Monthly Archives: Tháng Mười Hai 2009

tiểu luận – bản chất trò chơi của thơ ca

Bản chất trò chơi của thơ ca nhìn từ một khía cạnh: Luật chơi

http://www.abcgallery.com/B/bruegel/bruegel17.html
Từ thoạt kỳ thủy, trò chơi và thơ ca đã có sự gắn bó mật thiết với nhau. Trong cuốn sách Homo Ludens, Johan Huizinga đã lưu ý: “… trong khi ở những hình thức tổ chức xã hội cao hơn, tôn giáo, khoa học, pháp luật, chiến tranh và chính trị dần dần mất đi mối liên hệ với sự chơi – mối liên hệ vốn dĩ thể hiện rất rõ nét ở những giai đoạn trước đó – thì chức năng của nhà thơ vẫn cố định trong phạm vi của sự chơi (play-sphere). Thi ca, trên thực tế, là một chức năng chơi (play-function)” (Johan Huizinga: 119). Mệnh đề “Thơ ca như là sự chơi” có thể dễ dàng được chấp nhận song có lẽ vẫn cần có những nỗ lực nhận thức thấu đáo hơn. Bài viết này tập trung tìm hiểu một khía cạnh thể hiện rõ nét sự tương đồng giữa trò chơi và thơ ca: luật chơi.

Tính luật lệ được xem là một đặc trưng quan trọng nhất của trò chơi. Johan Huizinga trong tác phẩm Homo Ludens, công trình được xem là đặt nền móng cho lý thuyết trò chơi trong khoa học nhân văn hiện đại, khi định nghĩa về sự chơi (play) đã nhấn mạnh: “[chơi] là một hoạt động tự do, tách ra một cách tương đối khỏi cuộc đời ‘thường nhật’ như là một sự ‘không nghiêm trọng’ song đồng thời lại có khả năng cuốn hút người chơi mãnh liệt và tuyệt đối. Nó là một hoạt động không gắn với một quan tâm vật chất nào và vụ lợi nào. Nó triển diễn bên trong những giới hạn không gian và thời gian của riêng miình, tuân theo những luật lệ cố định và theo một cách thức mang tính mệnh lệnh” (Johan Huizinga: 13; chữ in nghiêng do chúng tôi muốn nhấn mạnh). Roger Caillois, trong Man, Play and Games, cuốn sách được xem như một đối thoại khoa học với Johan Huizinga đồng thời phát triển những vấn đề được gợi ra từ Homo Ludens, trong định nghĩa của mình về trò chơi, bên cạnh những điểm khác biệt, bổ sung thì cũng có một điểm thống nhất với Huizinga: trò chơi tuân theo những quy ước đình hoãn lại những luật lệ thông thường trong khi tạm thời tạo ra những luật lệ mới gắn với những uy quyền riêng biệt (dẫn theo Jacques Ehrmann:35). Như vây, luật chính nhân tố kiến tạo nên trò chơi, biến trò chơi trở thành một thế giới ước lệ, mang tính tự trị tương đối so với thế giới thực tại. Nhờ luật mà trò chơi khả hữu. Luật là những quy định, nguyên tắc, thỏa thuận mà người chơi phải tự giác chấp nhận nếu muốn tham gia vào cuộc chơi. Vì vậy, luật lệ ở trò chơi nào cũng mang tính mệnh lệnh. Bernard Suits, một triết gia khác của lý thuyết trò chơi, định nghĩa: “Chơi một trò chơi nghĩa là cố gắng nhằm đạt đến một trạng thái đặc thù , chỉ sử dụng những phương tiện được luật cho phép mà luật ở đây lại cấm sử dụng những phương tiện hiệu quả hơn trong khi ủng hộ những phương tiện kém hiệu quả [luật cấu thành] và một thứ luật như thế được chấp nhận chỉ vì nó khiến cho một hoạt động như thế [chơi] trở thành khả hữu…Chơi một trò chơi nghĩa là một nỗ lực tự giác để vượt qua những chướng ngại vật không tất yếu” (Bernard Suits: 41). Định nghĩa của Bernard Suits có thể xem là một định nghĩa hàm súc, có sức khái quát cao các hiện tượng trò chơi vô cùng đa dạng trong đời sống, qua đó, ta thấy luật chơi là một hiện tượng trớ trêu, nghịch lý nhưng lại được người chơi chấp nhận một cách tự nguyện. Sự trớ trêu, nghịch lý của luật chơi tạo ra tính thử thách, độ khó khăn đồng thời cũng là sức hấp dẫn, khoái cảm của mọi trò chơi. Robert Rawdon Wilson là nhà nghiên cứu dành nhiều quan tâm đến vấn đề luật chơi trong tác phẩm văn học. Ông cho rằng khái niệm “luật” (rule), bởi độ rắn cao, giới hạn trong một số nguyên tắc đếm được, có thể mô tả như một công thức, không thực sự phù hợp để mô tả bản chất trò chơi của văn học. Thay vào đó, ông đề nghị sử dụng khái niệm “quy ước”/ “quy phạm” (convention) mà theo ông, “lỏng hơn, ít trừu tượng hơn, linh động hơn, không thể mô tả theo kiểu định lượng hay khả đoán, rất khó công thức hóa, và nếu như phớt lờ những quy phạm này thì cũng không phải chịu một sự trừng phạt đặc biệt nào” (Robert Rawdon Wilson: 16). Tuy nhiên, thiết nghĩ, dù là “luật” hay “quy ước” thì đó vẫn là những ý niệm mang tính áp lực, tính thách đố, định hình nên trò chơi, mời gọi người chơi.

Thể loại văn học tự nó đã là một hiện tượng có tính chất quy ước. Sáng tác văn học bởi thế có thể nói là sự chơi thể loại. Trong số các thể loại văn học thì thơ là thể loại mang tính luật lệ rõ nét hơn cả, có thể thấy được ngay trên bề mặt. Cái gọi là thi luật phản ánh rất rõ những đặc trưng của luật chơi. Làm một bài thơ Đường luật, người làm thơ phải tuân thủ hàng loạt những phép tắc, những nhân tố gây khó: niêm, luật, đối, vần, nhịp. Không thỏa mãn được những quy định đó, cái được viết ra sẽ không thể được coi là một bài thơ Đường, bị nhạo báng, bị vứt bỏ. Ngay cả trong những hình thức thơ hiện đại, nơi mà những bó buộc về luật lệ được nới lỏng đến độ nhiều khi không nhận thấy ngay được áp lực của nó, dẫn đến sự hình thành ý niệm “thơ tự do” thì thơ vẫn được coi là “thứ ngôn từ mang tính tổ chức cao”, vẫn chịu những khống chế, quy phạm nhất định. Bởi lẽ đó mà T.S.Eliot đã lưu ý: “Chẳng có thơ nào là hoàn toàn tự do với những người muốn làm thơ đích thực.”

Nhưng bài viết này sẽ không có nhiều ý nghĩa nếu như ta chỉ làm một việc liệt kê những tương đồng giữa luật chơi và luật thơ, để chứng minh trò chơi là một ẩn dụ toàn diện về thơ ca. Còn đó những vấn đề bỏ ngỏ: Nếu như tính luật lệ luôn đòi hỏi được bảo đảm trong thơ ca, vậy thì hình thái của luật chơi đã vận động như thế nào trong lịch sử thơ ca? Làm thơ tức là đối diện với ngôn ngữ mà bản thân ngôn ngữ đã là một hệ thống luật lệ, bản thân ngôn ngữ đã là sự chơi, trò chơi giữa các ký hiệu để sinh thành ý nghĩa. Mối quan hệ giữa thơ với luật lệ của ngôn ngữ – thứ luật mà bản thân ngôn ngữ phải duy trì cho cuộc chơi tạo nghĩa của nó – là quan hệ thế nào? Trò chơi đòi hỏi giữ luật để nó được diễn tiến; bản thân sự đòi hỏi này như thế đã hàm ẩn một sự trấn áp những nguy cơ phá luật, phá vỡ trò chơi. Giữ luật và phá luật – hai động thái đó có ý nghĩa gì đối với tiến trình thơ ca? Những vấn đề như mỹ học của độ khó mà luật thơ tạo ra, khoái cảm của động thái phá luật, quan hệ giữa tính bó buộc, mệnh lệnh của luật với bản chất sáng tạo của thơ ca …cũng là những vấn đề đáng suy ngẫm. Bài viết này hướng đến những câu hỏi nêu trên, phát triển những gợi mở từ các công trình nghiên cứu về trò chơi của Johan Huizinga, Roger Caillois, Bernard Suits, Robert Rawdon Wilson.

Hình thái luật chơi của thơ trong tiến trình thơ ca

Nếu như bản thân thơ không hề là một ý niệm đứng yên thì tính luật lệ trong thơ cũng không bất biến. Thời cổ điển, ở cả phương Đông lẫn phương Tây, tính luật lệ trong thơ đều rất nghiêm ngặt với những khống chế chặt chẽ trên cả hai bình diện hình thức và nội dung, nhiều khi chi phối đến tận cấp độ nhỏ nhất trong cấu trúc bài thơ. Luật trong thơ hoàn toàn có thể định lượng được, xây dựng thành những công thức cho thể loại. Có thể kiểm chứng điều này khi quan sát cấu trúc hình thức của thơ Đường luật ở phương Đông và thơ sonnet ở phương Tây. Làm thơ ở thời cổ điển, về cơ bản, là chinh phục luật lệ của thể loại; luật ngặt nghèo, nhiều sức ép là phép thử sự tinh vi, thiện nghệ của nhà thơ như “một người thợ trong xưởng thợ của mình” (Trần Đình Sử: 12).

Nếu như luật thơ cổ điển có xu hướng công thức hóa vậy thì phải chăng nó mâu thuẫn với bản chất sáng tạo của thơ ca? Trên thực tế, không thể phủ nhận độ rắn của thi luật ở thời cổ điển có gây cản trở cho sự giải phóng cá tính, cảm xúc của người làm thơ. Thế nhưng luật không hoàn toàn là một thứ chướng ngại làm nản lòng mọi khát vọng sáng tạo. Luật chơi không chỉ là yếu tố có tính chất gò bó, gây cưỡng chế; trong luật luôn có một độ mở, luôn hàm chứa một không gian tự do tương đối mà thiếu đi tính chất này, trò chơi cũng không thể diễn ra. Chính bởi độ mở cố hữu của luật nên ta mới thấy có một hiện tượng tưởng chừng nghịch lý: ngỡ như luật thơ cổ điển vốn dĩ đã rất hà khắc song vẫn có những người làm thơ còn sẵn sàng thắt độ khó của luật, đẩy trò chơi vào một tình thế cam go hơn song vì thế cũng hứa hẹn nhiều kỳ thú. Trường hợp bài hồi văn “Vũ trung sơn thủy” được cấu trúc theo sơ đồ bát quái, có thể đọc theo rất nhiều cách của vua Thiệu Trị là một thí dụ. Làm thơ lúc này không chỉ mang tính chất vượt qua thử thách (contest) mà còn là cơ hội để người làm thơ phô diễn kỹ xảo, khoe tài (representation) – hai hình thức cơ bản của sự chơi theo khái quát của Huizinga. Không gian tự do tương đối trong lòng luật này mới là nơi ta quan sát được vẻ sinh động của sự chơi trong thơ cổ điển. Tận dụng khoảng tự do này, nhà thơ sáng tác không chỉ hướng đến việc thỏa mãn những yêu cầu của luật mà còn có thể khiến luật phải nới lỏng hơn, linh hoạt hơn. Những tác phẩm xuất sắc luôn là sự chiến thắng tính chất siêu cá tính của thể loại, in dấu ấn năng lực sáng tạo của kẻ chơi. Khoảng tự do trong luật cần thiết để hành động sáng tác trở thành khả dĩ nhưng cũng chính là chỗ khiến độ rắn của luật bị mềm đi, dần dần đến chỗ bị hóa giải. Một hình thái luật lệ khác, quy ước khác được thiết lập thay vào đó.

Chơi trong thơ trung đại là chơi với, chơi trong những luật đã hình thành trước, đã rắn lại. Sang đến thời hiện đại, tình hình có khác. Nếu như trò chơi trong trung đại nhìn chung là cuộc chơi của tác giả, chấp nhận những thách đố của thể loại và giải quyết chúng trên văn bản thì quan sát diễn tiến của thơ đương đại, có thể nhận thấy một xu hướng: thơ không hẳn chỉ là trò chơi với/trong những luật lệ, quy ước đã sẵn có; thơ còn thiết lập nên những luật lệ mới, quy ước mới, thậm chí chưa từng tiền lập. Nói như Jean-Francois Lyotard, thi sĩ ở thời đại ngày nay có thể đặt mình ở “vị thế của một triết gia: văn bản anh ta viết, tác phẩm anh ta tạo ra, về nguyên tắc, không chịu chi phối bởi những luật lệ đã được thiết lập trước đó, không thể phán xét chúng rạch ròi bằng việc ứng chiếu văn bản, tác phẩm đó theo những phạm trù quen thuộc. Những luật lệ, phạm trù đó là cái mà bản thân tác phẩm đang kiếm tìm. Người nghệ sĩ, nhà văn đã làm việc mà không theo một luật lệ nào để thiết lập nên những luật lệ cho cái chắc chắn sẽ được thực hiện” (Patricia Waugh [ed]: 337, in nghiêng trong nguyên bản).

Nhận định của Lyotard gợi mở nhiều suy nghĩ về hình thái của luật trong thơ ca thời hậu hiện đại. Thứ nhất, luật lệ không còn là những yếu tố siêu cá tính, được đúc kết, khái quát từ thực tiễn và muốn trở thành cái phổ quát áp đặt lên tất cả. Luật lệ, quy ước giờ đây bản thân chúng đã là những sáng tạo, in đậm cá tính của nghệ sĩ, chối bỏ tham vọng trở thành cái phổ quát mà trở thành cái mang tính chất độc sáng. Thứ hai, luật lệ, quy ước không nhằm tạo lập một mô hình mô phỏng cái đã có trước, mà để cấu trúc một mô hình chưa từng hiện hữu. Từ đó, suy ra, trò chơi trong thơ hiện đại/hậu hiện đại bắt đầu bằng việc đặt ra những quy ước, những phép luật, những thỏa thuận ngầm mới giữa nhà thơ – văn bản – người đọc. Điều này lý giải vì sao thơ hiện nay có thể mang những hình thức dị biệt hầu như không giống với chính thơ trong truyền thống. Thơ có thể chối bỏ nghĩa để trở thành những chuỗi vô nghĩa như những sáng tác của các nhà thơ Dada. Thơ có thể chối từ sự tồn tại như một văn bản in như những thể nghiệm thơ âm thanh, thơ trình diễn. Thơ có thể chối bỏ cả chính từ ngữ, cú pháp, tu từ như thơ cụ thể (concrete poetry)… Chính sự cá nhân hóa các quy ước thể loại khiến cho không chỉ đặc trưng thể loại trở thành nhập nhòa mà ranh giới giữa thơ ca và các loại hình nghệ thuật khác hóa mơ hồ.

Thơ và luật lệ của ngôn ngữ

Ở trên, chúng tôi đã lưu ý: Ngôn ngữ tự nó đã chứa đựng những luật lệ. Nếu làm thơ như một sự chơi là ẩn dụ dễ được chấp nhận thì có thể suy ra làm thơ chính là sự chơi với luật lệ của ngôn ngữ, chơi với chính sự chơi, một cuộc chơi mang tính chất thách đố (contest) với mức độ khó rất cao. Câu thơ của Trần Dần: “Anh thử mó vào một dấu phảy văn phạm/Vuốt râu hùm xám còn đỡ sợ hơn” là một thú nhận không hề cường điệu. Bởi ngôn ngữ là thứ kiến tạo nên đời sống, kiến tạo nên chính con người, luật lệ của ngôn ngữ chính là nhân tố duy trì những mô hình được kiến tạo đó, nó sở hữu một thứ quyền năng lớn lao. Những vụ án văn chương do sơ sểnh phạm kỵ húy chữ nghĩa có ở cả phương Đông lẫn phương Tây, từ xưa cho đến tận bây giờ vẫn còn tiếp diễn là thực tế cho thấy tính chất mạo hiểm khi chơi với luật lệ ngôn ngữ.

Nếu làm thơ đích thực là nỗ lực để con người cất lên tiếng nói của mình, khẳng định tư cách chủ thể của mình thì có lẽ thơ thường là một cố gắng phạm luật ngôn ngữ. Việc bài thơ được tổ chức như một thứ “ngôn ngữ quái đản” (mượn chữ của Phan Ngọc) so với ngôn ngữ thông thường, sẵn sàng chấp nhận những cấu trúc ngữ pháp bất thường, những kết hợp từ ngữ trái khoáy, nương theo vần, theo nhịp đã là một sự khiêu khích luật lệ ngôn ngữ, nhằm giải phóng chính bản thân ngôn ngữ ra khỏi thói quen, trao cho ngôn ngữ sự sống cảm tính. Các nhà giải cấu trúc luận đưa ra những kiến giải sâu sắc hơn về cơ chế trấn áp của ngôn ngữ. Cái gọi là ý nghĩa bao giờ kết quả của sự chơi giữa cái vắng mặt (absence) và hiện diện (presence) trong hệ thống. Ý nghĩa là cái hiện diện, và để hiện diện, nó phải đẩy rất nhiều những cái khác ra phía sau, biến chúng thành vắng mặt. Trong cuộc thách đấu với luật lệ của ngôn ngữ, thơ cần phải làm hiện hình những yếu tố vốn bị biến thành tàng hình đó, bị xem là vô nghĩa, chưa có nghĩa, bị coi là cấm kỵ, cũng là cách để thơ ca phá vỡ sự phong tỏa của hệ thống nghĩa đã có, chạm vào những gì mà luật lệ của ngôn ngữ cản trở sự biểu đạt, nói lên. Khoái thú làm thơ trên những hình vị của Trần Dần, nỗi mải miết chạy theo những con chữ xô đẩy có vẻ như lảm nhảm của Bùi Giáng…, xét đến cùng là động thái phá độ rắn của luật lệ ngôn ngữ, hé mở những khả thể khác của sự biểu đạt. Và bởi lẽ đó, Martin Heidegger mới nói: “Thơ ca là nguồn cội của ngôn ngữ.”

Luật và phá luật

Trong Homo Ludens, Johan Huizinga có nêu ra một nhận xét về những kẻ phá luật chơi tuy không được nhiều nhà nghiên cứu sau này chú ý khai triển nhưng theo chúng tôi, tính chất gợi mở vấn đề của luận điểm này là rất lớn. Ông cho rằng: “Rất đáng lưu tâm khi chúng ta để ý rằng so với những kẻ phá luật chơi thì xã hội khoan dung hơn rất nhiều đối với những tên lường gạt. Đó là vì kẻ phá luật chơi kia đã đập vỡ bản thế thế giới chơi (play-world). Với việc rút khỏi trò chơi, y đã cho thấy tính tương đối và mong manh của cái thế giới chơi mà trước đó y đã khóa chặt mình trong đó với những người khác. Y đã lấy đi ảo ảnh (illusion) của nó – một từ nhiều ý vị mà nghĩa đen có nghĩa là ‘trong sự chơi’ (in-play) (xuất phát từ inlusio, illudere hay inludere). Thế nên nhất thiết phải tống khứ y, vì chính y đã đe dọa sự tồn tại của cộng đồng chơi.” (Johan Huizinga: 11). Huizinga lưu ý thêm về những biến thể của kẻ phá luật chơi trong những hình thức xã hội tổ chức cao. Đó là những kẻ bỏ đạo, dị giáo, tiên tri, những nhà cách mạng, những kẻ ngoài vòng pháp luật, thành viên hội kín…Ở những nhân vật này, “tính chất trò chơi hiện diện rất rõ trong những gì họ làm” (Johan Huizinga:12)

Nhiều vấn đề có thể được đặt ra từ đây. Trước hết, ảo ảnh của thế giới chơi quan trọng như thế nào đối với sự hiện sinh của con người đến nỗi kẻ đập vỡ nó phải chịu sự trừng phạt còn nghiêm khắc hơn so với những kẻ lừa đảo? Phải chăng cái ảo ảnh đó chính là cái ý nghĩa mà con người cố gắng kiến tạo cho cuộc đời này mà đập vỡ nó, con người sẽ phải đối mặt với một thứ mà y luôn tìm cách trốn tránh: hư vô? Phải chăng kẻ phá vỡ luật chơi, bằng hành vi của mình, đã chế nhạo bản chất tự lừa dối mình của cộng đồng chơi? Những bài thơ hoàn toàn vô nghĩa của Đinh Linh trong tập Lĩnh Đinh Chích Khoái chính là thứ thơ dễ làm tổn thương công chúng khi nó không dành cho độc giả một chút ảo tưởng nào về sứ mệnh hiện thân cho cái đẹp, cho ý nghĩa của thơ ca. Nó chỉ phơi bày trần trụi một thực tại khi ý nghĩa của ngôn ngữ bị lật mặt nạ, bị rút rỗng. Nhận định của Huizinga cũng cho thấy không phải ai cũng được tham gia vào trò chơi, kết nạp vào cộng đồng chơi và cái gọi là cộng đồng chơi ấy là một hệ thống quyền uy. Sẽ luôn có một bộ phận bị gạt ra đứng bên lề cuộc chơi. Nếu xem văn hóa như một hệ thống nghĩa thì bộ phận ngoại vi này chính là bộ phận vắng mặt. Để cất lên tiếng nói của mình, bộ phận ngoại vi này thường hướng đến một lối viết mang tính trò chơi rất cao với các thủ pháp tiêu biểu như giễu nhại, lai ghép, làm lệch chuẩn ngôn ngữ bởi vì trò chơi có khả năng kiến tạo nên một thực tại khác với cái thực tại được thiết lập với diễn ngôn trung tâm. Những tìm tòi ngôn ngữ của Trần Dần, Lê Đạt, Đặng Đình Hưng, Dương Tường nên được nhìn nhận thêm từ góc độ này. Xét trong cơ cấu xã hội hiện đại, văn học, đặc biệt là thơ , càng ngày càng bị dạt ra biên, trở thành cái ít quan trọng, mất dần vị thế là tiếng nói đại diện có tính phổ quát. Thơ là thể loại bị ngoại vi hóa nhiều nhất, do đó, có thể nói, chỉ có thể bằng cách chơi, thơ mới duy trì sự tồn tại của nó, được là nó. Chức năng của thơ chính là chức năng khuấy động ngôn ngữ, khuấy động cái diễn ngôn trung tâm, mở ra những tiềm năng phát nghĩa, tiềm năng biểu đạt, nói khác đí, đó là chức năng chơi.

Ở trên, chúng tôi có nói đến độ khó vừa như là hệ quả của luật lệ vừa là nhân tố tạo nên sức hấp dẫn của trò chơi nói chung, thơ ca nói riêng. Nếu như chinh phục độ khó là một đam mê của nhân loại thì đến đây có thể nói thêm, phá luật cũng là một khoái cảm, một nhu cầu ở con người. Hai động thái đối lập nhau này thực chất lại cùng chia sẻ mục đích. Thứ nhất, nó là cách để con người khẳng định chính mình, vượt lên giới hạn của bản thân, thể hiện bản lĩnh. Thứ hai, bằng việc gia tăng độ khó hay phá vỡ luật lệ, con người tìm kiếm những khả thể khác ở bản thân mình và cho thơ ca. Điều này hết sức có ý nghĩa khi càng ngày, nghệ thuật càng ý thức rằng khám phá những khả thể mới cho chính mình là mục đích lớn nhất của nó. Trường hợp của Trần Dần có thể xem như một biểu tượng cho sự can đảm của một kẻ chơi thơ: dám đưa thơ vào những cưỡng chế gắt gao đồng thời cũng mạnh dạn đẩy thơ ra xa biên giới của nó nhất. Ông từng thể nghiệm những bài thơ đồng dao, chơi trên những “con âm” có khả năng kết hợp vô cùng hạn chế, triển khai bài thơ theo những nguyên tắc hình thức tự ông thắt độ khó cho chính mình song cũng chính ông lại là người khiến ranh giới của thơ trở thành không xác định khi tạo nên hình thức “thơ- tiểu thuyết – một bè đệm” với tác phẩm Jờ Joạcx (1963), khi dường như kéo hội họa sáp nhập vào thơ trong những thi phẩm có thể được coi là những thể nghiệm thơ cụ thể sớm nhất ở Việt Nam. Bằng sự chơi ấy, Trần Dần không chỉ tìm được cách để vượt thoát khỏi thực tại ngặt nghèo của riêng mình, khiến tiếng nói của mình được cất lên bất chấp những áp lực muốn làm nó câm lặng, mà còn khơi mở một nguồn mạch mới cho thơ Việt hiện đại.


Tài liệu tham khảo chính
1. Ehrmann, Jacques: “Homo Ludens Revistited”, Yale French Studies, No 41, Game, Play and Literature (1968), pp 31-57
2. Huizinga, Johan: Homo Ludens, The Beacon Press Boston 1955
3. Suits, Bernard: The Grasshopper: Games, Life and Utopia, David R. Godine, Publisher, Boston 1990
4. Trần Đình Sử: Những thế giới nghệ thuật thơ , NXB Giáo dục, Hà Nội 1995
5. Robert Rawdon Wilson: “Rules/Conventions: Three Paradoxes in the Game/Text Analogy”, South Central Review, Vol 3. No.4 (Winter, 1986), pp 15-27.

Hải Ngọc (bản thảo chưa hoàn thiện)