Hậu cấu trúc luận
Với tư cách một thuật ngữ, “hậu cấu trúc luận” cũng phức tạp không kém “hậu hiện đại”: Trước khi nắm được chữ “hậu” trong thuật ngữ này có ý nghĩa gì, ta cần phải biết đôi điều về cấu trúc luận mà về logic, nó xuất hiện trước hậu cấu trúc luận. Cấu trúc luận là hay đã từng là một trào lưu xuyên/liên ngành trong lĩnh vực nhân văn và khoa học xã hội, có tác động lớn nhất đến ngôn ngữ học, dân tộc học, nhân học và phê bình văn học. Về bản chất, cấu trúc luận quan tâm đến việc nghiên cứu hệ thống biểu nghĩa hay biểu tượng và tiền đề cơ bản của trào lưu này đã trao cho nó tên gọi: Đối với bất kỳ một hiện tượng biểu nghĩa có sẵn, phải có một cấu trúc chìm bên dưới khiến cho hành động biểu nghĩa trở nên khả hữu và chi phối hành vi này theo cách thức nào đó.
Chẳng hạn, để bất kỳ một hành động ngôn từ nào có thể hiểu được, phải có một ngữ pháp chung giúp giải thích trật tự từ cụ thể, mẫu câu, ví trị của chủ ngữ, động từ, bổ ngữ, v.v… Bất cứ một hiện tượng biểu nghĩa hay có ý nghĩa nào cũng tiền giả định một kiểu cấu trúc nào đó, một hệ thống luật lệ và giá trị mà nhờ đó hiện tượng này được tạo lập và bên trong cấu trúc này, ít nhất, nó có thể hiểu được ở cấp độ tối thiểu đối với những ai nắm được hệ thống này. Theo đó, nghĩa của từ “cấu trúc” trong thuật ngữ “cấu trúc luận” phần nào đó trùng với “tư tưởng hệ” (ideology) trong định nghĩa thứ hai về khái niệm này như là “ý nghĩa chung phổ quát” (“common sense”) có tính chất chỉ đạo – một thỏa thuận được chia sẻ song chủ yếu thuộc về vô thức – của một xã hội (social body).
Một ví dụ về cách phân tích theo kiểu cấu trúc luận: để một người hiểu một mệnh lệnh đơn giản trong tiếng Anh “Đóng cửa lại!”, cả người nói và người nghe nhất thiết đã phải nắm được một lượng rất đáng kể thông tin “cấu trúc”, cả về thứ ngôn ngữ mà họ đang nói và cả tình huống giao tiếp của họ lúc này. Hình thức mệnh lệnh là một hình thức đặc biệt khó nắm bắt trong tiếng Anh, nó dựa trên giọng điệu của lời nói và những vấn đề thuộc về ngữ cảnh (vị trí xã hội tương đối giữa người nói và người nghe, sự hiểu lẫn nhau của người nói và người nghe về “vấn đề” được tạo ra từ một cánh cửa còn mở ngỏ, v.v…) cũng như “nội dung” của thông điệp; bên cạnh đó, chủ thể của mệnh lệnh được hàm ẩn hơn là biểu hiện trực tiếp, do vậy, để biết có thật là bạn là đối tượng được nhắm đến hay không, xét một cách nghiêm ngặt, thì dường như không thể nhìn ra ngay được từ bản thân câu nói. Để hiểu được ý nghĩa của mệnh lệnh giản đơn này, bạn cần phải nắm được cả ngữ pháp tiếng Anh và tình huống trong đó câu nói này được phát ngôn.
Nói khác đi, một số “cấu trúc” phức tạp chìm bên dưới cần phải nắm được trước khi một hành động tượng trưng đơn giản được trao cho ý nghĩa, và chủ nghĩa cấu trúc quan tâm đến việc phát lộ những hiện tượng ẩn chìm này. Như Robert Scholes đã viết trong cuốn Structuralism in Literature [Chủ nghĩa cấu trúc trong văn học], “để tồn tại, bất kỳ một lĩnh vực khoa học nhân văn nào cũng phải chuyển trọng tâm từ những hiện tượng mà nó nhận ra đến cái hệ thống chi phối chúng” (14). Trên thực tế, người ta có thể nói rằng bước chuyển từ các sự vật sang các cấu trúc chi phối chúng là sự chuyển dịch mang tính trung tâm của mọi chủ nghĩa cấu trúc.
Lẽ dĩ nhiên, mỗi chúng ta, ai cũng vẫn luôn thể hiện những chuyển dịch cấu trúc luận như thế – từ một hành động tượng trưng cụ thể đến cấu trúc làm cho nó trở nên mang tính khả thụ (intelligible) – chúng ta chọn lựa, ít nhiều vô thức, các ký hiệu và biểu trưng theo các cấu trúc của tính khả thụ mà chúng ta đã học từ trước đó rất lâu. Thí dụ, trỏ ngón tay giữa nhằm vào ai đó, tự bản thân nó, là một hành động vô nghĩa, song nếu khi ta hiểu động tác này từ ngữ pháp cấu trúc của xã hội Mỹ, nó lại mang một ý nghĩa đặc biệt. Trên thực tế, quá trình quy chiếu (reference) thường xuyên mang tính tự động đến nỗi chúng ta nhận ra điều này chỉ khi nó bị phá vỡ theo cách nào đó, khi, chẳng hạn, ngôn từ và hình ảnh trở nên khó vì chúng bị “chồng mã” (over-coded) với sự đa bội của ý nghĩa (như trong ngôn ngữ văn chương hay thi ca) hay khi chúng ta tìm cách để hiểu một ngôn ngữ không quen hay tiếng nước ngoài-lúc đó chúng ta không biết được những cấu trúc xã hội và ngôn ngữ chìm bên dưới. Nói cách khác, khi chúng ta không biết hay không thể luận ra được các cấu trúc chìm của ý nghĩa thì ta mấy thấy rõ hơn bao giờ hết sự tồn tại của những cấu trúc này.
Câu hỏi thảo luận 1:
Hãy nhớ lại và mô tả lần gần đây nhất bạn ở trong một tình huống mà mình không hiểu được những cấu trúc chìm của ý nghĩa chi phối một cuộc chuyện trò. Một lần đến một đất nước khác chẳng hạn? Hay đến một vùng lân cận, một cửa hàng hay một quán bar ngay trong thành phố của mình? Đến dự một buổi tiệc cơ quan tại một nơi mà bạn không làm việc ở đó? Một trận cricket trên TV? Hay một buổi tối đi chơi với một nhóm người đều cùng làm một nghề – nha sĩ, chuyên gia máy tính, lái xe tải, thợ sửa đường nước, nhạc sĩ – và họ cứ nói không biết mệt về công việc hay sở thích của mình bằng một thứ ngôn ngữ có nhiều đặc thù mà bạn không hiểu?
Điều gì mà bạn cảm thấy không hiểu nhất khi ở trong một tình huống như thế? Hệ quả của điều đó đối với bạn là gì? Đó có phải là trường hợp mà bạn cần phải biết nhiều các cấu trúc phức tạp để bước vào những cuộc chuyện trò đơn giản?
*
Có lẽ diễn ngôn xác lập hệ hình cho chủ nghĩa cấu trúc là ngôn ngữ học của Ferdinand de Saussure. Chúng ta nhớ rằng Saussure đã phân biệt giữa ký hiệu vật chất (material sign) hay hành động ngôn từ (speech act) và các cấu trúc chìm – tương ứng lần lượt với cái được biểu đạt (signified) và ngữ pháp (grammar) – vốn làm cho những hành động tượng trưng như vậy trở nên có thể hiểu được. Saussure vẫn còn có ảnh hưởng quan trọng đối với hậu cấu trúc luận nhưng hậu cấu trúc đã soi rọi và chất vất cấu trúc luận tại chính điểm trọng tâm nhất của nó, tức sự chuyển dịch từ cái cụ thể (cái biểu đạt) sang cái cấu trúc chi phối nó (cái được biểu đạt).
Chắc chắn các nhà hậu cấu trúc sẽ đồng ý rằng ở vào một tình huống mà ta không hiểu một điều gì đó, những cấu trúc chìm của ý nghĩa sẽ trở nên hiển lộ rõ nhất: Khi người thợ sửa đường ống nước mô tả cho bạn một cách chi tiết hoạt động bên trong của một toilet, bạn sẽ nhận thấy anh ta đang liên hệ đến những cấu trúc mà bạn không hiểu; tương tự, khi bạn gọi một bữa sáng ở Đức và nhận về một thứ giống như là bữa trưa, bạn nhận ra-giống như Dorothy-mình không còn ở Kansas nữa. Bạn không nói sai nhưng “bữa sáng” trong tiếng Đức (cái mà người ta có thể gọi là cái được biểu đạt của bữa sáng) mang nghĩa khác với tiếng Anh.
Tuy nhiên, đối với những vở kịch nhỏ này, các nhà hậu cấu trúc luận sẽ bổ sung một quan sát khác: việc nhận ra mình không hiểu anh thợ sửa đường ống nước nói gì hay không thể gọi một bữa ăn sáng đúng nghĩa bằng tiếng Đức đồng thời cũng kéo theo việc nhận ra các cấu trúc của tính khả thụ không phải mang tính phổ quát hay trừu tượng. Khi hệ thống của bạn bị phá vỡ, bạn nhận thấy những cấu trúc chìm của ý nghĩa (những ngữ cảnh [context] tạo nghĩa) mỗi nơi một khác. Các cấu trúc của ý nghĩa, giống như bản thân ý nghĩa, không trừu tượng hay mang tính siêu nghiệm: Cái được biểu đạt (khái niệm bữa sáng, chẳng hạn) cũng mang tính cụ thể (phụ thuộc vào ngữ cảnh của ý nghĩa của nó) như cái biểu đạt (“breakfast” trong tiếng Anh hay “Fruhstuck” trong tiếng Đức); cái dường như là thứ ngữ pháp trừu tượng và phổ quát (bạn gọi món gì?) cũng cụ thể và có thể thay đổi như câu hay từ liên quan đến nó.
Đối với một nhà hậu cấu trúc luận, cả cái biểu đạt và cái được biểu đạt đều “võ đoán” (arbitrary) như thế này. Không có một liên hệ tất yếu (hay cấu trúc) nào giữa một từ và ý nghĩa của từ đó. Đây có lẽ là sự bổ sung quan trọng nhất của các nhà hậu cấu trúc luận cho cấu trúc luận: Ngay cả bản thân các cấu trúc bề sâu hay cấu trúc chìm của ý nghĩa cũng mang tính võ đoán; cái chúng ta coi là nguyên nhân (cause) của ý nghĩa hay tính khả thụ tự thân nó đã là một kết quả (effect); ở bất cứ chỗ nào mà bạn nghĩ bạn đang thấy cái tự nhiên (nature) thì hóa ra ở đó văn hóa (culture) đã hiện hữu.
Nói một cái gì đó mang tính võ đoán, về cơ bản, nghĩa là nói rằng nó dựa trên sự thiên vị mang tính chất cá nhân và vì thế mà cũng dễ thay đổi nó được. Hiểu như vậy, cái mà hôm qua bạn gọi là bữa trưa là “võ đoán”, tùy tiện – nó là một sự thiên vị mang tính cá nhân không có logic nào ở đây và có thể thay đổi theo từng ngày. Tất nhiên, đây không phải là sự võ đoán theo nghĩa mà Saussure dùng để nói về bản chất của cái biểu đạt. Trong tiếng Anh, bữa ăn giữa ngày hôm qua được gọi là “bữa trưa” (lunch) như nhiều năm trước nó cũng vẫn được gọi như thế và sẽ rất tốt nếu ngày mai và nhiều nhiều năm sau, nó vẫn tiếp tục được gọi như vậy. Bạn có thể thể hiện sự thiên vị cá nhân của mình khi gọi nó là “flanjor” nhưng đừng kỳ vọng bất cứ ai cũng hiểu bạn đang nói gì khi nói “Hey, nào đi ăn flanjor thôi”. Cái biểu đạt, mặc dù mang tính “võ đoán”, không phải là một sự thiên vị cá nhân.
Trên thực tế, như Saussure đã viết, “bản chất võ đoán của ký hiệu thực chất chính là cái bảo vệ ngôn ngữ khỏi những mưu toan muốn biến đổi nó”. Nghe có vẻ lạ: Nếu “võ đoán” nghĩa là không có mối liên hệ “tự nhiên” nào giữa cái biểu đạt và cái được biểu đạt (đó là mối liên hệ “bị kiến tạo về văn hóa”, đối lập với cái gọi là “tất yếu” [essential]), thì chẳng phải suy ra từ điều này, mối liên hệ đó sẽ dễ dàng thay đổi hay điều chỉnh hơn sao? Nếu mối liên hệ giữa từ và ý nghĩa là “võ đoán” hơn là “tất yếu”, thế thì chẳng phải tất cả mọi từ đều phụ thuộc vào “sự biến đổi” (modification) dễ dàng theo cách này sao?
Câu hỏi thảo luận 2:
Vậy thì nói một điều gì đó là “võ đoán” nhưng vì thế nó kháng cự lại sự thay đổi thì có nghĩa lý gì? Để thay đổi một điều gì đó, chẳng phải ta phải chỉ ra nó không phải “tự nhiên” và do đó, có thể bị thay đổi hay sao? Nếu cái biểu đạt là “võ đoán” hay đơn thuần chỉ là “bị kiến tạo về văn hóa”, tại sao không nhiều người muốn gọi “lunch” là “flanjor”?
*
Sau cấu trúc luận, nói một điều gì đó mang tính chất “kiến tạo văn hóa” hơn là “bản chất” hay “tự nhiên” cũng có nghĩa hàm ý muốn nói điều đó không khó để thay đổi: Nếu nó không phải là bản chất hay tự nhiên thì sẽ dễ dàng để biến đổi nó, phải không? Ồ, không. Lấy thí dụ, đa số mọi người sẽ đồng ý rằng những vấn đề cấp thiết nhất của thời đại này đều là những kiến tạo xã hội: đói nghèo, tội phạm, phân biệt đối xử, thuế má, chiến tranh. Ai cũng biết những vấn đề này là những kiến tạo xã hội; sự phân biệt đối xử không phải là hiện tượng “tự nhiên” cũng như những thứ thuế cao hay chiến tranh; con người trở thành những tín đồ mù quáng, họ không được sinh ra như thế. Thế nhưng thực tế này dường như lại chẳng có tác động gì lớn lên diễn ngôn về chủ nghĩa phân biệt chủng tộc hay giới tính. Phần lớn mọi người có lẽ đều đồng ý rằng vai trò của phụ nữ không đơn thuần chỉ là làm vợ, làm mẹ nhưng điều này không thay đổi được thực tế của sự phân biệt giới tính trong xã hội. Nói như nhà nữ quyền luận Eve Kosofsky Sedgwick: “Tôi nhớ sự nồng nhiệt thể hiện trên bề mặt khi các học giả nữ quyền luận chào đón những phát hiện về bản chất văn hóa, chứ không phải bản chất sinh học, của hình thức này hay hình thức kia của sự trấn áp. Tôi đã thường băn khoăn rằng cái gì là nền tảng cho niềm lạc quan của chúng ta về khả năng dễ uốn nắn của văn hóa mà bất kỳ một nhóm hay một chương trình nào có thể tạo ra”.
Thực tế cho thấy nếu sự phân biệt đối xử là một thứ “tự nhiên” và theo cách nào đó, nó có thể bị vô hiệu hóa về mặt khoa học thì nó còn dễ thay đổi hơn là khi người ta đồng ý rằng sự phân biệt đã là một hiện tượng kiến tạo xã hội ngay từ đầu. Các tập quán xã hội, trên thực tế, cực khó để thay đổi, không phải vì chúng mang tính “tất yếu”/”bản chất” mà chính là vì chúng ta đã quen với nó. Không có lý do nhất thiết nào để hầu hết các trận cầu Mỹ chỉ diễn ra vào ngày chủ nhật (cũng như không có mối liên hệ tất yếu nào giữa từ “football” và phiên bản Mỹ của môn thể thao này) nhưng việc không có lý do nhất thiết nào cho việc nó được diễn ra theo cách này chắc chắn không có nghĩa là thực sự dễ quyết định làm việc đó theo một cách khác.
Vì “võ đoán” nghĩa là “được kiến tạo về mặt xã hội” theo Saussure, tất yếu nó cũng có nghĩa là “kháng cự lại sự thay đổi”. Các tập quán xã hội đã trở nên thâm căn cố đế, và các quy ước xã hội, bởi thế, không thể thay đổi chỉ qua bất cứ một hành động của cá nhân nào. Ngôn ngữ, như Saussure chỉ ra, có lẽ là ví dụ tuyệt vời nhất cho điều này: Vì ngôn ngữ là một hệ thống xã hội về ý nghĩa mang tính võ đoán dựa trên những quy ước đã duy trì từ lâu nên nó có sức kháng cự rất cao đối với sự thay đổi. Thay từ “lunch” bằng từ “flanjor” khi từ “lunch” vẫn có một lực hấp dẫn trong cách sử dụng ngôn ngữ hàng ngày thì để làm gì? Chỉ ra một cái gì đó được kiến tạo hay được cấu trúc không giống với việc cuối cùng ta cũng hiểu được nó hay có thể bằng cách nào đó thay đổi nó toàn diện.
Tuy nhiên, trong nhiều biến thể của nó, cấu trúc luận mơ ước tìm thấy một kiểu cấu trúc phổ quát cho những hệ thống biểu tượng và một thứ tự nhiên có tính chất nền tảng nhất, xuất hiện trước bất kỳ một thứ văn hóa nào. Nhân học cấu trúc, chẳng hạn, đã lập luận rằng sự cấm kỵ loạn luân là cấu trúc nền tảng hay cấu trúc chìm của mọi hệ thống biểu tượng trong mọi xã hội. Như Jacques Derrida đã viết về tác phẩm của nhà nhân học cấu trúc Claude Levi-Strauss:
Xã hội, ngôn ngữ, lịch sử, cách diễn đạt (articulation)…được sinh ra cùng lúc với sự cấm kỵ loạn luân…vốn nằm ở bản lề giữa tự nhiên và văn hóa…[Sự cấm kỵ loạn luân], hơn thế, không đơn giản là một thành tố, giữa những thành tố khác, của văn hóa, vì nó là một lệnh cấm thiêng liêng và phổ quát. Nó là thành tố của bản thân văn hóa, cội nguồn không được công khai của những đam mê, của xã hội của ngôn ngữ.
Theo Derrida, một nhà hậu cấu trúc luận, cái đáng ngờ ở đây là phẩm chất “thiêng liêng và phổ quát” của sự cấm kỵ loạn luân mà Levi-Strauss khẳng định. Nói khác đi, điều đáng ngờ đối với một nhà hậu cấu trúc luận là dấu vết của một khẳng định mang hơi hướng thần học hay tính chất siêu nghiệm nào đó về “cấu trúc” theo quan điểm của cấu trúc luận. Tuy nhiên, các cấu trúc dường như chi phối các thực hành văn hóa bản thân chúng cũng là sản phẩm của các thực hành văn hóa. Đây là bài học của chủ nghĩa hậu cấu trúc và cũng là điểm nào mà nó dễ móc nối với chủ nghĩa hậu hiện đại nhất: Cả các nhà hậu hiện đại và hậu cấu trúc đều nhấn mạnh và làm nổi bật bản chất tạm thời của mọi khẳng định về sự thật/chân lý.Các sự thật/chân lý chỉ xuất hiện trong ngữ cảnh đặc thù, điều đó không có nghĩa bất kỳ điều gì chúng ta nghĩ cũng đúng cả (như ta thấy xuyên suốt văn bản này), mà đúng hơn là các sự thật/chân lý phụ thuộc vào các ngữ cảnh đặc thù.
Câu hỏi thảo luận 3:
Thuyết big bang dường như là một phiên bản khoa học được chấp nhận về sự ra đời của vũ trụ: Tất cả bắt đầu từ một khối khổng lồ vỡ ra từ một vụ nổ lớn. Vũ trụ sẽ mở rộng ra đến hết khả năng của nó và lại bắt đầu thu nhỏ lại, ghép tất cả những vì vỡ vụn lại thành một khối không phân hóa. (Lý thuyết này đồng thời cũng giúp giải thích thuyết trọng lực, thuyết entropy, thuyết nhiệt động lực học và hàng loạt các khái niệm khoa học khác.)
Vậy có điểm gì đáng ngờ về lý thuyết big bang từ quan điểm hậu cấu trúc luận?
Hải Ngọc dịch
Nguồn: Jeffrey Nealon & Susan Searls Giroux, The Theory Toolbox- Critical Concepts for the Humanities, Arts & Social Sciences, Rowman & Littlefield Publishers, Inc, 2003, p.131-140..