Monthly Archives: Tháng Tư 2009

chùm thơ Đinh Linh (nhà thơ Mỹ gốc Việt – 1963)

Đinh Linh (nhà thơ Mỹ gốc Việt -1963)

15

Một hiện tượng văn học vừa có thể gây khó chịu với nhiều người nhưng đồng thời cũng có thể đem đến rất nhiều kích thích trong quan niệm và cảm nhận thơ ca. Thơ Đinh Linh là thứ thơ biết đùa, thậm chí đùa với cả một thứ gây áp lực lớn nhất đối với tư duy con người: ngôn ngữ. Như một đứa trẻ hồn nhiên phát hiện ra trạng thái “cởi truồng” của nhân sinh – đấy là cảm nhận của tôi khi đọc thơ Đinh Linh. Thú thật, đọc thơ tiếng Anh của anh, tôi thích hơn đọc thơ tiếng Việt. Nhưng với một người chưa bao giờ va chạm với đời sống bên ngoài Việt Nam, dịch thơ Đinh Linh chắc chắn là một điều không dễ với tôi, nhất là để có thể chuyển tải được ý vị hài hước của thơ anh.

*

Lam

Trong một số ngôn ngữ, từ “lam” không tồn tại. Ở một số ngôn ngữ khác vắng mặt từ “lục”. Trong tiếng bản ngữ của tôi, từ “màu” không hiện hữu.

Một người được trao cho tất cả mọi thứ trong đời, ngoại trừ màu lam. Tất cả đều diễn tiến tốt đẹp nếu như người ta không nói với y về sự tước đoạt ấy. Kể từ đó, y thề sẽ phá hủy mọi thứ trên đường của hắn: nhà cửa, quê hương, bồ bịch, Thượng Đế, tất cả các màu khác…

Bởi không phát âm được từ “lam”, hề khi nào những cuộc trò chuyện của tôi cần đến từ này, tôi luôn thay thế nó bằng từ “đỏ”.

Những trận lụt ở Quảng Ngãi

Ừa, năm nào ở đây cũng xảy ra lụt, và năm nào chúng tôi cũng mất hết gia súc, của cải, thế nhưng chúng tôi không chuyển sang tỉnh khác. Chúng tôi không thích chuyển.

Và mỗi năm, lụt lại lớn hơn, dường như thế giới này ngày càng nhiều nước. Thế giới này nhiều nước hơn.

Điều tệ hại hơn là nước không hề rút đi chút nào sau mỗi trận lụt và đọng lại thành những vũng lớn trong nhà chúng tôi. Để đối phó, chúng tôi nâng sàn nhà lên.

Thế nhưng nước vẫn tiếp tục dâng, và mỗi năm, chúng tôi phải nâng sàn nhà cao hơn một chút, một chút… cho đến khi chạm đến nóc nhà.


Ở vườn trồng quan tài

Chúng tôi đã từng là một chủng tộc rất cao lớn, thân xác chúng tôi vượt quá cỡ những chiếc quan tài của chúng tôi.

Không biết bao lâu mới có thể trồng được một trong những cỗ quan tài đẹp đẽ này. Cần rất nhiều nước, nắng, phân bón để mỗi cỗ quan tài trưởng thành.

Ngay cả cỗ quan tài nhỏ nhất cũng có người mua. Những cỗ quan tài hình dáng kỳ cục nhất cũng có người lựa chọn.

Cỗ quan tài vừa cho hai người: một cặp vợ chồng, kẻ trên người dưới. Cỗ quan tài này thì vừa cho ba người.

Mặc dù không phải là hiếm, những cỗ quan tài hồng vẫn rất có giá trị. Bọn ăn trộm quan tài luôn nhổ bật chúng lên vào lúc nửa đêm.

Trí óc

Trí óc giống như một khách sạn có nghìn phòng. Khi nghiêng đầu theo một cách này, tôi nghĩ về một vài điều nào đó. Khi nghiêng đầu theo cách khác, tôi lại nghĩ đến những điều khác. Chẳng hạn, nếu nằm ngủ nghiêng về bên phải, tôi sẽ mơ về một bông hồng phai, về tương lai, về một bữa điểm tâm tối ở Passaic, New Jersey.. Khi nằm nghiêng sang bên trái, tôi mơ thấy một bàn tay bóp nghẹt tim mình, thấy mình đang ở trong tù, hay đang xem một trận hockey ở một quán bar tại sân bay, suýt nữa thì lỡ chuyến bay.

Hải Ngọc dịch

Nguồn: Dinh Linh, All Around What Empties Out, TinFish Press 2003.

thơ J. D. McClatchy (nhà thơ Mỹ -1945)

vangogh181

J. D. McClatchy (nhà thơ Mỹ – 1945)

Tôi đã ngồi khá lâu trước bài thơ này. Tôi biết rõ mình không nên dịch nó bởi ngôn ngữ có thể làm biến dạng, sai lệch những ấn tượng mà hình như lâu lắm rồi tôi mới tìm thấy lại khi đọc thơ đương đại. Một cảm thức thẩm mỹ mang hơi hướng cổ điển dường như được phục nguyên trong bài thơ này: cảm thức về trang nhã, thanh tao. Vậy mà rồi tôi đã lại ngồi dịch nó, thật ngớ ngẩn .. Nhưng cái việc muốn nói ra cũng là một nhu cầu bản năng, mọi người thông cảm nhé. Tôi để link bản gốc, các bạn hãy tự đọc và cảm nhận.

Tác giả bài thơ cũng là một nhà thơ tên tuổi của nền thơ ca đương đại Hoa Kỳ, là thành viên của Viện Hàn lâm Thi sĩ, từng nhận giải thưởng của Viện Hàn lâm văn học Hoa Kỳ, đồng thời là một nhà phê bình có uy tín.

*

Bài thơ Trung Hoa

Bất kể thay đổi nào em đang nghĩ đến

Cũng đừng trồng thêm một cái cây trong vườn

Một cái cây là bốn mùa buồn bã

Cái gì đang đi

Cái gì đang đến

Cái gì sẽ không đến

Cái gì không thể đi


Nằm trên giường, qua cửa sổ phía nam

Anh nhìn thấy trăng soi chiếu cả đôi mình em ạ

Bàn tay ai mơn quanh luồng trăng rọi

Phải tay em không?

Anh biết em đang ngồi ngoài kia

Ngắm ánh bạc đơm hoa trên nền đen thẫm


Rớt từ chiếc chén em xuống bức sơn mài của trời đêm

mà em lau bằng tay áo

Như thể những mảng đen đặc dày của nó là không gian bát ngát

giữa đôi ta. Dẫu cả anh và em đều hiểu rõ

Mùa thu này đâu khác những mùa xưa.

Hải Ngọc dịch

Nguồn: J.D.McClatchy, “Chinese Poem”, The New Yorker, 25-2-2008.

Chùm thơ Rafael Perez Estrada (nhà thơ Tây Ban Nha)

magritte162

Rafael Perez Estrada (nhà thơ Tây Ban Nha, 1934-2000)

Rafael Perez Estrada là một nhà thơ theo khuynh hướng avant garde có vị trí quan trọng trong nền văn chương Tây Ban Nha. Tác phẩm của ông thường được so sánh với tác phẩm của Rafael Alberti và Federico Garcia Lorca.

Hai tác phẩm được dịch dưới đây rất khó định danh về thể loại: chúng vừa như những truyện cực ngắn, lại vừa như hai bài thơ. Trên tạp chí Hotel Amerika, nơi đăng hai tác phẩm này, người biên tập đã gọi chúng là những bài thơ. Ở hai tác phẩm này, người đọc có thể cảm nhận được sự kết hợp của những tương phản gay gắt, sự xóa mờ mọi liên kết bề mặt, gợi ra một ấn tượng siêu thực.

Hai tác phẩm không hề đơn giản chút nào để chuyển ngữ. Tôi sẽ hoàn thiện chúng tiếp.

Rafael Perez Estrada

Thuật xem chỉ tay

Trên bàn tay nàng chỉ có một đường chỉ tay duy nhất và nó mang hình của một dấu hỏi.

Và chàng nhìn thấy cái chết đang sục sạo tìm kiếm đường sinh mệnh của chàng qua những lóng xương trên bàn tay. Và chàng biết mệnh chàng đã hết.

Khi bà thầy bói nhìn vào bàn tay, bà thấy chính mình được phản chiếu ở đó.

Trên bàn tay đó, bà nhìn thấy hai đường sinh mệnh tương phản nhau: một đường cực ngắn, và đường kia thậm chí còn ngắn hơn.

Trên bàn tay chàng, định mệnh đã vẽ cả một cung thiên văn.

Thay vào đường sinh mệnh, nàng có một lòng sông. Một dòng sông cuồn cuộn biểu thị số phận nàng.

Chàng trai có một câu thơ mười âm tiết thay cho đường sinh mệnh, cái đã ấn định chàng trở thành một thi sĩ.

Bà thầy bói, kẻ sống cuộc đời lang bạt và đói khát, cuối cùng đã ngấu nghiến ăn bàn tay chìa ra trước mặt mình.

Bất mãn, chàng tự xăm cho mình một đường sinh mệnh mới.

Vào mùa xuân, những đường chỉ tay của chàng sẽ đơm hoa.

Kẻ tự tử cuối cùng cũng tìm thấy đường tử trên bàn tay mình.

Người đàn ông cụt một tay phác trong không trung một đường sinh mệnh tưởng tượng rồi nhận nó làm đường sinh mệnh của mình.

Sau khi thực hiện xong những tội ác của mình, kẻ ám sát tinh vi có thân hình béo mập sẽ nổ phát súng cuối cùng vào đường sinh mệnh trên bàn tay những nạn nhân của hắn.

Với sự tập trung cao độ, thận trọng và nhẫn nại như một tay chơi tem lâu năm, hắn tróc đường sinh mệnh của mình ra khỏi bàn tay, kéo căng nó ra rồi dùng nó để tự treo cổ mình.

Những tình nhân không bao giờ có thể tách lìa bàn tay họ: đường sinh mệnh của họ đã xoắn lại với nhau.


Những hình ảnh

Vào ban đêm, nàng liếm tay của kẻ ám sát như một con chó, trong khi đó, hắn kể tỉ mỉ cho nàng nghe những bộ phim yêu thích của mình.

*

Tôi có một người bạn mắc chứng mất ngủ kinh niên. Nó dường như khiến anh ta phát điên – anh sợ phải ngủ. Anh có thể cảm thấy cơn ác mộng cồn cào đang đến, cái giấc mơ có thể ngấu nghiến anh. “Nếu tôi ngủ”, anh bảo, “giấc mơ sẽ nuốt chửng tôi.”

*

Nàng không được nuôi dưỡng hợp lý: Khi còn nhỏ, đồ ăn kiêng của nàng gồm trứng cá và cánh hoa hồng. Chúng tránh cho nàng phải thấy tất cả những cơn mưa và những gì có màu đỏ son, và nàng chưa bao giờ nhìn thấy mùa thu hay một dòng sông nào chảy vào biển cả. Có lẽ đấy là lý do giải thích vì sao những nụ hôn của nàng lại đắng.

*

Sau này, bên mép của một từ run rẩy, tôi ngắm nàng tan rã, tự huỷ mình trong ánh chiều tà. Đấy là lần cuối tôi nhìn thấy nàng. Đôi khi, một cơn mưa nhỏ lại tạt vào tôi nỗi hoài tưởng và ký ức về nàng lại vụt hiện trong tôi. Một lần duy nhất, trong một chiều hè chạng vạng, vào một giây phút hân hoan, tôi lại nhìn thấy nàng trong hình hài của một đám mây bay ngang lưng trời.

*

Hắn trao cho tôi bàn tay hắn, không phải như một biểu tượng, một cử chỉ thể hiện sự lịch thiệp và tình bạn hữu, mà như một hành động trao gửi theo nghĩa đen, không phải toàn bộ con nguời hắn, mà chỉ là bàn tay. Và tôi không biết phải làm gì với nó. Tôi có cảm giác mình đang sở hữu một thứ gì đó giống như một chiếc lốp thừa, cảm giác của một người có ba bàn tay. Và tôi đi tìm hắn nhưng hắn đã biến mất rồi.

*

Đó là khu rừng của những tình nhân muôn đời, của những người mà thậm chí sau khi chết, nỗi đam mê vẫn dạt dào như lòng sông cuồn cuộn. Họ được ẩn giấu ở đó, được bao bọc trong hơi nước bốc lên từ cánh rừng, và họ ôm ấp nhau, ve vuốt nhau như thể họ là những xác thịt, nhục cảm còn sống động trên da. Và họ không là gì cả, thậm chí không phải bụi, cũng không phải bóng.

*

Và tôi đã thấy con người làm thế nào để giấu những cái bóng của mình phía sau kim tự tháp vĩ đại. Cũng có thể nghe thấy trong bóng tối tiếng bạc leng keng lạnh lẽo. Đó là chốn Lưu đày, họ nói. Và tôi trông thấy vị hoàng tử kéo lê xác người em mình sau lưng. Đó là định mệnh của ông ta, một cô gái nói. Và đúng thời khắc đó, vầng trăng biến thành vàng, thiêu đốt sa mạc.

*

Từ vòm cửa trông ra một cánh đồng hoang buồn bã. Chẳng có gì ở đó ngoại trừ một cái cây, một cái cây không bóng. Khi đến gần, tôi phát hiện ra những giọt nước mắt của nó. Chúng lã chả nhỏ xuống từ những lá cành. Xúc động dâng lên trong tôi khi nhìn một cái cây nức nở. Chính khi ấy tôi mới hiểu thất bại có vị gì.

Hải Ngọc dịch

Nguồn: “Palmistry” &“Images”, Rafael Pérez Estrada, Steven J. Stewart dịch từ tiếng Tây Ban Nha, Hotel Amerika. Athens: Fall 2004. Vol. 3, Iss. 1; pg. 90- 91.