Monthly Archives: Tháng Tư 2010

âm nhạc – Tịnh tâm khúc – Hoàng Quốc Bảo

Trong những buổi chiều nhạt như thế này, âm nhạc của Hoàng Quốc Bảo là một thứ âm nhạc rất dễ khơi gợi hoài niệm, những hoài niệm mơ hồ, thuộc về tiềm thức hơn là thuộc về một vùng xác định của trí nhớ. Những hoài niệm vô định ấy, như một nguồn nước lặng lẽ, lấp đầy trạng thái phẳng lặng trống rỗng của nội tâm ta.

Tịnh tâm khúc là album được thực hiện ở hải ngoại đầu những năm 1980 thế kỷ trước. Cho đến giờ hầu hết các ca khúc trong album này không được các ca sĩ hát lại và tên tuổi của Hoàng Quốc Bảo cũng ít được nhắc đến như một thành tựu rất cần ghi nhận của âm nhạc hải ngoại. Với cá nhân tôi, Hoàng Quốc Bảo là một trong số hiếm hoi các nhạc sĩ có thể quy tụ cả nhạc – họa – thơ – triết – tôn giáo vào trong tác phẩm của mình. Theo một thông tin của nhà thơ Du Từ Lê thì tác giả Hoàng Quốc Bảo nay đã đi xuất gia tu hành.

Nhạc của Hoàng Quốc Bảo ở album này là một thứ âm nhạc có khả năng khơi gợi mạnh mẽ những liên tưởng hội họa. Có khi đó là những bức tranh độc sắc, với gam màu đạm nhạt, bàng bạc, phởi mở không gian mà dường như con người tiệm cận nó sau một hành trình đầy mỏi mệt, nhiều tổn thương. Nơi đó con người thấy được Hư Vô – con người vừa đứng lặng chiêm ngắm Hư Vô, thanh thản như một thiền sư “lên non quảy mộng” để rồi nhìn nhân gian gian còn bé lại “tẻo teo” vừa có chút gì đó ngậm ngùi như thể mọi thứ đều trôi tuột qua kẽ tay, đều phiêu tán như bụi. Có khi lại lộng lẫy, óng ả như một bức cổ họa phương Đông. Sự phát triển giai điệu trong ca khúc của ông có khi dàn trải, thâm trầm với âm hưởng bi cảm, lại có khi phát triển với sự thanh thoát bất ngờ như trong “Thuở theo nhau” hay “Người về như bụi”. Và thật là nghịch lý, nhạc của Hoàng Quốc Bảo hát lên để khiến người ta trầm tư, nghe thấy rõ hơn chính sự im lặng. Sự im lặng ấy có ý nghĩa hơn mọi sự hiểu, mọi sự cảm thấy khác. Sự im lặng như là hệ quả khi tâm hồn được gột rửa khỏi những tạp âm từng làm ta nhiễu loạn.

Trong album này, bài hát mà tôi thích nhất là “Thuở theo nhau” do Thái Hiền và Mai Hương song ca. Bài hát được phổ theo bài thơ “Một thuở buồn như sông” của Hoàng Chính Nghĩa:

Theo sông vào trăm sóng
Sóng như ta bạc đầu
Người năm xưa cũng vội
Theo mộng buớc qua mau

Theo mây vào bóng núi
Ta chia núi quạnh hiu
Mỗi năm lòng mỗi nhuốm
Nỗi trời rộng tiêu điều

Theo mưa vào bóng lá
Ngó lên tợ mắt ai
Ta nổi trôi như bọt
Chỉ còn áo sờn vai

Theo chim vào cuối gió
Như thầm nợ trời xanh
Ta gởi cọng rơm nhỏ
Đi tìm mộng không thành

Theo hoa vào sân nắng
Ta và nắng mang mang
Tiếc người xưa đã uổng
Không đến theo hoa vàng

Theo sương vào nhánh cỏ
Ta nhớ mộng đêm qua
Có con trăng ngày đó
Đã xa ta như là

Theo em vào một thuở
Bụi mấy bước đi sau
Mấy năm ta như khói
Đến nay thơ còn sầu

Hoàng Chính Nghiã, 1977

List bài hát trong album:

1. Chốn Bụi
2. Thanh Xuân Đánh Giấc Ngậm Ngùi
3. Tình Mặc Nét Ai Cười
4. Thuở Theo Nhau
5. Hồ Như
6. Tháng Ngày Gió Xóa
7. Tango Xanh
8. Người Về Như Bụi
9. Quán Lạ
10. Ở Rừng Thu Illinois Ta Nhớ Em
11. Lên Non Quảy Mộng
12. Cuối Trời Mây Trắng Bay

Link download:

Part 1: http://www.megaupload.com/?d=DAM3V8MA
Part 2: http://www.megaupload.com/?d=A3UQC3SG

(Rất tiếc tôi chưa tìm được version audio online của bài Thuở theo nhau. Nhưng cũng xin giới thiệu một bài hát khác tôi rất thích trong album này, bài “Người về như bụi”, phổ thơ Du Tử Lê, qua giọng hát Kim Tước):
http://www.nhaccuatui.com/nghe?M=HXfgXHV0Kp

tư liệu tham khảo – lý thuyết trò chơi (theories of play/freeplay)

Các lý thuyết về sự chơi/sự chơi tự do (Play/freeplay, theories)

Gordon E. Slethaug

Những năm gần đây, đã có một số bài báo và chuyên luận được xuất bản quan niệm sự chơi (play) không chỉ như một “diễn ngôn lý thuyết” mà còn như “một lĩnh vực nghiên cứu khoa học, dần dần trải rộng trong thể kỷ của chúng ta… lan đến cả sinh học, phong tục học, động vật học, nhân chủng học, xã hội học, tâm lý học, giáo dục, kinh tế, khoa học chính trị, chiến tranh hiện đại, điều khiển học, thống kê học, vật lý, toán học và triết học khoa học” (Spariosu, Dionysus Reborn). Dĩ nhiên, chơi không phải là khái niệm mới, song những nghiên cứu này đã kết tinh thành một khuynh hướng vẫn đang tiếp tục phát triển từ 200 năm qua, theo đó, sự chơi được nhìn nhận như là nhân tố ảnh hưởng mạnh đến hoạt động và suy nghĩ của người trưởng thành theo một cách tích cực.

Mặc dù phạm vi ý nghĩa và cách sử dụng từ “chơi” không phải là vô hạn, bảng liệt kê của Spariosu cho thấy khái niệm này có thể thích ứng với lý thuyết văn học đến mức độ nào trong khi vượt xa khỏi phạm vi của lĩnh vực này. Tóm lại, nếu sự chơi, với tư cách là một thuật ngữ, có thể phần nào khá sáng rõ thì định nghĩa về nó và quan niệm về chức năng của nó lại phụ thuộc vào các thời kỳ lịch sử, cũng như phụ thuộc vào từng nhà văn cụ thể và nguyên tắc nghệ thuật của họ.

Nền tảng lịch sử

Những khái niệm sớm nhất về sự chơi đối với người trưởng thành có lẽ liên quan đến các cuộc thi đấu điền kinh và sự giao tranh trận mạc cũng như quan niệm về cuộc đấu tranh giữa các thành tố và các thế lực thần linh. Những nhà tư tưởng tiền-Socrates, như Heraclitus, đã hình thành khái niệm về sự chơi trên nền tảng những cuộc giao tranh về mặt thể chất giữa con người và sức mạnh thần thánh (agon và athlon), “các thế lực khiêu chiến, vô ngã” (eris, polemos), và những cuộc đấu mang tính chất lý trí qua đó làm phát lộ “cái ý chí tùy tiện của các vị thần mà con người buộc phải phục tòng” (Spariosu, Dionysus Reborn 15). Platon và Aristotle, ở một mặt khác, lại xem xét sự chơi từ một quan điểm duy lý hơn, theo đó sự chơi bao hàm tính trình diễn (performativeness), tính mô phỏng, sắm vai và sự giải trí có tính chất trẻ thơ. Trong Phaedrus, Plato dường như có thành kiến đối với sự chơi (play, paideia) hơn là trò chơi (game, ludus). Theo ông, chơi (play) là một hoạt động không hề được cấu trúc hóa trong khi các trò chơi (games) lại là các hoạt động mang tính cấu trúc với những chỉ dẫn, luật lệ, mục tiêu. Trong mắt Plato, trò chơi (games) cung cấp mô thức cho trẻ nhỏ và những người chưa trưởng thành, trong khi sự chơi thuần túy (mere play) là thứ hoàn toàn phù phiếm.

Quan điểm của Plato hầu như không hề bị thách thức suốt nhiều thế kỷ, và phải đợi đến thế kỷ XVIII-XIX, khi các triết gia như Kant, Schiller và Nietzsche đưa ra những mô hình hiệu chỉnh, sự chơi lúc đó mới được coi là hữu ích, có thể đem ứng dụng đối với lý thuyết văn học.

Trước tác của Immanuel Kant thường được xem là bước ngoặt phê phán trong quá trình khái niệm hóa sự chơi, bởi ông đã kết nối phán đoán thẩm mỹ và nghệ thuật với sự chơi, xem chúng độc lập với nhận thức và những khẳng định chân lý của khoa học. Là một hình thức của sự chơi, nghệ thuật, tự thân nó, mang tính bộc phát, tự do, vui tươi; nó được giải phóng khỏi việc nhất thiết phải xoay quanh thực tại, phải mang tính tượng trưng (representational), phải nói lên một điều gì đó; nó có thể xác nhận sự độc lập của nó và chơi với những quan niệm khác nhau về thực tại mà không bị trói buộc bởi một nội dung đặc thù nào. Song về mặt phương pháp, Kant ưu ái những thứ nghệ thuật mang tính trật tự, cân đối hơn là những thứ nghệ thuật khiêu khích cảm giác; sự chơi, do vậy, nên được sử dụng để tạo nên một hình thức nghệ thuật nào đấy.

Một trong những người đầu tiên phát triển luận điểm được đề xuất bởi Kant là Friedrich Schiller. Trong On Aesthetic Education of Man in a Series of Letters [Những lá thư bàn về mỹ dục], ông xây dựng giả thuyết rằng, sự chơi, vốn tự thân là một động lực bộc phát, có chức năng duy trì sự cân bằng giữa hai động lực chủ đạo khác – cái kinh nghiệm (vật chất, cảm tính) và cái lý tính, cái thuộc về tư tưởng (hình thức và trừu tượng). Ông ban cho sự chơi một địa vị quan trọng đáng kể, không chỉ trong mối quan hệ giữa nó với nghệ thuật mà đặc biệt, còn ở tác động của nó đối với sự phát triển nhân cách, bởi sự chơi cho phép con người hiện thực hóa đầy đủ những tiềm năng của mình. Theo Schiller, sự chơi là một đặc trưng không thể thiếu được của nhân tính, đặc biệt phát huy hiệu lực, giống như nghệ thuật, trong tư cách một ảo ảnh tự ý thức, khi nó chịu sự chi phối của lý trí. Với việc trao cho sự chơi một vai trò nổi bật như vậy trong sự phát triển nhân cách, Schiller đã xác lập “mô thức cho tất cả những tranh luận ở thời hiện đại về sự chơi, những tranh luận bao giờ cũng bao hàm sự phân cực giữa một bên là sự chơi và một bên là cái nghiêm túc… trong đó, sẽ luôn có một bên được thiên vị hơn bên kia” (Spariosu, Dionysus Reborn 59). Khái niệm của Schiller đồng thời cũng nhấn mạnh “hai nét nghĩa bất khả giản lược và thường mâu thuẫn nhau của sự chơi: hành động tự giác tự do (free voluntary action) và chuyển động ngẫu nhiên (randon motion).

Nếu Kant và Schiller tái định nghĩa sự chơi, khiến nó trở thành một khái niệm hữu dụng cho thời hiện đại thì Friedrich Nietzsche chính là người đã giải phóng nó khỏi những câu thúc của lý trí. Trong các trước tác của mình, bao gồm Ecco Homo, The Gay Science và The Birth of Tradgedy, Nietzsche đã chống lại chủ nghĩa duy tâm và luân lý truyền thống, thay vào đó, ông muốn gắn mình với tinh thần Dionysus vốn chịu đè nén và sự phá hoại của nó trong nhiều hình thức khác nhau. Tuy luôn đề cập đến tính nhị nguyên trong hành vi của con người – vừa có khía cạnh của Apollon vừa mang tính chất của Dionysus, vừa duy tâm lại vừa duy vật, v.v… – nhưng ông tin rằng phương thức hiệu quả nhất để phá vỡ những đặc quyền và tôn ti văn hóa mặc định nào đó là thông qua tinh thần của sự chơi. Chơi, như một sự phi lý, phi lý trí có tính chất vượt ngưỡng, có khả năng hiệu chỉnh sự không cân bằng trong văn hóa và tư tưởng. Và nghệ thuật, giống như sự chơi, tách biệt khỏi những mô thức của lý trí chiếm giữ đặc quyền, thúc đẩy sự xáo trộn và rối loạn, thách thức và hướng công chúng đến những quan niệm mới về thực tại.

Những lý thuyết đương đại

Trong lý thuyết văn chương đương đại, ba cách tiếp cận sự chơi đáng chú ý hơn cả là: tiếp cận chính trị (Bakhtin), thông diễn học (Gadamer), và giải cấu trúc (Derrida, Lacan, Foucault, Barthes, và Kristeva).

Lý thuyết chính trị về sự chơi có lẽ thể hiện rõ nét nhất ở Bakhtin, với những tư tưởng về văn bản và sự tưởng tượng chịu ảnh hưởng sâu sắc bởi Marx và Nietzsche. Tương tự Nietzsche, Bakhtin cho rằng sự chơi có thể phá vỡ những hình thức bền vững của ý thức và hành vi xã hội. Bằng việc chơi với những tư tưởng được đặc quyền, tưởng tượng và đứng về phía đối lập với chúng, nhà tư tưởng có thể biến một trò chơi “nếu như” thành những phương tiện trực tiếp tạo ra sự thay đổi xã hội. Song Bakhtin không phải chỉ là một nhà siêu hình (hay là một nhà siêu ngôn ngữ học, như ông thích gọi mình hơn), mà là một người theo chủ nghĩa xét lại về xã hội và ông quan tâm đến cách mà trò chơi tác động đến xã hội theo một nghĩa mang tính giả thuyết nhiều hơn. Lấy những lễ hội carnival thời trung cổ và Phục hưng làm minh họa, ông khám phá trò chơi có thể phơi bày những hình thức hành vi và sự lạm dụng chúng trong một hệ thống xã hội như thế nào, có thể đưa đến một sự hiệu chỉnh thông qua tiếng cười, và từ đó ảnh hưởng đến sự đổi thay xã hội như thế nào. Sự chơi, khi được cấu trúc như một hoạt động biểu diễn công cộng, có khả năng tạo ra sự vượt ngưỡng, phá vỡ và cách mạng xã hội. Văn học cũng có thể tạo nên những kết quả nhắm thẳng vào những căn bệnh chính trị và xã hội: sự dí dỏm và hài kịch (carnival hóa) có thể được vận dụng để chơi với và làm phát lộ những hoạt động bất công đồng thời gợi ý những phương thức khắc phục đặc thù. Carnival hóa nằm trong động thái vượt ngưỡng của văn chương, mà với động thái này, một căn bệnh xã hội cụ thể sẽ bị giễu nhại, bị đẩy đến độ thái quá và sự tồn tại của nó trở thành cái đáng cười. Sự chơi vượt ngưỡng vừa là một tác nhân hiệu lực dẫn đến sự đổi thay xã hội đồng thời vừa là chính bản thân sự đổi thay xã hội.

Quan điểm của Hans-Georg Gadamer về sự chơi ít mang tính chính trị hơn nhiều. Đối với Gadamer, chơi là một hoạt động tự nhiên, và giống như bản thân tự nhiên, nó “không có mục đích hay chủ ý”. Tuy nhiên, nó có thể dẫn đến những hoạt động khác như trò chơi và nghệ thuật, những hoạt động vốn có mục đích và mang tính cấu trúc. Sự chơi, vốn được đặc trưng bởi tính chất tự biểu hiện (self-representation) và tự vận động (self-movement), được đẩy đến hình thức cao nhất của nó là nghệ thuật, vốn luôn xoay quanh những quan niệm về sự thật và ở đó, khách thể (nghệ thuật hay trò chơi) và chủ thể (khán giả, người diễn giải và người chơi) tạo thành một mối quan hệ năng động mà chỉ có thông qua ngôn ngữ, nó mới có thể hiểu được: nguyên tắc thông diễn của tác phẩm nghệ thuật là một “sự tương tác luôn ở trong trạng thái triển diễn giữa truyền thống và người diễn giải” (Spariosu, Dionysus Reborn 140).

Cho đến nay, những lý thuyết nổi bật nhất về sự chơi chính là những lý thuyết của các nhà giải cấu trúc luận. Những đại diện tiêu biểu thuộc khuynh hướng này bao gồm Jacques Derrida, Michel Foucault, Roland Barthes, Jacques Lacan, Julia Kristva và Jacques Erhmann. Ở một chừng mực nhất định, những lý thuyết gia này đều có quan điểm phi chính trị về sự chơi, nhưng họ cũng thể đưa ra phản biện rằng, thông qua một sự kiến giải văn hóa nhất định, người ta có thể tạo ra những điều kiện những hành động cá nhân, xã hội và chính trị dẫn đến sự thay đổi. Người phát ngôn quan trọng nhất cho quan điểm này là Derrida. Những trước tác của ông như Of Gramatology, Writing and Difference nằm trong số những công trình đầu tiên bàn về vấn đề này một cách bao quát. Derrida phát biểu rằng ý nghĩa là cái không thể khả hữu ngoại trừ thông qua các ký hiệu (signs) và tính chất phi giới hạn của sự chơi được đồng nghĩa với “sự vắng mặt của cái được biểu đạt siêu nghiệm” (Of Gramatology 50). Theo ông, những khám phá về ký hiệu khởi đầu bởi các nhà ngôn ngữ và triết gia như Ferdinand de Saussure, Louis Hjelmslev, và C.S.Pierce đã khẳng định ngôn ngữ và sự tạo thành ký hiệu tương tự và cùng tồn tại với sự chơi.

“Sự chơi tự do” (freeplay), một thuật ngữ được các nhà giải cấu trúc luận sử dụng thường xuyên, ban đầu được đề xướng bởi Derrida. Trong tiểu luận “Structure, Sign and Play in the Discourse of the Human Sciences”, ông đã đồng nhất ngôn ngữ và mọi ý nghĩa như là một “trường chơi tự do” (a field of freeplay). Theo quan điểm của ông, xã hội cố gắng tổ chức và cấu trúc sự chơi tự do – của ngôn ngữ, tư tưởng và các hoạt động xã hội – để hình thành nên những tôn ti thứ bậc, để ưu tiên cho một số hình thức diễn đạt hơn một số hình thức khác, để một số tư tưởng được xem như hiển nhiên, mang tính siêu nghiệm hay được coi là “hiện hữu” (presence). Derrida cho rằng, tất cả những nguyên tắc tổ chức đều là những kiến tạo mang tính chất xã hội, đều là những nguyên tắc nằm trong những nguyên tắc khác, ngay cả khi chúng được trao cho địa vị tối thượng. Cách ông tiếp cận vấn đề tôn ti hay trung tâm này là chứng minh rằng cho dù ngôn ngữ, logic và sự hiểu vốn dĩ đan bện với nhau thì vẫn có thể hóa giải địa vị trung tâm của chúng bằng một sự tháo dỡ kiên nhẫn. Bằng việc chứng minh rằng những gì được xem là “tự nhiên” hay “nên-là” thực chất là những kiến tạo văn hóa và được hình thành theo những hành vi và hoạt động bên trong một ngữ cảnh có sẵn nào đó, Derrida đã phơi bày những “kẽ hổng”, những khiếm khuyết hay những điểm đáng ngờ – những nứt rạn, gãy vỡ, gián đoạn – trong những luận đề được cấu trúc một cách cẩn thận; ông đã giải trung tâm những quá trình biện luận và hình thành ý nghĩa mang được coi là chuẩn mực, khiến người đọc nhận thức được sự sai lầm của những chỉnh thể được thống nhất lại, tổng thể hóa, và cho phép trò chơi tự do của những biến thể khác diễn ra. “Trò chơi tự do,” Derrida khẳng định, “là sự phá vỡ cái “hiện hữu” hay cấu trúc siêu nghiệm” (Structure 263).

Một trong những “kẽ hổng” đầu tiên mà Derrida bóc trần chính là sự ưu ái dành cho trò chơi hơn là sự chơi của Plato, và theo một nghĩa gần gũi, đó là sự ưu ái đối với lời nói hơn là đối với sự viết. Trong “Out work” và “Play: From the Pharmakon to the Letter and from the Blindness to the Supplement”, ông cho rằng Plato, người được xem là khởi điểm của triết học ngôn ngữ, đã trấn áp sự chơi để ủng hộ trò chơi; Plato ưu ái các trò chơi hơn bởi lẽ chúng có chủ định nghiêm túc và có sự thống nhất trong mục đích, trong khi sự chơi lại phụ thuộc vào sự ngẫu nhiên và may rủi. Tương tự, Plato xem ngôn ngữ nói là thứ tự nhiên, chân thực, nghiêm túc, không mang tính trò chơi song lại xem ngôn ngữ viết là thứ không tự nhiên, giả tạo và phụ thuộc vào sự lừa phỉnh và trò chơi. Như là hệ quả, Derrida đã dành cả cuốn Dissemination để suy tư về việc Plato gán cho lời nói địa vị đặc quyền và tại sao cần phải giải trung tâm quan niệm này đồng thời trao cho sự viết một địa vị bình đẳng. Derrida thực hiện hành vi giải trung tâm này không phải nhằm trao cho sự viết một vị trí đặc quyền mà để nhận thức giá trị của nó như là sự chơi, để phản bác định kiến về “tính không chân thực” của sự viết bằng sự tùy ý, sự thái quá, sự gián tiếp và từ chối những luật lệ, logic trực giác, sự giản đơn, trực tiếp, cấu trúc và “tính chân thực” của lời nói. Derrida ý thức rằng ông không thể đảo ngược được thái độ đối với sự chơi và ngôn ngữ viết trong nền văn hóa của ông nhưng ít nhất, ông hy vọng có thể thu hút sự chú ý đến chúng của độc giả hay gạch chéo chúng [1]. Một phương pháp mà Derrida sử dụng để tra vấn lời nói và cấp hiệu lực cho sự viết là nêu bật việc sử dụng phép đồng loại suy (analogy). Loại suy, ông nói, phụ thuộc vào một số hình thức nhất định của sự tái lặp (repetition) và ông cho rằng vì cả ngôn ngữ viết và nói đều sử dụng phép loại suy và bởi vì cả hai loại ngôn ngữ này đều sử dụng phép tái lặp một cách rộng rãi (cũng như các trò chơi) nên cách để giải trung tâm ngôn ngữ và các trò chơi là thông qua việc sử dụng phép loại suy và lặp lại đến một mức độ vượt ngưỡng: đây là “trò chơi của sự phát tán” (play of dissemination) mà trong trò chơi này, bất cứ cái gì cuối cùng cũng trở nên xói mòn bởi sự vượt ngưỡng.

Bằng việc tra vấn hay giải trung tâm những ý nghĩa đặc quyền, những sự biểu nghĩa (significations) siêu nghiệm hay những “cái hiện hữu” (presences), Derrida đã tạo nên sự khả hữu của một “trường (field) của những sự thay thế (substitutions) vô tận”. Nhận thức cái trường này, như ông đã từng viết trong Of Grammatology, tức là phá hủy “hữu thể thần học” (onto-theology) và siêu hình học của hiện hữu và xác nhận cái “vắng mặt” (absence) hay cuộc chơi bất tận của những ý nghĩa khả hữu” (50). Derrida đã chơi với ngôn ngữ và với người đọc, ông thường khiến cho những luận văn của mình rất khó theo dõi, để lưu ý độc giả rằng có thể, thậm chí cần, bất tuân những cấu trúc đặc quyền của diễn ngôn – bao gồm cả ngữ pháp, từ vựng được chuẩn hóa và khuôn thức (framework) – để tạo điều kiện cho trò chơi của các khả thể khác xuất hiện. Ông đã phá vỡ sự ổn định hay phá nghĩa (designifies) của nghĩa khiến cho nghĩa được phát tán, rải rắc trong suốt một chuỗi biểu nghĩa.

Derrida thừa nhận có kế thừa một số luận điểm từ Jacques Lacan và có vẻ rõ ràng quan niệm của Lacan về tính bất ổn của cái biểu đạt là một trong những luận điểm mà Derrida tiếp thu. Lacan đã lấy chính quan điểm của Saussure về tính võ đoán của ngôn ngữ như một phương tiện để làm xói mòn chính những ý tưởng của Saussure về mối quan hệ ổn định giữa cái biểu đạt và cái được biểu đạt. Trong khi Saussure xem âm thanh và khái niệm (cái biểu đạt và cái được biểu đạt) gắn bó chặt chẽ với nhau, không thể tách rời và do đó mà trở nên bền vững thì Lacan lại thấy ngôn ngữ là một thực thể khó nắm bắt hơn nhiều, luôn ở trong trạng thái trượt nghĩa và mang tính chất trò chơi. Để tra vấn ngôn ngữ, Lacan bắt đầu từ quan điểm của ông về bản ngã (self). Bản ngã, theo ông, bao gồm cả ý thức và vô thức. Ý thức là một phần của nhân cách ảnh hưởng đến mặt nạ công khai của mỗi người, nghĩa là đến nó ảnh hưởng đến năng lực hiểu và tham dự vào những cấu trúc xã hội khác nhau, bao gồm cả ngôn ngữ và các diễn ngôn xã hội khác. Vô thức là phần có khả năng thúc đẩy mạnh hơn và mang tính chất phản xã hội của nhân cách. Theo tư biện của Lacan, nó có ngôn ngữ riêng của mình; hơn thế, nó còn được kiến tạo giống như một ngôn ngữ. Ngôn ngữ của vô thức, tuy vậy, lại không phải là thứ mà ý thức có thể nắm bắt được ngoại trừ thông qua những sai lỗi, hớ hênh (parapraxis) [2] – những giấc mơ, sự lỡ lời, và những động thái phi duy lý, không thể kiểm soát. Ở giữa một động thái của ý thức xuất hiện một động thái vô thức: ngôn ngữ của vô thức đã tự len vào ý thức. Bản ngã, bởi thế, bị chia tách, và ngôn ngữ không bao giờ là thứ nhất quán hay có thể kiểm soát được. Từ quan niệm này, Lacan đi đến chỗ cho rằng nghĩa của từ luôn là thứ rất khó nắm bắt; không bao giờ có một mối quan hệ chắc chắn giữa cái biểu đạt và cái được biểu đạt. Rốt cục, ngôn ngữ không bao giờ sở hữu một mô thức khả đoán và nó mở ra cho những ngẫu nhiên và hỗn loạn; đó chính là một hình thức của sự chơi. Với Lacan, chơi là một hình thức cơ bản của hoạt động con người, sự nhận thức về sự chơi có ý nghĩa nền tảng đối với sự nhận thức về cả ngôn ngữ lẫn bản ngã.

Tên tuổi của Michel Foucault mặc dù không phải luôn được gắn với lý thuyết về sự chơi song rõ ràng công trình của ông có hướng đến vấn đề này. Giống như Derrida và Lacan, ông thường tiếp cận vấn đề trò chơi thông qua một lý thuyết về ngôn ngữ. Đối với ông, ngôn ngữ không phải là cái siêu nghiệm và không hàm chứa mục đích hay hệ quả thiêng liêng nào. Ngôn ngữ nói được hình thành trên cơ sở trò chơi của các ký hiệu và ngôn ngữ viết thì vận hành trên cơ sở “trò chơi của những sự tái hiện” (play of representations) (Language, 120), nghĩa là ngôn ngữ viết dựa trên bảng chữ cái alphabet của chúng ta không tái hiện được điều gì vượt quá phạm vi bị giới hạn của ngôn ngữ nói. Tất cả các khái niệm – về lịch sử, chẳng hạn – chỉ tồn tại khi chúng được cấu trúc bởi ngôn ngữ và các hoạt động diễn ngôn; bản thân ngôn ngữ, sự phát tán của tri thức và quyền năng không phải là những đặc quyền siêu nghiệm mà đúng hơn là những phương thức biểu đạt, những hoàn cảnh và cơ hội ngẫu có tính chất độc đoán. Theo cách hiểu thông thường, ngôn ngữ, quyền năng và tri thức là hệ quả của những xung lực (forces) dự phần vào cuộc chơi cũng như những kẻ tạo nên chúng. Do đó, mọi thực tại đều là hệ quả từ “cuộc chơi của những bề mặt” (Language 168), “sự tác động lẫn nhau của những khác biệt” (Archeology 13), hay “trò chơi giành sự thống trị” (Language 150). Thiếu sự hiện hữu (presence), tính siêu nghiệm (transdency) và thống nhất (unity), hay cái mà Foucault nhận thức như là thế giới, bản ngã, và Thượng đế, (khối cầu [sphere], vòng tròn [circle] và tâm điểm [centre]), thực tại không có cấu trúc bề sâu nữa mà chỉ bao hàm những thủ thuật mang tính trò chơi thông qua “cái khiêu khích, cái xấu và bất khả” (Order 300).

Những khái niệm mà do nhầm lẫn, lại được coi là chuẩn, duy lý và lý tưởng, do đó, tốt nhất nên được đưa trở về khu vực của trò chơi tự do (freeplay) bằng cách làm cho chúng trở nên gián đoạn, vi phạm những giới hạn của chúng, phơi bày những rạn nứt của chúng. Những cơ chế này sẽ đập vỡ mạng lưới các diễn ngôn của chúng, sự mạch lạc trong những luận điểm của chúng, và độ rắn của những nghịch lý. Foucault đã biến diễn ngôn của mình trở thành một trò chơi tự do chống lại mọi quyền uy. Ông hướng đến một thứ diễn ngôn tự do theo một nghĩa cực đoan, một diễn ngôn giải thể chính quyền uy của nó, một diễn ngôn mở ra sự im lặng mà trong sự im lặng ấy, chỉ có “sự vật” tồn tại trong sự Khác biệt (Difference) bất khả quy giản của chúng, kháng cự lại mọi thôi thúc tìm kiếm sự Giống nhau (Sameness) nhằm thống nhất chúng lại trông một hình thức trật tự dù thuộc bất kỳ dạng nào (White 85-6). Theo lời của Foucault, ông có thể “xuyên tạc ý nghĩa tích cực (good sense) và cho phép tư tưởng chơi đùa bên ngoài khuôn khổ chỉnh tề của những sự giống nhau”.

Có nhiều quan điểm giống với Derrida, Lacan và Foucault về trò chơi của các ký hiệu, Roland Barthes và Julia Kristeva có lẽ những tiếng nói có trọng lượng nhất về trò chơi của văn chương và bản thân học cũng nằm trong số những nhà văn có tính trò chơi rõ nét nhất. Barthes thừa nhận “trò chơi của cái biểu đạt có thể diễn ra bất tận” song ông cũng nói rằng, kể từ Homer, nhà văn và độc giả đã hiểu văn học như một “công nghệ của ý nghĩa không được hoàn thành” và các ký hiệu văn học là bất biến (Essays 268-9). Như là một ký hiệu, văn chương giả vờ như tái tạo hay nhân đôi thực tại, sự biểu nghĩa (signification) của nó bao giờ cũng ở tình trạng không hoàn thành hay không khép lại. Khi Barthes tra vấn văn chương nói riêng và suy tư về tất cả những sự viết của bản thân ông, Barthes đã chơi với chính lối viết của mình để thể hiện ý tưởng và những điều mà ông xác quyết như là những đứt đoạn và bất định. Tác phẩm minh họa rõ nét nhất khuynh hướng này là The Pleasure of the Text, trong đó Barthes đã xóa nhòa sự biểu nghĩa của tác phẩm (works)/văn bản (text) và những khoái thú/hoan lạc của chúng, từ đó, không dành đặc quyền cho bất kỳ hình thức nào của ý nghĩa. Julia Kristeva cũng nói về trò chơi của sự viết nhưng bà tập trung vào trò chơi của liên văn bản và của những giọng kép, có xu hướng vi phạm các ngưỡng, chuẩn. Theo bà, các luật lệ và tư tưởng nội tại của một văn bản cấu thành nên một “trường chơi” (field of play), có thể chuyển giao một phần hoặc toàn bộ sang một tác phẩm khác khiến cho toàn bộ trường của văn học bị ô nhiễm bởi sự tương tác của ngôn ngữ và cách hình thức. Tất cả văn học trở thành cuộc đối thoại giữa hiện tại và quá khứ, giữa giọng nói này và giọng nói khác, tóm lại, nó trở thành một “trường chơi” mà ở đó nghệ sĩ và độc giả vừa chơi vừa nhận thức sự tương tác giữa các ký hiệu. Một văn bản luôn luôn vi phạm văn bản khác và với sự vi phạm đó, nó tạo ra những khả thể mới.

Những học giả khác đã đẩy quan điểm này xa hơn. Jacques Ehrmann là một thí dụ, ông đã biên tập một vài số quan trọng của tạp chí Yale French Studies, đặc biệt là số chuyên đề năm 1968 có ảnh hưởng lớn đến những thảo luận về lý thuyết trò chơi, trong đó, ông nói đến “trò chơi của thế giới chính trên cấp độ giải trung tâm của nó” (Tragic 17, 30). Phép tu từ này đươc lấy từ Heidegger và Derrida, nó gợi người ta nghĩ đến thực tại như là một tập hợp những ý nghĩa được đồng thuận; hệ quả là, không có điều gì trong sự nhận thức của con người lại mang bản chất tự nhiên nội tại và cũng không có thứ gì trong thế giới này là siêu nhiên cả. Mọi thực tại đều được kiến tạo trên những cái biểu đạt và sự biểu nghĩa có tính độc đoán, có thể không ngừng bị phá vỡ và giải trung tâm.

Những ví dụ về lối viết của văn chương đương đại chịu ảnh hưởng từ các lý thuyết về sự chơi bao gồm các tác phẩm hậu hiện đại, siêu hư cấu (metafictive) và thể nghiệm (exprimental), tất cả đều nhấn mạnh đến bình diện biểu hành (performative) và phản thân (self-reflexive), những phối cảnh phải hiện thực và những trò chơi ngôn ngữ. Những sáng tác này đều chống lại những quy phạm chuẩn mực về sự viết và chồng lại những quan điểm mang tính quy phạm về chính trị và xã hội; chúng đôi khi tỏ ra ngây thơ về ý thức hệ và mang tính trung lập song đôi khi chúng cũng thể hiện thái độ chống mọi sự độc đoán và chống tư bản (antibourgeois). Trò chơi tự do giữa hư cấu và các giá trị xã hội, do vậy, thường có xu hướng phản bá quyền và mang tính chất đa nguyên, vừa sử dụng đồng thời vừa phản bác lại những giá trị xã hội truyền thống.

Chú thích của người dịch:

[1]: Gạch chéo (sous rature) là một thủ pháp triết học mang tính chiến thuật vốn được thực hiện đầu tiên bởi Martin Heidegger (1899-1976). Trong lá thứ gửi cho Ernst Junger (1956), ông đã suy ngẫm về bản chất phức tạp của hành vi định nghĩa bất cứ điều gì. Heidegger nhận thấy thuật ngữ “Hữu thể” (Being) là khái niệm bị thách thức và ông gạch từ đó, song các nét gạch và chữ đó vẫn còn đó. Bởi “hữu thể” là từ không chính xác nên nó bị gạch song vì nó là cần thiết nên vẫn phải làm sao để có thể từ đó vẫn còn đọc được. Nói gọn lại, đó là hành động gạch đè lên một từ trong một văn bản song vẫn khiến cho từ này có thể đọc được và nằm đúng vị trí. Được sử dụng rộng rãi bởi Jacques Derrida, thủ pháp này biểu thị một từ “không đầy đủ nhưng vẫn cần thiết”, một cái biểu đạt đặc biệt không phù hợp hoàn toàn với khái niệm mà nó thể hiện nhưng vẫn buộc phải sử dụng vì không có hình thức nào khả dĩ hơn trong trong những cách cưỡng chế ngôn ngữ của chúng ta.
Phép gạch đè này được mô tả như là “sự biểu đạt ở dạng thức in (typographical) của giải cấu trúc”, một trào lưu lý thuyết văn học muốn đi tìm, nhận dạng những vị trí bên trong các văn bản nơi những thuật ngữ và khái niệm then chốt có thể trở thành nghịch lý và tự xói mòn, ý nghĩa của chúng trở thành bất định, không thể xác quyết. Mở rộng quan điểm này, giải cấu trúc và việc thực hiện hành vi gạch đè cũng cố gắng chứng tỏ ý nghĩa bắt nguồn từ sự khác biệt chứ không phải bởi sự quy chiếu tới một ý niệm đã tồn tại trước. Với hành vi này, Derrida muốn lưu ý: ý niệm về sự gạch xóa (erasure) không biểu thị một sự hiện hữu bị mất mát, đúng hơn, là sự bất khả tiềm tàng của chính bản thân hiện hữu. Nói cạh khác, đó là sự bất khả tiềm tàng của sự trong suốt, đơn nghĩa của ý nghĩa vốn được gắn cho từ ngữ hay thuật ngữ đó ngay từ đầu. Cuối cùng, Derrida cho rằng, không phải chỉ riêng các ký hiệu cụ thể mà toàn bộ hệ thống biểu nghĩa cũng phải bị gạch đè.

[2]: Còn gọi là “Freudian slip” (lời nói hớ nhưng thành thật –tạm dịch), một sai lỗi trong lời nói, ký ức hay trong hành động phát sinh do có sự can thiệp của một mong muốn, xung đột hay chuỗi suy nghĩ vô thức nào đó.

(Do phần tài liệu tham khảo khá dài nên ở bản đăng trên web này, tạm thời tôi chưa gõ danh mục đó lên đây)

Hải Ngọc dịch

Nguồn: Encyclopedia of Contemporary Literary Theory – Approaches, Scholars and Terms, Irena R. Markaryk (ed), University of Toronto Press 1995, trang 145- 149.a