân trong nhà. Xin cảm ơn chị Hồng Hà, Mai Liên, Trà My các bạn Ngọc Minh, Hải Phương, Diệu Linh, Thanh Tùng, Xuân Hương, Mạnh Hoàng vì tất cả những giúp đỡ của các chị, các bạn. Cảm ơn hai em học sinh của tôi – Văn Linh và Đức Anh – đã giúp đỡ trong việc in ấn, chế bản luận án.

Các bạn đã giúp tôi cảm thấy không đơn độc, cái cảm giác luôn có người song hành ngay cả những khi tôi mỏi mệt nhất. Và với tôi đấy là điều hạnh phúc mà tôi được trải nghiệm trong quá trình làm luận văn này.

2. Tôi luôn cho rằng, con đường học hành của tôi, từ cấp học phổ thông, vẫn là một con đường đẹp đẽ, may mắn. Một trong những điều may mắn nhất là tôi đã luôn được học với những người thầy vừa độ lượng, bao dung, nhưng đồng thời cũng là những người cực kỳ nghiêm túc, không cho phép học trò dễ dãi, tự mãn trong công việc. Và hơn hết, đó là đều là những người có khả năng truyền cảm hứng cho học trò. Và đấy là điều tôi luôn muốn học tập từ các thầy.

Thầy Trần Đình Sử với tôi là một người thầy như thế. Có thể chính thầy cũng không để ý rằng tôi là sinh viên cuối cùng của khoa Văn trường Sư phạm được thầy hướng dẫn khóa luận tốt nghiệp đại học. Và rồi đã đi theo thầy hơn 10 năm, cho đến bậc học tiến sĩ. Hơn 10 năm ấy, từ một cậu học trò rụt rè, có tâm lý sợ thầy (tâm lý cũng có phần dễ hiểu của những đứa sinh viên trước những giáo sư được xem là đại thụ trong ngành), dường như tôi đã có thể nhìn thấy thầy ở một khoảng cách gần hơn: để đôi khi thấy ngậm ngùi khi bắt gặp hình ảnh một vị giáo sư ngồi viền lại chiếc áo đã sờn cổ, để đôi khi chợt xót xa khi nhìn thấy dáng thầy tất tả trên đường, đôi khi lặng người khi được thầy chia sẻ về cảm giác về sự thiếu hụt của mình khi đối diện với tri thức mới, một sự chân thành cực kỳ hiếm hoi trong mối quan hệ thầy-trò, và để rồi lại thấy xúc động hơn khi vẫn bắt gặp sự háo hức, say sưa và quyết tâm của thầy khi đọc được cái gì mới, khi muốn làm một điều gì có ý nghĩa, muốn tạo ra sự thay đổi bất chấp tuổi tác, bệnh tật. Tôi chưa bao giờ dám hứa với thầy về con đường học thuật của mình khi nhìn thấy con đường của thầy đi cần rất nhiều can đảm, nghị lực và sự say mê.

Tôi biết ơn thầy vì chính thầy đã giúp tôi trở thành một người “mạo hiểm” trong tư duy, trong suy nghĩ cho dù ngoài đời tôi lại là hiện thân của kiểu sống phẳng lặng, cầu an. Cái con người sẵn sàng nổi loạn ấy trng tôi khiến tôi không có cảm giác ngại sự phức tạp, né cái gai góc trong cách lựa chọn và giải quyết vấn đề nghiên cứu. Và xét đến cùng đó cũng là cái được của luận án của tôi khi tinh thần chọn cái an toàn, chọn cái nhàn nhạt mà viết đang là xu hướng phổ biến của các đề tài tiến sĩ văn học bây giờ.

Còn có nhiều người thầy nữa mà tôi muốn nói lời tri ân. Đó là thầy Túc, người thầy cấp 3 của tôi, đã ghi trong bài kiểm tra văn cuối cùng của tôi năm lớp 12 một nhận xét rằng chuyện viết lách của tôi (mà chữ thầy dùng, đến giờ, tôi còn nhớ, là “đời viết”) sẽ không dừng ở bài kiểm tra ấy. Là thầy La Khắc Hòa, người với nhiều ý tưởng mang tính kích thích rất cao đối với tư duy của tôi. Là cô Lê Lưu Oanh, thầy Trần Lê Bảo…những người đã giúp đỡ tôi rất nhiều cả về vật chất lẫn tinh thần.

Với các thầy, tôi chỉ muốn nói rằng, được là học trò của các thầy, đấy là một niềm may mắn lớn.

3. Bố mẹ và các chị. Tôi luôn cảm giác mình có lỗi với gia đình. Tôi luôn có cảm giác rằng bố mẹ đã phải chịu đựng quá nhiều vì sự ích kỷ của tôi, vì cái hứng thú riêng hái hoa trên trời của tôi. Có những lúc nhìn ra xung quanh, tôi cảm thấy rõ ràng mình chỉ như ông tiến sĩ giấy, tôi vẫn chưa thể giúp cho bố mẹ, cho các chị nhàn nhã được một ngày nào. Trong hơn 10 năm qua, có những lúc gần như sóng gió ập xuống quá mạnh và liên tục đối với gia đình tôi, nhưng ngay cả khi ấy, bố mẹ và các chị vẫn là những người chống đỡ cho tôi, tôi vẫn là kẻ được an toàn nhất. Hơn 10 năm, gần như không phải làm việc nhà, kiếm tiền cũng không nhiều, tiếng tăm cũng không có, quan hệ cũng không, giờ nói lời cảm ơn gia đình có khác gì một lời nói xin lỗi. Đó là nỗi day dứt tôi còn mang theo.

4.  Nhưng dù gì thì gì, tôi vẫn cho rằng chặng đường mình vừa đi đã cho tôi những trải nghiệm quý giá. Tôi vẫn còn nhớ bằng giờ này năm ngoái, khi đang phải dồn sức viết những chương cuối cùng của luận án, có những ngày gần như tôi làm việc xuyên đêm, khi lực viết cạn cũng là lúc chập 5h sáng. Tôi đã đi bộ, một cách thong dong, đầu trống rỗng một cách nhẹ nhõm, trên con phố. Tôi đã hòa vào dòng người tập dưỡng sinh ở lăng Bác, đôi khi thấy những khoảnh khắc êm đềm, trong trẻo ấy thật vô giá. Đơn độc và bình yên, tôi quan sát mọi người: từ những ông bạn già rủ nhau đi tập thể dục, từ một cặp vợ chồng già lục tục dạy dọn hàng bán nước… Một nhịp sống có gì đó đều đặn, thanh thản, rất bình thường và cũng rất đẹp. Tôi đã lưu giữ những khoảnh khắc ấy như thể nó là một cái được cực kỳ vô hình, rất cá nhân và không gì so sánh được.

Nhưng ngày mai, sau ngày mai thì sẽ ra sao? Tại sao giờ này tôi lại sợ nghĩ đến ngày mai như thế? Chặng đường mới là gì? Có một khoảng trống rỗng vô hình, tôi không muốn nghĩ đến nó nhưng nó vẫn cứ lởn vởn trong đầu. Tôi hình dung rất rõ chiều mai mình sẽ trở về, sẽ ngủ một giấc dài, và sẽ tỉnh dậy trong sự mệt mỏi. Không phải vì những gì đã qua. Mà những gì đang tới.

Và tôi lại hoang mang. Như thể cách đây hơn 10 năm, khi tốt nghiệp trường đại học, mình cũng đã rơi vào trạng thái không trọng lượng như thế.

Phía trước là gì?