Lời người dịch: Loạt bài về Thời đại của những thứ “hậu” sẽ được giới thiệu trên blog này được tôi dịch từ cuốn The Theory Toolbox- Critical Concepts for the Humanities, Arts & Social Sciences của hai tác giả Jeffrey Nealon và Susan Searls Giroux; Rowman & Littlefield Publishers, Inc, ấn bản 2003. Đây là dạng sách nhập môn dành cho sinh viên ngành văn học, nhân văn, nghệ thuật, được viết dưới hình thức như là sự diễn giải các từ khóa đang thời thượng nhất, phức tạp nhất, có sức kích thích tư duy mạnh nhất trong những ngành học này. Cái hay của cuốn sách này là sự diễn giải được tác giả thể hiện bằng một thứ văn phong không quá hàn lâm, thậm chí còn có cả sự hài hước. Viết sách giáo trình mà tự nhiên như thế-đấy là điều mà tôi chưa hề thấy ở các giáo trình văn học hiện nay.
Việc dịch loạt bài này còn có một lý do là thời lượng trên lớp và áp lực thi cử đã không cho phép tôi có thể giảng các bài về chủ nghĩa hiện đại và chủ nghĩa hậu hiện đại. Đấy là điều đáng buồn khi hàng chục năm rồi, sinh viên chỉ cần học đến chủ nghĩa hiện thực và đi thi chỉ xoay quanh mấy bài văn có trong chương trình phổ thông là ổn. Tôi cũng nói ngay, bài dịch về chủ nghĩa hậu hiện đại này chỉ là 1 trong rất nhiều những dẫn nhập về chủ nghĩa hậu hiện đại mà thôi. Tôi không quả quyết nó là tài liệu hay nhất, nhưng nó được diễn giải trong sáng, vừa sức tiếp nhận của SV (theo tôi là vậy) và nhất là các câu hỏi thảo luận rất hay. Hy vọng các em có thể lúc nào đó dành thời gian để suy nghĩ về nó.
*
-Hậu
Dường như chúng ta đang sống trong thế giới của những thứ “hậu”: chúng ta là những kẻ thuộc về thời hậu hiện đại, hậu công nghiệp, hậu nữ quyền, hậu thực dân, và với sự xuất hiện của thư điện thử (e-mail), chúng ta còn trở thành những kẻ sống ở thời hậu bưu điện (post-post office) nữa. Chương này sẽ dành để nói về một vài thứ “hậu” như vậy, trong khi vẫn lưu ý đến lời khuyên được đưa ra ở phần đầu cuốn sách – luôn phải đặt mọi vấn đề trong ngữ cảnh – và áp dụng lời khuyên đó vào thời điểm hiện tại của chúng ta.
Chủ nghĩa hậu hiện đại (Postmodernism)
“Hậu hiện đại” là một trong những từ ngày nay đang bị vứt đi. Có lẽ chúng ta quen với “hậu hiện đại” như một tính từ được dùng để miêu tả các tác phẩm hư cấu của Thomas Pynchon hay Ishmael Reed; nhưng cũng cần nhớ rằng bộ phim Unforgiven của Clint Eastwood cũng được gọi là một “phim miền Tây hậu hiện đại”; Senfield được coi là một chương trình truyền hình hậu hiện đại; Stanley Tigerman, người thiết kế chuỗi quán café Hard Rock, cũng thường được gọi theo thói quen như là một kiến trúc sư hậu hiện đại; và những nghệ sĩ thị giác như Barbara Kruger (người chủ ý trình bày nổi bật thứ ngôn từ khiêu khích trên những tấm ảnh của mình) và Andy Warhol cũng được gọi là những nghệ sĩ hậu hiện đại theo cùng một dòng mạch. Nghệ sĩ trình diễn và là cựu ngôi sao phim khiêu dâm Anni Sprinkle gọi một trong những màn trình diễn của mình là “Hậu-Khiêu dâm-hiện đại” (Post-Porn-Modern). Còn có thể dẫn ra những ví dụ khác nữa: từ nhạc rap cho đến acid jazz rồi phim của anh em nhà Coen (như Fargo và The Big Lebowski); danh sách những thứ được gắn nhãn “hậu hiện đại” cứ được mở rộng ra theo từng ngày.
Người ta có thể băn khoăn, vậy tất cả những thứ hoàn toàn khác hẳn nhau liệu có thể có điểm gì chung? Làm thế nào mà “hậu hiện đại” (hay bất kỳ phạm trù nào, tương tự như thế) lại có thể bao quát được cả một tập hợp cực kỳ đa dạng gồm cả Snoop Dog, Clint Eastwood, Jerry Seinfeld, Anni Sprinkle và Andy Warhol? Dường như là bất khả, nhưng suy nghĩ xa hơn, ta có thể tìm thấy một số điểm kết nối chung. Dường như có một cảm quan về phong cách (style) được chia sẻ bởi rất nhiều thứ được gắn nhãn “hậu hiện đại”, một cảm quan về một sự đứt mạch hay một sự xáo trộn, chất mỉa mai, tính trò chơi, tính phản thân (reflexivity) có tính toán, một kiểu tách rời (detachment) lãnh đạm, một sự nhấn mạnh có chủ ý vào bản chất bị kiến tạo (constructedness) của mọi ý niệm được coi là mang tính tự nhiên, nỗi hoài nghi vào mọi kết luận chặt chẽ hay dễ dãi.
Đi theo cảm quan ban đầu này về hậu hiện đại, chúng ta có thể hiểu bộ phim Unforgiven của Eastwood là một bộ phim hậu hiện đại vì nó chơi giỡn với sự lưỡng phân thiện/ác vốn là đặc điểm của rất nhiều phim thuộc thể loại miền Tây; nó phơi bày một cách lạnh lùng và mỉa mai tính chất kiến tạo của huyền thoại miền Tây và trong suốt bộ phim, nó thách thức giá trị có vẻ như là tự nhiên của huyền thoại này: tên xạ thủ trong phim chẳng phải là một anh hùng hay một Thượng đế nào cả; hắn chỉ là tay giết người hàng loạt được mướn. Tương tự, Seinfeld là một chương trình truyền hình hậu hiện đại vì nó là một sitcom đặc biệt, nó chủ ý làm nổi bật và chơi giỡn với thực tế rằng chẳng có cái gì xảy ra trong các sitcom cả; chương trình thậm chí còn chẳng buồn có cốt truyện gì trong phần lớn thời gian và khi có thì đó lại là thứ cốt truyện rất giả tạo, đầy những ngẫu nhiên “được lên kế hoạch” thể hiện một cách lộ liễu và mang sắc thái lố bịch một cách chủ ý. Và việc sử dụng các sampling (mẫu nhạc) trong thể loại rap – tức là dùng những âm thanh được cắt từ các bản thu khác – luôn nhấn mạnh một sự thực rằng âm nhạc và âm thanh là thứ được kiến tạo (constructed), chúng được đặt bên cạnh nhau theo một cách nào đó để tạo ra một chuỗi hiệu ứng đối với người nghe. Nói như nhà sản xuất rap Hank Shocker: “Âm nhạc thực chất chỉ là một thứ tiếng ồn (noise) được tổ chức. Bạn có thể lấy bất cứ thứ gì – âm thanh đường phố, cuộc nói chuyện giữa chúng ta, bất cứ thứ gì bạn muốn – và biến nó thành âm nhạc bằng cách tổ chức nó” (Black Noise, 82).
Có lẽ tất cả điều này muốn nói rằng hậu hiện đại chuyên chú vào quá trình (process) hơn là sản phẩm (product): Một tác phẩm văn hóa “hậu hiện đại” là một tác phẩm liên tục chất vấn chính nó và cái ngữ cảnh mà dường như nó được đinh vị trong đó. Có lẽ, trên những nét sơ bộ, chúng ta có thể nói rằng những tác phẩm văn hóa hậu hiện đại không ngừng kêu gọi sự chú ý đến những cách thức mà theo đó, cả tác phẩm lẫn người xem đang kiến tạo, giải kiến tạo và tái kiến tạo ý nghĩa.
Vậy thì cuối cùng, người ta có thể nói Seinfeld là hậu hiện đại vì nó là một sitcom về sitcom và Unforgiven là hậu hiện đại vì đó là một phim miền Tây về chính các bộ phim miền Tây. Tương tự, nghệ thuật của Warhol chủ yếu nói về việc tạo ra nghệ thuật và cũng có thể nói rằng các kiến trúc hậu hiện đại xây dựng những công trình để nói về những công trình: Những hành lang không dẫn đến đâu, những rầm nhà được để lộ ra, những thang máy có thể nhìn thấu bên trong – tất cả đều cho thấy không gian là thứ được kiến tạo chứ không đơn thuần là thứ được tìm thấy. Và những kết cấu kiến trúc cố tình phức tạp như thế này buộc người sử dụng công trình phải suy nghĩ về khả năng những sự vận động của anh/chị ta có thể bị định hướng (thậm chí bị điều khiển) bởi các kiến trúc sư.
Tuy sự mô tả như thế này có thể giúp chúng ta có được những ý niệm bước đầu về hậu hiện đại nhưng đồng thời nó vẫn đặt ra một loạt những câu hỏi khác. Trong đó, câu hỏi cấp thiết nhất có lẽ không phải là chữ “hậu” ở đây có nghĩa gì mà là “hiện đại” có nghĩa gì? Nếu hậu hiện đại, ít nhất, biểu thị cái “xuất hiện sau hiện đại” vậy thì hiện đại là/đã từng là gì? Hiện đại đã qua chưa? Mà cái gì hiện đại? Nghệ thuật hiện đại? Lịch sử hiện đại? Hội họa hiện đại? Ái tình hiện đại? Cái gọi là rock hiện đại? Khi nào thời hiện đại bắt đầu cũng như kết thúc? Tại sao chúng ta không nhận thấy?
Trong lịch sử văn học, “chủ nghĩa hiện đại” (modernism) thường được hiểu là một phong trào nghệ thuật bắt đầu từ cuối thế kỷ XIX – đầu thế kỷ XX và kết thúc vào khoảng thời gian xoay quanh Thế chiến II. Như một phản ứng đối với chủ nghĩa lãng mạn hồi đầu và giữa thế kỷ XIX, chủ nghĩa hiện đại, với tư cách một trào lưu văn học, mỹ học, có xu hướng nhấn mạnh vào hình thức nghệ thuật hơn là cảm xúc lãng mạn; bởi thế thơ của Ezra Pound hay T.S.Eliot là hiện đại bởi nó mang tính chất vô ngã (impersonal), phức tạp, ám gợi (allusive), nhất là khi đối sánh với thơ lãng mạn của Wordsworth. Tương tự, phong cách văn xuôi hiện đại chủ nghĩa cô đọng và bị tỉnh lược mạnh của Hemingway tương phản rõ nét với các tiểu thuyết rậm rạp thời kỳ Victoria. Không phải chủ nghĩa hiện đại ruồng rẫy những cảm xúc chủ quan của chủ nghĩa lãng mạn mà là chủ thể hay bản ngã trong tác phẩm hiện đại bị nhiễu hóa cả về bình diện tâm lý lẫn thân thể. Kiểu hình ảnh chủ quan bị phân mảnh mà ta có thể cảm nhận được trong các tác phẩm theo khuynh hướng hiện đại chủ nghĩa của Picasso tương phản gay gắt với cách phối màu hiền hòa trong hội họa tân Lãng mạn của Monet.
Mặt khác, nếu bạn sang khoa Triết học và đăng ký học môn “Triết học hiện đại”, thế thì bạn sẽ phải bắt đầu học không phải từ Nietzsche ở cuối thế kỷ XIX. Trên thực tế, theo quan niệm phổ biến trong ngành triết học, thời kỳ “hiện đại” được mở đầu bằng Descartes (sinh trong thời của Shakespeare) và kết thúc ở đầu thế kỷ XIX. Triết học hiện đại ở đây hàm ý chỉ triết học về chủ thể tính từ Descartes đến Kant hay Hegel. Nếu bạn sang khoa Lịch sử để đăng ký học môn “Châu Âu hiện đại thời kỳ đầu”, bạn sẽ phải tìm hiểu lịch sử từ thế kỷ XVI hay XVII, chứ không phải từ đầu thế kỷ XX. Theo quan niệm phổ biến trong ngành lịch sử, chữ “hiện đại” ở đây ứng với lịch sử quá trình công nghiệp hóa, sự xuất hiện của các thành phố và hoạt động thương mại, bắt đầu sau thời kỳ trung cổ hay phong kiến.
Và làm cho vấn đề thật sự trở nên rối tinh, trong lĩnh vực văn chương và nghệ thuật thị giác, như ta đã thấy ở trên, chữ “hiện đại” chỉ một thời kỳ lịch sử theo sau chủ nghĩa lãng mạn, bắt đầu từ khúc ngoặt sang thế kỷ XX và chấm dứt vào năm 1945. Vì thế, nếu bạn theo học một khóa về “Tiểu thuyết hiện đại Mỹ” ở trường đại học của chúng tôi, bạn sẽ học về tiểu thuyết Mỹ giai đoạn từ 1890 đến 1945; sau 1945, khóa học này có tên “Tiểu thuyết đương đại Mỹ”, hay có lẽ người ta sẽ gọi nó là “Tiểu thuyết hậu hiện đại Mỹ”. Song, xem xét tất cả những điều này, dường như chúng ta nhận ra mình đã đi xa hơn- thay vì gần hơn-một định nghĩa cụ thể về chủ nghĩa hiện đại hay chủ nghĩa hậu hiện đại. Hậu hiện đại là một phong cách hay là một thời kỳ lịch sử? Hay đó là cả hai?
Trong bài luận “Toward a Concept of Postmodernism” [Hướng đến một khái niệm về chủ nghĩa hậu hiện đại” in trong cuốn The Postmodern Turn [Khúc ngoặt hậu hiện đại], Ihab Hassan đã liệt kê ra một danh sách những “khác biệt mang tính chất giản đồ” (“schematic differences”) giữa chủ nghĩa hiện đại và hậu hiện đại trong văn chương và nghệ thuật. Có lẽ việc nhấn mạnh đến một số những khác biệt mà Hassan đã liệt kê ra sẽ làm cho vấn đề chúng ta quan tâm trở nên rõ ràng hơn.
Chủ nghĩa hiện đại (Modernism) Chủ nghĩa hậu hiện đại (Postmodernism)
Hình thức (đóng) Phản hình thức [Anti-form] (Mở)
Tính mục đích Tính trò chơi
Tính thiết kế Tính ngẫu nhiên
Tính tôn ty Tính hỗn loạn
Thực thể nghệ thuật hoàn tất Tính quá trình/tính trình diễn
Gián cách Can dự
Tổng thể hóa (Totalization) Giải cấu trúc
Trung tâm Phân tán
Ẩn dụ Hoán dụ
Cái được biểu đạt Cái biểu đạt
Chiều sâu Bề mặt
Xác định Bất định
Bảng liệt kê của Hassan có xu hướng nhấn mạnh đến những khác biệt về phong cách (stylistic differences) giữa chủ nghĩa hiện đại và chủ nghĩa hậu hiện đại. Như ta đã thấy ở trên, cái bất ngờ, tính chất tra vấn, hình thức hướng đến tính quá trình của Seinfeld hay Unforgiven chính là những đặc điểm để người ta gọi những hiện tượng này là “hậu hiện đại”, để đối lập với tính tổ chức rất cao, tính tổng thể và hoàn kết của các chương trình TV hay các phim miền Tây truyền thống. Chính sự bất định (indeterminacy) và bất quyết (uncertainty) được tô đậm một cách chủ ý này làm nên phẩm chất hậu hiện đại của tác phẩm văn hóa.
Tuy nhiên, bảng liệt kê này – dẫu tiện lợi – cũng dẫn đến rất nhiều những vấn đề phức tạp. Thí dụ, bài thơ sáng tác năm 1922 của T.S.Eliot, “The Waste Land” (Đất hoang) là một kiệt tác của chủ nghĩa hiện đại song dường như nó hội tụ tất cả những dấu hiệu thẩm mỹ của chủ nghĩa hậu hiện đại: Bài thơ mang một hình thức mở gây ngạc nhiên, nó chủ yếu dựa trên “sự phân tán” thay vì “trung tâm”. Người ta cũng có thể nói như vậy đối với những nhà văn hiện đại chủ nghĩa nổi tiếng như Gertrude Stein hay William Faulkner: tác phẩm của họ có sự hiện hữu của tất cả những đặc điểm đánh dấu của chủ nghĩa hậu hiện đại. Thậm chí điều này còn trở nên phức tạp hơn rất nhiều nếu chúng ta nghĩ đến tính chất mở đáng kinh ngạc và sự phân tán cấu trúc trong một cuốn tiểu thuyết ở thế kỷ XVIIV- Tristram Shandy, hay ngay cả tác phẩm Canterbury Tales của Chaucer cũng có những đặc điểm này.
Song người ta cũng có thể giải quyết được vấn đề khó khăn này bằng cách nhấn mạnh nghĩa đen, mang tính lịch sử của hậu hiện đại: hậu hiện đại là thời kỳ sau hiện đại, sau khi Thế chiến II kết thúc, hay nói đơn giản là sau 1945. Dĩ nhiên, vấn đề nằm ở chỗ không phải mọi thứ được tạo ra ở thời kỳ này đều là “hậu hiện đại” nếu chiếu theo đặc điểm mà Hassan đã liệt kê ra. Chẳng hạn, tiểu thuyết của John Updike hay Joyce Carol Oates không dễ dàng vừa khít với chiếc áo “hậu hiện đại”. Do đó, định nghĩa khả dĩ nhất về hậu hiện đại là những tác phẩm nghệ thuật thể hiện những đặc điểm như tính đứt đoạn, sự mỉa mai và/hoặc mang tính phản thân được sáng tác sau 1945.
Câu hỏi thảo luận 1:
Theo định nghĩa này, tại sao mốc 1945 lại quan trọng? Những gì đã xảy ra sau 1945 dường như đã làm thay đổi thế giới, đời sống và ý thức của chúng ta theo những chiều hướng mang tính cách mạng?
Một khi bạn đã xác định một định nghĩa về hậu hiện đại thì câu hỏi kế tiếp, có tính logic, ngay lập tức ám ảnh bạn là: Thế nghệ thuật “hậu hiện đại” có gì hay, có gì thú vị? Trong rất nhiều những diễn ngôn phê bình gần đây trên các báo và tạp chí, những đặc điểm đánh dấu chủ nghĩa hậu hiện đại- sự đứt mạch, tính mỉa mai, sự phản thân, sự xáo trộn cố ý, sự lãnh đạm-hoặc được tung hô hoặc bị phủ định theo những cách quen thuộc: Chủ nghĩa hậu hiện đại, họ bảo, tôn vinh sự tự do của cái khả nhiên nhưng đồng thời nó cũng làm cho việc tạo ra các hiệu lực hay các quyết định cụ thể trở nên bất khả. Chủ nghĩa hậu hiện đại giải huyền thoại các trung tâm luận của siêu hình học phương Tây: logos, dương vật, Châu Âu và trong quá trình này, nó giữ nguyên hiện trạng vốn có vì nó bỏ lại chúng ta mà không chỉ cho phương hướng nào. Tác phẩm nghệ thuật hậu hiện đại nhấn mạnh đến sự phức tạp của thời đại chúng ta đang sống, do đó, nó vẫn còn tính chất của một thú tiêu khiển đặc tuyển dành cho một tầng lớp da trắng “nhiều chữ” thư nhàn, những kẻ “hiểu được chuyện cười”.
Câu hỏi thảo luận 2:
Có lẽ những câu hỏi xoay quanh “hậu hiện đại” rốt cục là: Nghệ thuật hậu hiện đại có đặt ra những câu hỏi lý thú đòi hỏi bạn phải trả lời không? Hay nó chỉ bắt bạn mỉm cười một cách ranh mãnh nếu bạn là bộ phận của cái đám đông trong câu chuyện cười đó? Chủ nghĩa hậu hiện đại, nói khác đi, là một hiện tượng phản động hay tiến bộ? Đây là câu hỏi sẽ dẫn đến những tranh cãi sôi nổi xung quan chủ nghĩa hậu hiện đại và vì thế nếu bạn đứng lớp, hãy sử dụng ví dụ của bạn hoặc một vài ví dụ mà chúng tôi đã đề cập đến như Seinfeld, Unforgiven, Hard Rock Cafes, Warhol Pynchon.
Chẳng hạn chúng ta có thể bắt đầu với hai bức tranh mà nhà phê bình Frederic Jameson đã chỉ ra như là hai đại diện tiêu biểu cho mỗi thời đại của chúng: bức tranh Peasant Shoes của Vincent Vangogh (hiện đại chủ nghĩa) và Diamond Dust Shoes của Andy Warhol (hậu hiện đại). Hãy suy nghĩ về những khác biệt giữa hai bức tranh này – Đấy là câu hỏi dành cho giờ thảo luận trên lớp.
Nguồn: Jeffrey Nealon & Susan Searls Giroux,The Theory Toolbox- Critical Concepts for the Humanities, Arts & Social Sciences, Rowman & Littlefield Publishers, Inc, 2003, p.125-131.