Một người bạn nhờ tôi dịch giúp mấy bài thơ Tây Ban Nha. Nhờ đó, mà tôi mới lục lại trong máy tính của mình những bài thơ mà tôi đã tập tọng dịch cách đây khá lâu và đã bỏ quên nó. Dịch thơ với tôi chỉ là dịch cho mình, cho những cảm giác của mình, và rất nhiều khi tôi ngại chia sẻ, vì việc dịch này thường trả lại tôi một cảm giác bất an bởi sự chênh vênh trong ngôn ngữ của mình.
Chiều nay đọc lại mấy bài thơ. Đặc biệt thích bài của Luis Cernuda. Tôi đã bần thần ngồi nhớ lại mình cũng đã từng có những khoảnh khắc bình yên như thế, “sống với toàn bộ sức mạnh dịu dàng” của bản thể và sẽ rất khó để tìm lại những khoảnh khắc ấy.
Bởi thế, nhớ và buồn
*
Federico García Lorca
Cà phê Flamenco[1]
Những ngọn đèn pha lê
và những tấm gương xanh
Trên sân khấu tối kia
Parrala vẫn đang đối thoại
cùng Tử thần
Nàng gọi Tử thần
nhưng Tử thần im lặng
và nàng lại gọi mãi, gọi mãi
Người khán giả ngồi xem
như nuốt cơn nức nở của nàng
và trong những tấm gương xanh kia
chiếc váy lụa của nàng
rung lên nhè nhẹ
Lời trăn trối
Khi tôi chết
Hãy chôn tôi với cây đàn guitar
dưới cát
Khi tôi chết
Hãy chôn tôi giữa những hàng cam
và bạc hà
Khi tôi chết
nếu thương tôi, xin hãy chôn
dưới một chiếc chong chóng gió[2]
Khi tôi chết.
Hải Ngọc dịch
Chuyển ngữ theo bản Anh văn “Café Flamenco” và “Memento”, trên tạp chí Ploughshares số Mùa đông 2005-2006.
Luis Cernuda
Cậu bé sau cửa kính
Ngày đã tắt. Vẩn vơ suy tư
Sau ô cửa sổ kia, cậu bé lặng nhìn
Mưa. Ánh sáng thắp lên
Từ ngọn đèn đường
Tương phản với màn mưa trắng
Tương phản với khoảng không gian đang phủ dần bóng tối
Căn phòng đơn độc
Tỏa toàn bộ hơi ấm ôm bọc lấy em
Và rèm cửa, rủ xuống
Tấm kính, như một đám mây
Thì thầm lời phù chú của mặt trăng
Ngôi trường trôi dạt đi. Giờ là lúc
Để giải lao, với cuốn truyện
Và những bức tranh
Dưới ngọn đèn, và đêm,
Và những giấc mơ, những khắc giờ vô tận
Em đang sống với tất cả sức mạnh dịu dàng của mình
Nhưng không ham muốn, không ký ức
Em không biết
ở ngoài kia thời gian vẫn đứng chờ
và cuộc đời đang rình rập
từ cái bóng của em, viên ngọc trai đang được tượng hình.
Hải Ngọc dịch
Dịch theo bản tiếng Anh của Stephen Kessler, “Child Behind Glass”, trên tạp chí The Threepenny Review, Số 5 (Số Mùa xuân 1981), trang 21.
[1] Flamenco: Là một thể loại nhạc gắn kèm với vũ đạo đặc trưng của miền Nam Tây Ban Nha. Nhân vật Parrala là một nữ nghệ sĩ chuyên biểu diễn thể loại này trong các quán bar Tây Ban Nha, người đã đem nguồn cảm hứng cho Federico Garcia Lorca để viết nên bài thơ này.
[2] Nguyên văn : weather vane, chong chóng gió. Trong kiến trúc phương Tây, đặc biệt là ở các nhà thờ, tháp canh…chong chóng gió được xem như một vật trang trí gắn ở đỉnh cao nhất của công trình.